Nhà văn Dương Hướng: Với văn chương, dưới mọi lớp vỏ chữ nghĩa phải là thân phận con người

Mộc Uyển (thực hiện) |

Dương Hướng là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học hậu chiến Việt Nam. Hiện ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi - Hội Nhà văn Việt Nam. Trong không khí năm mới Giáp Thìn, phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông về dư âm phía sau cuộc thi “Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao Động phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Trong cuộc thi này, nhà văn Dương Hướng tham gia Hội đồng giám khảo chung khảo.

Trong thời gian dài, cả người viết và người đọc trên văn đàn Việt Nam dường như ít mặn mà với chủ đề công nhân, người lao động. Đã từ lâu, chúng ta không có những tác phẩm nổi bật tạo được tiếng vang, tạo được sự lan tỏa và thu hút quan tâm của dư luận bạn đọc. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, ông lý giải như thế nào về vấn đề này?

- Đúng như vậy, từ vài chục năm trở lại đây mảng đề tài công nhân và công đoàn ít được giới cầm bút quan tâm, cũng ít có những tác giả nổi trội như các lớp đàn anh trước đó.

Hiện trạng này bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, do xu thế thời cuộc, do sự phát triển kinh tế mở với nhiều thành phần, do tính luân chuyển của nguồn lực lao động giữa các khu kinh tế...

Nhưng nếu so sánh về những thành tựu, giá trị các tác phẩm văn học của thế hệ nhà văn lớp trước, với các tác phẩm của các nhà văn đương đại thì cũng không thua kém nhau, mà đúng ra không nên so sánh bởi sẽ rất khập khiễng.

Lấy ví dụ như tác phẩm tiểu thuyết "Vùng mỏ" của nhà văn Võ Huy Tâm được xếp vào hạng nền móng của văn học công nhân. Nhưng ta cứ đem tiêu chí ngày ấy làm mục tiêu, tiêu chí cho văn học ngày nay thì quả là nguy cho nền văn học nước nhà. Các nhà văn ngày nay đòi hỏi phải có tư duy rộng hơn, xa hơn. Như xưa ta mới chỉ có nóc nhà cấp bốn nhìn ra xung quanh hàng xóm láng giềng, nhưng ngày nay ta đã có những tòa nhà cao tầng nhìn ra đại dương...

Là một trong những nhà văn giữ vai trò giám khảo tại cuộc thi “Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn” giai đoạn 2021 - 2023, ông đánh giá như thế nào về số lượng, chất lượng, khả năng bám sát thực tế của cuộc thi?

- Có thể chắc chắn một điều rằng, cuộc thi đã khơi dậy một cách nhìn mới về người lao động nói chung, và góc nhìn riêng về người công nhân với vai trò công đoàn trong các tập đoàn kinh tế trong nước, tập đoàn kinh tế nước ngoài tại việt Nam, những người công nhân lao động trong các công trường xí nghiệp vừa và nhỏ.

Tôi là một thành viên giám khảo trong Hội đồng chung khảo, chúng tôi rất bất ngờ nhận ra các tác giả tham gia cuộc thi lần này có số lượng đông đảo và rộng khắp trên mọi miền tổ quốc, từ Bắc, Trung đến Nam. Cuộc thi đã quy tụ được nhiều những cây bút gạo cội tham gia với những tác phẩm xuất sắc. Kết quả đã thu về gần 500 tác phẩm dự thi, có 18 tiểu thuyết, 40 truyện ngắn lọt vào chung khảo. Trong đó, giải Nhất tiểu thuyết trao cho "Hoa xương rồng" của Nguyễn Trí, truyện ngắn là "Con đường của Hạ" của Phương Trà.

Và cái được nhất của cuộc thi lần này là đã phát hiện ra những tác phẩm xứng đáng để trao giải và khơi lại không khí sáng tác sôi động của những người cầm bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên.

Ảnh đồ họa: Tuấn Anh
Ảnh đồ họa: Tuấn Anh

Các tác phẩm dự thi đã phản ảnh được nhiều góc nhìn mới về người lao động, người công nhân và các hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay.

Trong cuộc thi lần này, tôi cũng như các thành viên trong ban giám khảo thật sự tiếc cho một vài tác phẩm rất xuất sắc nhưng không được giải vì một vài lý do nội dung không sát với chủ đề tiêu chí của cuộc thi.

Có nhiều người chia sẻ ý kiến về việc để nhà văn viết hay, hiểu và sâu hơn về người thợ thì phải cho nhà văn thực tế 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc cùng với người thợ. Tức là trở lại như những năm 1960 - 1970, cho nhà văn xuống lò, ra công trường, lênh đênh bám biển cùng anh em đánh bắt thủy sản. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Đầu tiên phải khẳng định lại rằng, để viết được một tác phẩm hay về đề tài công nhân, công đoàn quả là khó hơn các đề tài khác vì tác giả phải ép mình vào những công việc, ngành nghề của công nhân và những hoạt động của
công đoàn.

Nói thật, các nhà văn không phải ai cũng am hiểu thực tế các công việc rõ ràng ở từng ngành nghề.

Cho nên việc các nhà văn đi thực tế sáng tác là chuyện cần thiết. Bởi vì chỉ có hiểu biết ngọn ngành công việc, có gắn bó, hiểu rõ từng đối tượng nhân vật mới viết được sâu sắc về họ. Ngoài ra, người cầm bút còn cần nhiều yếu tố khác nữa mới làm nên tác phẩm hay, có giá trị như tài năng và lòng nhiệt huyết chẳng hạn.

Tên những tác phẩm tham dự cuộc thi “Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn 2021-2023”. Ảnh đồ họa: Văn Đức Dũng
Tên những tác phẩm tham dự cuộc thi “Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn 2021-2023”. Ảnh đồ họa: Văn Đức Dũng

Theo ông, những tác giả trẻ hiện nay có cảm nhận được sức hút từ đề tài về thân phận người công nhân, lao động?

- Trong sáng tác văn học, tôi nghĩ không nên quá nặng nề về đề tài. Mỗi tác giả đều có thế mạnh của riêng mình về mặt nào đó. Trong cuộc thi này, số lượng các tác giả trẻ rất ít. Tôi nghĩ điều này cũng hợp lý bởi các tác giả trẻ thường có lối tư duy tự do, họ thích gì, thuộc gì thì viết về vấn đề ấy, chứ ít lệ thuộc vào các điều kiện, nên họ ít quan tâm tới đề tài.

Trong một tác phẩm văn học điều quan trọng nhất vẫn là số phận các nhân vật, số phận con người nói chung thông qua bối cảnh, ngành nghề.

Trong cuộc thi viết về đề tài công nhân vừa qua rất nhiều tác phẩm viết về đề tài công nhân công đoàn, có những nhân vật được tác giả xây dựng rất thành công với đủ các ngành nghề khác nhau, như truyện ngắn "Con đường của Hạ" đoạt giải Nhất.

Đặc biệt có tác phẩm tiểu thuyết của Lê Thanh Kỳ, viết về nhân vật từng là một người lính trở về sau chiến tranh đã không xin được việc làm, suốt cả quãng thời gian tuổi trẻ chỉ ước mơ được trở thành một công nhân nhưng suốt đời anh ấy không phấn đấu được.

Anh ấy phải kiếm sống bằng cái nghề bắt cá dưới các đường cống ngầm chảy ra sông Hồng. Anh bị mùi hôi thối ám vào người đến nỗi đi đến đâu mọi người đều xa lánh... Và cuối cùng anh ta phải bỏ nghề móc cống đi học nghề thợ mộc đóng quan tài. Số phận con người được khắc họa rất khốc liệt.

Với văn chương, dưới mọi lớp vỏ chữ nghĩa, điều đọng lại cuối cùng phải là thân phận con người.

Ông sinh ra ở quê hương Thái Bình, nhưng có nhiều năm sống tại cái nôi của giai cấp công nhân là Quảng Ninh. Ông có thể chia sẻ thêm vì sao số lượng nhà văn gắn với vùng mỏ, người thợ cứ rơi rụng dần theo năm tháng?

- Mỗi một ngành nghề đều có thời hoàng kim của nó. Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân ngành mỏ. Điều này không một ai có thể phủ nhận. Nhưng Quảng ninh ngày nay đã thay đổi đã khác xa xưa về mọi lĩnh vực. Thời đại 4.0 ta không chỉ nghĩ đến công nhân mỏ, nghĩ đến hầm lò mà các ngành nghề khác cũng không kém phần quan trọng để các nhà văn quan tâm như: Đề tài biển đảo, đề tài du lịch, đề tài biên giới, cửa khẩu, quốc phòng an ninh...

Chính vì xu thế phát triển triển hội nhập mở ra một cách nhìn mới của mọi tầng lớp xã hội nên văn học cũng cần phải có cái nhìn mới và thay đổi tư duy, mới hy vọng có được tác phẩm hay, phù hợp với xu thế thời đại.

Điều đáng mừng ở cuộc thi “Sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn” lần này có sự tham gia của tác giả Đặng Huỳnh Thái với tiểu thuyết "Bể than Đông Bắc" đoạt giải Ba. Tác phẩm viết về quá trình hình thành và phát triển của một vùng đất từ thời Pháp thuộc đến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và thời kì sau giải phóng xây dựng đất nước, rất đồ sộ và quy mô về vùng mỏ.

Ở thể loại truyện ngắn tác giả Nguyễn Thanh Bình, hiện sinh sống tại thành phố Hạ Long cũng đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm "Một gia đình thợ mỏ".

Tuyển tập một số tác phẩm tham gia Cuộc thi Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023. Ảnh: Hải Nguyễn
Tuyển tập một số tác phẩm tham gia Cuộc thi Sáng tác văn học về công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023. Ảnh: Hải Nguyễn

Trong tiểu thuyết đã hoàn thành ở dạng bản thảo của ông “Lời người gác đèn” có xuất hiện số phận của người công nhân, người lao động trong biến cố thời đại?

- Có điều này phải chia sẻ thật, tôi không quen viết theo đề tài nhưng trong năm nay tôi cũng đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết khá dày dặn tới hơn 600 trang gửi dự thi sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam phát động.

Các nhân vật trong tác phẩm đều mang số phận khác nhau. Người làm nghề đóng tàu, người làm nghề chài lưới, người đi lính trong chiến tranh.

Tác phẩm không mang riêng một chủ đề nào. Tiểu thuyết nói tới biển đảo, nhưng chủ đề không hẳn là biển đảo, nói về một làng chài ven biển nhưng chủ đề không hẳn là về nghề cá. Chủ đề tư tưởng chính của tác phẩm hướng về số phận con người - số phận gia đình ly tán, số phận làng xã, số phận dân tộc.

Tất cả đều phải trải qua các biến cố, các sự kiện do mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn của thời cuộc. Tất cả những điều đó đã tạo nên nguồn cảm hứng để tôi cầm bút.

Mộc Uyển (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Nhà văn Nguyễn Một và cái nhìn “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

ngọc dủ (thực hiện) |

Trong cuộc trò chuyện đầu năm với Báo Lao Động, nhà văn Nguyễn Một - người vừa đoạt Giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam năm 2023 với tác phẩm “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” đã đưa ra những góc nhìn về câu chuyện của một tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, giai đoạn hậu chiến và những thông điệp đằng sau của nó.

Nhà văn dành 6 năm để thấu hiểu cuộc sống của công nhân ngành dầu khí

Thanh Hải (thực hiện) |

Tác phẩm tiểu thuyết “Phía sau tiếng sóng” của tác giả Trương Quốc Anh xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Để có tác phẩm văn học xứng tầm thời đại cũng cần đúng người, đúng thời điểm

hào Hoa (thực hiện) |

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà văn Y Ban quanh câu chuyện về những sáng tác cho công nhân, người lao động nói riêng và tác phẩm văn học về thân phận con người nói chung trên văn đàn Việt Nam hiện nay giữa muôn vàn biến động thời cuộc.

Nữ diễn viên Việt từng đóng phim Hollywood tỏa sáng ở “Mai” của Trấn Thành

Mi Lan |

Không phải Tuấn Trần, 2 nữ diễn viên Phương Anh Đào và Hồng Đào mới là những điểm sáng lớn nhất về diễn xuất trong phim “Mai”.

2 vợ chồng bị đuối nước khi bơi thuyền ra sông để chụp ảnh ở Thanh Hoá

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nhóm 8 người chèo thuyền ra khu vực lòng hồ thủy điện để chụp ảnh thì không may bị lật thuyền, hậu quả khiến 2 vợ chồng bị đuối nước thương tâm.

Đầu năm mới cùng ngư dân Thái Bình vươn khơi săn lộc biển

TRUNG DU |

Thái Bình - Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, giá cá khoai lưới tăng cao ở mức 250.000 đồng - 300.000 đồng/kg. Phóng viên Lao Động đã có chuyến ra khơi đầu năm cùng ngư dân ở huyện ven biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để đi săn loài cá được gọi là lộc biển này.

Chủ đầu tư nợ hàng chục tỉ đồng, KCN Mỹ Xuân A2 bị giảm 50% áp lực nước

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Đơn vị cấp nước đã thực hiện giảm 50% áp lực nước vào Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 do chủ đầu tư nợ hàng chục tỉ đồng tiền nước chưa thanh toán.

Món quà độc lạ thầy cô lì xì cho học sinh ngày đầu trở lại trường

Tường Vân - Trà My |

Để buổi học đầu tiên của năm mới thật vui vẻ, nhiều giáo viên đã tự tay chuẩn bị những món quà sáng tạo, đẹp cả hình thức lẫn nội dung tặng cho học sinh.

Nhà văn Nguyễn Một và cái nhìn “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín”

ngọc dủ (thực hiện) |

Trong cuộc trò chuyện đầu năm với Báo Lao Động, nhà văn Nguyễn Một - người vừa đoạt Giải thưởng văn học Hội nhà văn Việt Nam năm 2023 với tác phẩm “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” đã đưa ra những góc nhìn về câu chuyện của một tác phẩm viết về đề tài chiến tranh, giai đoạn hậu chiến và những thông điệp đằng sau của nó.

Nhà văn dành 6 năm để thấu hiểu cuộc sống của công nhân ngành dầu khí

Thanh Hải (thực hiện) |

Tác phẩm tiểu thuyết “Phía sau tiếng sóng” của tác giả Trương Quốc Anh xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn.

Để có tác phẩm văn học xứng tầm thời đại cũng cần đúng người, đúng thời điểm

hào Hoa (thực hiện) |

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà văn Y Ban quanh câu chuyện về những sáng tác cho công nhân, người lao động nói riêng và tác phẩm văn học về thân phận con người nói chung trên văn đàn Việt Nam hiện nay giữa muôn vàn biến động thời cuộc.