Nhà văn Bắc Sơn: “Cảm hứng phụ thuộc vào thái độ sống của nhà văn với thời cuộc!”

Việt Văn (thực hiện) |

Là một người làm công tác giáo dục trên 30 năm, sau chuyển sang làm quản lý xuất bản báo chí thuộc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch HN, nhưng phải đến khi nghỉ hưu, ông mới thực sự bung ra nguồn năng lượng sáng tạo bị dồn nén từ lâu mà trước đó những bút ký hay tản văn của ông chỉ là phần quá nhỏ. Nhà văn Bắc Sơn cũng là người có duyên với các giải thưởng văn học với những tiểu thuyết chính luận.

Vì sao ông đi theo con đường viết tiểu thuyết chính luận?

- Mình đã đi sau đi muộn thì phải chọn cho mình con đường riêng, ít người khai thác. Thường người ta nói về những cái đã qua như tiểu thuyết lịch sử khai quật lại những điều lịch sử đã chôn vùi nhưng soi chiếu dưới một góc nhìn mới, như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” dùng cũ để nói mới.

Tôi không thông thạo nhiều về lịch sử mà lại rất yêu cuộc sống hôm nay thì tại sao lại không cố mà tìm hiểu, mà lăn vào cuộc sống để viết, và bản thân mình đang là một nhân chứng, một con ốc nhỏ, một cái đinh vít trong cái bộ máy để tìm hiểu nó. Tiểu thuyết chính luận về cuộc sống đương đại nói như nhà báo Hữu Thọ là mở cửa sổ ra đã thấy không khí tiểu thuyết tràn vào. Mỗi con người là một số phận, là một thiên tiểu thuyết ngắn.

Vậy ông chọn vấn đề gì để đưa vào tiểu thuyết?

- Vấn đề bao trùm cả cuộc sống đương đại là thể chế, vấn đề xây dựng thể chế, hoàn thiện thể chế. Rồi bộ máy điều hành, cơ chế điều hành và những con người trong hệ điều hành ấy.

Con người hôm nay và hôm qua khác nhau rất nhiều. TS Lê Kiên Thành có nói: Năm 1986 khi Đảng tiến hành đổi mới lần thứ nhất, và đã thành công. Đội ngũ cán bộ thời ấy còn rất trong sáng, không có tham nhũng lớn và cũng chưa có tham nhũng vặt.

Và theo tôi, càng không có tham nhũng quyền lực. Nhưng tham nhũng quyền lực chưa nguy hại bằng tham nhũng cơ chế, chính sách. Tác hại của nó rất lớn, giải quyết phải mất nhiều năm...

Và cụ thể ông đã đưa vào tác phẩm như thế nào?

- Ngay từ bộ tiểu thuyết đầu tiên với hai cuốn: “Luật đời cha con” và “Lửa đắng”, tôi đã đặt vấn đề: Để bộ máy thống nhất tập trung cao độ thì không thể không nhất thể hóa. Nhân vật Trần Kiên, Bí thư Quận ủy đại diện cho cán bộ dám nghĩ dám hành động, dám chịu trách nhiệm, chịu khó đi sâu vào thực tế, cho nên có thể giải quyết những con tính cụ thể trong một bài tính tổng hợp. Khi được phép của nhân vật Tổng Bí thư cho thí điểm nhất thể hóa thì đã thành công, bằng việc làm cụ thể sắp xếp lại các cơ quan Đảng, nhất là các cơ quan cùng chức năng nhiệm vụ với chính quyền ở huyện Lâm Du.

Vừa qua, trong số những tác phẩm báo chí được giải cuộc thi “Búa liềm vàng” có một tác phẩm viết về thực tế nhất thể hóa thành công ở Quảng Ninh.

Và tôi rất sung sướng khi thấy những suy nghĩ, trăn trở của mình đã được thực tế chứng minh. Hồi đó, một số ban của Đảng cấp TƯ đã được thu gọn, hoặc sáp nhập lại, và Bộ Nội vụ cũng tổ chức những cuộc hội thảo quốc gia về các cơ quan bên Đảng và chính quyền cùng chức năng có thể nhập làm một không?

Ngoài bộ “Gã tép riu” ra thì bộ tiểu thuyết mới nhất (mỗi bộ gồm 2 cuốn) “Vỡ vụn” và “Cuộc vuông tròn” đi sâu vào những con người trong hệ điều hành mà một nhân vật tiêu biểu là Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh và hai nhân vật nữa là Người mỏng toàn diện và ông Quy trình.

Ông Quy trình thực hiện chính sách cán bộ mà không trong sáng, lành mạnh, làm công tác tổ chức cán bộ gặp rất nhiều khó khăn ở nhiều nơi. Người mỏng toàn diện là đại diện cho những cán bộ, văn hóa đọc hạn chế chỉ quen nghe cấp trên phổ biến rồi về truyền đạt lại. Ông ta không có nhận thức, chính kiến riêng để biết cái gì chưa được, cái gì cần điều chỉnh, cái gì cần phản biện...

Lần đầu tiên nhân vật Tổng Bí thư (TBT) được đưa vào văn học và được độc giả đón nhận. Độ xác thực của những chi tiết và sự hư cấu của văn học được ông pha trộn như thế nào?

- Tôi không có điều kiện tiếp xúc với các nhân vật cấp cao, nhưng ông Đặng Vũ Minh hiện là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, từng là ủy viên TƯ Đảng hai khóa liền có nói với tôi: Đọc sách của anh, tôi có cảm giác anh được dự thính các cuộc họp do Tổng Bí thư chủ trì.

Đã là nhà văn, tôi luôn theo dõi chặt chẽ các diễn biến chính trị, và hình dung ra được diễn biến, thậm chí cách nói khẩu khí của nhân vật TBT.

Nhân vật TBT trong “Lửa đắng” có dáng đi của người lính, với những nếp nhăn chạy trên trán là sự quan sát của tôi với nguyên mẫu của một TBT cụ thể, còn các cuộc họp do TBT chủ trì, kể cả những sinh hoạt đời thường của ông là hoàn toàn hư cấu, nhưng là hư cấu có sức thuyết phục, nó đúng với tính cách nhân vật mà tôi đã xây dựng. Như tạp chí Văn nghệ quân đội từng đặt tôi viết một bài từ nguyên mẫu đến nhân vật. Tôi đã viết về một nhân vật trong tiểu thuyết của tôi từ nguyên mẫu nhà báo Hữu Thọ, nhân vật tôi ít tiếp xúc, nhưng được tham dự những cuộc giao ban mà ông chủ trì khi là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa TƯ. Và nhân vật TBT, vô tình một lần dự lễ kỷ niệm thành lập tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi mới được bắt tay nguyên mẫu - là TBT Lê Khả Phiêu.

Khi viết về các nhân vật cấp cao, ông tự đặt ra những giới hạn nào cho mình để không đi quá đà?

- Tư tưởng dù tự do đến đâu cũng phải chịu giới hạn của thời đại mình sống.

Và ông đã nạp tư liệu như thế nào?

- Tôi theo dõi sát sao các phương tiện thông tin đại chúng, mọi động thái chính trị, các cuộc gặp gỡ tiếp xúc quan trọng, mình đều nghe, xem, quan sát rất tỉ mỉ. Và tôi vẫn đọc đều, đặc biệt là hồi ký của các nhân vật lịch sử.

Trong khoảng giữa hai bộ tiểu thuyết đó, ông viết bộ “Gã tép riu” (phần 2 sắp ra mắt) với lối viết khác hẳn, hoạt hơn, hài hước hơn, ngôn ngữ cũng “thời thượng” hơn...

- Vì lối viết ấy phù hợp với cuộc sống, hoàn cảnh sống, tính cách, công việc của nhân vật. “Gã tép riu” có nhân vật Tùng trưởng phòng quản lý báo chí xuất bản - gần như là tự truyện. Các vụ việc đều có thật, nhưng các quan hệ sống thì hoàn toàn là hư cấu. Tôi muốn đi sâu vào số phận từng cá nhân trong hệ điều hành.

Tại sao ông không vào nghề viết văn sớm hơn, điều gì đã cản trở ông?

- Trăng đến rằm thì trăng tròn. Tôi đã dạy học 30 năm ở các tỉnh, khi về Sở Văn hóa đã 3 lần được mời sang làm các cơ quan Đảng, nhưng tôi đều từ chối. Nghề dạy học thoạt nhìn có vẻ đơn điệu, không năng động về cuộc sống. Nhưng nó lại giúp cho tôi về mặt suy nghĩ, tư tưởng năng động, thậm chí có lúc hiếu động nên mới dám viết tiểu thuyết chính luận. Nhà văn đang làm theo giống như đơn đặt hàng của thời cuộc.

“Anh thông thạo đến chi li, ngóc ngách mọi mặt đời sống từ cao sang đến tầm thường, kể cả những chuyện vặt vãnh trong đời thường, thậm chí nhiều khoản, mục đạt tới mức quái kiệt”, “...ngôn ngữ hàn lâm, đầy kịch tính, giọng kể đậm đà chất hoạt kê, hóm hỉnh, tươi ròng sự sống, tạo nên một không gian nghệ thuật mới mẻ, không nhàm chán...”. Đó là trích đoạn trong những bài giới thiệu đúng hơn là bài bình của nhà văn Ma Văn Kháng về tiểu thuyết của ông. Ông có nghĩ nhà văn Ma Văn Kháng là người hiểu ông nhất?

- Tiếc là tôi quen với nhà văn rất muộn mặc dù anh em là bạn đồng môn. Tôi học trước anh Kháng 1 năm nhưng là “chíp hôi” vào trường (ĐH Sư phạm Hà Nội) thì anh Kháng đã là cán bộ đi học đã viết văn.

Khi tôi mới vào nghề thì anh Kháng đã là cây tiểu thuyết hàng đầu VN. Anh Kháng là “anh lớn” trong làng văn, là bạn vong niên...

Anh Kháng có nhắc với tôi một câu của ai đó là “Người ta phải chết một lần thì nhà văn phải chết thêm hai lần nữa. Chết trong sự quên lãng của bạn đọc và sự đố kỵ của đồng nghiệp. Lúc hoạn nạn, người ta đến với mình đã quý. Lúc mình thành công, bạn bè đến với mình cũng quý không kém”.

Những bài anh Kháng viết về sách tôi, tôi vô cùng trân trọng vì đây là người có nghề viết chứ không phải chỉ là người phê bình nên mới hiểu sâu sắc, cặn kẽ mọi ngóc ngách trong bếp núc của nghề viết, lời khen và lời chê mới sướng.

Làm sao ông luôn duy trì được sức cảm hứng, vì cứ “rút ruột” mãi cũng cạn?

- Phụ thuộc vào thái độ sống của nhà văn với thời cuộc. Cuộc sống hôm nay buộc những người yêu nó phải suy ngẫm phải trăn trở về nó dù biết thực ra viết tiểu thuyết chính luận cũng chỉ là bắn súng chỉ thiên, chọc gậy xuống nước, nếu có lay động chạm vào được tâm tư tình cảm, suy nghĩ của một ai đó là may lắm rồi.

Tôi cũng chỉ ước ao giá như nhiều người cầm cân nảy mực đọc được thì chắc sẽ có nhiều cái bổ ích, đặc biệt là tính dự báo của văn học.

Vậy tính dự báo của ông trong tiểu thuyết như thế nào?

- Trong bộ “Luật đời, cha và con”, “Lửa đắng”, tính dự báo về nhất thể hóa, rồi các cuộc thi tuyển công chức vào những chức vụ lãnh đạo... Bộ thứ hai “Gã tép riu” - dự báo về việc ban hành các văn bản có tính quy phạm pháp luật, nếu không được cân nhắc điều tra xã hội học mà đã ban hành thì không thể đi vào cuộc sống. Trong “Vỡ vụn” đề cao tầm quan trọng của nước như là một tài nguyên, rồi dự báo về hiện trạng kinh doanh trong giáo dục thi nhau mở trường đại học...

Xin trân trọng cám ơn nhà văn và chờ mong những tác phẩm mới của ông!

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, là Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Hà Nội 3 khóa liền, nghỉ hưu mới viết tiểu thuyết nhưng thành công ngay với “Luật đời, cha và con” (Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN - 2005, 1 năm tái bản đến 8 lần, dựng thành phim nhiều tập được khán giả bầu chọn là phim truyền hình được yêu thích nhất - 2007 ); “Lửa đắng” - giải C cuộc thi tiểu thuyết lần thứ III (2006 - 2010) của Hội Nhà văn VN. Sau đó là “Gã tép riu” - giải C cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2010 - 2015) của Hội Nhà văn VN và năm 2016 và đầu năm 2017, ông liên tiếp cho ra mắt bộ tiểu thuyết hai tập “Vỡ vụn” và “Cuộc vuông tròn”. Ông từng đoạt nhiều giải tại các cuộc thi khác nhau trong có Giải thưởng Văn học sông Mê Kông (2016) cho bút ký “Chúng ta đến với nhau”
Việt Văn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước

Thanh Hà |

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đặc sản gà Đông Tảo biếu Tết ở Việt Nam lên báo nước ngoài

Thanh Hà |

Gà Đông Tảo đặc sản ở Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán đã xuất hiện trong bài báo của hãng tin AFP ngày 17.1.