Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, Chợt ngọt chợt đắng...

Từ Tâm |

Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim tên thật là Nguyễn Kim Thành, gốc ở Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội; nhưng sinh ra và lớn lên ở “miền quan họ” Bắc Ninh. Cho đến nay, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đã xuất bản 26 tác phẩm, 3 năm gần đây, năm nào ông cũng có sách “trình làng”.

Năm 2019 là “Thơ Nguyễn Thanh Kim”, năm 2020 là “Sông dài nắng đang trưa”. Gần đây nhất, tập thơ “Thế giới của những giấc mơ" của ông được xuất bản ở nước ngoài và được giới thiệu trong sự kiện văn hóa tại Phố Sách (Strada de C, Arte), thủ đô Bucarest, Romania.

1. Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu cho biết “Tập thơ của Nguyễn Thanh Kim được nhà thơ Võ Như Mai chuyển ngữ tiếng Anh, nhà thơ Andrea H. Hedeș chuyển ngữ từ bản tiếng Anh sang ngôn ngữ đích là tiếng Romania. Chính thức phát hành tại Romania tháng 9.2021”. “Tại sao thi ca lại phải khiến người ta hiểu được?”, câu nói của nhà làm phim, nhà soạn nhạc và danh hài Charlie Chaplin từ đầu thế kỷ 20 thật đúng, dẫu chuyển thể từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

“Quê tôi ở vùng thung lũng sông Cầu. Mỗi khi đi xa về tôi thường đi dọc triền đê. Có lẽ vùng quê tôi cuối nguồn sông trước khi đổ vào Lục Đầu giang nước xuôi chảy êm lặng hiền hòa hơn”, Nguyễn Thanh Kim giới thiệu trong “Theo những mùa trăng”; Quê hương là hai từ thiêng liêng với mỗi người. Mảnh đất quê hương yêu dấu mà nơi ấy cho ta hạt gạo ta ăn, ngụm nước ta uống, là nơi đã đón nhận những bước chân chập chững đầu đời. Quê hương ấm áp, ngọt ngào như dòng sữa mẹ, nuôi lớn ta từng ngày, từng ngày. Đối với các nhà thơ, gần như sáng tác về quê hương còn là “trả nợ” nơi sinh ra và lớn lên. Trong thơ Nguyễn Thanh Kim, quê hương ông hiện lên một diện mạo.

Nguyễn Thanh Kim đã từng ngẩn ngơ, đêm rằm sông Cầu, “Đã phơi ra những soi cát trắng xóa. Đã oằn xanh lũy tre chắn gió sau mùa bão lũ. Đã thấp thoáng bóng ai quẩy đôi thúng ra sông gánh nước về vẽ li ti những vệt dài khó hiểu...”, (Rằm trăng sông Cầu).

Rung động chân tình, sáng tạo trong nghệ thuật cấu tứ. Xuyên suốt các bài thơ của Nguyễn Thanh Kim là ý thức, một trách nhiệm đối với quê hương. “Miền quan họ” trong thơ ông tươi rói những sắc mầu kỷ niệm “Đất làng là đất dâu xanh / nên tơ vàng óng nhẹ thênh khắp miền”.

Ông không chỉ viết về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình mà còn nhiều vùng quê khác, nơi từng đến suốt chiều dài đất nước. Tình cảm quê hương Nguyễn Thanh Kim triển khai và nâng lên trong tình yêu Tổ quốc. Miền nam trong thơ ông là hiện thân của phẩm chất anh hùng cách mạng. “Cơn gió chướng miệt tràm lộng thổi nôn nao / cánh ong bay rợp góc trời tuổi nhỏ / đi suốt mười năm lòng cồn cào nỗi nhớ / không nguôi quên mảnh đất cực Nam này” (Từ Đất Mũi).

Thơ Nguyễn Thanh Kim như con người ông, hồn hậu, giản dị, đầm ấm. Nhiều bài thơ của Nguyễn Thanh Kim là sự việc, câu chuyện được dẫn dắt bằng một tình cảm tha thiết, trách nhiệm, là sự hài hòa giữa mô tả và biểu hiện, giữa kể và tâm tình. Như mọi nhà thơ khác, “nơi chôn nhau cắt rốn” là một đề tài lớn trong thơ Nguyễn Thanh Kim. “Cánh đồng thơ” Nguyễn Thanh Kim trù phú “miền quan họ”.

2. Nguyễn Thanh Kim ngoài đời lặng lẽ, kiệm lời. Có lẽ nhờ thế mà thơ ông sâu lắng, nhiều cung bậc, không giấu được nỗi buồn. Với nhà thơ, nỗi buồn luôn là vẻ đẹp, nỗi buồn dễ nhận ra trong tác phẩm.

Nguyễn Thanh Kim là những người thuộc thế hệ lớn lên trong sự gian khó, những năm tháng nghĩ lại ai cũng rùng mình “Giật mình lo đứt bữa / trán ướt đẫm mồ hôi” (Tự cảm). Có dịp ngồi cùng ông, nghe ông kể từ chuyện quê, chuyện gia đình, những “bĩ cực” từng trải, mới vỡ ra ký ức thời nào cũng đáng trân trọng. Con người ông và “con người thơ” đáng yêu hiện ra hồn nhiên, mộc mạc, khiêm nhường và nhẫn chịu.

Ông lấy vợ, sinh con khi cả hai vợ chồng đều là sinh viên. Thời trước, đó là chuyện hiếm. Đấy là những ngày đất nước đang thực hiện "3 chương trình kinh tế". Hồi đó, tàu Thống nhất Bắc - Nam không may bị trật bánh là cán bộ, học sinh, sinh viên - nói chung là "dân ăn tem" bị đói. Hồi ấy con đường trước mặt Trường Viết văn Nguyễn Du và Đại học Văn hóa (đường đê La Thành, Hà Nội), nơi vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Kim học heo hút, chủ yếu nhà tranh, tre, nứa lá, chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã bụi. Nghèo cả đất nước, nghèo ập lên từng nhà, từng số phận. Đến mức "Giấy xi măng che gió lùa đêm đông/mẹ trở giấc con thèm day vú mẹ" (Nhắn gửi).

Nguyễn Thanh Kim làm phóng viên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Bắc từ năm 1975, năm 1980 thì ông sang Hội Văn nghệ Hà Bắc. Từ 1990 - 1995, ông là phóng viên báo Hà Bắc. Từ 1996, ông chuyển về công tác tại báo Sức khỏe và Đời sống của Bộ Y tế. Như vậy, ông mới là “công dân” Hà Nội đúng 25 năm. Ngày vợ chồng, con gái Nguyễn Thanh Kim “khăn gói quả mướp” về Thủ đô, đất nước cũng đang quá khó khăn. Đất nước mới qua 10 năm đổi mới, dần dần mới nhận ra “con đường quá độ”.

Vợ ông, chị Vũ Thu Hương sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển xứ Nghệ An tảo tần, nhanh nhẹn, tháo vát. Chị vượt lên khó khăn, chăm con, nuôi chồng làm thơ. Những năm tháng này còn lưu lại trong thơ ông “Lưng chưa ấm chỗ nằm / Nhà còn nhiều chỗ dột / Đêm cùng bạn chung chăn / Trăn trở hoài muốn khóc” (Ngày chưa xa).

Ở đợ mãi, rồi vợ chồng ông cũng mua được một căn hộ tập thể gác ba khu Vĩnh Hồ. Căn hộ nhỏ chưa tới 20m2, vừa người vừa dành chỗ cho mấy tủ sách của ông nên càng chật chội. Vậy nhưng, nhà rộng ở tấm lòng. Nguyễn Thanh Kim - Vũ Thu Hương “đãi” bạn bè anh em, trong đó có các nhà thơ, nhà văn bằng nghĩa, bằng tình. Thế là nhà rộng thôi. “Cha thì đi vắng luôn / nơi chân trời góc bể / anh nhớ đến nao lòng / bến quê tràn nắng gió” (Bến quê).

Mẹ ông, như bao người mẹ Việt Nam truyền thống, dâng hiến, tất cả chỉ vì con. Năm nay bà đã ngoài 90 tuổi, Nguyễn Thanh Kim là con trưởng, chắc chắn anh là người đã từng lăn lội cùng cha, lấm lem cùng mẹ đồng gần, đồng xa. Cho đến hôm nay, dù đã lên chức ông, nhưng nhớ cha đã mất, mỗi lần về bên mẹ, ông xa xót, trăn trở chữ hiếu. "Bao năm tóc trắng mẹ tôi/ Đầu sông cuối chợ một thời đạn bom/ Bao nhiêu nắng quái chiều hôm/ Nghiêng dài bóng mẹ hắt dồn sang tôi" (Mẹ tôi).

Những trang viết của nhà thơ Nguyễn Thanh Kim về bố mẹ, vợ, con, cháu ngoại, bạn bè văn chương của Nguyễn Thanh Kim đầy “nhân vị” người. Ông đồng môn, đồng khóa với cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Y Phương, Đàm Chu Văn... “Kiếp người tóc nỡ phôi pha / tuổi thơ đọng ở quê nhà ai mong” (Vẩn vơ).

Thơ là người. Cho đến bây giờ Nguyễn Thanh Kim vẫn viết những câu thơ nặng nghĩa, nặng tình. Ông bảo, mình không thể nào khác được. Những trang viết của ông làm sống lại những hồi ức gian khó, để trân quý hơn những giá trị đã được tạo dựng hôm nay. Tác phẩm là "khuôn mặt", tạo nên "diện mạo" nhà thơ Nguyễn Thanh Kim.

3. Nguyễn Thanh Kim là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ những năm 1994, cùng lớp hoặc sau một chút với những tài hoa như Duy Phi, Trần Ninh Hồ, Đỗ Chu, Nguyễn Phan Hách, Vũ Từ Trang, Anh Vũ, Trần Anh Trang... Tên tuổi lớp nhà văn, nhà thơ này ít nhiều định hình trên văn đàn Việt. Chính nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam điểm tên Nguyễn Thanh Kim trong danh sách những nhà thơ có đóng góp vào thành tựu thơ Việt Nam nhiều năm qua.

Nay nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đã ngoài thất thập. Nhiều người ở tuổi ông đã “rửa tay gác kiếm”, tận hưởng thú vui cháu chắt, cờ quạt, thăm thú đó đây, giỗ chạp lễ lạt, việc sống coi như khép lại. Nguyễn Thanh Kim, trái lại không buông bút. Ông vẫn yêu, đau đáu nhân tình thế thái “Nhiều khi ta tự bóc mình như bóc một trái cam / Chợt ngọt đầu môi mà se se đắng” (Nhiều khi). Trách nhiệm của người viết nói chung, thi sĩ nói riêng, sống không được thu mình, tách khỏi cuộc sống, còn sống còn vật vã cùng thân phận.

Nguyễn Thanh Kim viết mà không cố, viết thoải mái, chân thực như cuộc đời ông. Trong ông có “hai tâm hồn”, thế sự đớn đau và tình quê, tình người trong trẻo. Hỏi đến, ông cười nhẹ nhõm: “Với đời, cái gì được thì đã được rồi, mất thì đã mất rồi; với thơ, cái gì hay thì hay rồi, nhạt thì nhạt rồi. Bây giờ, tôi sống và viết thanh thản”. Nguyễn Thanh Kim đang dự định ra mắt bạn đọc tập chân dung văn học, khắc họa chân dung những nhà thơ quan trọng của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Ông vẫn xanh bãi bồi, chợt đắng, chợt ngọt đầu môi như câu thơ ông đã từng viết.

...

Câu ca một thuở qua rồi

Như phù sa lấp một thời trong tôi

Mà xanh ngút ngát bãi bồi

Dâu lên tằm chín ửng trời bên sông

(Nghe trong câu hát tằm tơ).

Từ Tâm
TIN LIÊN QUAN

Nhà thơ Vân Long - một mảnh hồn thu Hà Nội

Anh Thư |

Nhà thơ Vân Long sinh năm 1934 tại Hà Nội, nguyên là biên tập viên thơ Nhà xuất bản Hội nhà văn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội (2006-2007). Ngoài 8 tập thơ đã xuất bản, ông còn sáng tác nhiều cho thiếu nhi và là cây bút viết chân dung - tiểu luận phê bình hấp dẫn. Mùa thu là một không gian đầy xao động, gợi mở trong thơ ông. Và chính ông cũng là một phần của mùa thu Hà Nội.

Gặp nhà thơ kể chuyện những ngày tháng chống dịch bằng âm nhạc

BẠCH CÚC |

Từ những câu chuyện có thật trong mùa dịch đã để lại trong lòng nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên những cảm xúc đặc biệt, từ đó ông đã cho ra đời những bài hát lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người. "Bàn thờ cha giữa Sài Gòn giãn cách", "Chiều trên chốt kiểm dịch", "Chợ 0 đồng"... là những bài ca tiêu biểu nhằm khích lệ tinh thần chống dịch thời gian qua.

Nhà báo - nhà thơ: Sự đồng điệu “chức phận cao quý của thi ca”

Đinh Viên |

Vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta rất vui khi làng báo xuất hiện ngày càng nhiều thêm những nhà báo yêu thơ và trực tiếp làm thơ. Không ít người vừa viết báo, ghi hình, chụp ảnh, làm kỹ thuật truyền thông…, đã có những tập thơ xuất bản, được công chúng thơ đón nhận, hoan nghênh. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập một “góc nhỏ” trong bình diện thơ nói chung hiện nay – đó là sự cảm nhận, tương tác, thấu hiểu sẻ chia giữa những người đã và đang vừa viết báo, vừa sáng tác thơ.

Nhà thơ Nguyễn Duy: "Thanh bình là phúc của dân tộc"

Lê Thanh Phong |

Gõ cửa nhà thơ Nguyễn Duy sáng mùng một Tết Tân Sửu 2021, lại bày ra chén rượu, lại thơ. Những bài thơ Nguyễn Duy viết về Tết năm xưa, nay vừa rượu, vừa nghe ông đọc nhâm nhi, buồn và thấm.

Nhà thơ Bằng Việt và bài thơ qua nửa thế kỷ

Anh Thư |

Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, nguyên quán xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ). Ông là gương mặt nổi bật của thơ hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Bước sang thế kỷ 21, ông vẫn miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa. Ở mỗi chặng thời gian, thơ ông luôn thể hiện những thay đổi, nhận thức lại chính mình và thế giới xung quanh. “Nghĩ lại về Pautopxki” là bài thơ đánh dấu chặng đầu tiên trong sự thay đổi, nhận thức lại đó của ông.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Nhà thơ Vân Long - một mảnh hồn thu Hà Nội

Anh Thư |

Nhà thơ Vân Long sinh năm 1934 tại Hà Nội, nguyên là biên tập viên thơ Nhà xuất bản Hội nhà văn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội (2006-2007). Ngoài 8 tập thơ đã xuất bản, ông còn sáng tác nhiều cho thiếu nhi và là cây bút viết chân dung - tiểu luận phê bình hấp dẫn. Mùa thu là một không gian đầy xao động, gợi mở trong thơ ông. Và chính ông cũng là một phần của mùa thu Hà Nội.

Gặp nhà thơ kể chuyện những ngày tháng chống dịch bằng âm nhạc

BẠCH CÚC |

Từ những câu chuyện có thật trong mùa dịch đã để lại trong lòng nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên những cảm xúc đặc biệt, từ đó ông đã cho ra đời những bài hát lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người. "Bàn thờ cha giữa Sài Gòn giãn cách", "Chiều trên chốt kiểm dịch", "Chợ 0 đồng"... là những bài ca tiêu biểu nhằm khích lệ tinh thần chống dịch thời gian qua.

Nhà báo - nhà thơ: Sự đồng điệu “chức phận cao quý của thi ca”

Đinh Viên |

Vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta rất vui khi làng báo xuất hiện ngày càng nhiều thêm những nhà báo yêu thơ và trực tiếp làm thơ. Không ít người vừa viết báo, ghi hình, chụp ảnh, làm kỹ thuật truyền thông…, đã có những tập thơ xuất bản, được công chúng thơ đón nhận, hoan nghênh. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập một “góc nhỏ” trong bình diện thơ nói chung hiện nay – đó là sự cảm nhận, tương tác, thấu hiểu sẻ chia giữa những người đã và đang vừa viết báo, vừa sáng tác thơ.

Nhà thơ Nguyễn Duy: "Thanh bình là phúc của dân tộc"

Lê Thanh Phong |

Gõ cửa nhà thơ Nguyễn Duy sáng mùng một Tết Tân Sửu 2021, lại bày ra chén rượu, lại thơ. Những bài thơ Nguyễn Duy viết về Tết năm xưa, nay vừa rượu, vừa nghe ông đọc nhâm nhi, buồn và thấm.

Nhà thơ Bằng Việt và bài thơ qua nửa thế kỷ

Anh Thư |

Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, nguyên quán xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (cũ). Ông là gương mặt nổi bật của thơ hiện đại Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Bước sang thế kỷ 21, ông vẫn miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa. Ở mỗi chặng thời gian, thơ ông luôn thể hiện những thay đổi, nhận thức lại chính mình và thế giới xung quanh. “Nghĩ lại về Pautopxki” là bài thơ đánh dấu chặng đầu tiên trong sự thay đổi, nhận thức lại đó của ông.