Nhà thơ mang áo lính và tình yêu với miền biên giới

THUÝ HUYỀN (thực hiện) |

Tự nhận mình là người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và báo chí, Thiếu tá Phạm Vân Anh - Phó Giám đốc Điện ảnh Truyền hình Biên phòng từng rẽ theo nghề khác. Nhưng chính tình yêu dành cho văn chương, đam mê và nỗ lực hoàn thiện bản thân đã đưa chị tiến xa trên chặng đường sáng tác nghệ thuật. Nhà thơ mang áo lính này ghi dấu ấn mạnh mẽ trong mảng đề tài về bộ đội biên phòng và dân tộc thiểu số.

Xin chúc mừng chị đã đón nhận Giải thưởng Vừ A Dính - một trong những giải thưởng ghi nhận nỗ lực sáng tác, nghiên cứu về đề tài dân tộc thiểu số và hoạt động công tác xã hội, thiện nguyện suốt những năm qua. Chị hãy chia sẻ về giải thưởng này!

- Là người có may mắn giành được nhiều giải thưởng trên các lĩnh vực khác nhau, nhưng khi được tin mình được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ học bổng Vừ A Dính trao tặng giải thưởng Vừ A Dính, tôi thực sự rất vui và tự hào. Bởi thực tế, tôi luôn cho rằng các hoạt động hướng về biên giới, biển đảo và chăm lo cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản thân tôi là một điều gì đó rất đỗi tự nhiên, là mệnh lệnh mà trái tim của một người lính, một người mẹ thúc giục.

Với tôi, giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực của bản thân trong các hoạt động sáng tác, nghiên cứu về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi cùng các hoạt động an sinh xã hội bền bỉ suốt 10 năm qua. Vinh dự này tôi luôn ghi nhớ đó là nhờ sự vun vén, hỗ trợ, yêu thương, tin tưởng của đồng chí, đồng đội cùng bạn bè, gia đình đã hỗ trợ tôi trên mọi phương diện.

Cơ duyên nào đưa chị đến với mảng đề tài biên giới - biển đảo? Ai là người truyền cảm hứng mạnh mẽ để chị bền bỉ trên hành trình sáng tạo về đề tài này?

- Trong suốt một chặng đường dài 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, có thể nói lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là mảnh đất đã ươm mầm cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ có tên tuổi trong cả nước. May mắn, tôi vừa được sống trong môi trường sáng tác chuyên nghiệp của Hội Nhà văn Việt Nam, vừa có cơ hội tiếp cận thực tế cuộc sống với vai trò là người trong cuộc, một người lính biên phòng trên mặt trận tư tưởng văn hóa.

Dẫu phải trải qua một quá trình học hỏi, trải nghiệm và nỗ lực sáng tạo nhiều nhọc nhằn và thử thách, trong tôi vẫn luôn đầy ắp tình yêu đối với văn chương, đặc biệt là đề tài người lính biên phòng và dân tộc thiểu số. Riêng ở mảng đề tài biên giới và người chiến sĩ biên phòng, tôi luôn có lòng tin rằng, câu chuyện về những người đồng đội đang giữ vai trò “khiên thép trấn biên” nơi địa đầu của Tổ quốc đã và sẽ luôn là những chất liệu đầy nhân văn, hào sảng cho các sáng tác của tôi từ trước tới nay và cả sau này.

Chính đồng đội và đồng bào các dân tộc trên biên giới đã gợi mở cho tôi sức nghĩ, sức viết, sự tinh nhạy và nguồn cảm xúc ấm áp, thúc đẩy tôi luôn quyết tâm làm bằng được những điều mình yêu thích và điều mình tin tưởng. Điều này đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc phát hiện đề tài phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn và từ đó tạo cảm hứng cho tôi sáng tác văn học, điện ảnh hay công tác nghiên cứu.

Những trải nghiệm cuộc sống, những khoảnh khắc, cơ hội được sống cùng lịch sử, văn hóa và nhân sinh quan Việt đầy sống động và minh triết của quân dân nơi “tiền đồn phên dậu” phần nào được tôi chuyển tải qua những tác phẩm của mình. Tôi say mê với các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo về đề tài này bởi tôi thấy đất Việt rộng dài, người Việt trung hậu chính là vỉa quặng quý để tôi “đãi thành vàng” trong mỗi tác phẩm của mình.

Rất nhiều vai trò gắn với tên tuổi của chị, từ nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà làm phim, dịch giả... Chị cho rằng đâu là lĩnh vực để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất của riêng mình?

- Đúng là tôi có hơi “tham lam” khi tham gia hoạt động ở nhiều loại hình văn học - nghệ thuật khác nhau. Đó cũng là cách để tôi trải nghiệm cuộc sống, học hỏi tri thức, kinh nghiệm từ thầy, từ bạn và đồng nghiệp, cũng đồng thời là cơ hội “thách thức” bản thân vượt lên để rèn luyện tư duy, cảm xúc và kỹ năng.

Nếu một ai đó còn băn khoăn trước nhiều tài lẻ của tôi, thì hãy coi như những tài lẻ ấy là “cây cầu” để kết nối tôi với cộng đồng, với bạn bè. Ở những đám đông, có khi tôi là ca sĩ hát tình ca, có khi tôi là ca nương để hát ca trù, có khi tôi đọc thơ vui với mọi người. Nhưng tôi vẫn quen mọi người gọi tôi với danh xưng nhà thơ, một danh xưng nhẹ nhàng nhưng là cái nghiệp mà tôi trân trọng.

Chị đã đi chặng đường dài để sáng tác, theo đuổi nhiều đề tài, thể loại... Trong thời gian tới, liệu chị có muốn thử sức với điều gì mới?

- Với tôi thơ vẫn là mục đích theo đuổi đến cuối đời nhưng trên hành trình dài đó sẽ có nhiều thứ tôi không thể dùng ngôn ngữ thơ để thể hiện và phải chuyển tải bằng nhiều hình thức khác. Thiết nghĩ người hành hương khôn ngoan là người luôn biết mang theo mình nhiều hành trang để đến được đất thánh mà không đứt gánh giữa chừng. Tôi cho rằng, khát vọng bứt phá và cách tân trong văn chương luôn tồn tại trong tôi và tôi sẽ đón nhận “nhân duyên” đó vào đúng thời điểm thích hợp.

Vấn đề là tôi đang muốn thử nghiệm mình trên mọi phương diện để có đủ độ chín nhất định. Truyền thống hay cách tân đều có ưu điểm riêng của từng trường phái. Nếu người viết biết kết hợp cả hai ưu điểm ấy thì mỗi trang văn, mỗi dòng thơ của họ sẽ có chiều sâu tư tưởng, bản lĩnh dưới hình thức thể hiện hoặc giọng điệu mới lạ. Tôi hy vọng bản thân sẽ sớm khẳng định được phong cách văn chương của mình theo phương châm ấy.

Năm 2023, tôi hy vọng có thể ra mắt cuốn tiểu thuyết về chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn - nhiệm vụ quốc tế của quân đội nhân dân Việt Nam giúp đỡ cách mạng Trung Quốc giải phóng vùng biên khu các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam năm 1949; tập Trường ca hậu hiện đại có tựa đề “Sống trong giả lập” và dịch một tập truyện ngắn của nhà văn trẻ người Nga - Alexander Kabishev.

Ngoài sáng tác, chị còn là một nhà hoạt động vì cộng đồng bền bỉ hơn 10 năm qua. Chị có cho rằng mình quá “đa mang”?

- Khi còn là sinh viên, tôi đã tham gia dạy học tình nguyện tại Nhà tình thương Niệm Nghĩa và hỗ trợ chăm sóc, nuôi dạy trẻ em nhiễm chất độc da cam tại Hội Chữ thập đỏ Thiện Giao, Hải Phòng. Sau này, trong quá trình công tác khắp nẻo biên cương của Tổ quốc, tôi có cơ hội cảm nhận thấu đáo và sâu sắc đối với nhiều vấn đề, gặp được những phận đời éo le, bất hạnh, từ đó thôi thúc tôi chia sẻ nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn.

Từ các hoạt động tặng quà cho đồng bào nghèo vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay chung tay cùng bà con vượt qua thiên tai, bão lũ, những năm gần đây tôi bắt đầu hướng tới những hoạt động có chiều sâu hơn như vận động tổ chức các chương trình “Trung thu biên cương”, xây dựng các “Vườn cây khăn quàng đỏ” và nhận đỡ đầu 5 em học sinh mồ côi theo chương trình “Nâng bước em tới trường” của BĐBP và tặng áo ấm, sách vở cho trẻ em nghèo vùng biên giới, hải đảo.

Thiếu tá Phạm Vân Anh tặng quà cho đồng bào Dao ở khu vực biên giới Bảo Lạc, Cao Bằng năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiếu tá Phạm Vân Anh tặng quà cho đồng bào Dao ở khu vực biên giới Bảo Lạc, Cao Bằng năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi muốn chăm lo nhiều hơn cho thế hệ trẻ ở biên giới để các em có thêm cơ hội vượt lên chính mình, thực sự trở thành những chủ nhân tương lai của vùng đất phên dậu.

Đâu là cách để chị tìm điểm cân bằng trong cuộc sống?

- Có vẻ như tôi hơi tham lam nhưng do đặc thù công việc là một nữ quân nhân, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như viết báo, làm thơ, viết văn, viết kịch bản, đạo diễn, nghiên cứu nghệ thuật dân gian và có thời gian làm chỉ huy, quản lý một đơn vị bộ đội..., nên chính yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu cũng như khát vọng muốn được thử nghiệm bản thân lại là động lực để tôi phấn đấu bền bỉ.

Với tôi, việc vượt qua khó khăn trong cuộc sống có vẻ như dễ dàng hơn vượt qua khó khăn nội tại để sáng tác hiệu quả. Sự “đa mang” của bản thân quả cũng nhiều lúc khiến tôi có cảm giác mình đang đi trên dây, nếu không cẩn trọng, bình tĩnh và tinh tế thì có thể thất bại bất cứ lúc nào.

Tôi nhận ra rằng, chỉ cần có một tình yêu với quê hương đất nước, một tấm lòng bền bỉ với văn chương và một khát vọng hướng thiện, người ta có thể vượt qua được rất nhiều khó khăn để tạo dựng một con đường sáng tạo mang dấu ấn riêng mình.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!


THUÝ HUYỀN (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Nhiều kỷ vật quý của các nhà thơ được trưng bày tại Ngày thơ Việt Nam 2023

Hải Minh |

Nhiều kỷ vật của các nhà thơ nổi tiếng được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong sự kiện Ngày thơ Việt Nam 2023.

Vẻ đẹp người chiến sĩ qua 3 tập thơ của nhà thơ Nguyễn Hồng Minh

Mai Hương |

Sáng 11.11, nhà thơ Nguyễn Hồng Minh giới thiệu và ra mắt 3 tập thơ: "Nửa vầng trăng đợi", "Bến sông trăng" và "Cầu vồng ký ức".

“Vẫn nguyên là nỗi khát” của nhà thơ Hồng Thanh Quang

Thanh Hương |

“Vẫn nguyên là nỗi khát” - một đêm thơ nhạc đặc biệt của nhà thơ Hồng Thanh Quang sẽ được tổ chức vào ngày 4.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Gian nan vận động hiến tạng, hồi sinh những ca bệnh ngấp nghé cửa tử

Thùy Linh |

Danh sách chờ ghép tạng tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia luôn có khoảng 3000 bệnh nhân. Đây là những ca bệnh nặng, ngấp nghé "cửa tử", nếu như không có nguồn tạng hiến từ người cho chết não thì họ sẽ không có cơ hội sống. 

Chứng khoán: Áp lực chốt lời được dự báo diễn ra mạnh

Gia Miêu |

Áp lực chốt lời được dự báo sẽ diễn ra mạnh trong phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần, tuy nhiên khả năng cao chỉ số tiếp tục duy trì đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu trụ.

Cập nhật giá vàng sáng 24.3: Đua nhau mua gom khi vàng tăng giá

KHƯƠNG DUY (T/H) |

Cập nhật giá vàng hôm nay: Tính đến 23h ngày 24.3, giá vàng được các đơn vị kinh doanh trong nước niêm yết ở ngưỡng 66,45 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới trên Kitco ở mức 1.966,6 USD/ounce.

Tỷ giá USD chợ đen, tỷ giá hối đoái, giá USD ngân hàng hôm nay 24.3

Trà My |

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay: Giá USD thị trường tự do trong nước ở mức 23.500 - 23.570 đồng (mua vào - bán ra). Giá vàng thế giới ở mức 1992,20 - 1993,20 USD/ounce (mua vào - bán ra). Giá vàng SJC trong nước ở mức 66,55 - 67,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Nghệ An: Dự án cao tốc Bắc Nam nguy cơ chậm tiến độ vì 1 hộ dân

QUANG ĐẠI |

Cho rằng việc thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam làm nứt nhà, một hộ dân ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã liên tục ngăn cản việc thi công trong nhiều tháng qua làm dự án trọng điểm này đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Nhiều kỷ vật quý của các nhà thơ được trưng bày tại Ngày thơ Việt Nam 2023

Hải Minh |

Nhiều kỷ vật của các nhà thơ nổi tiếng được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) trong sự kiện Ngày thơ Việt Nam 2023.

Vẻ đẹp người chiến sĩ qua 3 tập thơ của nhà thơ Nguyễn Hồng Minh

Mai Hương |

Sáng 11.11, nhà thơ Nguyễn Hồng Minh giới thiệu và ra mắt 3 tập thơ: "Nửa vầng trăng đợi", "Bến sông trăng" và "Cầu vồng ký ức".

“Vẫn nguyên là nỗi khát” của nhà thơ Hồng Thanh Quang

Thanh Hương |

“Vẫn nguyên là nỗi khát” - một đêm thơ nhạc đặc biệt của nhà thơ Hồng Thanh Quang sẽ được tổ chức vào ngày 4.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.