Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm: “Tôi... không hiền đâu!”

Thủy Nguyên |

Tròn 20 năm gánh trên mình trọng trách “đứng mũi chịu sào” của một trong những ngôi trường tiểu học nổi tiếng nhất nhì Thủ đô, lại mang trong mình trọng bệnh suốt 9 năm qua, nhưng ở tuổi 72, bà Hiền vẫn bảo toàn được tác phong nhanh nhẹn, quyết đoán; ánh mắt nồng nhiệt, tinh anh của một “người lái đò” giàu nhiệt huyết; là nhà giáo duy nhất của Hà Nội được đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhân dịp 20/11 này...

Đừng đưa tôi hai thứ: Phong bì và... !

Giờ thì đã có quá nhiều “bản sao” của Đoàn Thị Điểm so với thời điểm 20 năm trước, khi bà là một trong những người tiên phong sáng lập ra ngôi trường tiểu học ngoài công lập đầu tiên trong cả nước. Thời điểm nào với bà là khó khăn hơn: Đặt những viên gạch đầu tiên, hay đọ độ cao và sức vươn của những bức tường?

- Đặt những viên gạch đầu lên một nền đất trống, bên cạnh cái khó của người mày mò, hẳn cũng có cái dễ của cái sự “một mình một chợ”. Giờ thì quả là Đoàn Thị Điểm có nhiều “đối thủ cạnh tranh” hơn, thậm chí còn là những “đối thủ” mạnh hơn về tiềm lực kinh tế lẫn kinh nghiệm quản lý, đến từ các cổ đông nước ngoài... và cách duy nhất của chúng tôi là phải cố mà tìm ra những điểm khác biệt của mình. Trong mọi quyết sách của tôi ở trường, tôi luôn đứng vào tâm thế của một nhà giáo dục làm kinh doanh, nên cái gì cần làm cho giáo dục, có lợi cho học sinh thì mình làm. Thứ tự ưu tiên của tôi ở trường là học sinh - giáo viên, rồi mới tới cổ đông. Ở đâu thì tôi không biết, nhưng ở trường tôi, dưới sự điều hành của vị chủ tịch HĐQT là tôi, cổ đông chưa bao giờ được xếp hàng đầu...

Tôi thường nghe nhiều phụ huynh và giáo viên trường bà kể rằng đừng bao giờ đặt vấn đề với bà Hiền bằng... cái phong bì. Bà đủ sức “nói không”, vì bà ở vào thế “đầu tàu”, hay vì bà đã có một mức sống thừa đủ?

- Đủ hay không, còn tùy vào quan niệm của từng người. Cá nhân mình, tôi tự thấy mình không có tính tham. Trước giờ, khó khăn cách mấy, tôi cũng xoay xở được hết nên tôi không có thói quen dựa dẫm vào những cái “từ trên trời rơi xuống” đó. Thường tôi vẫn nói với nhiều bậc phụ huynh tới xin cho con học rằng, biếu hoa quả thì tôi nhận, nhưng có hai thứ tôi không thể nhận, đấy là phong bì và... ma túy (cười).

 
 

Người ta vẫn thường ví nhà giáo như những “người lái đò” chở từng lứa học trò “sang sông”. Bà có thích cách so sánh này không?

- Thường, tôi lại hay nghĩ công việc chúng tôi đang làm có gì giống với một họa sỹ. Mỗi học sinh là một bức tranh, không bức nào giống bức nào và vì vậy, mỗi nét vẽ đều cần đến sự tinh tế, cẩn trọng. Với bậc Tiểu học thì điều hạnh phúc mà cũng là thách thức của chúng tôi là được đặt những nét vẽ đầu tiên lên một tờ giấy trắng, do đó lại càng cần phải nâng niu thận trọng hơn nhiều...

Tôi đã leo núi mà không có bất kỳ một dụng cụ leo núi nào

Ở thời điểm thoái trào ở Việt Nam, "русский язык" (Tiếng Nga) từng được gọi vui là “русский day dứt”, nhiều người đã phải rẽ sang tiếng Anh hoặc chuyển hướng sang một công việc khác. Bất ngờ được giao nhiệm vụ xây dựng đề án thành lập trường Tiểu học chuyên ngữ đầu tiên trong cả nước, từ vị trí một giảng viên tiếng Nga, liệu có là một “cái may trong cái rủi” của bà?

- Quả là nhiều “day dứt”, nhưng cũng chính nhờ tiếng Nga thoái trào mà tôi mới có được một lối rẽ quan trọng và ý nghĩa đến thế trong cuộc đời mình! Và “day dứt” nào bằng gánh nặng của một người đứng trước một “quả núi” bất thần hiện ra trước mặt, khi trong tay gần như không có một “dụng cụ leo núi” nào: Kinh nghiệm quản lý - không, tiền - không, quỹ đất - không, mô hình mẫu - cũng không...

Thành lập một ngôi trường tiểu học chuyên ngữ ngoài công lập, dạy ngoại ngữ ngay từ lớp 1 (quy định chung lúc đó là từ lớp 6) quả là chưa từng có tiền lệ ở ta. Tình thế lúc đó quả là “tay trắng bắt giặc”! Nhưng mỏm núi khó vượt qua nhất, chính ra lại chưa phải là những điều kiện cần và đủ nói trên, mà là nghi ngại và định kiến. Một trường bán công thôi cũng đã được xem là mới lắm rồi ở thời điểm bấy giờ, huống hồ còn là một trường ngoài công lập hoàn toàn. Và vì sao người được chọn là tôi - một giảng viên tiếng Nga chưa từng làm công tác quản lý, mà không phải là một cái tên giàu sức nặng khác... Sự phản đối lúc đó, từ trong nội bộ nhà trường đến cái nhìn ngoài xã hội, phải nói là gay gắt. Đúng lúc đó tôi gặp phải một biến cố trời giáng, quật tôi đổ xuống...

Ấy là lúc cô con gái đầu của bà qua đời? Xin lỗi vì đã nhắc tới chuyện buồn này...

- (20 năm sau, nỗi đau “lá vàng tiễn lá xanh” vẫn khiến mắt bà Hiền rơm rớm và giọng bà trở nên bập bõm) Con gái tôi lúc đó mới 29 tuổi, vừa xây dựng gia đình chưa được một năm. Ở trường, cháu còn đồng thời là một đồng nghiệp thân thiết, cứ như hai người bạn... Cháu mắc phải căn bệnh Lupus ban đỏ, tận tới giờ cũng vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn, huống hồ 20 năm trước.

Có gì như là linh cảm, ngay từ lúc sinh cháu, trong một ca đẻ khó, phải chuyển từ nhà hộ sinh lên bệnh viện tuyến trên, tới lúc nghe bác sĩ thông báo cháu là con gái, nước mắt tôi cứ tự dưng ứa ra, giàn giụa. Có lẽ là do vừa phải trải qua một ca đẻ đau, cận kề nguy kịch, ngày đó lại gần như chưa có biện pháp hỗ trợ nào, nên lại càng thấm thía việc sinh ra trên đời này mà là phụ nữ, hẳn đã khổ hơn nam giới gấp nhiều lần, ít ra là trong hành trình vượt cạn... Giữ được con thì chớ, còn nếu như không giữ được, thì ở bất cứ thời điểm nào, lòng người mẹ cũng tan nát như nhau, không thể so sánh được với bất kỳ một nỗi đau nào khác của bất kỳ một ai khác...

Thế rồi, làm cách nào bà đứng dậy được, để bắt tay xây dựng một ngôi trường về sau nổi tiếng nhất nhì thủ đô, từ con số 0 to tướng?

- Tôi nằm liệt giường liệt chiếu suốt 45 ngày trời, không thiết gì ăn uống, bên cạnh tờ quyết định thành lập trường. Không có việc gì có thể quan trọng hơn lúc đó, ngoài nỗi đau tôi đang phải đối diện. Một ngày nọ, một số đồng nghiệp thân thiết ở trường đến thăm và kể rằng, những người phản đối tờ quyết định trên hỏi: Giờ con gái của cô Hiền mất rồi, liệu cô ấy có làm nổi cái trường này không? Tôi không nhìn thấy ở đấy sự chia sẻ, mà là một sự thách thức. Thế rồi tôi quyết định ngồi dậy, đành nào chết theo con thì không chết được, mà tôi có sống thì cả nhà tôi mới sống, ngôi trường này mới thành hình được...

Cùng là dân tiếng Nga, bà có từng nghe tới câu chuyện nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng lạc mất con ở trời Nga và bạc trắng tóc, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần không?

- Có, tôi có nghe nói, và vì thế, tôi mới nghĩ rằng dù sao, mình cũng vẫn còn may mắn hơn anh ấy. Vì ít ra tôi cũng được phần nào an ủi rằng, con tôi có lẽ đã được yên ổn trong một cõi khác, thế giới khác; còn người cha ấy thì thậm chí còn không biết con mình còn sống hay đã chết, bao năm trời vẫn cứ đau đáu câu hỏi đó...

Cú sốc trời giáng thứ 2, có phải là lúc bà nhận hung tin mình mắc căn bệnh ung thư - vốn được cho là “án tử”?

- Không, trái lại, tôi lại khá bình thản trước hung tin đó, và chính tôi mới là người đứng ra trấn an cả nhà. Vì thực sự là tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người cùng mắc bệnh: Tôi phát hiện bệnh sớm, lại có điều kiện khám chữa bệnh tại nước ngoài, và tới giờ đã có thể kiểm soát để vẫn còn đủ năng lượng theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn...

Sinh vào “năm đói” và những cái “chết no”

Nền giáo dục nước nhà vừa phải chứng kiến sự ra đi của cây đại thụ Văn Như Cương, cũng vì căn bệnh ung thư. Bản thân bà cũng vừa thôi giữ chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm vì tuổi cao. Bà có lo lắng trước việc nền giáo dục nước nhà đang dần mất đi những cái tên giàu tâm huyết, có sức ảnh hưởng? Đã nhìn thấy sự kế cận chưa, thưa bà?

- Hoạt động trong một môi trường nhiều thách thức hơn, khối trường ngoài công lập rõ ràng phải có những người đứng đầu đủ tầm đủ tâm thì mới trụ vững được, nhưng để xây dựng được những cái tên giàu ảnh hưởng và có giá trị truyền cảm hứng như thầy Văn Như Cương thì trong bối cảnh xã hội bây giờ, tôi e là khó đấy! Khó có những con người tâm huyết đến như thế lắm, vì có khi là còn phải do thời cuộc và bề dày trải nghiệm mới hun lên được cái khí chất đặc biệt ấy. Cái đấy, nó là một thực tế...

 
 

Giữa nhiều cái tên, vì sao bà lại chọn tên trường là Đoàn Thị Điểm?

- Thật ra, trước đó tôi tránh chọn tên danh nhân, vì muốn rằng lịch sử ngôi trường phải được viết nên bằng chính những người thầy và người trò ở đó, nhưng cả hai cái tên (Tiểu học Chuyên ngữ Hà Nội, Tiểu học Hà Nội) đều không được đồng ý. Sau đó, tôi muốn chọn tên của một nữ danh nhân, mà Bà Trưng Bà Triệu thì người ta đặt nhiều rồi. Cái tên Đoàn Thị Điểm vụt đến, thoạt tiên chỉ là vì tôi chợt nhớ tới con phố mình từng sống mấy năm ở đó, rất vui vẻ. Đơn giản chỉ là thế thôi.

Sau này tìm hiểu sâu hơn về tiểu sử của người phụ nữ tài hoa, sinh trước mình tận 240 năm, tôi mới bất ngờ phát hiện ra nhiều điểm trùng lặp thú vị: Cùng quê gốc Hưng Yên, cùng tuổi Ất Dậu, cũng từng làm nghề “gõ đầu trẻ”... Đây đó trong đời mình, tôi cũng từng gặp phải những lận đận, thăng trầm vất vả như bà, mà nếu không có một niềm tin vững chắc thì thật khó mà trụ vững được ở những thời điểm thiếu đi hơi ấm đặc biệt của người thân, hoặc không may phải sinh ra trong hoàn cảnh binh đao loạn lạc...

Năm sinh của bà quả thật đặc biệt: 1945. Nhưng lúc này, người ta lại thường nhắc tới những cái “chết no”, hay nói cách khác, là có những cái “đói” khác, không dễ gì nhìn thấy được bằng mắt thường. Bà có cho rằng, đấy cũng chính là một thách thức đối với giáo dục lúc này?

- Thì như người ta vẫn đùa, lúc này học sinh nghèo vượt khó khéo không khó bằng học sinh giàu vượt khó. Ở một ngôi trường mà đa phần học sinh được cho là “con nhà có điều kiện”, lại là những cái mầm cây đang đợi uốn, việc giúp các con sớm hình thành ý thức nhận biết được những giá trị cốt lõi của cuộc sống như sự chia sẻ, lòng yêu thương... lại càng cần được coi là một trong những mục tiêu giáo dục hàng đầu.

Mẹ tôi kể, cái năm bà mang thai tôi, đi ngang ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ), thấy xác người chết la liệt. Mẹ con tôi đã may mắn sống sót được qua trận đói lịch sử đó, để tưởng như không còn cái đói nào đáng sợ hơn. Nhưng đời sống hiện đại về sau lại cho thấy rằng có những cái đói còn đáng sợ hơn. Đó là cái đói của sự chia sẻ, cảm thông, ngay giữa lòng một xã hội thông tin chia sẻ. Kẻ thù đáng sợ nhất của giáo dục lúc này không phải giặc dốt nữa mà là giặc vô cảm. Nếu giáo dục chỉ đào tạo ra được những người giỏi nhưng vô cảm, bàng quan trước cuộc đời thì đó theo tôi là một nền giáo dục thất bại.

Tên là Hiền, thật ra bà có... hiền không?

- Thật ra tôi cũng không hiền lắm đâu, cực kỳ quyết đoán và thậm chí còn là hơi nóng tính. Nhưng bù lại, chắc tôi cũng biết sống quan tâm tới mọi người, từ giáo viên trong trường tới các chị lao công đều nhận được sự quan tâm như nhau của “bà Hiền” (cách mọi người trong trường thường gọi NGƯT Nguyễn Thị Hiền - PV). Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ tôi vốn rất giàu đức thương người, suốt một đời tần tảo lo toan cho con cháu, kể cả bảo bọc cho các cháu dưới quê lên Hà Nội ăn học, hết đứa này tới đứa khác, nên ngay từ bé tôi đã được sớm chứng kiến giá trị và vẻ đẹp của lòng nhân ái và sự hy sinh. Lớn lên, lại thấm đẫm văn học Nga và vẻ đẹp của tâm hồn Nga, tính cách Nga, trong đó điều tôi ấn tượng nhất chính là sự đôn hậu của họ... Nên tôi tin trong mình ít nhiều cũng có được những hành trang đáng quý đó.

Xin cảm ơn bà và chúc mừng bà nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11!

Thủy Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.