Văn chương

Nhà chủ nhật

TRUYỆN NGẮN CỦA CHU THÙY ANH |

Truyện thiết kế trên giọng kể thì thầm vừa quen vừa lạ của phong cách Chu Thùy Anh. Về 3 “ngôi nhà thì thầm” của 3 người già cô đơn, không con cái. Mỗi người mỗi cảnh, nhưng vẫn nương tựa vào nhau. Người viết đã trùm phủ lên họ một niềm thương cảm rất Việt, dù chắc chắn họ không phải người Việt.

Sự cố xảy ra, dẫn đến việc hai người già tìm cách ngăn người già kia đừng buông mình cho cái chết.

Kết truyện, ba người già đều gật đầu quay lại đời sống, mỗi người lại mỗi việc như xưa.

Tôi từng đi chợ ngoại ô Paris, từng nghiệm sinh cảm giác tươi sống đầy ắp của chợ nông sản Paris, thịt cá, hoa quả rực rỡ ngồn ngộn tươi thắm sắc chợ và mùi chợ, khiến ai đã vào chợ cũng trở nên ham sống, bởi sự sống ở đó “không bao giờ chán nản” (Xuân Diệu). Dường như triết lý truyện này nhẹ nhưng sâu, sáng bừng trong nhân vật cụ bà ở cuối truyện, hân hoan “ra chợ, hôm nay có phiên nông sản rất tươi và rất ngon”… NGUYỄN THỊ MINH THÁI

 

Đó là một quận lộn xộn. Rất nhiều những cửa hàng có mặt tiền bé tí xíu, sâu vào được vài đốt ngón tay, mà bên trong có không biết bao nhiêu là người. Bất kể đó là hàng bán sim điện thoại, bán rau củ, bán đồ khô, hay bán đủ thứ không ai định nghĩa được là loại mặt hàng gì, thì những hốc tối đó vẫn đầy những người. Không xác định được ai là chủ, ai là khách, khi bạn bước vào, bất cứ ai trong những gương mặt kia đều có thể hỏi bạn cần gì, và lăng xăng đi lấy giúp. Hoặc có thể tất cả bọn họ đều là chủ hàng. Những người dân nhập cư không buồn thay đổi từ kiểu dáng trang phục tới cách phát âm, họ đứng đó, lố nhố trong những cửa hàng nhỏ, hoặc đứng ngồi trên vỉa hè. Trẻ con thì đu trên những dây xích dùng để ngăn cách mép vỉa hè và lòng đường. Có vài đứa trẻ đuổi nhau, chửi nhau, cười đùa với nhau, bằng thứ ngôn ngữ pha trộn. Cứ như thể họ chẳng còn việc gì khác ngoài tụ tập và nói chuyện và cười đùa và chửi thề và ngồi đong đưa trên những dây xích bên mép vỉa hè.

Khu vực trung tâm của quận vẫn còn những dãy nhà cũ, đứng cúi đầu nhìn con đường hẹp lượn quanh chân các tòa nhà. Cạnh những dãy nhà ấy là khu nhà vườn, những ngôi nhà thì thầm mất hút giữa cây cỏ. Khu nhà vườn cách khu cửa hàng lộn xộn dọc đường cái mười bảy bước chân, mà như thể mười bảy thế kỷ nằm ườn chắn giữa hai khu nhà ấy. Trước cửa những ngôi nhà thì thầm, gần như chẳng thấy người.

Ở một góc đường, một khu đất lớn cắm ba ngôi nhà bé tí tẹo, giống như người ta găm những cái que có hình trang trí lên một chậu cây cảnh. Trong một ngôi nhà có một ông già hình tròn. Trong một ngôi nhà khác có một ông già hình que. Trong một ngôi nhà khác nữa có một bà già không hình gì cả. Tất cả con cái họ đều đã trưởng thành và đi ở nơi khác, xa rất xa những ngôi nhà thì thầm với cây cỏ, xa hơn mười bảy bước chân mười bảy thế kỷ, xa tới độ thi thoảng họ mới gặp nhau.

Thực ra không được phép gọi đó là ba người già, họ chưa từng bao giờ quên rằng mình trẻ. Tuổi tác chỉ là một chuỗi dài những ngày và những giờ nằm lại với nhau. Người ta hoặc chậm rãi bước mãi trên chuỗi ngày giờ lê thê đó, hoặc chạy nhanh tới độ khi ngoảnh lại không biết mình đã đi qua những gì, đang dừng lại ở đâu. Con người ta thường lạc giữa tháng năm là thế.

***

Ông già hình que nằm dài trên phô tơi, trong lòng có một con chó bông xù ghếch mõm lên bát của ông. Mắt ông dán vào tivi xem những tay đua xe đạp đang lượn trên đường núi. Tay ông xúc một thìa đưa lên mồm. Con chó sục mõm vào bát và đưa lưỡi hất thức ăn vào miệng. Người và chó nằm trong lòng nhau, ôm chung một bát thức ăn, xem cùng một chương trình đua xe đạp trên ti vi. Ông già mê xe đạp hơn hết thảy. Buổi sáng ông sẽ dậy ăn bữa sáng khổng lồ với rất nhiều chai lọ gói to gói nhỏ, cứ như thể trút đổ khuấy nước thần cho Astérix và Obélix vậy. Sau đó ông đi xe đạp quanh rừng, khu rừng thưa cách nhà bốn mươi lăm phút lái xe. Đạp xe hết một ngày ông lại cho xe vào cốp và mất sáu mươi phút lái về nhà. Ông muốn có một cơ thể khoẻ mạnh gọn gàng. Mỗi sáng ông đều đứng lên cân và nếu có một lạng nhích hơn so với hôm trước ông sẽ ngay lập tức bớt đi một phần ba đồ ăn sáng gồm rất nhiều lọ và nhiều gói thần kỳ, ông cũng sẽ đạp xe nhiều hơn bình thường một tiếng. Ông có một nhóm những người trẻ thường hẹn nhau trong khu rừng này. Và ông truyền cho họ kinh nghiệm của ông, cách ông dùng những đồ ăn tốt cho sức khoẻ, cách ông tập thể thao, cách ông gìn giữ những chiếc xe của mình. Rất thường xuyên, ông bỏ cả xe đạp và ôtô ở một con phố vắng nào đó, rồi đi bộ và tìm sách. Ông già mê những quyển sách đẹp. Thường xuyên là sách nghệ thuật. Thường xuyên là nghệ thuật cận đại và đương đại. Những quyển sách khổ to, còn bọc kín trong nilon, kính cẩn đặt trong những hộp các tông. Ông sẽ xách một vài quyển về nhà, trân trọng đặt lên giá. Hầu hết chúng đều còn nguyên nilon năm này qua năm khác. Ông đã lật giở vài trang xem quyển mẫu trong hiệu sách. Còn những quyển ở nhà, ông để nguyên cả nilon và bày lên giá. Ông già mê xe đạp, và sách.

***

Ông già hình tròn ngồi bên chiếc bàn phủ vải kẻ carô, những đường trắng vắt ngang những đường đỏ, trước mặt ông là một ly vang. Ông không bao giờ uống nước lọc, tất cả chất lỏng đưa vào người ông chỉ là vang và cà phê đã tách cafein. Trái tim tội nghiệp của ông không chịu đựng được thêm cafein nữa. Ông đã đặt năm cái stent để căng ra những mạch máu mảnh dẻ. Ông vẫn giữ thói quen ngửi hương cà phê như từ thời xa xưa lắm. Và ông vẫn uống vang, hút những điếu xì gà to bằng ngón áp út. Mùi xì gà ngấm đẫm trong từng thớ gỗ ghế ông ngồi. Mùi xì gà bám chặt lấy từng sợi vải từng mảnh sơn trong ôtô ông. Ông bảo ông sẽ vẫn uống và vẫn hút thôi, cho tới khi toàn bộ mạch máu của ông được căng ra bằng những ống stent. Có hề gì, sống để sống chứ đâu phải sống để chết. Hoặc nói cách khác, sống để đằng nào cũng chết vậy ngại ngùng gì mà không sống cho hết phần cuộc sống đi.

Ông già thường bận rộn đặt hẹn giờ để ghi lại chương trình tivi ông yêu thích, để xem lại vào một khi nào khác, thường là nửa đêm. Không hiểu sao giờ chiếu những thứ ông thích sẽ luôn rơi vào lúc nào đó khi ông phải ra ngoài, hẹn bác sĩ khám răng hay hẹn đổi những mô hình bằng nhựa bé tí tẹo. Ông có sáu ngăn tủ xếp đầy những li ti mô hình bằng nhựa. Đó là các hình người lính cao hơn một đốt ngón tay, trong đủ các tư thế, được thả vào những gói cà phê hồi những năm xa xôi bao nhiêu đó, một thứ đồ sưu tập nhảm nhí như mọi đồ nhảm nhí trong các gói hàng khác. Một ngày trong khi lúi húi dọn lại căn nhà lộn xộn của mình, ông già thấy ba người lính cao hơn một đốt ngón tay mắc kẹt trong khe tủ. Ông bỗng thật là thèm muốn có đủ bộ những người lính ấy. Có bao nhiêu gói cà phê đã được bán ra thị trường, bao nhiêu hình thù khác nhau đã được đúc ra. Ông lang thang khắp các chợ đồ cũ và tìm cách trao đổi với những người khác các chú lính nhựa của mình. Hoá ra, cũng có nhiều người tìm kiếm hình đồ chơi trong các gói cà phê cũ như ông. Họ đổi với nhau. Bỗng dưng mà thành bận rộn.

Ông già vẽ. Thực. Sống động. Rực rỡ. Ông từng học để trở thành hoạ sĩ.

***

Bà già bé nhỏ lúc nào cũng thấy đang loay hoay dọn dẹp một cái gì đó. Tưới cho những bụi cây rậm rạp như một khu rừng, cắt vài bông hoa mang vào nhà cắm, hoặc nấu ăn. Cả khi buổi sáng, lúc bà ngồi bên cốc cà phê đưa mắt nhìn qua cửa kính bếp, thấy rậm rạp một khu vườn xanh mướt, đầu bà vẫn không thể thôi nghĩ rằng, sau cốc cà phê này mình sẽ làm gì, sẽ đi chợ, hôm nay có phiên nông sản về rất tươi và rất ngon, rồi đi siêu thị, hôm nay có giảm giá, rồi nấu món gì, hình như lâu lắm không ăn phở. Bà già chỉ xem những chương trình tivi đặc biệt khuya khi tất cả đã chìm trong tĩnh lặng. Bà xem tất cả những gì bắt gặp vào giờ đó, ngáp dài trước những bộ phim kinh dị hoặc sụt sịt chấm mắt xem những cảnh não nề, vừa sụt sịt vừa tự nhủ người ta đang bịa ấy mà.

Bà già bé nhỏ giúp ba căn nhà thực là nhà.

***

Ông già mê xe đạp đâm phải một hạt dẻ và ngã. Không ai tin chuyện ấy, nhưng ông quả quyết là thật. Bấy giờ là mùa thu, dẻ rụng đầy dưới những con đường lấp loáng bóng cây, nằm trốn lẫn trong lớp lá xốp, mềm, vương vất mùi níu kéo sự sống trong lúc chờ mưa để mục rữa ra. Ông đã đâm vào một trong những hạt dẻ nằm trốn đó. Và ngã. Và hình như là sái chân. Việc tưởng chẳng có gì, nhưng hôm sau ông không đi xe đạp nổi. Hôm sau và hôm sau nữa cũng vậy. Khi ông phát chán với việc nằm yên trên ghế phô tơi, ăn chung bát và xem tivi với con chó xù, ông quyết định phải đi chụp xem cái chân mình bị làm sao. Hoá ra ông bị rạn xương. Và ông không bao giờ còn có thể đi xe đạp được nữa. Ông chỉ có thể tiếp tục nửa nằm nửa ngồi trên phô tơi, ôm con chó trong lòng, chia sẻ bát đồ ăn cùng nó, và xem năm nghìn bảy trăm giải đua xe đạp tại các nơi trên thế giới trong cả năm.

***

Bà già thích nấu ăn. Bà nấu đủ món, món Tây, món Việt, món Phi, món Mỹ, món miền núi món miền biển, món nào cũng có một điều đặc biệt để biến nó thành của riêng bà. Bà già không bao giờ dùng cốc đong, muôi múc. Bà đo theo cách của bà. Nấu ăn giống như hát trong khi tắm, đó là khoảnh khắc, là thời điểm, là liều lượng không bao giờ lặp lại được. Bà già thích nấu cho hai ông già ăn.

***

Ông già gãy chân nằm yên một chỗ ôm bát ăn cùng con chó, tự thấy mình ngày một lỏng lẻo ra. Ông hoảng hốt bước lên cân. Ông la lên thất thanh thấy mình đã tăng hai cân kể từ khi không tự tay pha chế những gói và những lọ thần kỳ, lại còn không đi xe đạp quanh khu rừng thưa nữa. Ông bảo thật không thể tin được, trong đồ ăn bà nấu có thuốc tăng trọng. Tăng cân là ác mộng cả một đời của ông, ông đã sống một đời lo lắng cho việc đó, không thể để nó xảy ra vào những ngày nghỉ ngơi êm đềm cuối cùng này được.

Ông già căng thẳng tới độ muốn tuyệt thực.

Nhưng con chó cứ nhảy lên lòng và dụi đầu vào ông ư ử.

Cuối cùng ông lại đồng ý ngồi tiếp trên phô tơi, ôm con chó và bát đồ ăn bà đã chuẩn bị sẵn, tiếp tục chương trình yêu thích của mình, một giải đua xe đạp ở miền xa xôi nào đó.

***

Ông già không gãy chân cẩn trọng đặt từng mô hình lính nhựa vào ngăn tủ sau khi lau sạch, kiểm tra kỹ càng xem có chi tiết nào bị gãy không. Những mảnh nhỏ như gươm giáo, hoặc ba lô, thường bị sứt gãy sau khi quăng quật lăn lóc ở một ngăn tủ bị bỏ quên nào đó. Ông bày một dãy màu trước mặt, đeo kính và sơn lại những chi tiết bị tróc, rồi chuyển qua một bàn khác phơi cho khô, trước khi đặt lại ngăn tủ. Ông làm một cách từ tốn và dịu dàng, như sợ sự sống trong mỗi hình nhựa kia sẽ rơi tuột nếu mạnh tay hơn một chút. Hoặc có thể vì cả đời ông đã sống khoan thai, đến việc gạt cái kính cho khỏi trôi xuống đầu mũi, ông cũng phải chậm chạp đẩy tay. Tựa như người đàn ông này có tất cả thời giờ trên thế gian đựng trong một cái hũ, mà ông hé nắp cho làn khói thời gian mảnh khảnh bay lên và ông đón nhận từng ngày.

Ông dừng việc xếp những mô hình nhựa khi bà mang đồ ăn sang đặt trên bàn của ông. Hàng ngày bà là người nấu ăn, mang sang hai ngôi nhà, mỗi ngôi nhà một món khác nhau. Ông già có năm cái stent sẽ nấu bữa trưa ngày chủ nhật. Ông sẽ hỏi bà muốn ăn gì từ tối thứ sáu, dành cả ngày thứ bảy để đi chợ và chuẩn bị. Sáng chủ nhật ông sẽ nấu một thứ gì đó đặc biệt. Bữa trưa kéo dài tới khi mặt trời có thể quá mỏi với việc đứng mãi trên trời, mà thả mình trôi xuống. Họ ăn uống và nói chuyện, cho tới khi bà kết thúc bữa trưa dài bằng cách xếp cốc đĩa lại, đi về nhà mình, và uống một cốc trà trong lúc nghĩ sẽ làm gì tiếp theo. Bữa tối chủ nhật thường chỉ diễn ra ngay sau đó một giờ, đủ thời gian cho bữa trưa lê thê đi được một phần tư quãng đường của mình. Và như thông lệ, bữa tối do bà chuẩn bị, bà lại mang tới hai ngôi nhà, cho hai người đàn ông. Bà đi qua khu vườn, mùi buổi tối xộc vào mũi, len vào những khay thức ăn trên tay bà, đặt đồ ăn xuống bàn rồi trở về. Thi thoảng họ ăn với nhau. Thi thoảng bà ăn một mình trong bếp. Mỗi người ngồi trên một hành tinh nhỏ, trông cho con cừu khỏi ăn mất nụ hồng của mình.

***

Con chó đã quá già. Một ngày nó không buồn nhảy lên lòng và gếch mõm vào bát thức ăn, mắt hướng về tivi nữa. Xét cho cùng thì hàng năm qua nó hướng về phía thói quen, đôi mắt loà của nó không còn hứng thú gì với những hình chuyển động nữa.

Một ngày, con chó thôi không còn thở.

Ba con người khóc thương.

***

Không thể đạp xe, ông già cũng chẳng buồn lái xe đi tìm những quyển sách mới. Những quyển cũ bọc nguyên nilon vẫn ở trên giá. Ông chẳng muốn gặp ai, ông thậm chí từ chối cả những cuộc nói chuyện điện thoại.

***

Bà ngắt quãng công việc tô đầu mẩu kiếm bé xíu của ông, lần này trên tay không có khay thức ăn nào. Bà bảo: “Có một khẩu súng ở trong nhà, ông ấy đang tìm cách tự vẫn”. Bà phát hiện ra điều đó khi sang mang đồ ăn và dọn dẹp giúp ông già mê xe đạp trong lúc ông đi bộ ra đầu đường mua báo. Ông già mê xe đạp nhưng không thể đi xe đạp được nữa. Việc nằm xem năm nghìn bảy trăm giải đua xe đạp không giúp ông thấy khá hơn tý nào. Không gặp gỡ những người trẻ, không nghe những câu hỏi, không đưa ra những lời khuyên, đến cả cưng nựng một con chó cũng không, ông thấy mình vô ích đến tuyệt vọng. Và bà tìm thấy khẩu súng ở trong nhà ông. Mặt bà ướt đầm đìa. Bà nhìn thấy cả khu vườn nhoè nhoẹt. Bà không thể vừa sụt sịt vừa tự nhủ: người ta bịa ấy mà

Ông già đặt người lính nhựa có mẩu kiếm tróc sơn xuống bàn, đưa tay lên bỏ kính xuống, chống tay kia đứng dậy khỏi ghế, rồi cùng bà đi sang căn nhà kia.

***

Họ lấy được thứ cần lấy để đem đi, trước khi chủ nhân quay lại. Tối hôm đó không ai ăn gì. Mùi cây cỏ xộc lên từ vườn, len qua khe cửa, tràn ngập khắp các phòng.

***

Ông già mê xe đạp thấy mình không còn có ích cho một ai được nữa. Ông không buồn bước lên cân. Ông tự ngập trong một hũ tuyệt vọng. Ông tiếp tục tìm những cách khác để kết thúc hành trình của mình.

Bà già không thể làm gì khác ngoài thường xuyên qua xem ông đang làm gì.

Và ông già còn lại, ngoài tô và xếp những mô hình nhựa, thi thoảng lại qua ngôi nhà khác nhặt những đồ nguy hiểm để đem đi. Thậm chí một cái mở nắp hộp cũng không được để lại trong nhà. Không được có vật sắc nhọn nào. Nhất cử nhất động của ông đều bị để ý, ông đi đâu cũng có người đi cùng.

***

Ông mải miết tìm và sắp xếp những mô hình nhựa, phục chế lại với đôi bàn tay to của mình. Ông muốn chúng thật đẹp, và sống động. Chúng cần đẹp và sống động y như trong ký ức khi ông nhặt ra một người lính nhảy dù lẫn trong gói bột cafe, một người lính lấm lem thơm sực. Mỗi sáng ông ngồi bên cốc cà phê tách cafein của mình, nhìn ngắm những người lính đã từng sực lên mùi cà phê nguyên chất ấy.

***

Khu vườn ngày một um tùm hơn, chẳng ai buồn cắt tỉa. Có con mèo hoang đến kêu não lòng, được cho ăn rồi thì kéo theo ba con mèo con khác. Bà già vẫn miệt mài nấu, ngoài cho người, giờ còn đem ra vườn cho bốn con mèo.

***

Một ngày, ông già gãy chân bảo ông sẽ đi cả ngày, hai người không cần lo, hãy tin là chiều nay ông sẽ trở về. Ông đã liên lạc với một tổ chức giúp đỡ người khuyết tật, ông sẽ dẫn những người khiếm thị đi lại bằng phương tiện công cộng tới những nơi họ cần. Hôm nay ông bắt đầu, họ xếp ông dẫn ba người, đủ hết một ngày dài. Hãy để ông đi một mình và nhất định rồi ông sẽ quay trở lại.

Mỗi người gật đầu một cái. Ông già mang theo năm cái stent đưa tay đẩy kính lên và nhìn ngắm xem mình sẽ tô lại người lính nào hôm nay. Bà già đem cốc cafe vừa hết thả vào bồn rửa rồi chuẩn bị ra chợ, hôm nay có phiên nông sản rất tươi và rất ngon.

 

 

 

CHU THUỲ ANH

Sinh năm 1985 tại Hà Nội.

Tốt nghiệp ngành Vật lý tại trường Đại học Cergy Pontoise (Pháp), đã có một số truyện ngắn đăng trên báo chí.

Hiện công tác tại Viện Vật lý.

TRUYỆN NGẮN CỦA CHU THÙY ANH
TIN LIÊN QUAN

Hàng quán TPHCM mở cửa mùng 3 Tết, chưa ghi nhận tình trạng "chặt chém"

Huân Cao |

Mùng 3 Tết (ngày 24.1), nhiều hàng quán ở TPHCM đã mở cửa hoạt động phục vụ khách. Theo ghi nhận của PV, nhiều quán đều phụ thu thêm 10% để bù đắp chi phí tăng cao và trả lương thêm cho nhân viên phục vụ ngày Tết.

Dự báo diễn biến không khí lạnh trong những ngày Tết Nguyên đán tiếp theo

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, trong những ngày nghỉ tiếp theo của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, không khí lạnh duy trì cường độ ổn định tác động đến thời tiết Bắc Bộ và Trung Bộ.

Về nơi kiêng tiêu tiền trong ngày Tết ở Sơn La

Chuyên Công |

Tết người Mông ở một số địa phương vùng cao Tây Bắc có những tập tục, tín ngưỡng đặc trưng và lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó phải kể đến tập tục kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau và cơm chan canh, cho dụng cụ lao động nghỉ ngơi...

Chia sẻ cuối của bà Jacinda Ardern trên cương vị Thủ tướng New Zealand

Thanh Hà |

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 24.1 bày tỏ biết ơn thời gian tại vị đồng thời nhấn mạnh những vụ quấy rối trực tuyến liên tục không phải là lý do khiến bà từ chức.

Những mẻ cá đầu năm mới của người dân miền biển Thái Bình

Lương Hà |

Với ngư dân miền biển Thái Bình, chuyến ra khơi đầu năm ngoài hy vọng những mẻ lưới thắng lợi, đầy ắp cá tôm, còn mang ý nghĩa cầu mong cho một năm thuận buồm xuôi gió.

Đà Nẵng đón đoàn khách tiệc cưới hơn 450 người đến từ Ấn Độ

THUỲ TRANG |

Đám cưới của cô dâu Tuisha và chú rể Gaurav diễn ra tại Đà Nẵng đúng dịp Tết Quý Mão với hơn 350 khách mời và đội ngũ 100 nhân viên sự kiện, đầu bếp từ Ấn Độ.

Xin đừng gọi “Thổ Châu” là “Thổ Chu”

Lục Tùng |

Kiên Giang - Không gọi danh xưng “Thổ Châu” là “Thổ Chu” vừa là tôn trọng lịch sử, vừa để tránh những ngộ nhận khó lường sau này.

Cận cảnh 4 cây nguyệt quế có giá lên đến 8 tỉ đồng ở An Giang

Tạ Quang |

An Giang – 4 cây nguyệt quế với chiều cao lên đến 7 m, được một nhà vườn ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang định giá 2 tỉ đồng mỗi cây.