Nguyễn Ngọc Hạnh, một đời lụy với câu thơ

Ngô Đức Hành |

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng - là người “hết lòng đắm đuối cùng thơ” như nhận xét của nhà thơ Trần Dzạ Lữ viết về anh. Anh đã xuất bản 4 tập thơ, tập “Phơi cơn mưa lên chiều” gây nhiều dư luận trong giới phê bình và công chúng yêu thơ, được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Và tập ký - tản văn “Lòng chưa cạn đêm sâu”, NXB Đà Nẵng, 2019 được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, Hội Nhà văn Đà Nẵng đã trao giải thưởng cho tác phẩm này.

Tôi chỉ mới được gặp nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh vài lần, chủ yếu là đọc anh qua sách báo trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt giữa mùa thu năm ngoái khi anh mang tập thơ ra Hà Nội giới thiệu với bạn bè. Nói lại câu này tuy rất cũ: “Văn là người”, nhưng có lẽ với Nguyễn Ngọc Hạnh, chân dung thơ ấy lại rõ mồn một, nhất là trong nhiều tác phẩm của anh.

1. Không riêng gì tôi, mà dường như nhiều người đọc và viết về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, một “người mang thơ từ làng ra phố” đã “phơi” nỗi buồn của đời mình lên trang giấy đều có những cảm xúc sâu lắng, bùi ngùi khi nhận ra những giọt nước mắt lấp lánh của nhà thơ hôm anh ra mắt tập thơ “Phơi cơn mưa lên chiều” giữa lòng Hà Nội...

Nhiều câu thơ của anh cứ lịm dần vào tôi: “Bể trần này ai sắp bày ra/ Mà giọt lệ cứ lặng thầm rơi xuống” (Cha). Đó là giọt nước mắt của người con tuổi sắp về chiều khi nhớ đến cha mình: “Tóc bạc rồi, cha ơi quá muộn/ Con giật mình nước mắt lại trào lên”. Rất dễ đồng cảm với anh, bởi nhà thơ đã nói hộ cho bao người, vì “chữ hiếu lững lờ trôi mong manh/ con vừa chạm đã tan rồi, không kịp/ khi đã chạm thì đời con sắp hết”. Không phải tự nhiên hay bắt đầu từ tín ngưỡng mà thế giới có Ngày của Cha, để tôn vinh bậc sinh thành, tôn vinh mối quan hệ của người cha và ảnh hưởng của người trong xã hội. Đấy là ngày lễ để con cái báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, tìm về cội nguồn yêu thương. Có phải xuất phát từ nỗi đau khi Nguyễn Ngọc Hạnh mất đứa con gái yêu còn thơ trẻ, nên anh càng thấu hiểu nỗi buồn ly biệt ấy:

Những giọt nước mắt mặn chát

Giọt giọt đầy vơi nhỏ xuống đêm thâu

Chưa nếm trải nỗi đau nào hơn thế

Chưa biết còn day dứt đến bao lâu!

(Nước mắt)

Nhà thơ hỏi mình và tự trả lời bằng dấu “chấm than” cuối câu thơ như một lời từ biệt. Rõ ràng là nỗi đau đớn cách ly này sẽ theo anh suốt cả cuộc đời, là dấu lặng trầm buồn: “Giọt lệ nào đọng giữa câu thơ/ Chảy suốt một đời mẹ cha khốn khó” (Nước mắt). Trong trường ca Chạm đáy sông đầy, Nguyễn Ngọc Hạnh viết về người mẹ quê nơi con sông Vu Gia xanh mát: “Giấc mơ về ngày mẹ sinh tôi/ trong vườn lá chuối khô thô ráp/ tiếng khóc chạm tiếng ve/ khúc hát trưa hè/ sông dọc bờ quê/ tiếng khóc lịm dần rơi giữa cơn mê”... Đó là cơn mê ngày trở dạ, mẹ sinh anh ra trong một ngôi làng xơ xác của chiến tranh, khi “cha đi rồi/ lều tranh một mái/ mẹ một mình/ sinh nở những niềm đau/ giọt nước mắt đắng cay/ ngày mẹ tôi trở dạ”.

2. Một quê nghèo lam lũ, đói khát, người cha đi xa, không có mặt bên cạnh người vợ lúc lâm bồn. Đàn ông vượt sông có bầu có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình. Từ nỗi đau ấy, nên khi xa làng về nơi phố thị, mỗi lần nhớ mẹ, nhà thơ lại “bất chợt nhớ ngày xưa đến lạ/ mơ được một ngày làm mẹ để sinh con”. Câu thơ này quá bất ngờ, tôi chưa nghe một người đàn ông nào lại mơ được làm mẹ để sinh con như vậy. Phải yêu mẹ đến thế nào, anh mới nghĩ ra được mơ ước ấy. Có phải chính từ cái giá trị sinh thành thiêng liêng, cho nên Nguyễn Ngọc Hạnh muốn sẻ chia với người vợ yêu của mình. Nhà thơ muốn gửi lại cái hơi ấm chiếu chăn của mẹ ngày xưa trên từng manh chiếu vá:

Gửi lại em chỗ ướt mẹ nằm

gửi ngọn gió lùa kẽ phên đêm trở dạ

giá rét trên từng manh chiếu vá

mẹ chừa bên ráo để con lăn

(Chỗ mẹ nằm)

Tình mẹ vốn là tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao quý. Người mẹ nào trên cõi đời này chẳng thương yêu con cái của mình, đấy là bản tính, là thiên tư của người phụ nữ. Chính nhờ tình thương của mẹ mà những đứa con được lớn lên, được trưởng thành. Mẹ một đời chênh vênh “héo hon cả thời thiếu nữ/ đi biển một mình đêm sóng dữ/ cho con lành lặn giấc mơ”. Đâu phải đến bây giờ, tận ngày xưa thời chiến tranh trong đêm xa làng, Nguyễn Ngọc Hạnh đã nghe lòng mẹ đầy đau xót:

Đêm xa làng

đong đầy nước mắt

đâu biết lòng mẹ đau như cắt

tôi cứ lơ ngơ nhớ đàn trâu mỗi lúc chiều về

Cứ thương hoài tiếng chim dồng dộc hót

Trước cổng làng trước phút xa quê

(Chạm đáy sông đầy)

Vì thế, những bài thơ viết về mẹ của anh luôn có những câu thơ chạm đến đáy sâu trắc ẩn của lòng người:

Tảo tần đời mẹ chân quê

bao năm lặn lội đi về triền sông

nón che không hết mùa đông

phố che không hết nỗi buồn trần gian

(Lục bát qua sông)

Nguyễn Ngọc Hạnh yêu thơ và làm thơ từ sớm. “Một đời lụy với câu thơ”, lụy với chính nỗi buồn của một kiếp người. Nhiều người cho rằng, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh mang đậm giai điệu từ những nỗi buồn của thời thơ ấu bên con sông quê êm đềm nên thơ anh đã được các nhạc sĩ đồng điệu chắp cánh, gần một trăm bài thơ được phổ nhạc, trong đó có nhiều ca khúc đã được công chúng đón nhận.

3. Nhà thơ Thanh Quế, người rất gần gũi, quý mến Nguyễn Ngọc Hạnh trong một bài viết trên báo Văn nghệ, đã nhận xét: “Hầu hết sáng tác về quê hương, về tuổi thơ, về cha mẹ, tình bạn, về cuộc sống xung quanh mình, từ nông thôn đến thành thị, ở đâu người đọc cũng gặp một Nguyễn Ngọc Hạnh bơ vơ, lẻ loi, hiu quạnh, trơ trọi, u hoài với nỗi buồn lấp lánh”. Nỗi buồn ấy chảy ra từ trái tim thi sĩ thành thơ. Còn nhà thơ Nguyễn Đông Nhật trong bài viết về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, cho rằng: “Hạnh từng có nhiều câu thơ hay về làng như “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” được ba nhạc sĩ phổ thành ca khúc, nhưng phải nói thơ viết về làng sau này của Nguyễn Ngọc Hạnh hay hơn nhiều mà ít ai để ý. Hay nói như nhà thơ Du Tử Lê, với thi ảnh ẩn dụ, thi pháp “liên tưởng - gián cách”, nên trong nhiều bài thơ Nguyễn Ngọc Hạnh bất chợt “phơi” ra đôi câu mới lạ đến sửng sốt, không ngờ. Còn nhà phê bình Phạm Phú Phong lại cho rằng: “Nguyễn Ngọc Hạnh, trái tim nhà thơ căng chật nỗi niềm”. Có phải vì thế, đến tuổi xế chiều này, Nguyễn Ngọc Hạnh càng khao khát, muốn được “phơi nỗi buồn lên thơ”, bởi lòng chưa vơi cạn? “Phơi cơn mưa lên chiều”, phơi nỗi buồn nước mắt. Chiều không chỉ là của vòng quay trái đất mà “chiều” còn là của đời người nơi cõi tạm:

Giữa đời này là giấc ngủ mê

kẻ thức sớm thương người dậy muộn

ai chẳng trót đã vay từ số phận

nợ trăm năm chưa trả hết vui buồn...

Ngô Đức Hành
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.