Nguyễn Huy Thiệp - người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại

VI THUỲ LINH |

Nguyễn Huy Thiệp, một đời văn chói sáng bởi tài năng độc đáo chứa đựng tư tưởng nhân sinh lay động triệu người, chưa từng nhận được bất cứ giải thưởng nào của Việt Nam. Chỉ khi ông rời khỏi sự sống trần gian, chúng ta mới nhận ra khoảng trống mãi mãi của một Hiệp sĩ để lại.

1. Đọc Nguyễn Huy Thiệp luôn là hào hứng, khoái cảm bởi lực hút đặc biệt. Bữa tiệc ngôn từ tinh xảo, ken dày kiến thức và thi ca của ông. Trong Nhà Tang lễ quốc gia sáng 24.3.2021, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức lễ tang, đeo băng tang bắt tay trái, thốt lời rút ruột: "Chúng ta nói về... cầm bút". Một điếu văn đúng như ý người đọc tâm giao muốn chia sẻ. Tất cả cùng nhớ Nguyễn Huy Thiệp, trong tiếng kèn saxophone của NSƯT Quyền Văn Minh, bài “Một cõi đi về”.

Các cụ vẫn bảo rằng, trong vòng 49 ngày, người đã khuất vẫn ở dương gian, linh hồn quyến luyến ngôi nhà, người thân, những gì thương mến nhất. Nâng linh cữu nhà văn ra xe tang, phía đầu là thi sĩ Nguyễn Quang Thiều, phía chân là nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - những cây bút thế hệ 5X chứng kiến, đồng hành, thân thiết với Nguyễn Huy Thiệp từ thuở ban đầu. Khi cùng tiễn nhà văn tới cuối sân, sắp chia tay, tôi hỏi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "5 giờ sáng, tôi đã rời nhà từ Hà Đông, đến NXB Hội Nhà văn để sửa lần cuối điếu văn. Tôi đã viết suốt đêm".

Chiều 24.3, Nguyễn Huy Thiệp đoàn tụ với vợ, tại nghĩa trang thôn Tằng My, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. Họ sinh ra, gắn bó, lìa đời, trao xương cốt vào đất quê - Hà Nội. Vợ chồng nhà văn đều trút hơi thở cuối vào ngày mưa, nhẹ như giấc ngủ, ông đi sau vợ, thiếu đúng 1 tuần là tròn 4 tháng.

Kết nối các tác phẩm (liên văn bản) sẽ ra được tinh thần của nhà văn. Kết nối các chi tiết đời sống, ra duyên mệnh. Tôi sinh tháng Tư, năm Canh Thân, tháng đẹp rộ loa kèn. Sinh trước tôi 30 năm, Nguyễn Huy Thiệp tuổi Canh Dần 1950. Ông đã chọn sinh nhật mình 29.4.2003 để viết cho tôi bài “Hiện tượng Vi Thùy Linh”, bảo vệ sự công bằng giữa những trận bút chiến mà chính ông cũng ngán ngại. Cho đến nay, đây là bài phê bình duy nhất ông viết cho tác giả hậu bối, thế hệ 8X. Ông ghi nhận, ủng hộ tôi, và chỉ sự quả cảm và gan lì bởi tin ở khát vọng, đam mê nghề viết bảo vệ ông. Từ 1992 bị ép nghỉ non, không lương hưu, đến 2018, nhờ có GS Đặng Hùng Võ can thiệp, nhà văn mới được hưởng lương tối thiểu, chưa đầy 2 triệu.

Nguyễn Huy Thiệp của văn chương, khi nổi tiếng đỉnh cao, như Trần Văn Thủy của điện ảnh. Nhưng đạo diễn Trần Văn Thủy còn được danh hiệu NSND, Giải thưởng Nhà nước. Nguyễn Huy Thiệp bị "đánh", bị ghen ghét, bị đố kị bủa vây. Song, mệnh của ông là Mộc - cây tùng bách, người quân tử sống hiên ngang.

Năm nay, 35 năm kể từ khi ông đăng đàn truyện ngắn đầu tiên - “Vết trượt”, trên tuần báo Văn nghệ.

Năm nay, tròn 1 năm trượt ngã khiến ông tai biến, liệt nửa người bên trái. Trước cú thôi sơn của số phận, Thiệp thua.

Cả cuộc đời ông đã thắng mọi thử thách, bẫy chông. Ngay khi đọc những tác phẩm đầu tiên của Thiệp, TS Hoàng Ngọc Hiến sớm nhận ra một tài năng kiệt xuất, ông viết: "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió!". Ông Hiến quá trải đời để hiểu: Sao có chuyện thuận, xuôi với một cá biệt hiếm gặp, nhân gian ác nghiệt - lẽ thường!

Tất cả cùng nhớ Nguyễn Huy Thiệp, trong tiếng kèn saxophone của NSƯT Quyền Văn Minh, bài “Một cõi đi về”. Ảnh: Hải Nguyễn
Tất cả cùng nhớ Nguyễn Huy Thiệp, trong tiếng kèn saxophone của NSƯT Quyền Văn Minh, bài “Một cõi đi về”. Ảnh: Hải Nguyễn

2. Khu vườn trên mảnh đất rộng 1.000m2 đã không còn. Nhà văn bán 1/2 để lấy tiền xây 2 căn nhà 4 tầng cho các con năm 2007. Tượng Phật phải dịch sang sân 7m để bán phần đất từ thời ông bà chôn rau cắt rốn. Ông đã viết "Hoa sen nở 29.4" ngụ ý nói đến sinh nhật, dù Hè sen mới nở.

Nguyễn Huy Thiệp ra đi trước lúc loa kèn đẹp nhất, trước lúc được ghi nhận cống hiến. Giải thưởng Nhà nước đợt VI sẽ có tên Nguyễn Huy Thiệp là lẽ công bằng, nhưng quá muộn màng!

Năm 1996, Nguyễn Huy Thiệp viết truyện “Cà phê Hàng Hành”. Ông quen ngồi đó buổi sáng, tại Cà phê Nhân, cùng bạn già Nguyễn Bảo Sinh (chuyên kinh doanh dịch vụ chó - mèo ở Trương Định, làm lục bát tục - thanh nhiều như lá). Một văn tài thi pháp hiện đại, độc đáo, lại "dan díu, quấn quýt" 2 ông lục bát (Đồng Đức Bốn quả là thơ hay), khiến lắm người khó hiểu và "ghen".

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định: "Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” là phù điêu đá vàng sáng chói, không lẫn giọng văn nào trong hàng trăm năm qua. Còn tôi thì thấy, từ thế kỷ 20 đến nay, không có trường hợp nào viết hay cả đề tài thành thị lẫn nông thôn như Nguyễn Huy Thiệp.

Ông đã "bẻ ghi", rời nghề giáo để chuyên chú nghề văn, thực tế là đã say văn từ năm đầu tiên trên Sơn La đói, tối, khổ, đêm đến tù mù đèn "úp mặt vào núi" mà đọc sách. Phải chuyển nghề vì Thiệp đầy khát vọng, chọn văn chương và truyện ngắn là gươm báu để hiệp sĩ dấn thân. Tôi liên tưởng đến Lỗ Tấn khi đọc Nguyễn Huy Thiệp. Tít truyện giỏi, thoại đắt, tả tinh, bình luận chiêm nghiệm trúng, chuẩn tựa triết lý.

Trực diện tới cùng, mạnh mẽ, quyết liệt phơi bày đầy tham ác, mưu toan, thủ đoạn bỉ ổi, kinh tởm, đáng khinh nhưng không hề cay nghiệt, tàn bạo, vô cảm. Mà ngay những đoạn khô sắc, buốt gắt nhất cũng được "phun phủ" lớp sương trong vắt của yêu thương. Truyện Nguyễn Huy Thiệp nhân văn còn bởi chất thơ và những giấc mơ ông nuôi cho nhân vật, cho mình. Nó tạo ra không khí, không gian lạ lẫm, kì biệt, ám ảnh, hấp dẫn trong "đường dẫn" ma mị, ảo huyền "đấu điện cao thế" với trần trụi, khốc liệt, man rợ, bản năng đến ớn sởn, rùng mình. Nguyễn Huy Thiệp làm sang cho văn chương Việt Nam trên thế giới, khi tác phẩm của ông được dịch, in nhiều ở Pháp và nửa tá thứ tiếng khác. Hai lần nhà văn qua Mỹ nói chuyện tại các đại học gây chú ý. Năm 2007, ông được bạn bè tháp tùng đến Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội nhận Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương (Chevalier des Arts et des Lettres). "Hiệp sĩ" thường thu mình trong đám đông, không ồn ã, không kiêu lộ liễu; lặng lẽ lúc vinh quang cũng như khi ngã bệnh. Khi "Hổ" ốm, có nhà văn gửi ngay cao hổ cốt. Nhà sản xuất phim Đinh Thị Hoa từ thành phố Hồ Chí Minh nhờ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp mang đến nhà biếu "Vua truyện ngắn" 300 triệu. Khi tôi thăm nhà văn trưa nắng cuối 2020, Khoa - con út ông đã kể về nghĩa cử này trước mặt bố mẹ, với sự cảm kích. Không ngờ đó là lần cuối tôi gặp cô Trang, chú Thiệp. Hôm đó cô yếu, chậm, rất ít nói. Chú thì cứ nhắc đi nhắc lại là chưa có lần nào mừng tuổi con tôi, nay lại chẳng có tiền. Cô chú được các con hỏa táng tại Văn Điển, giữ nguyên cốt hình, xếp vào tiểu sành, an táng ở Đông Anh, đất cô lo xa mua 50m2 khi chồng ốm nặng, làm khu mộ gia đình.

Lần gặp ấy, chú còn chỉ cho tôi chiếc bình gốm sắp nhờ Điệp bán đấu giá, có câu của Cổ Long: "Ta dùng ngòi bút để có được tất cả, kể cả sự tịch mịch". Bán để phụ thêm tiền thuốc uống, sữa. May là đến giờ chiếc bình vẫn còn.

3. Tầng 1, ngôi nhà gốc của nhà văn nay là phòng thờ. Con trai cả Nguyễn Phan Bách (1976, tốt nghiệp lớp Điêu khắc khóa 42 năm 2003, ĐH Mỹ thuật VN), dùng tầng 2 làm xưởng vẽ tranh sơn dầu. Bách lấy Tạ Thu Hà (1979), người phố ga Trần Quý Cáp, sinh bé gái Hà Anh năm 2008. Nguyễn Huy Thiệp trở lại Tây Bắc, thăm nơi dạy học được một lần, tháng 7.2018. Trước đó, ông cùng bạn bè lên thị trấn sông Mã, đón con dâu thứ - Lê Thị Huyền (1989), cha mẹ người Kinh lên đây lập nghiệp. Huyền là vợ Khoa (1983), sinh được hai con: Trai tên Nhật Minh (2015), gái tên Bảo Ngọc (2017), đều vào tháng 10.

Từng vài lần vào bệnh viện vì tắc động mạch, trận ốm cuối cùng quật "hổ Thiệp" gục hẳn, là do chập dồn cả bệnh tiểu đường, huyết áp cao.

Người vợ Phan Thị Trang, mồ côi mẹ năm 3 tuổi, con gái ông đồ ở làng Vẽ ven đô. Anh trai bà, Phan Quyền Trọng là liệt sĩ chống Mỹ. Nay nhà chỉ còn em gái tên Đang (1950) bị tâm thần. Tham gia Ban lễ tang, là em họ Phan Vĩnh Điển (1957). Chính dì Đang hồi làm cửa hàng mậu dịch đã tiếp phẩm giúp mẹ Trang nuôi các cháu ở Bắc Ninh. Bách ở cùng mẹ tới hết lớp 5 mới được về Hà Nội với Bố. Anh trai cả ở với mẹ Trang (dạy Văn 15 năm ở cấp 3 Tiên Du), trong khi bố Thiệp dạy Sử ở Sơn La.

Thỉnh thoảng thăm vợ con, thầy giáo Thiệp từ huyện Mai Sơn (hơn 7 năm đầu ở bản Hua Tát, xã Cò Nòi) chỉ chắt bóp lương eo hẹp, mua măng, củi. Được ông anh quý cho vài thân gỗ bán thêm thu nhập, rồi Thiệp cũng chẳng tham nổi vì phiền phức, nhưng "vốn liếng" dữ liệu vụ thuê thợ đốn cây, xẻ gỗ cho ông viết “Những người thợ xẻ” (1988), năm 1998 đạo diễn Vương Đức làm phim nhựa (kịch bản gộp cả truyện “Con gái Thủy thần”). Đời như cuốn phim, li kì, kịch tính, nên Thiệp viết đầy chất điện ảnh, bởi thế mà các đạo diễn tài năng đã nhanh mắt nhanh tay đưa lên màn bạc. “Tướng về hưu” (1988) của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi gây chấn động khi đạo diễn dũng cảm dùng chi tiết truyện làm phim con dâu tướng Thuấn, BS Thủy (Hoàng Cúc) lấy nhau thai ở BV Phụ sản về xay cho chó becgiê ăn. Nổi tiếng đến mức, đọc và bàn luận về truyện Nguyễn Huy Thiệp thành khẩu vị thời thượng của cả trí thức lẫn thị dân từ Bắc vào Nam, cho tới hôm nay. Đến “Thương nhớ đồng quê” (1992), ĐD Đặng Nhật Minh viết kịch bản và làm phim (1995) cũng không bỏ chi tiết vàng, và phim dự nhiều Liên hoan phim, nhận giải thưởng quốc tế. Đó là mở đầu cảnh Nhâm (Tạ Ngọc Bảo) đi đón chị Quyên Việt kiều (Lê Vân) từ ga tàu, đèo về bằng xe đạp, đi qua cánh đồng làng quê. Cảnh Nhâm xuất tinh đầu đời trai khi nhìn chị Quyên tắm sông từ trong ruộng ngô xanh ngát. Có ai biết, cái giá của sự nổi tiếng là sau đó, Nguyễn Huy Thiệp bị ép về hưu non và không hề kèm "một cục" (tiền), không có lương hưu.

Đặt tên con là Bách - Khoa, nhưng Nguyễn Huy Thiệp chỉ có một nghề viết là giỏi, thành công nhất, ông từng mở nhà hàng Hoa Ban ở số 5 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, được 2 năm thì dừng, vì mất thời gian, dừng luôn cả nhà hàng Hưng Thịnh mở ở Thái Thịnh (đều chung với bạn), dù khách đến với ông rất đông, vì mến tài. Ông chủ không uống bia rượu mà có những đĩa phôi vẽ chân dung, mang tặng khách. Thích, biết vẽ nên ở NXB Giáo dục, Cục Bản đồ, ông làm công việc can bản đồ, bìa sách. Nhà văn từng mưu sinh bằng việc vẽ biển hiệu. Trong lần đi làm thuê tại Triển lãm Giảng Võ, ông gặp họa sĩ Hồng Hưng, sau thành bạn thân, dắt díu nhau qua lúc khó khăn cơm áo.

Nhà văn NHT cùng hai con trai và cháu nội. Ảnh: GĐCC
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng hai con trai và cháu nội. Ảnh: GĐCC

4. PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học), khi biết tôi viết bài này cho Báo Lao Động, đã gửi một bài viết độc quyền, mà theo ông là "văn bia cho Thiệp": "Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng lớn, có tư tưởng. Ông đã kiến tạo nên một thế giới độc đáo qua sự pha trộn thực ảo đầy bất ngờ và "lệch chuẩn". Đó là nhân tố hết sức quan trọng để tạo bùng nổ và đột biến. Lõi cốt nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp là tư duy đối thoại. Chiều sâu của Nguyễn Huy Thiệp là hướng tới sự thức tỉnh. Ngay cả tiểu thuyết "Tuổi hai mươi yêu dấu" của ông cũng là một tiếng nói thức tỉnh. Để thức tỉnh và cảnh báo, ông chọn lối viết bạo liệt, tàn nhẫn, không khoan nhượng. Thế giới nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp, vì thế, ngập tràn màu sắc giễu nhại (parody). Nhà văn nhiều lần nói về Đạo, về Phật tính, về sự vô lượng của tự nhiên trong tương quan với thói vị kỷ của con người, nhưng đời sống qua trình hiện của ông lại đẫm "Dịch", nghĩa là luôn biến hoá. Ông có nhiều truyện ngắn xuất sắc, đặc biệt về nông thôn, về đời sống thời kinh tế thị trường và đô thị hoá như: "Muối của rừng", "Những bài học nông thôn"... Ông cũng rất độc đáo trong những tác phẩm giả lịch sử, giả cổ tích: "Kiếm sắc", "Vàng lửa", "Phẩm tiết", "Con gái thuỷ thần", "Trương Chi"... Người ta thường nói đến vị thế của "Tướng về hưu" trong văn nghiệp Nguyễn Huy Thiệp nói riêng và văn học đổi mới nói chung. Chính xác, đó là một truyện ngắn có khả năng tạo sóng. Nhưng trong cái nhìn của tôi, "Không có vua" mới là đỉnh cao của Nguyễn Huy Thiệp. Nó là một phức điệu mang tầm kiệt tác".

"Vua truyện ngắn" sống thanh bạch, nhưng giàu bạn. Bạn ông đa dạng, đều hãnh diện khi chơi với ông. Đến tang lễ Nguyễn Huy Thiệp, có các họa sĩ tài danh Thành Chương, Đào Anh Khánh, Đinh Quân, Lê Đình Nguyên, cả nhạc sĩ Ngọc Đại, cùng các diễn viên, nghệ sĩ. Thiệp viết cả kịch bản sân khấu, phim, ít được dựng. Các đạo diễn làm phim từ truyện ông, nhưng theo kịch bản người khác. Tháng 10.2008, Hội NSSKVN đầu tư dựng vở kịch “Đến bờ bên kia”, do NSND Anh Tú dựng từ truyện ngắn “Sang sông” của Nguyễn Huy Thiệp, hội tụ diễn viên của ba nhà hát. Truyện của Thiệp không chỉ có chất thơ mà còn có thơ của nhà văn. Giờ này, ông vẫn lưu luyến bến bờ. Nhờ truyện “Thương nhớ đồng quê” (1992) bởi nhà văn, yêu phong cảnh nông thôn, điện ảnh Việt Nam có một bộ phim tuyệt vời do Đặng Nhật Minh đạo diễn, quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, âm nhạc Đặng Hữu Phúc, các diễn viên: Tạ Ngọc Bảo, Lê Vân, Thúy Hường...

Và không chỉ đồng quê, mà các thành thị cũng thương nhớ ông.

Những ngọn gió từ Hua Tát vẫn thổi qua cánh rừng văn chương Việt Nam. Từ trường Nguyễn Huy Thiệp vẫn có sức ảnh hưởng lớn.

"Kể từ năm 1975 cho tới lúc này, chưa có nhà văn nào có khả năng làm thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam như ông. Và cho tới lúc này, ông vẫn là người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại.

Chúng ta có thể nói: Văn của ông là sự trần trụi đến nghiệt ngã, nhưng đó là sự trần trụi của một người dám nhìn thẳng sự thật và gọi đúng tên sự thật. Chúng ta có thể nói: Văn của ông là sự nổi giận tựa cơn hỏa hoạn, nhưng đó là sự nổi giận của lương tâm trước sự suy đồi và giả dối của con người.

Chúng ta có thể nói: Văn của ông là sự đau đớn đến kinh hoàng, nhưng đó là sự đau đớn của tình yêu thương con người.

Những tác phẩm của ông mang vẻ đẹp của một lưỡi dao mổ: Chói sáng, chính xác và đau đớn. Con dao ấy đã phẫu thuật những khối u ẩn giấu trong tâm hồn con người. Nó làm con người đau đớn đến mức tưởng không chịu nổi để rồi được bình phục và lớn lên.

Chỉ khi mang nỗi đau đớn tận cùng về con người, ông mới có thể viết những thiên truyện buốt lạnh đến rùng mình. Sự buốt lạnh đến rùng mình ấy chính là lời cảnh báo cao nhất về lương tri. Có lẽ lúc đó, đối với ông, nước mắt than khóc hay những lời an ủi hão huyền chỉ là sự phù phiếm đối với một nhà văn khi nghĩ về, và khi nói về đồng loại của mình".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết như thế và còn tặng người anh, nhà văn ông kính trọng bài thơ viết lúc tinh mơ ngày ly biệt: "Hãy thanh thản ra đi, Nguyễn Huy Thiệp, hỡi chàng hiệp sĩ/ Cùng gươm báu ngôn từ hắt sáng ban mai/ Những cánh đồng đang dâng hương như mùa xuân thứ nhất/ Trên mỗi dấu chân chàng một ký tự sinh ra".

VI THUỲ LINH
TIN LIÊN QUAN

Những khoảnh khắc xúc động tại lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Hải Nguyễn - Hương Mai |

Sáng nay (24.3), giới văn nghệ và bạn đọc đã trở về Nhà tang lễ quốc gia, cúi mình tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một văn tài hiếm hoi của văn đàn Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20.

Nguyễn Huy Thiệp - “ông Vua” truyện ngắn đã về trời!

Việt Văn |

Trước khi bị tai biến 1 năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có nhiều năm dài gần như ở ẩn, dù thi thoảng vẫn có một vài truyện ngắn xuất hiện trên một số tờ báo Tết. Ông cũng viết tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, viết phê bình; nhưng di sản lớn nhất ông để lại vẫn là truyện ngắn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp mang chất riêng”

Chung Thuỷ (ghi) |

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ nhiều về Nguyễn Huy Thiệp, người bạn lớn mà ông rất trân trọng trong nghề và trong cuộc sống.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời

Mai Hương |

Vào 16h45 ngày 20.3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh đột quỵ.

Đấu giá "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021"

Thái An |

Hai phiên đấu giá online 20 bức tranh minh họa trong "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021" thu về gần 639 triệu đồng.

Hỏa hoạn thiêu rụi hơn 4.000 m2 rừng phòng hộ tại Ninh Bình

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Ngày 13.7, một vụ cháy rừng đã xảy ra (tại phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi hơn 4.000 m2 rừng phòng hộ.

Giám đốc trung tâm dạy lái xe ở Hải Phòng chiếm đoạt 22 tỉ đồng của học viên

Mai Chi |

Chiều tối 13.7, Công an TP Hải Phòng thông tin về vụ việc bắt giám đốc và nhân viên Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương II (huyện An Dương, TP Hải Phòng).

Tin 20h: Thời điểm người dân được nhận mức lương truy lĩnh tháng 7 và 8

Linh Trang - Vũ Linh |

Tin 20h: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu xử lý vụ việc của Công ty Hưng Thịnh; Lương thấp, nhiều công nhân tằn tiện sống qua ngày; Lương hưu tháng 9 sẽ truy lĩnh tháng 7 và tháng 8; Vụ sạt lở biệt thự làm 2 người chết ở Đà Lạt: Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can;...

Những khoảnh khắc xúc động tại lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Hải Nguyễn - Hương Mai |

Sáng nay (24.3), giới văn nghệ và bạn đọc đã trở về Nhà tang lễ quốc gia, cúi mình tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một văn tài hiếm hoi của văn đàn Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20.

Nguyễn Huy Thiệp - “ông Vua” truyện ngắn đã về trời!

Việt Văn |

Trước khi bị tai biến 1 năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có nhiều năm dài gần như ở ẩn, dù thi thoảng vẫn có một vài truyện ngắn xuất hiện trên một số tờ báo Tết. Ông cũng viết tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, viết phê bình; nhưng di sản lớn nhất ông để lại vẫn là truyện ngắn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp mang chất riêng”

Chung Thuỷ (ghi) |

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ nhiều về Nguyễn Huy Thiệp, người bạn lớn mà ông rất trân trọng trong nghề và trong cuộc sống.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời

Mai Hương |

Vào 16h45 ngày 20.3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh đột quỵ.

Đấu giá "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021"

Thái An |

Hai phiên đấu giá online 20 bức tranh minh họa trong "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" và "Sách Tết Tân Sửu 2021" thu về gần 639 triệu đồng.