Nguy cơ trung bình của nghệ thuật Việt Nam, vài suy ngẫm

Nguyễn Như Huy |

Liệu có thể dùng cách định nghĩa này về bẫy thu nhập trung bình trong kinh tế để nói về, hay có lẽ là, cảnh báo về tình trạng phát triển nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật đương đại hay không?

Bẫy thu nhập trung bình là gì?

Vào năm 2008, theo số liệu thống kê, Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân 1.000 USD/người/năm, qua đó chính thức thoát khỏi tình trạng nước nghèo để đạt tới tình trạng thu nhập trung bình. Tuy nhiên từ đó, cho tới nay, tức trong khoản thời gian 20 năm, theo giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno từ viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, Việt Nam đã chững lại, và có thể nói rằng, đã rơi vào cái gọi là bẫy thu nhập trung bình. Theo ông, có nhiều dấu hiệu để khẳng định điều đó. Thứ nhất, do năng suất lao động kém. Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu ở Việt Nam chỉ mang tính hình thức. Thứ ba là Việt Nam đã bị trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu và thứ tư là Việt Nam đã gặp các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo.v.v..

Vậy bẫy thu nhập trung bình là gì?

Kiến thức phổ thông cho ta biết, đó là một tình trạng trong phát triển kinh tế khi mà một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.

Nghệ thuật đương đại Việt Nam và bẫy trung bình?

Liệu có thể dùng cách định nghĩa này về bẫy thu nhập trung bình trong kinh tế để nói về, hay có lẽ là, cảnh báo về tình trạng phát triển nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật đương đại. Nói cụ thể là - liệu có thể cho rằng, sau một thời gian phấn đấu nỗ lực lâu dài, sau một vài dấu mốc quan trọng của sự xuất hiện quốc tế, để thoát khỏi tình trạng vô danh và yếu ớt, vào lúc này, nghệ thuật đương đại Việt Nam đang đối mặt với một dạng tình huống “trung bình”. Dĩ nhiên, cần phải lưu ý rõ là, với chữ “trung bình” ở đây, tôi không muốn nói về “sự thu nhập”, nhưng là nói từ góc độ nghệ thuật đương đại tại Việt Nam hiện nay, vào chính giữa lúc nó tưởng như bắt đầu có được sự chấp nhận cả trong nước và quốc tế, dường như cũng chính là lúc nó hết động lực làm điều lớn lao, thiếu đi câu chuyện độc đáo, và trên hết, mất khả năng quan trọng nhất của nghệ thuật - sự tương tác thuần khiết và có tính sáng tạo với công chúng?

 Cảnh cắt ra từ bộ phim Letters from Panduranga của nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi (bộ phim đoạt giải nhất hạng mục tác phẩm Digital của giải thưởng Prudential Eyes 2016).
Cảnh cắt ra từ bộ phim Letters from Panduranga của nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi (bộ phim đoạt giải nhất hạng mục tác phẩm Digital của giải thưởng Prudential Eyes 2016).

Có thể nói năm 2017, nhìn từ góc độ nào đó là một năm “vàng” với nghệ thuật Việt Nam nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng. Một mặt, đây là một năm “vàng” về kinh tế khi các phiên đấu giá nghệ thuật tại Việt Nam thi nhau xướng lên các kỉ lục về giá gõ búa bán tác phẩm, thậm chí tới mức 100.000USD, đồng thời, ở mặt khác, đây cũng là một năm vàng ở khía cạnh tổ chức nghệ thuật, khi các trung tâm nghệ thuật đương đại lớn đến hàng ngàn mét vuông với các trang thiết bị trưng bày tối tân lần lượt ra mắt từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh. Về phía nghệ sĩ Việt nam, thì họ cũng lần lượt thay nhau triển lãm tại khu vực và xa hơn, trong các sự kiện triển lãm, thậm chí cỡ bảo tàng.

Với những bằng cớ có tính vượt bậc này của cho nghệ thuật đương đại Việt Nam, làm sao lại có thể nói về một điều gì liên quan đến trung bình?

Cái chết của nghệ thuật lớn là gì?

Trong luận văn quan trọng về nghệ thuật có tên là “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật” viết năm 1935 - 1937, và xuất bản năm 1950, triết gia Martin Heidegger đã đưa ra một luận điểm (lặp lại luận điểm trước đó của Hegel) về “cái chết của nghệ thuật”. Theo Heidegger, vào thời hiện đại, nghệ thuật - theo nghĩa nghệ thuật lớn đã chết. Vậy nghệ thuật lớn là gì? Trái với các loại nghệ thuật mang tính giải trí hoặc thư giãn của thời hiện đại, Nghệ thuật lớn, theo Heidegger, là một thực hành làm cho cho chân lý xảy ra. Ở góc độ này, nghệ thuật lớn có tầm nghiêm trọng và quan trọng ngang bằng với các hành vi lập quốc, tử đạo, và sở hữu đức tin vô điều kiện. Thế vì sao thời hiện đại lại là lúc mà nghệ thuật lớn bị chết? Câu trả lời rất đơn giản. Đó là bởi trong thời hiện đại, con người, trong sự sùng mộ khoa học kỹ thuật, đã rơi vào ảo tưởng coi bản thân là chủ nhân ông của tự nhiên. Chính thái độ này đã dẫn họ tới việc tìm cách biến tự nhiên thành các đối tượng sử dụng đơn thuần chỉ để phục vụ lợi ích và sự tiện nghi của họ. Nghệ thuật lớn, theo nghĩa nguyên khởi của nó là Techne (tiếng Hy Lạp: Một thực hành làm cho chân lý xuất hiện ra) bởi lẽ đó, đã đánh mất ý nghĩa ban đầu ấy để chỉ còn là công cụ cho con người giải trí, thư giãn, và kiếm lời.

Nghệ thuật lớn chết khi nó không còn là lối cho con người tìm về chân lý mà chỉ còn là các vật thể trưng bày. Ngay tại đây, nó cũng đánh mất luôn mối quan hệ sáng tạo, nghiêm trọng, thiêng liêng và giàu có nhất mà nó từng có với công chúng ở thời xa xưa, để chỉ trở thành các vật thể cho công chúng trải nghiệm về mặt xấu đẹp hình thức, và rồi được mua bán lưu trữ đơn thuần như các của cải.

Nghệ thuật, khi bị tầm thường hoá theo cách nói trên, sẽ mất đi toàn bộ tính nghiêm trọng và ẩn mật ban đầu của nó, và theo đó, nó chết. Sự chết của nghệ thuật lớn có thể minh hoạ qua ví dụ của một ngôi đại tự được xây mới với vô số tượng và tượng đài hoành tráng kỳ vĩ, mái dát vàng, sàn dát bạc...

Tuy nhiên, kể cả khi được chế tạo với vẻ ngoài hoành tráng và hào nhoáng đến đâu, thì ngôi đại tự này cũng chỉ là một cái xác rỗng mà thôi bởi nó hoàn toàn thiếu đi mọi tính chất ẩn mật, nghiêm trọng mà các nơi chốn linh thiêng buộc phải có. Những tính chất ẩn mật và nghiêm trọng này của một nơi chốn linh thiêng không thể do các tỉ phú tạo được ra trong một lúc và nhờ vào tiền muôn bạc bể, mà chúng chỉ có thể được tạo nên qua thời gian, lịch sử; qua các quyết định và chọn lựa căn cơ quyết liệt sống chết nhất của con người - và vì thế, mang chứa mối quan hệ máu huyết và sinh tử với nhiều kiếp người sống bên nó và sống trong vùng ảnh hưởng tâm linh của nó.

Nhìn từ góc độ này, một am tu bé nhỏ nghèo khổ, thiếu thốn và xộc xệch nơi góc núi khe vực có thể mới chính là địa bàn cho chân-lý xảy ra, chứ không phải các đại tự mới xây trên các vùng địa lý thắng cảnh quốc gia, mà thể cách tồn-tại của các đại tự ấy chỉ ngang với thể cách là tồn-tại của các dạng công viên chủ đề kiểu Disneyland, sống nhờ thu tiền vé vào cửa và tiền cho thuê cảnh nền chụp ảnh.

Hình trong tác phẩm Past Moved (Quá khứ di dời) của nghệ sĩ Bùi Công Khánh (Tác phẩm vào vòng chung kết giải thưởng nghệ thuật Châu Á Thái Bình Dương 2011).
Hình trong tác phẩm Past Moved (Quá khứ di dời) của nghệ sĩ Bùi Công Khánh (Tác phẩm vào vòng chung kết giải thưởng nghệ thuật Châu Á Thái Bình Dương 2011).

Chính tại cách cắt nghĩa nói trên kiểu Heidegger về sự chết của nghệ thuật lớn, mà tôi muốn bàn tới tình trạng “trung bình” của nghệ thuật đương đại Việt Nam, vào ngay chính lúc dường như nó bắt đầu bước vào một thời kỳ “bùng nổ”.

Thực tế là ngay khi nghệ thuật đương đại Việt Nam có vẻ như bắt đầu được “chấp nhận” cả trên bình diện trong nước và khu vực, thông qua sự thiết lập các cơ sở hạ tầng “chuyên nghiệp”, hay các hoạt động “chuyên nghiệp” của nghệ sĩ, nhìn từ góc độ có sự nở rộ của các hoạt động trưng bày hay trình diễn, nghệ thuật đương đại đã đối mặt với nguy cơ lớn nhất: Biến thành công cụ giải trí, hay tệ hơn, là một nghề nghiệp, hiểu theo nghĩa một công việc thường nhật, y như các công việc làm công ăn lương khác của đời sống. Vì sao đây lại là nguy cơ? Đó là bởi dẫu các công việc thường nhật hay tính giải trí, bản thân chúng không hề là điều gì xấu xa, song khi chúng trở nên bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật, chính chúng sẽ giết đi thể cách quan trọng nhất của nghệ thuật: Đó là tính phê phán, năng lực phản biện, và khả năng không bị quy thuộc vào bất kỳ một định nghĩa hay khuôn khổ nào. Nghệ thuật rơi vào bẫy “trung bình” khi nghệ sĩ hết động lực phản biện và thay đổi, khi công chúng chỉ tìm tới nó như công cụ giải trí hay kiếm thêm thu nhập, và khi tác phẩm nghệ thuật hết còn là địa bàn cho chân lý xảy ra, mà chỉ còn là các vật thể nhìn từ góc độ của cải hay đồ chơi - dù là đồ chơi trí tuệ hay đồ chơi thẩm mỹ.

Theo đó, cái nguy cơ “trung bình” được nói tới ở đây - chính là nguy cơ của sự mất đi tính nghiêm trọng, sự bí ẩn, năng lực phá cách của nghệ thuật. Cái nguy cơ trung bình ở ấy còn nguy cơ ở chỗ sự hạ thấp mong đợi từ góc độ công chúng. Ngay khi công chúng không còn mong đợi nghệ thuật đương đại có khả năng làm họ choáng ngợp, làm họ rơi vào tình huống bất thường (thậm chí căm ghét, phản đối), để chỉ chờ đợi nó đem lại các không gian giải trí hay mở ra sự sang trọng cảnh vẻ về mặt bề ngoài (nhạc Jazz, rượu vang, không gian đèn nhấp nháy sang trọng), thì chính lúc đó, nghệ thuật đương đại, từ góc độ tiếp nhận, đã chết. Với các nghệ sĩ, nguy cơ “trung bình” là nguy cơ làm cho công việc của họ chỉ còn là tìm cách viết đơn xin tài trợ hoặc viết bản đề nghị xin tham dự các chương trình nhiệm trú nghệ thuật. Cuộc đời làm nghệ thuật của họ giờ đây được tính bằng các cuộc xếp hàng dài đợi cơ hội theo kiểu đợi phát cơm trưa hay tối. Bản thân vai trò nghệ sĩ của họ, nhìn dưới góc độ một sự vận động tự thân, thông qua con đường sáng tạo độc đạo đã nhường chỗ cho sự khảo sát thị trường để tìm cách sản xuất ra các hàng hoá giải trí hợp nhãn nó.

Và như vậy, cũng y như tình trạng “bẫy thu nhập trung bình” trong kinh tế thậm chí còn tệ hơn tình trạng nghèo đói ở chỗ chính tình trạng nghèo đói không đáng sợ vì nó còn chứa đựng động lực thoát nghèo - tình trạng “trung bình”của nghệ thuật này vô cùng nguy hiểm cho nghệ thuật khi nó triệt tiêu đi mọi động lực và khao khát trở nên lớn lao hơn của cả nghệ sĩ và công chúng. Cả một nền nghệ thuật, bao gồm tác phẩm, nghệ sĩ, công chúng, các định chế, khi rơi vào bẫy “trung bình”, sẽ biến thành một không gian nhẽo, phẳng lặng, ngưng phát triển. Đây chính là tình trạng như một câu thơ nhà thơ Dương Tường từng viết khi xưa:

“Ở đây tất cả đều tủn mủn”.

Tại đây, con người nghệ sĩ đích thực đã dừng lại, công chúng đã chỉ là những kẻ giải trí, và nghệ thuật lớn đã chết. Mọi thứ cứ trung bình như thế, tủn mủn như thế - chìm vào quên lãng. Mãi mãi.

Làm sao để nghệ thuật thoát bẫy trung bình?

Để thoát bẫy thu nhập trung bình trong phát triển kinh tế, một trong những giải pháp mà một nhà nghiên cứu kinh tế Nhật khác là Huruhiko Karoda đưa ra chính là “Tập trung đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực vì nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra”.

Nói nôm na, với giải pháp này, khi áp dụng vào môi trường văn hoá nghệ thuật, ta có thể hiểu rằng, bây giờ, thay vì hướng ngoại tới các triển lãm hào nhoáng, ở nội địa hay ngoại quốc, trước hết, các nghệ sĩ phải quay trở về làm giàu có cho bản thân, tự tạo nên chất lượng bản thân qua giáo dục và tự giáo dục. Nghệ thuật, khi ra khỏi xưởng làm việc của nghệ sĩ, dù sẽ được vận hành trong xã hội như một thực hành kinh tế, thực hành trưng bày hay giải trí, thì khi còn trong phạm vi xưởng làm việc của nghệ sĩ nó vẫn buộc phải là một thực hành có tính sáng tạo theo nghĩa cao nhất của chữ này. Sáng tạo ở đây, có nghĩa là, có liên quan đến việc làm cho chân lý xảy ra, có liên quan đến khao khát và ý chí tạo nên điều gì lớn lao vượt khỏi mọi khuôn khổ từng có sẵn. Chỉ trong thể điệu này mà thôi, nghệ sĩ mới có khả năng duy trì nghệ thuật không bị rơi vào tình huống trung bình. Ở đây, xưởng làm việc của nghệ sĩ chính là một nơi chốn “linh thiêng” căn cơ, hiểu theo nghĩa nó mang chứa các quyết định, các lựa chọn quyết liệt nhất của nghệ sĩ, tức những gì có sức mạnh tối cao của việc làm chân lý xảy ra.

Tình trạng này đối lập hoàn toàn với việc, ngay từ ban đầu, người “nghệ sĩ” đã xác định sẵn nhu cầu của người “mua”, để định hướng công việc của mình chỉ là thoả mãn các nhu cầu sẵn có đó, theo cách một nhà sản xuất hàng hoá tiêu dùng thông thường tìm cách thoả mãn nhu cầu khách hàng. Xưởng làm việc của nghệ sĩ, giờ đây, hiểu theo cách này, chỉ là một chặng trong chuỗi sản xuất hàng hoá dựa theo quy luật cung cầu của một xã hội tiêu dùng.

Cần phải nói thêm, một trong những kinh nghiệm để Singapore thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là đầu tư vào giáo dục. Số liệu thống kê cho thấy các quỹ dành cho giáo dục chiếm ít nhất 12% ngân sách quốc gia thường niên, và thậm chí có thể lên đến 35%, cao thứ hai trong tổng chi tiêu chính phủ hàng năm. Tự tăng chất lượng nhân lực địa phương, cả sản xuất và tiêu thụ trong kinh tế, chính là một bài học cho lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.

Khi và chỉ khi chất lượng của chủ thể sáng tạo được nâng cao, chất lượng của công chúng tiếp nhận được nâng cao, tự thân nghệ thuật sẽ thoát khỏi tình trạng trung bình. Một khung cảnh nghệ thuật mà ở đó mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng không bị biến thành các hoạt cảnh hào nhoáng song rỗng tuếch; mà ở đó tác phẩm nghệ thuật không chỉ được coi là các vật thể tiền bạc hay đồ chơi trí tuệ kiểu lego - khung cảnh ấy chỉ có thể được tạo ra từ khao khát trở nên lớn lao của cả công chúng và nghệ sĩ, tức những người đã liên tục nhờ vào sự tự giáo dục chuyển đổi và nâng cao chất lượng suy tư, hiểu biết của bản thân mình.

Đây chính là phương pháp giúp khung cảnh nghệ thuật phát triển và thành công bền vững, qua đó - thoát khỏi mọi tình huống trung bình....

Nguyễn Như Huy
TIN LIÊN QUAN

Một cách nhìn về Netsuke - Điêu khắc gỗ Nhật Bản đương đại

HẢI AN |

Nhân kỷ niệm 45 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, ngày 26.1 vừa qua, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản đã khai mạc triển lãm “Netsuke - Nghệ thuật Điêu khắc gỗ Nhật Bản đương đại” tại Hà Nội, với 65 tác phẩm của 64 nghệ nhân. Đến với triển lãm, người xem được chiêm ngưỡng và“thưởng thức bằng cả xúc giác” những tác phẩm thủ công mang đậm phẩm chất của người tạo ra chúng.

Nguyễn Thế Việt đoạt giải Vàng LH Nghệ thuật Châu Á – Thái Bình Dương

M. K |

Liên hoan nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 vừa được tổ chức vừa qua tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), đại diện cho Việt Nam - Nguyễn Thế Việt đã xuất sắc giành giải Vàng chung cuộc.

Công bố 10 sự kiện văn hóa - thể thao tiêu biểu năm 2017

MAI CHÂU |

Hát Xoan Phú Thọ và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhận được số phiếu bình chọn áp đảo (5.354 bình chọn trên mạng, 126 phiếu bình chọn trực tiếp).

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Một cách nhìn về Netsuke - Điêu khắc gỗ Nhật Bản đương đại

HẢI AN |

Nhân kỷ niệm 45 năm Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, ngày 26.1 vừa qua, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản đã khai mạc triển lãm “Netsuke - Nghệ thuật Điêu khắc gỗ Nhật Bản đương đại” tại Hà Nội, với 65 tác phẩm của 64 nghệ nhân. Đến với triển lãm, người xem được chiêm ngưỡng và“thưởng thức bằng cả xúc giác” những tác phẩm thủ công mang đậm phẩm chất của người tạo ra chúng.

Nguyễn Thế Việt đoạt giải Vàng LH Nghệ thuật Châu Á – Thái Bình Dương

M. K |

Liên hoan nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 vừa được tổ chức vừa qua tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), đại diện cho Việt Nam - Nguyễn Thế Việt đã xuất sắc giành giải Vàng chung cuộc.

Công bố 10 sự kiện văn hóa - thể thao tiêu biểu năm 2017

MAI CHÂU |

Hát Xoan Phú Thọ và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhận được số phiếu bình chọn áp đảo (5.354 bình chọn trên mạng, 126 phiếu bình chọn trực tiếp).