Người vẽ lại điêu luyện về một trật tự thế giới mới

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Là người chuyên nghiên cứu về “Con đường Tơ lụa” - tuyến đường thông thương quan trọng của nhân loại trong suốt chiều dài quá khứ, Peter Frankopan đã tổng hòa nhiều bằng chứng lịch sử để đưa độc giả thời hiện đại du hành vào mạng lưới những “con đường” quan trọng đã và đang góp phần không nhỏ tạo nên bộ khung kinh tế và địa chính trị của thế giới ngày nay.

Tiếp nối thành công của tác phẩm trước đó ''The Silk Roads: A New History of the World'' (Những Con đường Tơ lụa: Lịch sử mới về thế giới, 2015), cuốn sách ''The New Silk Roads: The Present and Future of the World'' (Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới) của Peter Frankopan tiếp tục gây sự chú ý lớn với dự đoán về các xu hướng địa chính trị, kinh tế toàn cầu hiện nay và tuyên bố một “sự thay đổi và chuyển dịch có tính chất và quy mô mang tầm thời đại”. Đó là sự chuyển dịch trung tâm quyền lực của thế giới từ phương Tây sang phương Đông. Con đường Tơ lụa chính là trung tâm của bức tranh - quan trọng tới nỗi chúng ta sẽ không thể hiểu được những gì đang xảy ra ngày hôm nay và trong tương lai mà không đề cập tới khu vực địa lý nằm giữa Đông Địa Trung Hải và Thái Bình Dương.

Tác giả Peter Frankopan (sinh năm 1971), hiện là giáo sư lịch sử toàn cầu tại Đại học Oxford, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Byzantine, thành viên của Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia Anh, thành viên Hiệp hội Nhân học Hoàng gia Anh, đồng thời là Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Con đường Tơ lụa tại King’s College (thuộc Đại học Cambridge). Cuốn “Con đường Tơ lụa mới” đã nhận được nhiều đánh giá xác đáng: “Vẽ lại một cách điêu luyện về một trật tự thế giới mới...” (Justin Marozzi, Evening Standard); “Nhiều cuốn sách đã được viết ra như một lời tuyên bố về ‘lịch sử mới của thế giới’. Nhưng cuốn sách này mới hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ấy... đầy khát vọng, vô cùng chi tiết và cực kỳ hấp dẫn” (The Times).

Xin giới thiệu tới bạn đọc một số trích đoạn trong cuốn sách này của Peter Frankopan.

“Con đường Tơ lụa” là gì?

Vào cuối thế kỷ XIX, nhà địa lý người Đức Ferdinand von Richthofen đã nghĩ ra một định nghĩa cho mạng lưới những con đường giao thương kết nối nhà Hán ở Trung Hoa với các khu vực khác trên thế giới. Ông đã đặt tên cho những liên hệ đó là die Seidenstraßen - có nghĩa là “Con đường Tơ lụa” - một định nghĩa đã thu hút trí tưởng tượng của cả giới học giả cũng như quần chúng.

Bìa cuốn “Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới”.  Ảnh: Omega Plus cung cấp
Bìa cuốn “Con đường Tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới”. Ảnh: Omega Plus cung cấp

Khái niệm “Con đường Tơ lụa” của Richthofen khá mơ hồ trong việc xác định chính xác phạm vi địa lý của quá trình trao đổi hàng hóa, tư tưởng và con người giữa châu Á với châu Âu và châu Phi, cũng như trong việc giải thích xem liệu Thái Bình Dương và Biển Đông có liên hệ như thế nào với Địa Trung Hải và trên hết, là Đại Tây Dương. Thực tế, sự lỏng lẻo của khái niệm “Con đường Tơ lụa” cũng có ích, nhất là vì nó không phải là “con đường” như ý nghĩa hiện đại của từ này, hoặc vì nó đã làm mờ đi sự khác biệt giữa các tuyến thương mại đường dài và các tuyến thương mại ngắn, hay thậm chí vì ngoài lụa, nhiều loại hàng hóa khác nhau đã được trao đổi và trong một số trường hợp còn nhiều hơn thứ vải đắt đỏ kia gấp nhiều lần.

Trên thực tế, “Con đường Tơ lụa” là khái niệm mô tả cách thức mà con người, các nền văn hóa và các đại lục hòa quyện vào nhau - và thông qua đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cách thức truyền bá tôn giáo cũng như ngôn ngữ trong quá khứ, đồng thời cho thấy làm thế nào mà các quan điểm về ẩm thực, thời trang và nghệ thuật lan tỏa, cạnh tranh và vay mượn lẫn nhau. “Con đường Tơ lụa” làm rõ hơn vai trò trung tâm của việc kiểm soát các nguồn tài nguyên cũng như các tuyến thương mại đường dài, qua đó giải thích bối cảnh và động lực của các cuộc hành trình xuyên sa mạc và đại dương giúp cho các đế quốc trỗi dậy. “Con đường Tơ lụa” cho chúng ta thấy người ta đã thúc đẩy các sáng tạo công nghệ và lan truyền chúng qua khoảng cách hàng ngàn dặm bằng cách gì, cũng như bạo lực và bệnh tật đã đi theo những mô-típ hủy diệt tương tự nhau ra sao. “Con đường Tơ lụa” cho phép chúng ta hiểu được rằng, quá khứ không phải là một chuỗi các thời kỳ hay các khu vực cô lập và tách biệt, nó cho phép chúng ta cảm nhận được giai điệu của lịch sử mà trong đó, qua hàng thiên niên kỷ, thế giới được nối kết với nhau như một phần thuộc về quá khứ vĩ đại và bao trùm của hành tinh này.

“Hành lang về gen” của con người

Chỉ vài năm sau khi cuốn “Những Con đường Tơ lụa” được xuất bản, rất nhiều thứ đã thay đổi. Dưới góc nhìn của một sử gia như tôi, đã xuất hiện nhiều tiến triển cực kỳ thú vị trong cách chúng ta tìm hiểu quá khứ. Các học giả làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tại những khoảng thời gian và khu vực khác nhau đã cho ra đời các nghiên cứu vừa sáng tạo lại vừa thu hút. Các nhà khảo cổ học sử dụng hình ảnh vệ tinh để khám phá những hệ thống thủy lợi do hàng loạt bể chứa nước, kênh đào và đập nước có niên đại khoảng thế kỷ IV tạo thành; giải thích bằng cách nào người xưa trồng được hoa màu tại các khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Tây Bắc Trung Quốc, trong khoảng thời gian quá trình giao lưu với thế giới bên ngoài bắt đầu gia tăng.

Trong khi đó, các học giả thuộc dự án Hợp tác Vẽ bản đồ Di sản Afghanistan (Afghan Heritage Mapping Partnership) đã tận dụng dữ liệu từ vệ tinh thương mại và vệ tinh do thám, cũng như từ máy bay không người lái sử dụng trong các nhiệm vụ trinh sát tại Afghanistan. Kết quả là họ đã phục dựng được một bức tranh chi tiết về hệ thống lữ quán trên sa mạc, các kênh dẫn nước và tổ hợp nhà ở từng được các nhà lữ hành sử dụng ở trung tâm lục địa châu Á. Chính phát hiện này đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về cách người xưa liên kết các Con đường Tơ lụa trong quá khứ.

Cũng có những nghiên cứu gắn nguồn gốc của tiếng Yiddish với các trao đổi thương mại xuyên suốt châu Á và khẳng định rằng quá trình phát triển của tiếng Yiddish có mối liên hệ với các phương pháp được thiết kế riêng nhằm bảo vệ sự an toàn của quá trình trao đổi hàng hóa, bằng cách tạo ra một thứ ngôn ngữ mà chỉ một thiểu số được chọn mới hiểu. Ngoài ra, hóa thạch các hạt óc chó khô cho thấy chúng được trồng có chủ đích như một loại cây nông nghiệp dài ngày bởi các thương nhân và nhà lữ hành dọc theo Con đường Tơ lụa - Con đường Tơ lụa đã đóng vai trò như một “hành lang về gen” của con người cũng như của các loại động vật hay thực vật khác.

Trên đây chỉ là những ví dụ nhỏ cho thấy các sử gia đã tiếp tục sử dụng các kỹ thuật mới nhằm cải thiện hiểu biết của họ về quá khứ như thế nào. Điều này đã biến lịch sử trở thành một bộ môn sinh động và hết sức thú vị: Thật xúc động khi chúng ta có thể dùng nhiều cách khác nhau để suy tưởng về cùng một chủ đề, cũng như khám phá những mối liên kết mới mẻ giúp kết nối các dân tộc, các khu vực, tư tưởng và bối cảnh lại với nhau, giúp chúng ta làm sáng tỏ quá khứ.

Biến động và hy vọng

Vài năm trở lại đây, thế giới đã thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên khắp châu Á, vẫn còn đó những tia hy vọng. Có những quốc gia đang cố gắng hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, cùng vun đắp cho lợi ích chung, đồng thời gác lại những khác biệt. Hàng loạt những sáng kiến, tổ chức, diễn đàn đã được thành lập trong những năm gần đây với mục tiêu thúc đẩy hợp tác và đối thoại, tạo ra một nhận thức và tiếng nói chung nhằm đề cao tinh thần đoàn kết và một tương lai mà tất cả các bên cùng chia sẻ.

Những người mà thành công về mặt tài chính của họ phụ thuộc vào khả năng xác định và khởi tạo xu hướng đã quan tâm cũng như hành động theo hướng này. Ví dụ, vào năm 2015, Nike cho ra mắt thiết kế mới dành cho các vận động viên. Theo Nike, kinh nghiệm của cầu thủ bóng rổ Kobe Bryant khi di chuyển khắp Italy và Trung Quốc đã giúp tạo nên “mối liên hệ giữa hai lục địa châu Âu và châu Á” và những nhà thiết kế của công ty sản xuất đồ thể thao này liền nghĩ tới câu khẩu hiệu “Con đường Tơ lụa huyền thoại, nguồn cảm hứng của mẫu giày thể thao mới KOBE X Silk”.

Tiếp theo, một người bạn đồng hành lý tưởng của các vận động viên là lọ nước hoa nhãn hiệu Hermès có tên Poivre Samarcande eau de toilette, được mô tả là có mùi “xạ hương, cay nóng, với mùi gỗ cháy thoang thoảng”, mà trong đó “linh hồn của cây sồi già hòa quyện với vị của tiêu đã làm nên mùi hương tinh túy này”. Một lần nữa, chúng ta có thể thấy những mô tả sản phẩm lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa: Theo tiết lộ của nghệ nhân hàng đầu về nước hoa Jean-Claude Ellena: “Cái tên Samarcande là để bày tỏ lòng tôn kính với tòa thành cổ nơi các đoàn buôn gia vị từng đi qua trong hành trình từ Đông sang Tây”.

Có người còn phản ứng nhanh hơn cả Nike hay Hermès trong việc nhận ra tiềm năng của Con đường Tơ lụa và người đó không ai khác ngoài Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, khi vào năm 2007 đã tiến hành nhượng quyền thương hiệu Trump ở Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Azerbaijan và Armenia với mục đích sản xuất một nhãn hiệu rượu vodka. Năm 2012, Trump làm điều tương tự khi cố gắng nhượng quyền thương hiệu Trump cho các khách sạn và bất động sản tại tất cả các quốc gia nằm dọc theo trục xương sống của Con đường Tơ lụa - gồm cả Iran, đất nước mà ông đã tìm cách cô lập kể từ khi nhậm chức vào năm 2017. Trump cũng đã có những thỏa thuận với Georgia, nơi có kế hoạch phát triển hàng loạt “sòng bài phù hoa”, dưới danh nghĩa của một doanh nghiệp có cái tên hết sức phù hợp: Tập đoàn Con đường Tơ lụa (Silk Road Group). Kế hoạch sau đó đã thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông.

Con đường Tơ lụa hầu như có mặt tại khắp mọi nơi ở châu Á. Có hằng hà sa số công ty du lịch mong muốn vén bức màn vinh quang của một thời quá vãng tại những quốc gia nằm ở trung tâm thế giới mà bấy lâu nay đã bị che phủ bởi bức màn sương mù thời gian. Tuy nhiên, ngày càng nhiều hiện thực sống động xuất hiện ngay trước mắt chúng ta, biểu lộ rõ ràng sức mạnh của những kết nối giữa hiện tại và tương lai, cũng như của quá khứ. Trung tâm mua sắm có tên The Mega Silk Way ở Astana, Kazakhstan là một ví dụ, hay như một ví dụ khác là tờ tạp chí bóng loáng Silk Road trên các chuyến bay của hãng hàng không Cathay Pacific. Tại sân bay Dubai, người ta chào đón khách du lịch bằng tấm bảng quảng cáo của Ngân hàng Standard Chartered với dòng chữ: “Một vành đai. Một con đường. Một ngân hàng kết nối hoạt động kinh doanh của quý vị ở khắp châu Phi, châu Á và Trung Đông”. Hay như tại quốc gia giàu khí đốt nằm bên bờ đông của Biển Caspi mang tên Turkmenistan, khẩu hiệu quốc gia được áp dụng từ năm 2018 của nước này đã ghi rõ: “Turkmenistan - Trái tim của Con đường Tơ lụa vĩ đại”.

Một trong những lý do cho sự lạc quan ở khu vực trung tâm của lục địa châu Á là khối lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ ở đây. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí Vương quốc Anh (BP) ước tính rằng Trung Đông, Nga và Trung Á chứa đựng 70% tổng lượng dự trữ dầu mỏ đã được xác định trên toàn thế giới, cũng như gần 65% tổng lượng dự trữ khí đốt - và số liệu này còn chưa bao gồm Turkmenistan, với các mỏ khí đốt lớn như mỏ Galkynysh lớn thứ hai thế giới. Một lý do khác là nền nông nghiệp trù phú của vùng đất nằm giữa Địa Trung Hải và Thái Bình Dương, trong đó các quốc gia như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc đã chiếm tới hơn một nửa tổng sản lượng lúa mì toàn cầu - và khi thêm vào một số quốc gia Đông Á và Đông Nam Á như Myanmar, Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, khu vực này chiếm tới gần 85% sản lượng gạo toàn thế giới.

Tiếp đến là những loại tài nguyên như silicon, rất quan trọng trong ngành vi mạch điện tử và bán dẫn, khi chỉ hai quốc gia là Nga và Trung Quốc đã chiếm tới ¾ trữ lượng toàn cầu; hay đất hiếm, ví dụ như yttrium, dysprosium và terbium là những nguyên liệu không thể thiếu trong việc chế tạo ra nhiều loại vật dụng, từ siêu nam châm tới pin, từ các bộ truyền động cho tới máy tính xách tay - và một mình Trung Quốc đã chiếm tới hơn 80% trữ lượng ước tính toàn cầu vào năm 2016. Trong khi các nhà tương lai học và nhân vật tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của mạng Internet thường nói về một thế giới đầy thú vị mà ở đó trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và máy học (machine learning) có tiềm năng thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc và suy nghĩ thì rất ít người đề cập tới nguồn gốc của các loại nguyên vật liệu cấu tạo nên thế giới số đó - cũng như đề cập tới hệ quả có thể xảy ra khi các nguồn nguyên vật liệu này cạn kiệt, hay bị các quốc gia nắm độc quyền nguồn cung cấp sử dụng như một thứ vũ khí thương mại hoặc chính trị.

Và còn rất nhiều nguồn tài nguyên khác có thể mang lại lợi ích cho những ai kiểm soát được chúng. “Tài nguyên” ở đây bao hàm cả heroin, thứ hàng hóa mà lực lượng Taliban ở Afghanistan coi như nguồn tài chính quan trọng trong suốt một thập niên, bởi theo Liên Hợp Quốc, lực lượng này “bắt đầu tận dụng nguồn lợi từ ngành công nghiệp sản xuất chất kích thích để mua vũ khí, đảm bảo hậu cần và trả lương cho các chiến binh của mình”. Cho tới năm 2015, theo báo cáo của một phái viên Liên Hợp Quốc, đã có khoảng “hơn 2.000km2 đất đai được sử dụng để trồng thuốc phiện”. Để dễ so sánh, vị phái viên này còn nói thêm, “diện tích đó tương đương với 400.000 sân bóng bầu dục - đã bao gồm vòng cấm địa”. Diện tích trồng thuốc phiện gia tăng nhanh chóng vào năm 2017, với hơn 3.200km2 đất được sử dụng để trồng loại cây này, đạt sản lượng kỷ lục đủ cung ứng cho 80% thị trường toàn cầu với giá trị lên tới 30 tỉ đô-la.

Thế kỷ của Châu Á

Chúng ta đang sống trong thế kỷ của châu Á, tức thời điểm dòng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ các nền kinh tế phát triển phương Tây đang dịch chuyển sang phương Đông với tốc độ và quy mô lớn chưa từng có. Nhiều dự đoán cho rằng vào năm 2050, thu nhập bình quân đầu người ở châu Á sẽ gia tăng gấp 6 lần xét theo sức mua tương đương (PPP), giúp thêm ba tỉ người châu Á trở nên giàu có theo tiêu chuẩn hiện nay. Một báo cáo nhận xét, bằng cách gia tăng gấp đôi đóng góp vào GDP toàn cầu lên mức 52%, “châu Á sẽ giành lấy vị thế thống lĩnh về kinh tế như những gì đã xảy ra 300 năm trước đây, trước Cách mạng Công nghiệp”. Một báo cáo khác cho biết, quá trình dịch chuyển quyền lực kinh tế toàn cầu sang châu Á “có thể xảy ra chậm hơn hoặc nhanh hơn nhưng xu hướng chung cũng như bản chất lịch sử của quá trình dịch chuyển này là hết sức rõ ràng” - và báo cáo này cũng đưa ra kết luận rằng chúng ta đang sống trong một thời điểm tương tự như những gì xảy ra trước khi phương Tây trỗi dậy.

Vào đầu thế kỷ XX, Rudyard Kipling đã phổ biến khái niệm “Cuộc chơi lớn” (Great Game), trong đó Đế quốc Anh và Đế quốc Nga cạnh tranh với nhau về chính trị, ngoại giao và quân sự để giành lấy vị thế và quyền thống trị ở vùng đất trung tâm của đại lục châu Á. Ngày nay, một loạt “Cuộc chơi lớn” đã xuất hiện để cạnh tranh ảnh hưởng, giành lấy các nguồn năng lượng, tài nguyên, thức ăn, nước uống và không khí sạch, cạnh tranh các vị trí chiến lược hay thậm chí là dữ liệu. Kết quả của các “Cuộc chơi lớn” này sẽ có tác động mang tính bản lề tới thế giới mà chúng ta sẽ sống trong những thập niên tiếp theo.

Như tôi đã viết vào năm 2015, Con đường Tơ lụa đang mở rộng. Và đến nay xu hướng ấy vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, điều nổi bật ở đây là trong khi những kết nối mới được hình thành và những kết nối cũ được tái lập, phương Tây lại đang đứng trước nguy cơ trở nên mất kết nối. Khi phương Tây thật sự mong muốn tiếp xúc và đóng một vai trò nào đó, họ luôn chọn cách can thiệp, làm nảy sinh ra thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng, hoặc tạo ra những rào cản nhằm hạn chế tăng trưởng và tương lai của các quốc gia khác. Thời kỳ mà phương Tây định hình thế giới theo hình dung của bản thân mình đã qua lâu rồi. Dù vậy nhiều người vẫn không chịu hiểu điều này, họ luôn cho rằng kiểm soát số phận của các quốc gia khác là hợp lý và khả thi.

Một trong những thách thức mà các sử gia hay các nhà quan sát phải đối mặt là làm sao nhìn toàn bộ bức tranh một cách tổng thể nhất. Việc xác định những phương thức giúp kết nối thế giới lại với nhau và làm thế nào mà những dấu chấm rời rạc có thể xâu chuỗi các sự kiện xảy ra khắp mọi nơi trên toàn cầu không những tạo ra một hiểu biết sâu sắc hơn về những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta, mà còn giúp thiết lập nên một nền tảng thuận lợi hơn cho mọi thứ đang xảy ra ở phía trước. Hiểu biết về sự liên kết của các mảnh ghép trong trò chơi địa chính trị toàn cầu cũng giúp chúng ta giải thích rõ hơn các mối nguy hiểm và tính dễ bị tổn thương - cũng như những cơ hội mà quá trình hợp tác mang lại - qua đó giúp quá trình hoạch định chính sách trở nên tốt hơn.

Triệu Vũ Linh Vương, một nhà chính trị thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Tây Bắc Trung Quốc đã nói cách đây 2.500 năm rằng: “Tài năng của quá khứ là không đủ để cải biến thiên hạ ở hiện tại”. Câu nói đầy khôn ngoan đó không những đúng trong quá khứ, mà còn ứng nghiệm ở hiện tại. Việc nhận thức được điều gì đang thúc đẩy sự thay đổi là bước đi đầu tiên để có thể chuẩn bị và thích ứng với những thay đổi đó. Cố gắng làm chậm lại hay dừng hoàn toàn quá trình thay đổi đang diễn ra là một ảo mộng. Tuy vậy, Con đường Tơ lụa đang trỗi dậy là một thực tế không thể chối cãi. Và tương lai vẫn sẽ là như thế. Việc Con đường Tơ lụa trỗi dậy, tiến hóa và thay đổi như thế nào sẽ định hình nên thế giới của tương lai, cả tiêu cực lẫn tích cực. Bởi vì đó luôn luôn là mục đích của Con đường Tơ lụa từ trước tới nay.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Văn học nghệ thuật lan tỏa, tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng

Phạm Đông |

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giới văn nghệ sĩ nước nhà đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật truyền tải thông điệp thực hiện “Mục tiêu kép", vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, lan tỏa và tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng.

Sứ mệnh vũ trụ tiếp theo đưa thiên văn học bước vào kỷ nguyên mới

Ngọc Vân |

Tàu vũ trụ thiên văn thương mại đầu tiên Twinkle chuẩn bị phóng vào năm 2024 sẽ đưa ngành thiên văn học bước vào kỷ nguyên mới.

Trung Quốc phát hiện thành cổ 2.000 năm tuổi trên Con đường Tơ lụa cổ đại

Hải Anh |

Các nhà khảo cổ Trung Quốc sắp tiết lộ về thành cổ 2.000 tuổi trên Con đường Tơ lụa phát hiện ở Tân Cương.

Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam: Phía trước là bầu trời

Mai Anh Tuấn |

Có thể nói, sự tái xuất của một số hiện tượng văn học đô thị miền Nam 1954-1975 cũng trao cho chúng ta nhiều hy vọng, nhất là hy vọng về sự hiện hữu trọn vẹn, đáng tin của một nền văn học dân tộc đúng nghĩa.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV

Lục Tùng |

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV sẽ hết hạn nhận bài vào ngày 30.3.2021.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Văn học nghệ thuật lan tỏa, tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng

Phạm Đông |

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giới văn nghệ sĩ nước nhà đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật truyền tải thông điệp thực hiện “Mục tiêu kép", vừa nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, lan tỏa và tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng.

Sứ mệnh vũ trụ tiếp theo đưa thiên văn học bước vào kỷ nguyên mới

Ngọc Vân |

Tàu vũ trụ thiên văn thương mại đầu tiên Twinkle chuẩn bị phóng vào năm 2024 sẽ đưa ngành thiên văn học bước vào kỷ nguyên mới.

Trung Quốc phát hiện thành cổ 2.000 năm tuổi trên Con đường Tơ lụa cổ đại

Hải Anh |

Các nhà khảo cổ Trung Quốc sắp tiết lộ về thành cổ 2.000 tuổi trên Con đường Tơ lụa phát hiện ở Tân Cương.

Sự trở lại của văn học đô thị miền Nam: Phía trước là bầu trời

Mai Anh Tuấn |

Có thể nói, sự tái xuất của một số hiện tượng văn học đô thị miền Nam 1954-1975 cũng trao cho chúng ta nhiều hy vọng, nhất là hy vọng về sự hiện hữu trọn vẹn, đáng tin của một nền văn học dân tộc đúng nghĩa.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV

Lục Tùng |

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ IV sẽ hết hạn nhận bài vào ngày 30.3.2021.