Người tâm thần ở Cao Bằng đã bị “bỏ rơi” ra sao?

Phóng sự của Lãng Quân |

Ngay trong ngày phát hành Báo Lao Động Cuối tuần số 50 (13.12.2019), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có ý kiến chỉ đạo về bài viết “Người tâm thần và những đơn thuốc “uống cho có”: Bí mật buốt lòng phía sau vòng xích cổ”.

Theo đó, “Bài viết đề cập đến tỉnh Cao Bằng có một “điểm nóng tâm thần” rất đặc biệt nằm ở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên. Cái xã miền núi đẹp và vốn cực kỳ thanh bình này, mấy thập niên qua “bỗng dưng” xuất hiện quá nhiều bệnh nhân tâm thần, đến mức bà con và nhiều người biết chuyện phải thốt lên “Nơi hạnh phúc chỉ có ở tên gọi”. “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, đề nghị Cục Bảo trợ Xã hội phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế, làm việc với tỉnh Cao Bằng, xem xét, xử lý vấn đề Báo Lao Động Cuối tuần đã đưa tin và báo cáo sự việc nêu trên về bộ (qua Văn phòng Bộ) để tổng hợp báo cáo bộ trưởng” (thừa lệnh Bộ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ - ông Nguyễn Bá Hoan đã ký).

Báo chí “tố” trường hợp nào, thì “khắc phục” đúng chỗ ấy thôi?!

Vấn đề đặt ra lúc này là: Cao Bằng có ít nhất 3.000 bệnh nhân tâm thần “có danh sách”. Số chưa vào danh mục là bao nhiêu thì phải chờ thống kê nghiêm túc trong tương lai. Chỉ biết rằng, một số rất nhỏ, khoảng 100 người “điên” được chăm sóc, chữa trị trong Phòng Tâm thần. Oái oăm thay, “bệnh viện tâm thần” này lại nằm tạm trong cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh (!) và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh. Hai nơi này cũng không có cả bác sĩ chuyên khoa về tâm thần. Ngoài số đó ra, còn lại, hơn 2.900 người cứ “điên loạn” nằm ở cộng đồng theo các nguyên tắc điều trị lẽ ra rất quy củ, bài bản và nhân văn của chương trình này. Tuy nhiên, sự thật thì như thế nào?

Hàng loạt người tâm thần bị xích cổ, từng giết người, gây án, cố tự sát, sống lay lắt, đôi khi không uống thuốc thang, hoặc bị nhốt biệt lập tội nghiệp hoặc phá phách đủ trò tại địa phương. Mà xã Hạnh Phúc chỉ là một ví dụ. Nhiều người, vài chục năm nay được cho uống thứ thuốc đã lỗi thời, cũ kĩ, không có hiệu quả tốt trong trị bệnh. Xích, nhốt vẫn hoàn xích nhốt, điên loạn vẫn điên loạn y như cũ.

Người tâm thần bị xích tay.
Người tâm thần bị xích tay.

Các chuyên gia xem xét nhiều đơn thuốc kể trên đã kết luận “thuốc này chỉ uống cho có”. Cả huyện, tất cả bệnh nhân tâm thần đều uống một loại thuốc, bất kể mã bệnh, mức độ bệnh, cơ địa mỗi người là rất khác nhau. Nhiều gia đình neo đơn, mẹ già chăm con tâm thần phân liệt, họ không thể có tiền và có sức để đi rất xa ra trung tâm huyện Quảng Uyên lĩnh thuốc bảo hiểm y tế, theo yêu cầu của địa phương, thế là “người điên” đành bỏ không dùng thuốc nữa. “Sống chết mắc bay”!

Xin hỏi: Lỗi tày trời này thuộc về ai? Nếu Bộ trưởng Đào Ngọc Dung không lên tiếng, nếu Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh không ra ý kiến chỉ đạo, thì các ban bệ có vào cuộc không? Ở bài đầu “Hạnh Phúc chỉ có ở tên gọi” (đăng năm 2017, trên Lao Động), ông Ánh đọc, chỉ đạo và 4 người điên ở xã Hạnh Phúc được đưa đi điều trị ở ngoài tỉnh, giờ tạm ổn, không nhốt xích trói nữa. Vài người đã có thể tự ăn uống, vệ sinh, sống tập thể với người bệnh khác tại Trung tâm bảo trợ. Còn bây giờ, Bộ trưởng Đào  Ngọc Dung chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vào cuộc, cùng với cơ quan y tế xử lý vấn đề. Đoàn liên ngành, do cán bộ sở, do Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Uyên đã về xã Hạnh Phúc để kiểm tra từng trường hợp báo nêu. Và có thể, người ta chỉ báo cáo về các trường hợp ấy, nếu may mắn ra thì xử lý các “người điên” ấy. Số còn lại ở xã, ở huyện, ở cả tỉnh Cao Bằng thì sao?

Đã đến lúc, tỉnh Cao Bằng cần có bệnh viện tâm thần chuyên biệt, có cung cách xử lý vấn đề một cách thực tâm, hệ thống, đừng để báo chí, Trung ương, bộ trưởng có ý kiến, chỉ đạo đến đâu mới làm “đối phó” đến đó. Trước đó, Báo Lao Động có bài viết về tình trạng người điên nam và người điên nữ nhốt trong trong một không gian tồi tệ của trại cai nghiện ở tỉnh. Và, qua ô cửa mắt cáo lôi thôi tạm bợ, họ giao cấu với nhau khá phổ biến. Đến mức, cán bộ phải cho nữ bệnh nhân tâm thần thường xuyên uống thuốc tránh thai... Bài báo ra đời, vài cái lan can, cửa rả, bờ tường được hoàn thiện. Hết.

Công văn của Bộ LĐTBXH đề nghị Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội làm rõ vấn đề Báo Lao Động Cuối tuần nêu.
Công văn của Bộ LĐTBXH đề nghị Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội làm rõ vấn đề Báo Lao Động Cuối tuần nêu.

Vấn đề cực kỳ quan trọng nữa, ngành y tế, đơn vị bảo hiểm y tế địa phương cần có câu trả lời trung thực cho dư luận về các đơn thuốc được chuyên gia đánh giá là “không hiệu quả”, là giống hệt nhau trong nhiều năm và trong hầu hết ác bệnh nhân tại cộng đồng. Thuốc cổ điển, cũ kỹ, thuốc không trị hiệu quả được triệu chứng “âm tính của tâm thần phân liệt”, nhưng vẫn được kê đại trà. 28 bệnh nhân tâm thần ở xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, cán bộ tỉnh về kiểm tra thì thấy: Hầu hết họ đều được kê cho uống cùng một loại thuốc. Thuốc ấy hầu như chẳng có tác dụng gì đáng kể trong điều trị bệnh, ngoài việc giúp các số phận giời đày... ngủ mê mệt.

Nhiều người liên tục uống thuốc do “bảo hiểm cấp” trong hai thập niên, mà bệnh không suy chuyển. Xích cổ, điên loạn, phá phách vẫn y nguyên. Nếu thiếu tiền, cơ quan chức năng cần kiến nghị, báo cáo. Chứ tình trạng như hiện nay là cực kỳ vô cảm, phản nhân văn. Đấy là chưa kể, chúng tôi khảo sát, quá nhiều trường hợp không uống viên thuốc nào dù đã điên loạn đến mức giết chết vợ, như anh V.V.Th ở xã Hạnh Phúc. Nhiều bệnh nhân già yếu như bệnh nhân tâm thần đặc biệt Đ.T.L (SN 1962), mẹ già 90 tuổi của chị không thể lụ khụ chống gậy ra huyện xin thuốc được. Cơ quan chức năng cũng kệ họ, không uống thì thôi, thế là bà con đồng loạt bỏ thuốc. Như thế, có khác gì họ bị bỏ rơi?

Năm ngoái, trả lời phỏng vấn chúng tôi, một lãnh đạo Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh Cao Bằng từng thừa nhận: Danh mục thuốc cho người tâm thần ở địa phương nghèo nàn quá, bác sĩ muốn kê đơn để chữa trị cho bệnh nhân cũng không có. Nhiều huyện không có cả thuốc để kê. Lãnh đạo Khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cũng từng thú nhận: Các thuốc đầu tay, đặc trị, chủ đạo để điều trị bệnh tâm thần không có mà điều trị. Kê đơn cho người nhà đi mua thì họ nghèo, làm gì có tiền mà mua. Như huyện Hòa An, từng xảy tra tình trạng kinh khủng: Cả năm 2018, không có thuốc từ ngành bảo hiểm để cấp cho người tâm thần. Những thứ thuốc cũ nhất, cổ nhất cũng không có để kê đơn....

Không thể quản lý như thế được

Để chứng minh cho luận điểm này, nhóm PV Lao Động sẽ có các video phản ánh sự thật trên Lao Động Điện tử. Còn bây giờ, xin được ví dụ về các bệnh nhân cụ thể ở xã Hạnh Phúc và vài xã khác để làm bằng chứng, ngõ hầu khiến cơ quan chức sẽ năng vào cuộc rốt ráo hơn. Để những chuyện vô lý, việc bỏ rơi đồng loại không còn tái diễn.

Cuối tháng 12.2019. Chuẩn bị sẵn ít tiền làm quà cho các bệnh nhân tâm thần, chúng tôi nhờ Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Phúc dẫn đường đi thăm bà con. Sau hơn 2 năm, anh V.V.Th vẫn bị hoang tưởng và phá phách như cũ. Trước đây, anh là công an, bị phát bệnh về nhà dưỡng bệnh. Hàng chục năm, anh vẫn bị giam trong một cái nhà sàn tồi tàn, cửa đóng then cài, chân bị xích bằng xích sắt. Con gái anh tên là V.T.Th cứ khóc nức nở, vì “bố giết chết mẹ khi em mới 10 tuổi”. Giờ chỉn chu làm ăn, cóp nhặt được ít tiền, vợ chồng Th bèn xây một căn nhà cấp bốn kiên cố, có hai lớp cửa tôn và sắt, có ô cửa nhỏ được khóa chặt chuyên để thả các cặp lồng cơm vào đó cho bố ăn. “Em yêu mẹ, mẹ bị bố giết, nhưng em không thể căm thù bố được. Vì bố bị điên!”, cô bé nói.

Th thả âu cơm vào cái lỗ cáu bẩn, rỉ sét bé toen hoẻn rồi khóc lóc nhìn bố qua lỗ khóa. Tôi và cô bé gồng lên ép cái cửa sắt vào để tạo đà bẩy cái lẫy, mở toang tấm cửa sắt dày cộp, thận trọng bước vào bên trong. Bên trong, anh V.V.Th viết câu đối, dựng hoành phi, vẽ các hình vẽ kì quái một cách rất có hoa tay. Anh vẫn nói lại cái câu tôi đã ghi hình lần gặp trước: “Ta giết vợ vì ông trời muốn như thế, lỗi tại trời xanh!”. Nhiều cái ghế nhựa bị đập vỡ lăm dăm như vỏ trấu. Lên cơn điên là anh phá, chửi, đập cửa. Anh thường khóc lóc kêu thương vì sợ bị đầu độc chết.

Anh V.V.Th kiên quyết không uống viên thuốc nào. Trạm trưởng Y tế xã Hạnh Phúc thừa nhận, vận động anh Th uống thuốc không được, đành thôi. “Ông ấy cũng bình thường, chỉ bị nhốt xích thôi” - một người nói tỉnh queo. Con gái anh Th thì úp mặt vào cái nón mê: Bố em không hề uống thuốc suốt nhiều năm qua. Vâng, người điên nào chẳng tránh uống thuốc, có khi họ còn ngậm thuốc vào miệng để y tá, thân nhân đi ra ngoài rồi nhổ bỏ. Điều đó có gì lạ đâu. Cũng như người say luôn hét lên là ta vẫn tỉnh. Vấn đề nằm ở chỗ là lương y như từ mẫu, cán bộ như cha mẹ dân, cần có biện pháp, có tâm đem thuốc đến cứu giúp họ chứ. Cứ sống chết mặc bay thế, không thể chấp nhận được. Xin nhắc lại, anh V.V.Th là người điên hết cỡ, anh từng giết chết chính vợ anh ấy. Và con gái anh Th thề thốt, nếu cán bộ có thuốc làm giảm được hoặc khỏi được bệnh cho bố em, em sẽ có cách để bố uống đâu ra đấy.

Ở xóm Bó Huy, cũng ở xã Hạnh Phúc, chúng tôi đến thăm Đ.V.Ng. Cậu này tuổi ngoài 30, sống một mình trong căn nhà sàn rách, hoang, bẩn thỉu kinh khủng. Tôi hãi hùng thấy anh ta đem giẻ rách, quần áo đầy bùn thối nhúng vào cái xô nhựa rồi phơi lên. Số nước bẩn sền sệt kèm theo manh áo rách đen kịt, cậu vã nước lên mặt, miết lạo xạo vào đầu, vào cổ, bảo là vừa ăn quả ớt cay, làm thế cho mát mặt. Trong chạn gỗ cáu bẩn, tối tăm, toàn rều rác lá mục, anh ta để một con gà... chết thối inh vừa đi nhặt đường ngoài đầu xóm. Tôi đến, anh lôi ra gặm xương gà. Nhà sàn, tôi và cán bộ xã đến, đi một bước là phải dò dẫm, bước thử, nghe ngóng, kẻo gỗ mục, hổng hoác, dễ dẫn tới rơi bụp từ trên mặt sàn cao xuống đất. Bà con bảo, xưa, Ng có đi khám bệnh, nhưng giờ vứt bỏ bệnh án, thuốc không ai cho uống, người thân không ai ở bên. Anh ta đi ăn trộm chuối, ngô, mía về tự nấu ăn. Chị em phụ nữ thì bảo, phải tránh xa, bởi Ng hay sờ soạng, “sàm sỡ”, tấn công chị em trong vô thức.

Trong video chúng tôi quay ở nhà Ng, anh ta cầm con dao sáng loáng, đi chặt một cây tre lớn ngoài vườn, vác về, làm sào phơi quần áo. Anh ta chạy phăm phăm, hành vi điên rồ. Thử hỏi, ai sẽ là nạn nhân của lưỡi dao kia? - khi mà Ng không hề được uống thuốc, được chăm sóc, thăm hỏi như lâu nay? Anh ta sẽ lụi tàn, chết sớm hoặc làm người khác phải chết thảm vì bị cộng đồng bỏ rơi theo đúng nghĩa như hiện nay!

Ở vài xã khác trong huyện Quảng Uyên, hoặc ở huyện khác trong tỉnh Cao Bằng, chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp nhốt, xích, đóng cũi đưa người điên “cách ly cộng đồng”. Còn đau xót hơn nhiều. Anh H.V.H (dân tộc Mông, ở xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng) suốt 17 năm bị đóng cũi bằng những cây gỗ lớn, làm chuồng như chuồng trâu, mái lợp fipro ximăng, nhốt riêng ra ngoài góc rừng. Tóc dài lòa xòa, râu ria lởm chởm, ở trần, quần đùi, khoác cái chăn rách như chiến bào của một bại tướng. Anh ta sống không giống... một con người. Cách đó không xa, ở xã Lũng Nặm (cùng huyện Hà Quảng), anh C.V.Q cũng bị cùm chân, xích tay trên căn gác bẩn thỉu, chăn đệm cứng quèo mốc thếch suốt 13 năm. Lần nào tôi đi qua, anh cũng vén chăn mốc, từ sàn nhà ven đường gào lên... chào hỏi, cười ha hả.

Ông S.Đ.L (ở xã Phi Hải) chán nản  với thuốc thang do nhà nước cấp vì cho đứa con điên dại của mình là S.Đ.H uống mãi không khỏi. Ông bèn lấy 5-7 viên thuốc cho con uống liều một lần để “thử nghiệm”, thay vì chỉ uống hai viên như bác sĩ kê đơn suốt hàng chục năm qua. Vẫn không tác dụng gì, ngoài việc con ông ngủ li bì.

Đ.V.T (xã Hạnh Phúc) đánh chết ông trưởng xóm. Giờ T đang bị “nhốt” trong Phòng chăm sóc người tâm thần ở Trại cai nghiện tỉnh. Chúng tôi về thăm ngôi nhà bỏ hoang mà anh ta trốn trên nóc cố thủ sau khi giết người. Gặp anh trai của T, anh tiết lộ: T có sổ tâm thần, tuy nhiên, thuốc “nhà nước cấp” thì bữa uống bữa không, thế là bệnh vẫn y như cũ dẫn đến giết chết người hàng xóm.

Xin hỏi: Việc để người tâm thần phân liệt trong cộng đồng mà không lo cho họ được uống thuốc như thế, rồi họ chết mòn, họ gây án, giết người, là lỗi do ai? Lỗi do ai thì cơ quan hữu trách từ cơ sở đến Trung ương đều phải xem lại cơ chế quản lý hiện nay của mình. Và, dù thế nào, người điên cũng... vô tội trong trường hợp này.

Hy vọng chúng ta không còn gặp những cách quản lý người tâm thần một cách cẩu thả đến điên rồ như thế này trong tương lai.

Phóng sự của Lãng Quân
TIN LIÊN QUAN

Bí mật buốt lòng phía sau vòng xích cổ

Lãng Quân |

Tỉnh Cao Bằng có một “điểm nóng người tâm thần” rất đặc biệt, nằm ở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên. Cái xã miền núi đẹp và vốn cực kỳ thanh bình này, mấy thập niên qua “bỗng dưng” xuất hiện quá nhiều bệnh nhân tâm thần, đến mức, như Lao Động từng phản ánh, bà con và nhiều người biết chuyện phải thốt lên “Nơi Hạnh Phúc chỉ có ở tên gọi” (tên phóng sự đã đăng ngày 12.2.2017).

Bắt tạm giam bác sĩ trưởng khoa Bệnh viện Tâm thần Thanh Hoá

Xuân Hùng |

Một số cán bộ, y - bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hoá đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam vì liên quan đến tội lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

Nhiều nơi ghép chung người tâm thần sống cùng người cai nghiện ma túy

VƯƠNG TRẦN |

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay thời gian qua, đối tượng người tự kỷ, người thần kinh đang gia tăng rất nhanh, các địa phương liên tục đề nghị cho xây cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần.

Khởi tố, bắt tạm giam thiếu tướng Đỗ Hữu Ca

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh hôm nay (22.2) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đỗ Hữu Ca – nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Đàm phán giá thành công 64 biệt dược, tiết kiệm hơn 2.000 tỉ đồng

Thùy Linh |

Ngày 22.2, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đã đàm phán giá với 69 thuốc biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn. 64 loại biệt dược đã được đàm phán giá thành công, tiết kiệm hơn 2.000 tỉ đồng.

Thực nghiệm hiện trường vụ mẹ ruột tiếp tay cho người tình xâm hại con gái

L.N |

Tuyên Quang - Cơ quan công an đánh giá vụ án bé gái 10 tuổi bị xâm hại tình dục đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, cần phải xử lý nghiêm.

2 cán bộ phường bị khởi tố vì chiếm đoạt tiền hỗ trợ lũ lụt của dân

LÊ PHI LONG |

QUẢNG BÌNH - Ngày 22.2, tin từ Công an thị xã Ba Đồn cho biết, một kế toán và một thủ quỹ của Văn phòng UBND phường Quảng Phúc vừa bị khởi tố về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tuyển nữ Việt Nam chạm trán Bồ Đào Nha ở World Cup 2023

Thanh Vũ |

Bồ Đào Nha là đối thủ cuối cùng của đội tuyển nữ Việt Nam ở vòng bảng World Cup nữ 2023.

Bí mật buốt lòng phía sau vòng xích cổ

Lãng Quân |

Tỉnh Cao Bằng có một “điểm nóng người tâm thần” rất đặc biệt, nằm ở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên. Cái xã miền núi đẹp và vốn cực kỳ thanh bình này, mấy thập niên qua “bỗng dưng” xuất hiện quá nhiều bệnh nhân tâm thần, đến mức, như Lao Động từng phản ánh, bà con và nhiều người biết chuyện phải thốt lên “Nơi Hạnh Phúc chỉ có ở tên gọi” (tên phóng sự đã đăng ngày 12.2.2017).

Bắt tạm giam bác sĩ trưởng khoa Bệnh viện Tâm thần Thanh Hoá

Xuân Hùng |

Một số cán bộ, y - bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Thanh Hoá đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam vì liên quan đến tội lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

Nhiều nơi ghép chung người tâm thần sống cùng người cai nghiện ma túy

VƯƠNG TRẦN |

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay thời gian qua, đối tượng người tự kỷ, người thần kinh đang gia tăng rất nhanh, các địa phương liên tục đề nghị cho xây cơ sở nuôi dưỡng người tâm thần.