Người giúp thế giới thoát khỏi một cuộc chiến hạt nhân

Hương Giang |

Sự đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên, với mức độ nghiêm trọng tăng lên gần đây phần nào còn do phát ngôn gây sốc của tân Tổng thống Donald Trump. Thực tế thì lời lẽ của một lãnh đạo Mỹ đã từng đẩy thế giới tới bờ vực diệt vong, nếu không có sự can thiệp của một cá nhân.
Nỗi lo về khả năng bị tấn công hạt nhân
Một trong những câu hỏi phức tạp nhất trong TK XX là làm sao để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân và phải làm gì nếu những nỗ lực đó thất bại. Vào đầu những năm 1970, người Liên Xô nhận ra rằng họ khó giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ. Kiểu gì cũng sẽ có vài vũ khí chiến lược của Mỹ sống sót qua đợt tấn công và kẻ thù chỉ cần có một đầu đạn nhiệt hạch hiện đại là đủ để hủy diệt hoàn toàn Moskva. Tuy nhiên người Liên Xô vẫn nhận thấy rằng họ sẽ có lợi thế nếu tấn công phủ đầu trước: Càng triệt hạ nhiều vũ khí của đối phương thì kẻ thù càng có ít công cụ để gây hại cho ta. Liên Xô không chỉ sẵn sàng để phản ứng ngay lập tức với một cuộc chiến tranh hạt nhân mà còn chuẩn bị để bắn tên lửa trước, nếu họ nghĩ rằng Mỹ đang chuẩn bị làm điều tương tự.
Chẳng ai biết Ronald Reagan có thấu hiểu những điều này không, nhưng vào thời điểm ông trở thành Tổng thống Mỹ, Liên Xô đang lo sợ đối phương sẽ ra đòn trước. Chính quyền tiền nhiệm của Jimmy Carter đã triển khai nhiều động thái bị người Liên Xô xem là gây hấn, gồm thông qua việc phát triển tên lửa hạt nhân MX đặt trên bệ phóng di động, tăng chi tiêu quốc phòng, kêu gọi tăng khả năng của Mỹ trong việc chiến đấu và chiến thắng chiến tranh hạt nhân.
Cái gọi là hệ thống tên lửa Châu Âu đã trở thành giọt nước tràn ly. Trong giai đoạn cuối những năm 1970, Liên Xô bắt đầu đưa vào trang bị những tên lửa hạt nhân tầm trung SS-20. Đây là các quả tên lửa đặt trên bệ phóng di động, rất dễ che giấu và mang theo 3 đầu đạn hạt nhân mạnh 150 kiloton. Nó có tiềm năng hủy diệt quân đội NATO đóng ở Châu Âu trong một cuộc tấn công phủ đầu.
Để đối phó, Carter ủng hộ quyết định của NATO trong việc triển khai các tên lửa hành trình có trang bị đầu đạn hạt nhân Gryphon, bên cạnh tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Pershing II ở vài quốc gia Châu Âu. Pershing II có thể bay tới Liên Xô chỉ trong chưa đầy 10 phút còn tên lửa Gryphon thì tới Moskva trong chưa đầy 1 giờ và radar Liên Xô không thể phát hiện nó. Herb Meyer, Phó Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ từng đánh giá rằng “thời gian cần thiết để những quả tên lửa này bay tới mục tiêu gần bằng thời gian để các lãnh đạo ở điện Kremlin đứng lên khỏi ghế, chưa nói tới việc họ còn phải chạy ra hầm trú ẩn”.
Người Mỹ xem các quả tên lửa này là dấu hiệu thể hiện sự đoàn kết với các đồng minh Châu Âu, là nỗ lực để Liên Xô rút bỏ tên lửa SS-20 khỏi các vị trí có thể đe dọa Châu Âu. Nhưng Liên Xô thì coi đây là các vũ khí giúp Mỹ tấn công trước, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev sau này mô tả lại rằng những quả tên lửa đó giống như “họng súng chĩa vào thái dương” Liên Xô.
Ngay lập tức, cơ quan tình báo KGB được giao nhiệm vụ lập một nhóm nghiên cứu nội bộ để phát hiện các dấu hiệu phương Tây đang chuẩn bị tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu. Kết quả là một nỗ lực tiến hành hoạt động tình báo quy mô trong khuôn khổ Điệp vụ RyaN (“RYaN” là một từ viết tắt trong tiếng Nga có nghĩa tấn công bằng tên lửa hạt nhân). Điệp vụ Ryan đã giao nhiệm vụ cho khoảng 300 điệp viên, để tính toán xem Liên Xô có nên phát động chiến tranh hạt nhân trước phương Tây hay không.
Căng thẳng quan hệ vì phát ngôn sốc
Nỗi lo sợ của Liên Xô tăng vọt sau khi Reagan nắm quyền. Thực tế, ông không hề mong muốn một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô và đã hy vọng có thể thực hiện một chiến lược ngoại giao âm thầm tiến tới đối thoại với đối phương.
Tuy nhiên trong những năm đầu Reagan cầm quyền, hy vọng đối thoại này đã thường xuyên xung đột với các phát ngôn gây sốc của ông, lên án hệ thống của Liên Xô. Ví dụ, vào tháng 2.1983, Reagan đã gặp Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin trong 2 giờ. Nhưng chỉ vài tuần sau, ông lại có màn lên án kịch liệt Liên Xô, thậm chí xúc phạm khi gọi đây là “đế chế độc ác”.
Reagan không coi lối tiếp cận của ông là có gì sai. Reagan tin rằng việc tỏ ra thẳng thắn về các ý định của Mỹ sẽ cho đối phương thấy rằng sự hung hăng chẳng giải quyết được gì cả, chỉ sớm dẫn tới sự diệt vong. Vì thế, sau khi nắm quyền, Reagan cho phép việc phát triển máy bay ném bom tầm xa B-1 và bom neutron; ra lệnh triển khai thêm 3.000 vũ khí hạt nhân; đẩy mạnh các chương trình tên lửa đạn đạo Trident II phóng từ tàu ngầm, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm có thể mang đầu đạn hạt nhân và máy bay ném bom tàng hình B-2.
Tồi tệ hơn, ông còn công khai với các phóng viên về kế hoạch sử dụng các vũ khí mới. Một bản kế hoạch của Lầu Năm Góc “tình cờ” lọt vào tay tờ New York Times trong tháng 5.1982 cho biết Mỹ có thể tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân chỉ sau có 6 tháng và nếu phải ngưng lại một chút trong lúc chiến đấu thì chỉ để có thời gian nạp tên lửa vào bệ phóng. Ngoài ra, Mỹ còn có đủ đầu đạn để tham gia một cuộc chiến hạt nhân thứ 2. Tháng 8.1982, tờ Los Angeles Times loan tin rằng chính quyền Reagan đã ký một sắc lệnh tổng thống, kêu gọi việc xây dựng khả năng chiến thắng cuộc chiến tranh hạt nhân. Năm 1982, ông yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 4,3 tỷ USD để xây dựng một kế hoạch tham vọng nhằm bảo vệ hàng trăm triệu dân Mỹ khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân. Sau đó, vào ngày 23.3, ông công khai phát biểu về kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao”, kêu gọi lập một lá chắn phòng thủ sẽ vô hiệu hóa các vũ khí hạt nhân.
Reagan nói rằng ông chỉ muốn tiết kiệm mạng sống khi xây lá chắn tên lửa, bởi nếu thành công, lá chắn này sẽ bảo vệ Mỹ. Nhưng rõ ràng lá chắn đó khiến Liên Xô dễ tổn thương trước cuộc tấn công của Mỹ.
Tất cả các hành động của Reagan khiến các nhà hoạch định chính sách ở Liên Xô nghi ngờ Mỹ đang âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân. Vào thời điểm này, Yuri Andropov, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, cũng tin rằng Mỹ đang muốn tiến hành chiến tranh hạt nhân với Liên Xô và ông phải ra tay trước để cứu đất nước mình. Ông đã tìm cách thể hiện sự lo lắng với phía Mỹ, nêu lên khả năng sẽ có chiến tranh hạt nhân tới 4 lần trong một cuộc họp hồi năm 1983 với Averell Harriman. Ông này là Đại sứ CHLB Đức (Tây Đức) ở Liên Xô, được Reagan nhờ tới Moskva để dò la ý định của Liên Xô.
Nhưng thay vì trấn an người Liên Xô, chính quyền Reagan lại dùng quân đội Mỹ để khiến họ mất bình tĩnh hơn. Các tàu chiến Mỹ đã bắt đầu lượn lờ gần bờ biển Liên Xô và sau đó phóng đi nhiều máy bay về phía không phận Liên Xô. Chúng chỉ đảo hướng khi tới thật gần đất Liên Xô, khiến quân đội nước này phải điều máy bay lên chặn.
Leo thang đặc biệt nguy hiểm
Tháng 4 và tháng 5.1983, Mỹ điều ba biên đội tàu sân bay, gồm 40 chiến hạm, tham gia một cuộc tập trận quy mô ở Thái Bình Dương, nhằm mô phỏng một cuộc chiến tranh tổng lực chống quân đội Liên Xô. Máy bay Hải quân Mỹ thậm chí còn tiến hành các phi vụ ném bom giả tưởng nhằm vào một căn cứ Liên Xô nằm trên đảo Zeleny ở Thái Bình Dương. Ngay lập tức phía Liên Xô đã có các phản ứng rất mạnh trước vụ việc và thậm chí đã được lệnh tiêu diệt ngay khi thấy bất cứ thành phần nào của quân đội Mỹ xâm phạm lãnh thổ.
Điều này đã dẫn tới hậu quả chết chóc. Sớm ngày 1.9.1983, radar Liên Xô bắt được tín hiệu cho thấy khả năng một máy bay do thám Mỹ đã đi vào không phận Liên Xô. “Trong bối cảnh không khí căng thẳng đã tăng cao kể từ tháng 4, sẽ rất khó hiểu nếu một sự xâm phạm như thế không vấp phải bất kỳ hành động nào”, một báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ NSA về vụ việc đánh giá. Vậy là một chiếc Su-15 đã được điều đi để bắn hạ mục tiêu. Thật không may, chiếc “máy bay do thám” thực tế là một máy bay chở khách Boeing 747 của hãng hàng không Korea Air Lines đang di chuyển tới Seoul. Toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng khi nó bị bắn hạ. Trong số này có 62 người Mỹ, gồm một nghị sĩ Quốc hội đương nhiệm và 22 đứa trẻ.
Reagan lập tức lên án vụ việc là man rợ. Nhưng cáo buộc của ông cho rằng Liên Xô cố tình bắn hạ máy bay đã đi ngược lại các báo cáo tình báo khi ấy. NSA kết luận rằng Liên Xô đã hoàn toàn tin KAL 007 là một chiếc máy bay do thám và không có âm mưu mờ ám nào ở đây cả.
Chính vào lúc nước sôi lửa bỏng này, Mỹ và đồng minh lại quyết định thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân giả tưởng nhằm vào Liên Xô và các đồng minh trong khối hiệp ước Warsaw. Hoạt động này, được gọi là nhiệm vụ Able Archer 83, nằm trong khuôn khổ một cuộc tập trận quy mô lớn hơn do NATO, Bộ Quốc phòng Anh và Lầu Năm Góc tổ chức.
Ngày 7.11.1983, Able Archer 83 diễn ra với các sĩ quan NATO cùng nhau diễn tập xem họ sẽ làm gì để chống lại một cuộc chiến hạt nhân. Họ tập chuyển các thông điệp mã hóa qua lại giữa hai bờ Đại Tây Dương, thử nghiệm việc nạp và xử lý vũ khí hạt nhân. Thậm chí họ đã cho lính mặc đồ phòng vệ hạt nhân rồi chuyển tới một trụ sở thay thế trong thời chiến, để mô phỏng việc bị tấn công hạt nhân.
Theo kịch bản của cuộc diễn tập, trong ngày 8.11, do không thể đánh bại cuộc tấn công của đối phương bằng vũ khí thông thường, các chỉ huy của NATO trên chiến trường đề nghị việc sử dụng hạn chế vũ khí hạt nhân nhằm vào các mục tiêu cố định. Họ thể hiện sự kiên quyết của NATO bằng cách tiêu diệt một thành phố của Liên Xô. Binh lính tập luyện việc chuẩn bị vũ khí và lãnh đạo các nước phương Tây giả lập việc ra quyết định cho phép NATO phá hủy các đô thị ở Đông Âu bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng ngay cả những chuyện này cũng không thể ngăn cản kẻ thù.
Vì thế trong ngày 10.11, lãnh đạo NATO đề nghị việc tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân. Giới lãnh đạo ở Washington và nhiều thành phố phương Tây khác đồng ý với đề nghị này nên trong ngày 11.11, một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện nổ ra. Đó cũng là thời điểm cuộc diễn tập Able Archer 83 kết thúc.
Able Archer 83 đôi khi được mô tả chỉ là một cuộc diễn tập khả năng chỉ huy - hoàn toàn không chứa các ý định xấu nào cả. Nhưng một số sỹ quan Không lực Mỹ từng tham gia diễn tập không đồng tình với nhận định này. Họ kể với phóng viên tờ Slate về cảm giác ớn lạnh khi phải xây dựng cơ sở dữ liệu về mục tiêu từ các thành phố thực sự của Liên Xô và Đông Âu.
Một báo cáo mới giải mật khác cho biết trước cuộc diễn tập, NATO đã yêu cầu các quân đội trong khối nâng cao tình trạng báo động để mô phỏng tình huống xảy ra trong chiến tranh. Một số máy bay Mỹ đã diễn tập việc xử lý vũ khí hạt nhân, gồm di chuyển máy bay mang theo đầu đạn giả giống hệt đầu đạn thật ra khỏi nhà chứa. Ngoài ra còn có tin trong những ngày trước khi thực hiện chiến dịch Aber Archer 83, Mỹ âm thầm triển khai 16.000 quân tới Châu Âu trong các chuyến bay không bật thiết bị liên lạc.
Nói một cách khác thì cuộc diễn tập này đã trở nên quá giống một cuộc tấn công thực thụ. Vậy phía Liên Xô đã phản ứng như thế nào?
Có công lớn nhờ không làm gì
Theo một bản đánh giá cuộc tập trận do Ủy ban cố vấn tình báo đối ngoại của Tổng thống thực hiện vào năm 1990 và mới được giải mật vào năm 2015, người Liên Xô phản ứng bằng cách triển khai các hoạt động quân đội và tình báo từng chỉ thấy khi xảy ra chiến tranh thực sự. Các hoạt động này gồm việc tổ chức 36 chuyến bay do thám, một con số cao chưa có tiền lệ. Việc bay do thám liên tục có lẽ là để xác định xem quân Hải quân Mỹ đang được triển khai ở đâu để hỗ trợ Able Archer 83.
Quân đội Liên Xô còn chuyển vũ khí hạt nhân ra khỏi kho chứa tới các đơn vị vận chuyển. Tất cả các nhiệm vụ bay, ngoại trừ bay do thám, đều bị ngừng lại, có thể nhằm phục vụ việc tập trung số lượng máy bay lớn nhất để chuẩn bị cho chiến tranh. Báo cáo đánh giá các phản ứng của Liên Xô cho thấy giới lãnh đạo quân sự ở Moskva thực sự quan ngại Mỹ dùng Able Archer 83 làm bình phong để tiến hành một cuộc chiến thực thụ.
Hệ thống tên lửa đạn đạo SS-20 của Liên Xô.

Các cựu sĩ quan Liên Xô thuộc nhiều cấp bậc sau này cũng xác nhận rằng lực lượng tên lửa hạt nhân đã được đặt trong tình trạng báo động cao suốt thời gian Able Archer 83 diễn ra. Mức báo động đạt đỉnh điểm khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Nguyên soái Nikolai Ogarkov, giám sát tình hình tại một hầm ngầm chống hạt nhân nằm bên ngoài Moskva. Ông nhận các bản báo cáo cập nhật hàng ngày, cho thấy Liên Xô tăng mức độ sẵn sàng chiến đấu lên cao nhất có thể.

Như thế, Liên Xô và Mỹ đã ở ngay sát khả năng tiến hành chiến tranh hạt nhân với nhau. Nhưng căng thẳng đã xuống thang. Và việc này diễn ra là nhờ vai trò của Leonard Perroots, một sĩ quan tình báo quân đội.
Vào thời điểm diễn ra chiến dịch Able Archer 83, Perroot đang là Trợ lý Tham mưu trưởng về tình báo của Không lực Mỹ tại Châu Âu. Trong khi giám sát Able Archer 83, ông nhận thấy quân đội Liên Xô đã nâng hết các nấc báo động. Nhưng thay vì thực hiện hoạt động tương tự với quân đội Mỹ và NATO, Perroots quyết định sẽ chẳng làm gì cả. Nếu ông tăng cấp độ báo động, quân đội Liên Xô sẽ hoàn toàn tin cuộc diễn tập chỉ là màn che đậy cho một âm mưu tấn công nguy hiểm. Khi ấy sẽ chẳng ai biết chuyện gì có thể xảy ra.
Nhưng dựa vào bản năng, Perroots đã hành động một cách khôn ngoan. Ông tin rằng nếu mình không làm gì, căng thẳng sẽ hạ nhiệt và chuyện cuối cùng đã diễn ra đúng như vậy.
Bề ngoài bình tĩnh, bên trong Perroots lại kinh sợ tột cùng vì những gì đã diễn ra. Vì thế vào tháng 1.1989, trước khi nghỉ hưu trong vai trò lãnh đạo Cơ quan tình báo quốc phòng, ông viết một lá thư kể lại những mối nguy hiểm mà bản thân đã trải nghiệm trong Able Archer 83.
Ông phẫn nộ chỉ ra rằng cộng đồng tình báo Mỹ đã không đánh giá đúng tình hình, dẫn tới việc Mỹ và Liên Xô đã suýt dùng vũ khí hạt nhân với nhau. Ông gửi lá thư tới Ủy ban cố vấn tình báo đối ngoại của tổng thống và họ đã rất sốc trước các nội dung trong đó. Cần biết rằng bản báo cáo của Perroots rất toàn diện, dựa trên hàng trăm tài liệu và hơn 75 cuộc phỏng vấn với các quan chức cấp cao của Anh, Mỹ.
Nội dung của bản báo cáo này hiện vẫn nằm trong bóng tối. Ngay cả khi Perroots qua đời trong tháng 1 năm nay, nó vẫn chưa được giải mật, dù 28 năm đã trôi qua.
Sau vụ Abe Archer 83, Reagan nhanh chóng thay đổi hướng tiếp cận với Liên Xô. Ngày 18.11.1983, ông viết: “Tôi có cảm giác người Liên Xô mang nặng tâm thức phòng thủ, rất lo sợ khả năng bị tấn công và dù không có ý tỏ ra mềm yếu, tôi muốn nói với họ rằng chẳng ai định làm điều
đó cả”. Khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền vào năm 1985, Reagan đã hợp tác với ông để hủy bỏ các vũ khí hạt nhân tầm trung, gồm tên lửa Pershing IIs Gryphon và SS-20. Hàng loạt biện pháp cắt giảm đã diễn ra sau đó. Ngày hôm nay, thỏa thuận START mới chỉ cho phép Mỹ và Nga mỗi nước sở hữu 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược, bên cạnh 700 quả tên lửa và máy bay ném bom chiến lược.
Có thể nói Able Archer 83 là sự kiện nguy hiểm nhưng đồng thời nó cũng đánh dấu một bước ngoặt thay đổi trong quan hệ giữa Washington và Moskva, theo hướng tốt đẹp hơn, sau những sóng gió vốn đã có thể mang tới rất nhiều chết chóc và khổ đau cho nhân loại.

 

Hương Giang
TIN LIÊN QUAN

Con rể Trump kiếm hợp đồng bán 110 tỉ USD vũ khí cho Saudi Arabia

V.A |

Jared Kushner, con rể quyền lực của Tổng thống Trump là người "đạo diễn" hợp đồng bán vũ khí của Mỹ trị giá 110 tỉ USD cho Saudi Arabia.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Con rể Trump kiếm hợp đồng bán 110 tỉ USD vũ khí cho Saudi Arabia

V.A |

Jared Kushner, con rể quyền lực của Tổng thống Trump là người "đạo diễn" hợp đồng bán vũ khí của Mỹ trị giá 110 tỉ USD cho Saudi Arabia.