Người giữ hồn làng biển

Bút ký của Nguyễn Ngọc Phú |

Cố Dật được dân làng chài quê tôi, làng Kim Đôi (Hà Tĩnh), gọi bằng cái tên trìu mến là “Sói biển”, là “pho sử sống”, người giữ hồn làng, mang trong mình bao ký ức và kinh nghiệm của cả một đời đi biển, đến nay đã hơn 100 tuổi.

1. Khi tôi ra nhà cố thì chị con dâu nói rằng: "Bố đang đi nhởi". "Nhởi (chơi) ở đâu?" - tôi hỏi. "Cố ra cảng cá tầm này sắp về rồi. Chú ngồi uống nước chè xanh tôi mới nấu" - chị nói. Thấy tôi nhấp nhổm định phóng xe máy ra cảng cá đón cố về thì chị ngăn lại: Không đời mô cố ngồi xe. Dưới biển thì đi thuyền, lên bờ thì đi bộ. Quả thật, chốc lát, đã thấy cố Dật khoan thai bước về, đi chân đất. Dáng người cố cao lớn, lưng thẳng, những ngón chân tõe ra khó có đôi dép nào vừa được. Cố bảo: Tui đi bộ quen rồi cho dẻo khớp. Suốt đời nằm trên nôốc có khi mô xỏ dép đâu. Nói rồi cố quay sang chị con dâu bảo: "Bựa ni trời sương mù được nhiều cá lắm". Cố nheo nheo mắt nhìn tôi: "Chú có biết không, trên rừng có con thú chi, ở dưới biển có con cá nớ. Đây, tôi kể chú nghe". Cố giơ bàn tay có những ngón tay sần sùi nổi chai, nổi ngấn do những vòng cước từ ăn mòn vào, cộm lên như những vòng nhẫn - những chiếc nhẫn của người dân biển: "Chú đếm thử coi cá có các loại cùng với tên con thú như: Cá bò, cá chim, cá dơi, cá ngựa, cá chuồn, cá ve, cá voi, cá chó (hải cẩu), sư tử biển rồi cá ong nữa. Còn tôm thì tôm hùm (hổ). Lại có loài cá mang tên bựa ăn của người dân nghèo như cá cơm, cá cháo. Lại có tên loài củ quả như cá cam, cá dưa, cá khế. Lại có loài giống một dụng cụ như cá đục, cá cào, cá kiếm...".

Ngồi trên ghế uống nước chè, tôi thấy cố cứ lắc lư như không yên, không vững. Chị con dâu chạy vào nhà bê ra chiếc rương gỗ hình vuông, nước gỗ đã ngả bóng thời gian chằn chặn như một cái ghế chắc  chắn. Theo thói quen thường ngày, cố Dật chuyển sang ngồi lên đó vững chãi như một bức tượng. Cố nói: “Bữa ăn, tôi ngồi lên cái “gia tài” này mới ăn ngon chú ạ, quen rồi”. “Gia tài” của một lão ngư hơn 100 tuổi thật giản đơn, tôi tò mò xin phép cố lật nắp cái rương gỗ, thì ra trong đó có chia ra nhiều ô, ngăn, mỗi ô đựng một dụng cụ đi biển như: Ô chứa lưới câu mỗi loại cá có loại câu riêng, ô chứa đủ các vòng cước kích thước khác nhau, ô chứa các ống câu to nhỏ đã nhẵn bóng, ô chứa các loại phao câu... Cố nói: "Già rồi không đi biển nữa, giữ lại cho vui cho đỡ nhớ biển, nhớ nghề thôi. Mà cũng thật lạ chú ạ. Cái rương gỗ ni không biết họ làm bằng gỗ chi mà không mối mọt đã đành, khi rớt xuống biển lại nổi và các mối đục gặp nước nở ra sít lại đố nước vào được thành cái phao cứu sống tui mấy lần". Nói rồi, cố vân vê từng mép gỗ: "Nó vừa là gia tài, vừa là ân nhân, vừa là bạn bè, vừa là cái ghế để ngồi câu. Thật tiện!".

2. Tôi hỏi cố: "Trong đời đi biển thì cố thích gì nhất?". "Thích nghe đài. Tui với cái đài như một người bạn thân thiết. Đài để nghe thời tiết là chính, rồi đài để nghe hát dân ca, bây giờ nhiều đêm tôi mở đài để nghe tiếng người mới ngủ được. Tui đọc chú nghe những câu đúc kết như: Tháng ba trong nước em ơi - Bớt cơm anh lại mà nuôi mẹ già. Tháng ba trong nước, cá xót mắt không ăn câu. Rồi “Tháng bảy nước chảy lo le” làm hai dòng nước xoắn vào nhau khó thả lưới. Rồi “Tháng chín nhịn đi buôn” vì tháng chín hay bão gió, khó đánh bắt". Nhân nói đến con nước, dòng nước cố giải thích cho tôi: "Đừng tưởng trời yên biển lặng mà chủ quan. Dưới mặt nước có bao biến đổi đến giật mình. Chú có biết không, có lớp nước mặt phía trên, lại có nước sâm dưới đáy. Bốn dòng nước chạy chéo nhau như dấu cộng, lưới thả xuống là xoắn bện vào nhau. Chỉ có một thời điểm, thời gian nào đó là lúc cả bốn dòng đều thuận một chiều thì ta đánh lưới". Tôi hỏi cố Dật: "Thế sinh con nước, rồi “nước thơm” nghĩa là gì?". Cố thủng thẳng cười: "Sinh con nước theo mùa trăng mà ta quen gọi là thủy triều. Còn “nước thơm” là lúc thuận nước êm, cá không  xót mắt". Tôi tò mò hỏi: "Trong đời cố đi biển nguy hiểm nhất là lúc nào?". “Tháo gió” chú ạ! Tháo gió - Ta thường hay nói tháo (cởi) nút lạt hay tháo (dỡ) mái nhà, còn đây là tháo gió. Tháo gió là chạy tránh bão, đời tui đã mấy lần tháo gió". Mắt cố nhìn ra xa như nhớ lại một thời trai trẻ của mình: "Mà gió cũng lắm thứ. Gió nồm, gió  bấc, gió nam, gió chướng, rồi cả “gió chìa vôi”. “Gió chìa vôi” mang tên một loài chim thường gọi là chim chích chòe hót lảnh lót trong vườn buổi sáng".  Tôi thảng thốt ngạc nhiên. Ừ, cố khẳng định: "Đó là loài gió đan chéo xoắn xuýt như cái đuôi chìa vôi . Ăn thua gì chú, bọn tui thường gọi là nạm (gói) “gió chìa vôi”.

3. Tôi hỏi: "Nghe họ đồn Thạch Kim bây giờ chỉ có mỗi cố Dật là có tài nghe được tiếng cá kêu phải không?". Cố lại cười, cái cười móm mém của người già nghe cứ khùng khục, rúc rích thật vui. "Tài chi mô chú, tất cả là do mình luyện tai và tích lũy kinh nghiệm những loại  cá như ca ngao vàng, ngao trắng, cá  xóc nanh, xóc trắng, cá đù sẽ phát ra tiếng kêu lớn vì chúng thường tụ tập đi theo đàn với số lượng nhiều. Tui lặn xuống sẽ phân biệt cá ngao vàng kêu lục tục, ngao trắng cũng vậy nhưng kêu đậm hơn. Cá xóc nang kêu cục cục, cá xóc trắng kêu túc túc...  Nhưng điều này thì có, là tui ngửi được mùi bão. Cứ nhìn mây, nhìn sắc nước rồi thấy trạng thái giật giật trong người, rồi ngửi thấy mùi khác của rong biển trong gió là tui đoán có thay đổi thời tiết, vì hồi trước làm chi có đài. Còn đoán sắc màu của cá đàn, của ruốc đỏ thì tui trèo lên cột buồm để nhìn, mắt tui tinh lắm, tai tui thính lắm, đến giờ đọc báo vẫn chưa phải đeo kính". "Thế bí quyết sống lâu của cố là gì?". "Có chi mô chú. Tui chỉ có câu răn mình không ghét, giận ai, cứ để ngoài tai, mà suốt đời ở ngoài biển thì mắt nhìn mây đoán gió, tai nghe cá mà đánh bắt. Xung quanh là trời nước. Cả đời tui chỉ nghe giọng đài, mà giọng đài là giọng tốt, giọng hay". "Thế đời đi biển của cố khó nhất là việc gì?". "Bỏ neo! Chú có nghe bọn trẻ ngâm nga không: Suốt đời chỉ mấy thước dây (neo) - Kéo đi kéo lại mòn tay vẫn còn. Ngư phủ hơn nhau là chuyện bỏ neo, bỏ neo trượt là đi đứt. Bão gió hay lúc đánh bắt thả lưới thì bỏ neo là quan trọng nhất. Phải đoán được luồng nước nước chảy, được gió rồi chất đất ở đó, bùn hay cát, đá hay rạn san hô để neo cắm chắc. Cả đời tôi chốt lại chỉ một chữ neo. Neo mình, neo bạn (người đi cùng thuyền), neo thuyền. Đứt neo là mất sạch!". Nghe cố nói, tôi ngẫm nghĩ lại thật chí lí. Đời biển dài mà đời người sao ngắn thế...

4.  Rồi thủng thẳng nhấp từng ngụm rượu như nhấp từng mảnh vụn ký ức,  cố Dật nói: "Cố đi câu từ lúc 9 tuổi, mê câu hơn mê chữ, thuộc lưỡi câu hơn thuộc chữ cái. Cố thuộc cả các tính cách ăn mồi của từng con cá. Như  cá đục trong đầu nó có một hạt sạn, gặp bữa động trời sấm rộ lên hạt sạn gây cho đầu đau nhức, cá đục chui xuống dụi đầu vào cát đố ai câu được một con. Câu mực cũng là một nghệ thuật, mực mẹo mà. Mực xây tổ như con ong uốn lượn theo từng nếp sóng, như vòng khoai lang của dân làm ruộng. Mực chỉ thò cái đuôi ra ngoài, vì thế khó nhử nó ra được. Khác với cá đục những đêm biển nổi giông, mực lại kéo nhau ra ngoài ăn rộ lên vài tiếng rồi lặn biệt tăm. Có thuyền đậu đúng ổ mực thả bất cứ giây gì xuống kéo lên, mực bám vào hàng chuỗi thở khụt khịt như người bị viêm xoang mũi lúc trái gió trở trời. Lại có loài cá khó câu bằng  mồi mà ta chỉ bắt được bằng bóng như cá cá hồng, cá sú. Bóng đan bằng tre già ngâm nước dẻo quánh thành những cái chuồng hình chữ nhật. Cửa vào bóng như cái hom giỏ. Vào thì dễ ra thì khó". "Thế câu bóng có khó không" - tôi hỏi.  Cố nói: "Khó chứ. Ta phải buộc hòn chì nặng vào chiếc lưỡi câu to kéo rà sát đáy biển gặp rạn đá san hô thì mắc lại. Các loài cá đặc sản thường nằm trong rạn đá. Cứ thế con nọ vào chuồng (bóng) lại kéo con kia như  sập bẫy chim mồi vậy". Nói rồi cố đúc kết: Tóm lại “Chim chết vì nhạ (nhựa), cá chết vì nước”. Câu cá là phải đoán chừng con nước, bựa nước thơm, nước mát thì cá ăn nhiều, dỗ cá cũng như dỗ trẻ con phải mát tay và nhẹ vía, nóng nảy là không được. Cá nó cũng nghệ sĩ lắm". Nghệ sĩ! Lần đầu tiên, tôi được nghe từ này. "Đúng thế" - cố linh hoạt, sôi nổi: "Chú đã xem cá heo diễn chưa, chúng uốn dẻo hơn cả diễn viên xiếc. Và khi được người trên thuyền vỗ tay hưởng ứng, chúng lại càng tung hứng, phấn chấn hơn. Còn cá chim khó câu lắm. Phải chọn anh chàng nào da trắng nhất uống nước mắm cánh gián cho nóng người rồi nhảy xuống biển uốn lượn mới dẫn dụ được cá chim vào lưới. Nói chung, các loài cá rất mê ánh sáng đèn và say cả âm thanh nữa. Nếu ta mở nhạc vũ hội là chúng từng bầy kéo nhau lên mặt nước thở híp hóp thật vui. Thế giới cá thật đa dạng. Ta thường nói “Cá lớn nuốt cá bé” - đó là chủ yếu dành cho loài người nhưng cá thì khác, chúng sống theo bầy đàn có trật tự, lớp lang lắm. Nhiều con cá bé chủ yếu sống kí sinh trên lưng con cá lớn, chúng dựa vào nhau".  Và đời biển thì dài, nhưng đời người còn dài lắm...

Bút ký của Nguyễn Ngọc Phú
TIN LIÊN QUAN

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.