Người em ra đi không về

Nguyễn Ngọc Phan |

Trời 27.7 nắng chang chang. Mây xanh ngắt. Vào dịp này hằng năm, tôi lại hòa cùng đoàn người đại diện đoàn thể, thân nhân gia đình chính sách đi thắp hương ở Đài tưởng niệm liệt sĩ tại nơi cư trú hay trên các nẻo đường dừng chân. Nhất là những dịp về quê, vào nghĩa trang liệt sĩ xã, đứng trước ngôi mộ khắc dòng chữ Nguyễn Ngọc Kha, nghiêng mình chắp tay khấn vái, hình ảnh em lại hiện ra trong tôi, qua làn khói hương huyền diệu lửng lơ... Kha kìa! Vẫn dáng vẻ thư sinh ấy. Đầu đội mũ mềm. Quần áo xanh màu lá mạ. Súng đạn, ba lô trên vai, em tôi đang cùng đồng đội hành quân trên triền núi Trường Sơn... Hàng quân lúc ẩn lúc hiện trong mây. Đi mãi. Đi mãi...

Bố mất năm 1944. Anh trai cả đi công tác thoát ly. Anh thứ hai học xa. Các chị gái đi lấy chồng. Gia cảnh sa sút. Từ đại gia tộc, tam đại đồng đường, đến năm 1954, chỉ còn lại ba mẹ con trụ lại quê hương. Mẹ chạy chợ lo ăn. Hai anh em tôi lo học. Năm 1957, tôi cũng rời nhà lên tỉnh rồi đi làm ăn xa. Năm 1961, người anh trai thứ hai công tác ở Hà Nội về quê đón mẹ lên trông cháu. Vậy là chỉ còn một mình em ở lại quê nhà.

Có lần nghe chú Đồng con rể ông bà tôi, kể: “Một buổi tối, anh Kha đi học về, mở màn ra thấy có con rắn to bằng cổ tay cuộn tròn trên giường...” Nghe chuyện, ai cũng rùng mình sởn gai ốc và cám cảnh cho em. Tuổi niên thiếu mình em đơn độc thui thủi trong ngôi nhà ba gian thâm nghiêm, vắng vẻ giữa khu vườn rộng và cái ao với những tiếng cá quẫy và đêm đêm tiếng kêu của những con chão chuộc não nề; ếch nhái, côn trùng nỉ non.

Hàng ngày, Kha cắp sách từ nhà lên trường huyện học cấp III, cuốc bộ suốt ba năm đằng đẵng. Đến khi trở thành cán bộ phòng tài chính huyện thì ngày ngày từ nhà lên cơ quan 4 cây số để làm việc cũng vẫn là đi bộ. Thư Kha gửi trong những năm tháng ấy hiện tôi vẫn lưu giữ:

6.12.1965

Anh mến!

“Công tác theo thời chiến có phần vất vả hơn, nhất là nếu chưa thoát được cái cảnh đi bộ... Có cái xe đạp Thống Nhất mà đi thì sướng biết mấy. Tất nhiên như thế không phải là đã thỏa mãn mà còn phải lo về tương lai nhiều hơn. Tình hình oanh tạc của máy bay Mỹ đối với mấy huyện ven biển gay lắm... Chủ nhật tới em sẽ về đắp mộ cậu mới cải năm ngoái...”.

Bốn anh em trai, em là út, lại lo hương khói và đắp mộ bố. Còn bây giờ ai lo hương khói và đắp mộ em!

Một hôm, tôi nhận được lá thư với những điều bất ngờ:

25.8.1967

“... Tính đến hôm nay, em đã ở trong hàng ngũ quân đội được bốn ngày. Em vội quá, bàn giao công tác xong nghỉ ngơi được vài ngày lên Nam Định và về xã chơi qua loa thăm họ hàng mỗi gia đình một lúc rồi đi...”.

“Đồ đạc tư trang gửi gia đình nơi sơ tán ở... để phòng xa nếu có chuyện gì xảy ra thì các anh biết chỗ mà về lấy. Hôm em sắp đi thì cháu Oanh có vào chỗ em chơi. Chú cháu nhìn nhau chẳng nói lên lời! Em cho cháu một số thứ để dùng và phục vụ cho học tập. Nó cầm rồi bước chân ra ngõ tự nhiên nấc lên khóc!”.

Tuổi thanh xuân là tuổi của hoài bão và ước mơ. Vậy mà cứ phải dự tính những điều không muốn gặp. Tuy vậy, vẫn coi mọi sự nhẹ như không! Thế rồi, có ai ngờ, sự phòng xa của em lại là sự thật.

Hà Nội, 30.11.1967:

Anh mến!

Em về Hà Nội từ đêm 25.11, thời gian em ở Hà Nội chỉ được 4 ngày tức hết ngày 29.11, đáng lẽ em đi từ tối qua nhưng liều nán lại 1 ngày nữa may chăng được gặp anh để anh em gặp nhau tâm sự trước lúc em chuẩn bị tạm biệt gia đình rời đất Bắc vào Nam chiến đấu.

Suốt đêm 28 và 29.11 ở nhà đợi tàu Nam Định lên xem có thấy anh về không, nhất là mấy hôm nay đã biết em đi bộ đội là mẹ cứ lo nghĩ, thỉnh thoảng lại rớm nước mắt... cho nên đặt trường hợp khi em đã đi Nam là khó mà có thư về nên ở nhà thỉnh thoảng các anh cứ nói là nhận được thư em để mẹ yên tâm...

Trong các lần sát hạch kỹ chiến thuật em đạt thành tích khá cao và vừa qua bắn súng tiểu liên bài ba giỏi nhất toàn đại đội 160 người. Em đã được đề bạt tiểu đội phó...

Lần này em vào Nam thì ở nhà mẹ sẽ được hưởng phần phụ cấp của em vào khoảng 12 - 15 đồng, họ sẽ báo về nơi ở của mẹ vào hàng quý. Em đi xa ở nhà đã có các anh chăm sóc mẹ và khi nào được lĩnh phụ cấp như trên thì lấy tiền đó để nuôi mẹ đỡ các anh chút ít, để mẹ đỡ vất vả tuổi già. Còn thư trước không biết em đã viết chưa là nếu thuốc bổ anh có mua về cho em thì để biếu mẹ dùng.

Thanh Hóa 30.12.1967.

Anh mến!

Đêm nay cảnh núi đồi yên lặng, ngoài trời thưa thớt mấy vì sao lấp lánh của đêm đông giá rét. Bên ánh lửa nhà sàn ngồi đợi giờ gác em tranh thủ biên thư gửi anh để anh đỡ mong.

Có lẽ từ sau khi về Hà Nội không gặp em cho đến nay anh mong thư của em lắm nhỉ...

Thời gian bắt đầu lên đường đã sắp tới. Những lúc này sao em mong muốn được nhận lá thư gia đình quá, nhưng không thể được nữa rồi mà em chỉ có thể viết thư về được thôi cho đến khi nào đi hết đất Bắc...

Em đủ khả năng đi chiến đấu, tất nhiên trong đó phải có lòng quyết tâm vững chắc với tinh thần sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ. Lúc này là lúc sắp xa nhà ra đi làm nhiệm vụ nhưng em thấy vẫn bình thường không có điều gì đáng lo ngại, do đó anh cũng không phải lo lắng gì cho em cả. Em biết rằng anh thường bảo ban em cẩn thận và anh thương em nhưng vì nhiệm vụ chung của cách mạng em phải tạm xa anh, tạm xa gia đình. Rất tiếc rằng thời gian qua về phép anh em không gặp nhau được để ít nhiều tâm sự trước lúc em xa nhà, cho nên bây giờ đôi lúc nhớ lại em thấy luyến tiếc với thời gian, oán hận thời gian sao quá ngắn ngủi... Em vẫn thường tự động viên và xác định cho mình phải không ngừng phấn đấu... Trường hợp nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp, tuy sức khỏe yếu nhưng em thấy đây chính là môi trường rèn luyện mình.

..................

Kha lại hiện ra trước mắt tôi, dáng vẻ thư sinh, người gầy còm vì thiếu đói. Từ giã quê hương, bỏ lại ngôi nhà, vườn rau, ao cá, xa mẹ và những người ruột thịt, để lại mối tình đầu với cô giáo trẻ nơi hậu phương. Súng đạn, ba lô trên lưng, trèo đèo, lội suối, vượt Trường Sơn...

***

Theo năm tháng, mỗi lá thư Kha gửi như những trang nhật kí:

Thanh Hóa 7.1.1968

Anh mến nhớ!

Anh ạ, em sắp lên đường cùng đơn vị hành quân vào B. Lá thư này là lá thư cuối cùng em viết về cho anh trước khi rời huyện Thạch Thành cùng đồng đội bước chân theo dải Trường Sơn ra tiền tuyến.

Còn anh ơi! Giờ đây em muốn viết rất nhiều, muốn thổ lộ hết tình cảm tâm tư của em với anh để bù đắp cho những ngày sắp tới sẽ xa nhà.

Vừa qua tổng kết, em được trung đoàn khen thưởng và được phong hạ sĩ, có khả năng sắp được kết nạp Đảng...

Thôi, anh ạ. Em bận quá nếu thư sau không về được thì lần này em tạm biệt anh đấy, nhưng trên đất Bắc còn điều kiện em sẽ luôn biên thư về.

Em: Ngọc Kha.

Thương mẹ, chẳng mấy thư, em không nhắc nhở hai anh:

Mẹ hiện nay vẫn khỏe bình thường chứ anh, những lúc này em thấy thương mẹ lắm. Năm hết, tết sắp đến, đến đây là cái tết thứ 2 em xa nhà và có thể còn xa nhà những cái tết khác nữa. Tết chiến tranh cũng chẳng có gì nhưng ở nhà có điều kiện các anh chị nên sum họp để mẹ đỡ buồn.

Biết người phụ nữ chỉ có thì, nên Kha không muốn để người yêu đợi chờ lâu:

Chiến tranh càng quyết liệt nên em có một điều với anh, anh Phan ạ, nếu khoảng gần 2 năm nữa mà em chưa ra Bắc được thì anh về Hải Hậu, đến nhà bà... xóm... xã Hải Bắc lấy chiếc vali bạt của em gửi ở đó. Đến đấy, anh cứ tự giới thiệu và nói là được tin bạn em cùng chiến đấu viết thư báo ra cho biết em đã hy sinh nên đến xin vali mang về, còn thế nào em về sau hẵng hay, anh nhớ cám ơn gia đình nhé.

Anh giữ đúng lời em dặn nhé, đây là lời đứa em xa nhà xa anh chỉ nhờ anh và hết sức tin tưởng anh giúp em đấy để em yên tâm chiến đấu...

Tạm biệt các anh - đứa em út xa nhà”.

Đồng đội Bích kể: “Cậu Mịch, người cùng xã Hải Đường với tôi. Trong một trận chiến đấu, Mịch hi sinh. Tôi đã viết mấy câu thơ: Mịch ơi, mày chết giữa đồi cao. Mới hôm qua nói chuyện Miên, Lào. Hôm nay xuất trận tin mày mất. Bầu trời lấp lánh muôn vì sao... Không ngờ, chỉ mấy hôm sau đó, lửa đạn quân thù lại cướp thêm người đồng hương huyện Hải Hậu của tôi là Kha...Cả trung đội hy sinh ở một vùng thuộc Tây Ninh. Vì địch ở lại phục kích nên sáu ngày sau đó, bộ đội mới đến được để lấy tử sĩ. Nghe anh em nói là phải lấy dây buộc vào cổ hoặc chân để lôi đi chôn!”.

Tôi cắn chặt răng để khỏi bật khóc. Ngọn đèn và mấy người ngồi quanh nhòa đi chao đảo...

Kha hiện ra trước mắt tôi. Dáng vẻ thư sinh, trang phục quân đội chỉnh tề, súng đạn, ba lô trĩu nặng trên vai, cùng đồng đội hành quân từ Bắc vào Tây Ninh Nam Bộ. Cuộc trường chinh đầy gian lao kéo dài đằng đẵng 5 tháng 19 ngày mới vào đến chiến trường...

Rồi Kha đi mãi... không về!

Nguyễn Ngọc Phan
TIN LIÊN QUAN

Công đoàn Công thương Việt Nam tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ

Mạnh Thắng - Phương Trà |

Nhân dịp 73 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947 - 27.7.2020), để tri ân tới các thương binh, gia đình thân nhân liệt sĩ trong ngành Công Thương năm 2020… Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp tới thăm hỏi, trao quà các đối tượng chính sách tại các đơn vị của ngành.

Hơn 9 tỉ đồng tri ân người có công nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

NGUYỄN TRƯỜNG |

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7.1947 – 27.7.2020, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi và trao tặng gần 30.000 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 9 tỉ đồng.

Xuôi ngược làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho ông

hưng thơ |

Tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực phục vụ cách mạng, nhưng ông Nguyễn Văn Nghiêm (SN 1912, quê ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chưa được suy tôn là liệt sĩ.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Công đoàn Công thương Việt Nam tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ

Mạnh Thắng - Phương Trà |

Nhân dịp 73 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947 - 27.7.2020), để tri ân tới các thương binh, gia đình thân nhân liệt sĩ trong ngành Công Thương năm 2020… Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp tới thăm hỏi, trao quà các đối tượng chính sách tại các đơn vị của ngành.

Hơn 9 tỉ đồng tri ân người có công nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

NGUYỄN TRƯỜNG |

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7.1947 – 27.7.2020, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các đoàn đi thăm hỏi và trao tặng gần 30.000 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 9 tỉ đồng.

Xuôi ngược làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho ông

hưng thơ |

Tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực phục vụ cách mạng, nhưng ông Nguyễn Văn Nghiêm (SN 1912, quê ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chưa được suy tôn là liệt sĩ.