Người đội mũ

Truyện ngắn của phạm thị thúy quỳnh |

Gã thường xuyên đội một cái mũ dị hợm làm bằng những thanh sắt mảnh, sẽ là phá cách nếu hình dáng của nó cũng giống như bao chiếc khác. Nhưng không, nó được đan bện với nhau, đỉnh tạo thành một chóp tròn, các sợi sắt buông xuống dưới chẳng hề được cắt ngắn đi mà giữ nguyên, gã chỉ mài sao cho chúng có độ mịn nhất định để không thể làm tổn thương đến mắt mình. 

Sự quan sát của gã được phóng chiếu qua hai lớp: Mắt và lớp sắt mỏng.

Gã sống trong một căn phòng với trần cao không quá hai mét, rộng hơn hai mươi mét vuông, khép kín hoàn toàn nên hầu như mọi sinh hoạt đều diễn ra trong không gian này mà thôi. Đối diện là phòng nhận, phát bưu phẩm. Gã chưa từng tới đó để nhận đồ của mình bao giờ. Gã không thích giao tiếp, đặc biệt là phải trả lời những câu hỏi nhàm chán như: “Mã số bưu phẩm của anh là gì?” hay “Phiền anh cho xem chứng minh thư nhân dân”. Bưu cục - một hệ thống máy móc “từ A đến Z”, theo ngôn ngữ hiện đại.

Gã quên chưa kể rằng nơi mình ở và cả cỗ máy kia đều được đặt dưới một tầng hầm ẩm thấp, tối tăm và quanh năm lạnh lẽo. Phải chứng kiến nó hoạt động qua ô cửa sổ trên góc tường, nơi thu ánh sáng duy nhất. Cuối cùng, không thể chịu đựng nổi, gã xé nát một cuốn thơ được tặng và bít kín vuông cửa lại.

Người ta gọi gã là Kẻ Đội Mũ, gã có thể đội chiếc mũ sắt đó ra đường, đến mọi nơi mà chẳng hề để ý đến ánh mắt của ai khác. Tầm nhìn nhòe mờ khuất lấp một phần bởi những thanh sắt, gã cảm thấy bản thân được an toàn. Chỉ khi về đến phòng, gã mới tháo nó xuống.

Kim giờ đồng hồ treo tường chỉ vào số bảy, thời gian ở hầm đã trở nên vô ích từ lâu. Không gian nằm phía dưới mặt đất này khiến cho mọi người đều bị lầm lẫn, cuộc sống có phần chệch nhịp với xã hội ngoài kia, làn da của họ trở nên trong suốt và ánh mắt đã tắt ngọn lửa. Sự tù túng máy móc này biến họ thành các xác chết biết thở, gã nghĩ, trệu trạo nhai một miếng bánh mỳ khô, vén gọn vụn bánh mỳ trong lòng bàn tay và vào miệng, chiêu một ngụm nước rồi bật máy tính. Chiếc máy tính xách tay này theo gã từ những năm học đại học, dần dà trở chứng trở nết như người già đến tuổi.

Chờ máy tính khởi động, gã tranh thủ pha một tách cà phê đen đặc. Công việc sáng tác không thể thiếu được những chất kích thích như vậy, không hút thuốc, thay vào đó gã uống rất nhiều trà mạn và cà phê.

Ngoài kia, trời đang mưa. Chẳng rõ vì sao, gần đây các cơn mưa lớn thường xuyên kéo đến, trong cuộc đời cũng như trong sáng tác của tất thảy mọi người. Cứ giở một tờ báo mới ra ngày hôm nay, tìm chuyên mục “truyện ngắn”, cảnh đầu tiên mà gã nhìn thấy sẽ là cảnh mưa. Có mưa lớn, mưa nhỏ, mưa chen nắng, mưa lòng người.

Thiên nhiên phẫn nộ, con người đang phải chịu hậu quả mà mình gây ra, gã nói.

Tôi cảm thấy mình không thuộc về thời đại này - Những ngón tay lướt nhanh trên bàn phím, gã viết - Nếu bạn hỏi rằng điều gì khiến tôi sống tới hiện nay thì có lẽ đó là những dòng chữ, tôi trốn vào nó, tôi sống trong nó, tôi xây tổ cho mình bằng những ký tự đến từ mọi quốc gia, để tin rằng một ngày mình có thể phá kén...

Trong căn phòng nhỏ hẹp, tiếng “lách cách” từ bàn phím máy tính vang lên, nối tiếp nhau, phủ nhận nhau, dung hòa nhau nối liên miên bất tận, kết thành một bản nhạc kỳ dị. Ánh sáng trắng tỏa ra phủ lên gương mặt gã một lớp màn phủ nhờ nhờ đục càng làm nổi bật những vệt hằn do chiếc mũ sắt để lại. Gã cứ vậy ngồi viết một mạch đến ba giờ sáng, thay ba tách cà phê, cuối cùng khi đánh dấu chấm toan kết thúc câu chuyện, gã lại chua thêm mấy chữ: “Kẻ Đội Mũ”. Gã quyết định không dùng tên thật nữa, đọc soát lại bản thảo một lượt, cuối cùng khi nhận ra mọi thứ đã ổn, gã bèn viết thư điện tử gửi bản thảo mới cho một biên tập viên của tòa soạn X. Xong xuôi, gã rúc vào trong mảnh chăn mỏng có mùi ẩm thấp cũ kỹ và chìm vào giấc ngủ trước khi guồng quay ngày mai lại tiếp diễn.

*

Gã ngủ như một con sâu thiếu giấc chờ kéo kén. Nó giống việc anh đã chết, gã nói, không mộng mị, không thở, không vui hay buồn, không còn xúc cảm, không còn gì cả. Mỗi lần viết xong, các giấc mơ dường như đã bỏ quên gã ở một góc nào đó. Gã tỉnh dậy vì chẳng thể ngủ thêm được nữa, mí mắt nặng trình trịch, dử mắt đóng dày, phải cố gắng lắm mới có thể mở được mắt ra. Với tay bật công tắc, chân gã chạm phải thứ gì đó lành lạnh.

Nước, khắp nơi đều là nước.

Gã vỗ vỗ hai tai, tiếng mưa rào bên ngoài cứ vậy dội vào. Bốn bề chỉ có tiếng mưa. Căn hầm đã ngập. Nước mưa bốc mùi hôi thối của những thứ tích tụ trong suốt mùa hè xâm nhập vào góc phòng, nơi mà gã chất đầy những chiếc hộp giấy đựng tư liệu, bản thảo chép tay. Gã vội lôi chúng lên bàn rồi thu gom vật dụng để lên các kệ cao. Nước bắt đầu bao vây mọi thứ. Gã vuốt nhẹ những chiếc nan mũ sắt, ổn định hơi thở.

Đột ngột chiếc điện thoại trên bàn bật sáng, có cuộc gọi đến. Gã lau hai tay vào gấu áo, nhấc máy:

- Alo?

Tiếng đàn ông trầm đục vang lên từ đầu dây bên kia:

- Chào anh, tôi là B, tổng biên tập của tòa soạn X. Tôi đã đọc truyện ngắn anh gửi và nghĩ rằng mình cần phải liên lạc với anh ngay lập tức. Nền văn học của chúng ta đang trì trệ, và may mắn thay, anh chính là người mà chúng tôi đang tìm kiếm để vận hành lại nó. Tôi muốn hẹn gặp anh ở quán cà phê Thời Xanh vào hai giờ chiều nay, tôi sẽ thông báo địa chỉ cụ thể của quán.

Gã nhìn chăm chăm vào màn hình, rồi lại quay sang nhìn bốn bề nước bẩn đang bao vây lấy mình, nở một nụ cười nhạt nhẽo. Song không rõ vì lẽ gì mà nội dung của cuộc gọi lại hút lấy sự chú ý của gã. Lội trong dòng nước đục, gã ngồi xuống ghế và trả lời, rằng gã đồng ý gặp mặt. Nhấn phím tắt máy, gã ngả người về phía sau, nhìn lên trần phòng nứt nẻ chỉ chực sập xuống, chợt muốn thoát khỏi nơi này.

Hiện đã là mười giờ sáng, còn bốn tiếng trước buổi hẹn, gã lẩm bẩm và thầm nghĩ rằng mình nên đi ăn chút gì đó, nhưng không phải ở trong căn phòng này. Gã nhét chiếc máy tính xách tay vào ba lô, với lấy chiếc mũ sắt, vuốt những sợi tóc mái dài xuống che bớt các vết hằn loang lổ trên trán và ra khỏi phòng.

Nước nhờ nhờ đục cơ hồ có một sức mạnh vô hình biến hóa thành trăm nghìn cánh tay mong muốn níu gã ở lại. Những nữ nhân viên bưu cục đối diện đang vội vàng thu vớt các bưu phẩm, giấy tờ trôi nổi. Bỗng gã cảm thấy biết ơn cơn mưa này, chí ít, gã không phải nhìn thấy “cỗ máy” kia nữa.

Phá vỡ cấu trúc, gã nói.

Một tay cầm mũ, một tay với chiếc ô treo cạnh cửa, gã lội nước bước về phía cầu thang hướng lên mặt đất.

Bỗng nhiên có gì đó va vào chân, gã cúi đầu nhìn xuống, qua những chiếc nan sắt hiện lên một mái tóc dài tết thành bím thả xuôi xuống lưng, một vài sợi tóc mái tuột xuống vương trên má và cổ của cô gái làm nổi bật làn da trắng ngần cùng với góc xương quai xanh lượn một đường khẽ động trước hơi thở. Vẻ hồng hào đã tự nói lên rằng dưới làn da kia là ngang dọc huyết quản căng đầy nhựa sống, thứ mà đã từ lâu gã không thấy và chính gã cũng không có.

- Xin lỗi... - Cô gái giật mình, vội vàng vơ lấy mảnh hóa đơn trôi nổi, ngẩng lên nói.

Chỉ có điều, vừa mới nhìn thấy gã, cô đã hét lên một tiếng và lùi lại phía sau. Trên gương mặt gã, không rõ vì sao lại phác một nụ cười. Đôi mắt sâu với ánh mắt lạnh xuyên qua từng nan sắt xỏ trực tiếp vào dung nhan cô gái trẻ.

Người mới, gã nói, thật đáng tiếc, rồi một ngày vẻ đẹp đẽ ấy sẽ lụi tàn ngay dưới căn hầm này thôi.

Một nữ nhân viên khác tuổi độ trung niên quát cô gái với vẻ không hài lòng:

- Đứng gọn vào!

Cô gái dường như chẳng nghe thấy, chỉ chăm chắm nom người đàn ông trước mắt. Ngoài kia, tiếng mưa rơi hòa lẫn với tiếng nước lõm bõm xung quanh. Dưới ánh sáng nhờ nhờ tỏa ra từ chiếc đèn tròn treo lủng lẳng trên trần hầm, bóng của họ in sâu vào lòng nước.

Gã vô thức bước về phía cô gái khiến cho cô cả sợ lùi bước nhanh hơn. Sức hút của nước kéo ngã và khiến cho toàn thân cô ngập ngụa trong thứ nước thừa bẩn đó. Gã vội vục xuống kéo người nọ lên, cô gái vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, bàn tay vô tình chạm phải chiếc mũ sắt trên đầu gã. Hoảng loạn, cô rảy tay gã ra nhưng chẳng đặng.

- Anh muốn làm gì? - Cô nghiến răng.

Gã mở miệng, tiếng nói phát ra lào khào không giống tiếng người:

- Kéo cô khỏi vũng bùn. Ở đây cô sẽ chẳng có tương lai đâu.

Nhìn sắc diện của cô, gã nhận ra mình đã chụp chiếc mũ lên từ lâu, và giờ đây gã muốn gỡ nó xuống. Có nên không? Khuôn mặt thật đằng sau chiếc mũ lại càng đáng sợ hơn bao giờ hết, gã bảo, nó là bản chân diện mục của quỷ. Ngay từ khi Thượng Đế gửi con người xuống thế gian, việc mà ông ta cho rằng là thiện đó, chính là mầm mống sản sinh quỷ dữ.

Đắn đo một hồi, gã cúi người vớt hộp bưu phẩm trôi cạnh chân và đưa cho cô. Cô gái ngập ngừng, cuối cùng giật mạnh lấy nó và quay đầu chạy vào bên trong.

Gã thở dài, xoa xoa hai bên má, trở gót bước lên cầu thang. Căn hầm này vốn không dành cho phụ nữ, ý gã là phụ nữ theo ý nghĩa rốt ráo nhất của từ này, đặc biệt lại là một phụ nữ đẹp và ngây thơ nữa. Gã bỗng nhiên mỉm cười, nhưng vì vốn không biết cười nên hành động này khiến cho những người đầu tiên mà gã chạm mặt ở phía trên căn hầm kinh hãi.

Gã nhanh tay bật ô, cúi đầu và bước vào một cửa hàng tiện ích để mua chút gì đó có thể ăn được.

*

Quán Thời Xanh nằm trong một khu chung cư cũ, được thiết kế theo phong cách thập niên 80, trang trí bằng những bình cúc họa mi, những bức hình thuộc về các ca sỹ, nhạc sĩ nổi tiếng, một vài tấm bưu thiếp và thư tay lưu niệm.

Độ lùi quá khứ khiến cho người ta có thể nhìn ngắm mọi sự rõ ràng hơn, gã nói, tôi cảm thấy thích quán cà phê này bởi không gian và cũng bởi chủ quán là người có tư chất, anh ta không hề tỏ ra ghê sợ tôi, cho dù có lẽ trong thâm tâm chính anh ta cũng có chút gờn gợn.

Hương đồng nội quyện lẫn mùi sơn lưu cữu lan tỏa, máy xay cà phê phát ra chuỗi âm thanh rin rít làm người ta sởn da gà. Gã tranh thủ đọc nốt cuốn sách có in vở Cain của Byron, lửa nhảy nhót trong lò sưởi, còn chủ quán thì đang ngả lưng trên chiếc ghế mây, trên đùi anh là con mèo tam thể đang lim dim ngủ.

Tách biệt hoàn toàn với thế giới, chấp nhận đi ngược lại với quy luật vận hành của xã hội, gã trở thành kẻ ngoài rìa, một con quái vật được xã hội sinh ra và trở ngược mũi giáo chống lại chính thứ đã đẻ ra mình.

Tiếng bước chân khẽ vang, chủ quán ngồi dậy nhìn vị khách mới đến, mỉm cười rồi đứng lên pha chế cà phê mà không cần phải hỏi một câu. Có lẽ là khách quen chăng? Gã thầm nghĩ, không tự chủ được, ngoảnh đầu lại. Ấy là một người phụ nữ bận đồ đen, mắt đeo cặp kính râm to bự choán một nửa khuôn mặt, tóc xõa dài quá eo, khuôn mặt đanh cứng không gợi lên một chút cảm xúc gì mang lại cảm giác phi thực.

Người phụ nữ nhìn xung quanh một hồi, rồi đột ngột tiến về phía hắn và ngồi xuống ghế đối diện. Gã ngẩng cao đầu, dùng đôi mắt nằm khuất sau những nan sắt nhìn chòng chọc vào người nọ, mong có thể đuổi được cô đi. Gã không quen với việc tiếp xúc thân tình.

- Thưa cô, ghế này đã có người ngồi rồi.

- Xem ra đã lâu anh không ra ngoài, dùng kính ngữ như vậy thật hiếm lắm. Tôi chính là B, người đã liên lạc với anh - Cô gái mỉm cười, giọng nói bật ra chính là giọng mà gã từng nghe.

Gã kinh ngạc vươn người về phía trước, nhìn cô gái, buột miệng:

- Cô là ông B? Không thể nào!

- Tại sao lại không thể? - B hỏi, nhướng mày cười giang hai tay ra - Như anh đã thấy, tôi là B.

- Xin lỗi, tôi sẽ không đề cập đến vấn đề nhạy cảm này - Gã nói, vẫn chưa hết bàng hoàng - Tôi hơi ngạc nhiên thôi.

- Ai cũng vậy cả - Chủ quán đặt tách cà phê xuống, đồng thời đưa thêm một ly trà táo quế, bảo với B - Trời mưa lạnh.

B bật cười nhìn chủ quán, sau khi anh ta rời đi, cô liền trỏ vào đầu mình, gã hiểu ra, song lại hơi phân vân:

- Tôi nghĩ cô... Ông sẽ không muốn nhìn thấy những gì phía sau chiếc mũ này.

- Nếu là người khác, tôi nghĩ họ sẽ cố tình tỏ ra mình là kẻ khác người. Nhưng anh thì không.

B tháo kính ra, trên làn da vốn đã trắng của cô còn hai khoảng da nơi mắt trắng hơn cả, đường gọng kính cũng đã in hằn trên gò má. B lại trỏ vào đầu mình. Bất đắc dĩ, gã phải gỡ chiếc mũ khỏi đầu. Gã cúi gằm, cố gắng để cho những sợi tóc mái phủ xuống che bớt các vệt hằn ngang dọc trên trán.

- Chúng ta cũng có một số điểm chung - B cười - Được rồi, vào việc thôi.

Gã thở phào nhẹ nhõm, chụp mũ lên, chiêu một ngụm nước cho bớt căng thẳng rồi ngả tựa lưng về phía sau, nhìn B chờ đợi.

- Tôi không phải là tổng biên tập của tòa soạn X, tôi đoán chắc là anh đã nhầm địa chỉ thư - B nhấp cà phê, chậm rãi nói - Nhưng tôi cũng cảm thấy may mắn vì điều đó, cho cả tôi, cả anh.

B rút trong túi ra một chiếc thẻ, đưa cho gã:

- Xin được giới thiệu lại, tôi là B, tổng biên tập nhà xuất bản TK. Người trong giới gọi tôi bằng cái tên “kẻ săn giấy”.

Gã bật cười vì câu nói đầy hóm hỉnh của B, tủm tỉm:

Tôi có được địa chỉ email của ông nhờ vào một người bạn, có lẽ anh ta chơi khăm tôi chăng? Song ông là người của nhà xuất bản, hà cớ tìm tôi?

- Nhà xuất bản của chúng tôi mới thành lập nên thực rất khó để tìm ra bản thảo chất lượng, dù đã dùng đủ mọi cách nhưng thu về đa số là các tập giấy hổ lốn mà thôi. Có lẽ anh cũng biết lý do. Văn chương ở ta đang chết lâm sàng, một số trường hợp có tài rất hiếm khi xuất hiện, mức độ đãi ngộ với họ cũng không cao.

- Đó là tình trạng chung - Gã nói - Ai mà chẳng muốn sống tốt hơn cơ chứ.

- Phải, vậy nên TK là nơi giúp những người như anh làm được điều đó, chúng tôi đang trên đường đi tìm những tác giả... Tôi đã đọc truyện ngắn mà anh viết, cấu trúc truyện, lối dùng từ và cách xây dựng nhân vật đều rất mới mẻ, quan trọng nhất là nó cho tôi cảm giác “lớn”. Nếu một tác phẩm không cho người đọc cảm giác “lớn” thì nó sẽ chẳng là gì cả.

Gã nhướng mày, tuy rằng những lời trên đều là những lời khen dành cho mình song không hiểu vì lẽ gì mà gã cảm thấy có đôi chút khó chịu, bèn hỏi:

- Ý ông là?

- Tôi muốn đặt anh viết một cuốn tiểu thuyết - B đáp - Chúng tôi cần anh.

- Rồi tôi sẽ rơi vào tầm quảng cáo của quý nhà xuất bản? Tôi xin từ chối.

Nói rồi, gã để lại tiền trên mặt bàn, sau đó đứng dậy trở gót toan rời đi. Đột nhiên B bảo:

- Cho tôi lý do khiến anh từ chối.

Gã chẳng đáp lời, chỉ trỏ vào chiếc mũ sắt trên đầu mình.

B nhún vai:

- Anh nhìn một loạt những người đang xuôi ngược ngoài kia xem, có ai mà không mang một chiếc mũ cơ chứ. Nếu anh muốn thấy được cảnh đẹp thì buộc phải bước lên đỉnh núi, tôi chờ điện thoại của anh.

*

Gã gỡ chiếc mũ và đặt lên giường.

Bước vào phòng tắm, để cho làn nước xối xuống thịt da, gã soi mình trong gương, những vị trí da bị chiếc mũ che đi trắng hơn hẳn so với những phần da thịt còn lại, đổ thành tia chia khuôn mặt gã thành hai nửa rõ rệt. Hơi nước nóng bốc lên, làm mờ hết thảy, cuối cùng hình ảnh gã chỉ còn là một cái bóng méo mó.

Chưa vội mặc quần áo, gã đi tìm chiếc mũ của mình trước tiên, đặt nó lên bàn viết, chăm chắm nhìn như sợ nó đột ngột biến mất. Cho đến khi xác định được rằng nó vẫn nằm yên tại nơi ấy, gã mới lồng chiếc áo suông rộng vào người. Điện thoại thường xuyên đặt ở chế độ im lặng. Chỉ có để mà có thôi, gã nói, lại thêm, gã không cần dính mắc với bất kỳ điều gì trên đời. Nếu như chẳng vương nghiệp viết thì có lẽ gã đã tự treo mình lên trần nhà, hoặc mất tích ở một khúc sông nào đó.

Nội dung của cuộc trò chuyện ban chiều vẫn lẩn quẩn trong trí óc, gã đốt thuốc, ngồi tựa vào đầu giường, nhìn làn khói mảnh bốc lên rồi tan trong không khí.

Gã bất chợt đưa mắt nhìn về hướng chồng sách nằm trên bàn viết, xung quanh là ngổn ngang giấy và rác tồn đọng sau khi nước rút đi. Gã cảm thấy mệt mỏi đến cùng cực, chẳng muốn động tay vào dọn dẹp. Trong lúc đó, gã trông thấy vết bít nơi ô cửa sổ đã bị gỡ ra, một đôi mắt tròn đang ngó nghiêng nhìn vào trong. Đôi mắt ấy không phải của ai khác ngoài cô gái mà gã đã gặp, cái người mà gã từng cho là quá đẹp để làm việc tại đây.

Nỗi thất vọng trào dâng, nghèn nghẹn trong lồng ngực. Gã đứng phắt dậy, bước về phía vuông cửa, cô gái giật thót vội vàng rời đi.

Gã ngẩng đầu nhìn lên trần phòng, trên đó chi chít các vệt nứt ẩm mốc, mùi nước thải vẫn tù đọng tại căn hầm này.

Gã bật laptop, mở trang bản thảo vẫn còn dang dở, quan sát nó một lúc lâu. Rồi, gã rút điện thoại ra và gọi cho ông B.

Truyện ngắn của phạm thị thúy quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khổ luyện để trở thành kỳ nữ Mai hoa thung

Tạ Quang |

Để có thể biểu diễn Mai hoa thung, các vận động viên phải khổ luyện, thành thạo múa lân truyền thống và bắt buộc là phải biết võ thuật. Những chú lân bay nhảy trên dàn cọc sắt, cao từ 1m đến 3m, kết hợp với các động tác tung hứng mạo hiểm, tạo nên những pha thót tim.

Giải cứu thành công người đàn ông ở dưới giếng sâu 25m trong 4 ngày

BẢO TRUNG |

Ngày 18.1, Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã phối hợp với phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh giải cứu thành công một người đàn ông sau 4 ngày rơi xuống giếng sâu 25m trong rẫy vắng.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội nhận 10.000 USD cảm ơn

Việt Dũng |

Ngoài chỉ đạo cấp dưới thương thảo, đàm phán nhà thầu "hỗ trợ" 2-5% giá trị gói thầu, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn còn nhận "cảm ơn".