Tác phẩm và dư luận

Người đáng được nhớ, đáng được yêu thương…

ĐỖ QUANG HẠNH |

(Đọc “Tuyển thơ Mai Linh” NXB Hội Nhà văn 2016, 243 trang).

Cái tên Mai Linh đôi khi làm người ta ngỡ như tên một hãng taxi một thời ồn ào, nhưng nay đang tàn tạ. Nhà thơ Mai Linh là cả đoàn tàu - thơ, không thể nhầm lẫn với ai khác, nói gì đến cái đám xe taxi phóng bừa vượt ẩu, nghênh ngang chụp giật. Không có cái hãng taxi ấy, thì đang và sẽ có hàng đống hãng xe khác, nhưng con người và thơ Mai Linh là duy nhất.

Tôi thường nhớ đến Mai Linh cùng nỗi ám ảnh về “Chiều cuối năm”. Người có tuổi hay thế. Chiều và nhất là chiều cuối năm cứ gây cảm giác thời gian dần tuột khỏi đời ta. Khi làm trang thơ Lao Động cuối tuần Xuân 2014, tôi nói Mai Linh gửi thơ. Anh gửi 3 bài, nói thích nhất bài “Chiều cuối năm”, nhưng lo khó in được. Tôi đọc và bảo không sao. Anh vui như thể lần đầu thơ được đăng báo. Sau Tết, tôi đến cơ quan anh, gần suốt buổi rượu trưa hôm ấy, Mai Linh say sưa nói về thơ, về “Chiều cuối năm”, một điều hiếm có vì chúng tôi gặp nhau toàn nói chuyện linh tinh đủ thứ, trừ thơ. Tôi cứ nghĩ một trong những thế mạnh của thơ Mai Linh đậm chất thế sự. Nhưng không phải là thứ thơ - báo chí, thơ Mai Linh rất xa lạ với kiểu thơ bò sát hiện thực, khá thịnh hành ở ta từ cuối những năm 1980. “Buổi chiều chống chân/ để không trôi về hoàng hôn/ em cố giữ niềm vui trên gương mặt thất tình/ bạt gió và bạt tóc/ em khiến hoa đào phai đi một chút/ rơm rớm mưa phùn thương tiếc cuối năm…”. Mở đầu là như thế rồi bằng thủ pháp như Montage trong điện ảnh, Mai Linh viết về cảnh anh lính xưa giờ làm xe ôm nơi phố thị:“Người bạn về quê vẫy chào vội vã/ tháo biển xe ôm sau cuốc cuối cùng/ nhặt cành đào ế quẳng bên hè/ vơ vội chút quà và dăm thứ đồ rởm/ đền cho mồ hôi và nỗi trông chờ của vợ con suốt năm/ đền cho tóc khói sương/ khói chiến trường và sương xe ôm…”. Cái buổi chiều ảm đạm ấy cứ ám ảnh khi người ta phải “đốt hàng mã sợ người âm chết rét” rồi… “co ro/ khép nép ôm đồ chờ xe buýt/ cái quan tài bay xộc xệch chỗ ngồi/ lừ lừ chuyến cuối…”, nhưng rồi chống chân mãi cũng phải trôi về hoàng hôn, dù cố níu giữ: “nhớ gì gì không rõ/ thu lu/ se sẽ khói/ bất động/ chỉ sợ bốc hơi…”. Sở dĩ tôi trích khá dài, vì cho rằng đây là một trong những bài thơ chỉ ra cá tính sáng tạo của Mai Linh, ở đó tôi thấy sự day dứt cuối năm, về sự kết thúc của một ngày, một năm hay là cả đời người: “Ba mươi, con dốc bạc phơ/ Tôi leo lên đấy làm thơ một mình…/ Ba mươi sao phố còn đông/ Ai còn ngồi đấy chỗ không có người” (Tết ba mươi). Về quê thăm đi, về để mà mời nhau “rau diếp ăn đi, rau chấm mắm cáy/ ăn đi, không tủi làng quê”, nhưng quê hương sau bao năm chiến tranh không chỉ có mộ người thân chết già, chết bệnh mà “quê tao có ga Nghĩa Trang, có nhiều liệt sĩ/ chết trận rồi vẫn sống với làng quê” (Quê cho Vương Đức). Nỗi nhớ quê cứ tăng dần theo thời gian của con người dù nay phải sống, với nói thật cũng chỉ sống được ở phố phường dù “thành phố chật chội, ồn ào không đủ một cái hôn”.

 

 

Nhớ đến Mai Linh, tôi lại nghĩ đến bài thơ của nhà thơ Pháp - Charles Dobzynski: “Tôi chỉ là một lái buôn Thời gian/ Qua tâm hồn này đến tâm hồn khác/ Tôi lén lút vội vàng bán mộng/ Với trái tim trên bàn tay, với bàn tay trên trái tim/…/ Tôi chỉ là một lái buôn trải qua ngày tháng/ Rao bán lãng quên, rao bán tình yêu/…/ Tôi chẳng có gì trao tặng, trừ khúc hòa âm/ Và những tiếng thốt ra dù tôi chẳng muốn, những nhịp điệu sôi nổi chắt bùng/ Tôi chỉ là kẻ bán chiếc đe để rèn tiếng nói/…/ Tôi ra đi trong gió, tôi ra đi trên các nẻo đường/ Tôi chỉ là một lái buôn, chẳng ai nghe tôi hết/ Vì tôi chỉ bán lời ca/ Vì tôi bán tất cả Ngày mai trong một đóa hoa…” (Đoàn Thêm dịch). Tôi nghĩ, “lái buôn Thời gian” chính là số phận và trách nhiệm của nhà thơ, những nhà thơ thật sự. Và tôi nghĩ Mai Linh xứng đáng được như thế. Hình như ở nước ta còn hơi ít nhà thơ viết về cái chết. Mai Linh có lẽ là một nhà thơ đương đại đã viết nhiều, nghĩ nhiều về cái chủ đề lớn ấy, dù anh không bệnh tật nan y từ lúc trẻ như Hàn Mặc Tử. Ngay cả khi nói về hạnh phúc, anh viết: “Anh nghĩ dại lúc mình xanh cỏ/ tấm lưng còng thành đống đất mấp mô/…/ ta hãy thương lấy nhau như thể/ cỏ trên mồ vẫn cỏ lúc ta yêu” (Hạnh phúc).

Anh đã nghĩ đến ngày ra đi của một nhà thơ, của chính mình với những ám ảnh đầy biểu tượng và cũng đầy mộng mị ám ảnh thật bất ngờ: “Lần cuối anh làm thơ là sau anh chết/ người tiễn đưa không chấm xuống hàng/ xót thương không niêm luật/ các thi sĩ nghi ngún một bài thơ dài/ họ phức hợp đủ mọi trường phái/ nhưng ưu tiên cho cái chết đi đầu/ giờ đây anh đứng đầu nỗi buồn và tiên phong cỏ/…/ lần cuối anh làm thơ là sau khi anh chết/ xương thịt dinh dưỡng những bông bần ly đẹp/ bài thơ hoa mở giữa trời xanh/ nhuận bút trả cánh đồng hoang dại” (Tiễn đưa).

Thơ Mai Linh sáng tạo. Anh viết lục bát hay, và có thể xếp được một số bài vào hàng ngũ “kinh điển”, hoàn toàn xứng đáng được đưa vào tuyển tập thơ lục bát Việt Nam. 

Nhưng được chọn, tôi lại thích những bài thơ viết tự do phóng túng, hào hoa, có phần kiêu bạc nhưng đầy hoang mang của anh. Bài “Tiễn đưa” là một trong những bài hay như thế: “Lần cuối anh làm thơ là sau khi anh chết/ nước mắt khô đi dành cho người khác/ vành khăn sẽ trao khắp lượt các mối tình/ các nhà thơ dần dần ngã xuống/ họ sẽ trừ mình đi qua những trang cáo phó/ trang trọng mỉm cười trong những viền đen/ đó là phát súng bắn vào người ngưỡng mộ/ trọng thương êm đềm trí nhớ/ câu thơ hay…”.

Chỉ tiếc, trong những tháng ngày cuối cùng của đời mình, khi biết bị ung thư, dù vẫn làm thơ về cái chết, anh không còn viết được nhiều.

Dù ở phòng xạ trị với mọi thứ trắng (ga trắng, nệm trắng, tường trắng, ô cửa sáng), con người lạc quan, bình tĩnh ấy “vẫn thấy bình minh hằng ngày”, và trí tuệ và tâm hồn - nếu như một cuốn băng hình, một hard disk drive, hay các usb lớn chẳng hạn - chưa bị xóa trắng, thì anh vẫn thấy con đường về với “riêng mẹ thì gần”. Anh nói với người thân, nhắc với chúng ta rằng, được sống là như thế nào, phải như thế nào để khỏi phải quá tiếc nuối, đớn đau: “Em khô khát mối tình thất lạc/ suốt thanh xuân chăn gối cầm tù/ Mỗi thi thể mang một niềm đau lạ/ đau không biết kêu ai, đau không thể phục thù… (Không đề 18). Theo thiển ý của tôi, những bài thơ về cái chết là đóng góp lớn nhất của Mai Linh cho nền thi ca đương đại Việt Nam.

Mai Linh là người đa tài, anh viết tạp văn, là tay viết khá hay về thổ ngơi, phong tục và ẩm thực, tuổi ngoài 50, anh còn vẽ, nhưng dĩ nhiên thơ mới Là, mới làm nên sự nghiệp của Mai Linh. Niềm mong mỏi của thi sĩ Pháp - Anna de Noailles, chắc chắn cũng là của Mai Linh…“Tôi viết ra để ngày nào không còn tôi nữa/ Người ta sẽ hiểu tôi đã từng ham vui sống biết bao/…/ Tôi đã kể ra những gì trông thấy, những gì cảm thấy/…/ Nhờ tình yêu thúc giục, tôi đã hăng hái nhiệt thành như vậy/ Để sau khi tôi qua đời, đôi khi còn được yêu thương/…”. (Đoàn Thêm dịch).

Tôi nghĩ Mai Linh xứng đáng để được nhớ, để được yêu thương.


ĐỖ QUANG HẠNH
TIN LIÊN QUAN

Gia tăng hoạt động giết mổ heo lậu vào dịp Tết

Nhóm PV |

TPHCM - Mặc dù đã được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng giết mổ heo lậu, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng các điểm giết mổ lậu trên địa bàn phường 12, Quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn tái vi phạm, hoạt động giết mổ heo lậu càng nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết.

Trà Cổ: Làng biển hơn 500 năm tuổi nơi địa đầu tổ quốc

Đoàn Hưng |

Quảng Ninh - Nằm ở mũi Sa Vĩ, làng biển Trà Cổ, TP. Móng Cái  tính đến nay đã hơn 500 năm tuổi. Kể từ khi về đây lập làng, người dân nơi đây đời nối tiếp đời đã viết lên câu chuyện của chính mình với những trầm tích văn hóa đặc sắc.

Chủ tịch Hà Nội kiểm tra trận địa pháo hoa khu vực hồ Hoàn Kiếm

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đến kiểm tra công tác ứng trực lực lượng làm nhiệm vụ tại trận địa pháo hoa phục vụ nhân dân đêm Giao thừa tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Một ngày dạo vòng quanh TPHCM - thành phố không ngủ

Chí Long |

Được mệnh danh là "thành phố không ngủ" của Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh ẩn chứa vô vàn điều bất ngờ, thú vị chờ du khách khám phá.

Trận địa pháo hoa sẵn sàng cho đêm giao thừa

NHÓM PV |

11 giờ sáng ngày 30 tháng Chạp, mọi công tác chuẩn bị tại điểm bắn pháo hoa số 5 (Đảo Dừa công viên Thống Nhất, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dần hoàn thiện đến những khâu cuối cùng. Với sự tham gia của 200 người thuộc 17 lực lượng, trận địa pháo tại điểm công viên Thống Nhất  đã sẵn sàng phục vụ người dân ngắm pháo hoa vào giao thừa.

Mỹ Tâm, Trịnh Kim Chi và sao Việt quây quần bên nồi bánh chưng ngày 30 Tết

DI PY |

Ngày 30 Tết, các nghệ sĩ như NSƯT Trịnh Kim Chi, ca sĩ Mỹ Tâm, hoa hậu Hà Kiều Anh... dành thời gian bên gia đình, gói bánh chưng, bánh tét.

Người lao động xa quê: Nỗi nhớ được gói kín lại vì một tương lai tốt hơn

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Nhiều năm xa quê hương vào Nam lập nghiệp, sinh sống, đã dần quen với những cái Tết xa quê hương, thiếu đi những giờ phút quây quần sum họp ngày Tết, những người lao động xa quê luôn mang trong mình niềm khắc khoải nhớ nhà.

Tây Ninh sẽ xin xây dựng cảng hàng không và cơ chế đặc thù để phát triển

Huân Cao - Duy Tú |

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh được xem là tỉnh đi sau trong thu hút đầu tư so với TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... Trong năm mới 2023 và những năm tiếp theo, Tây Ninh hứa hẹn sẽ có những đột phá mới trong thu hút đầu tư để "hòa nhịp" cùng với các tỉnh. Nhân dịp năm mới 2023, PV Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh xoay quanh vấn đề này.