Người bố nuôi của những đứa trẻ miền biên cương Hà Giang

Việt Dũng |

Bố mất, mẹ mất, thậm chí có những đứa trẻ không còn cả bố lẫn mẹ, song chúng được bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) nhận nuôi nấng, chăm sóc với tình cảm yêu thương, trong đó có thượng uý Lò Ngọc Quý.

Thượng uý bộ đội - cha của những đứa trẻ côi cút

Có dịp lên công tác tại Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) ở địa đầu Tổ quốc, cách trung tâm gần 280km, tôi mới thấy được sự vất vả, song đầy tình yêu thương nơi này.

Vừa tới cổng đồn, ngay đầu chân dốc, là căn nhà mang tên “Nhà ở con nuôi Đồn biên phòng Sơn Vĩ”. Trong căn nhà vọng ra những tiếng đọc sách giữa trưa ngày mùa đông cuối tháng 11.

Bé trai đọc những câu văn từ quyển sách lớp 7, giọng còn ngọng nghịu. Mỗi lần chưa đọc đúng, cậu bé lại được thượng uý Lò Ngọc Quý - Đội trưởng vận động quần chúng - nắn, sửa. Cậu bé “vâng dạ” rồi cố gắng đọc đúng chính tả, ngắt, nghỉ theo lời bố Quý.

Khi thấy người lạ, cậu bé vẫn chăm chú đọc, còn bố Quý dặn con tiếp tục hoàn thành những trang văn, rồi đứng dậy chào khách. Qua giới thiệu của thượng uý Quý, được biết, cậu bé là Hạng Mí Lử (12 tuổi, ở xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc), Đồn Biên phòng Sơn Vĩ nhận làm con nuôi cùng với 5 cháu khác.

Kể về Lử, thượng uý Quý cho hay, cậu bé có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều không còn, phải ở với ông bà từ bé. Không chỉ Lử, những đứa trẻ khác được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ nhận nuôi cũng đều có hoàn cảnh “đặc biệt”, hoặc bố mất mẹ bỏ đi lấy chồng, hoặc mẹ mất bố lấy vợ khác. Sau đó, chúng sống với ông bà nội, ngoại.

Thượng uý Quý cho biết, việc nhận con nuôi được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động từ một vài năm nay, cùng với phong trào “Nâng bước em tới trường”. Mỗi Đồn Biên phòng sẽ nhận từ 1 đến 2 cháu làm con nuôi.

Ở Hà Giang, riêng Đồn Biên phòng Sơn Vĩ nhận đến 6 cháu vì qua khảo sát thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, ở xa trung tâm xã. Sau khi nhận 6 cháu, trong đó có 4 nam, 2 nữ, lãnh đạo đồn đã giao nhiệm vụ chăm sóc các bé cho thượng uý Quý.

Nhận nhiệm vụ, thượng uý Quý bảo ban đầu gặp không ít khó khăn. Mỗi đứa trẻ một tính cách, chúng khá rụt rè, nhút nhát và không gần gũi với bố Quý và các bố tại Đồn Biên phòng Sơn Vĩ. Những tiếng bố được chúng gọi cũng rất hiếm hoi vào thời gian đầu chúng về ở với các bố bộ đội.

“Tôi chỉ mất một thời gian ngắn, rồi dần dần nắm bắt được tính cách từng đứa” - thượng uý Quý nói. Vốn xuất thân cũng là người dân tộc H’Mông nên ngôn ngữ là một lợi thế cho thượng uý gần gũi, gây thiện cảm với đám trẻ nhút nhát. Anh bảo, có hai con nhỏ phần nào cũng hiểu được tâm lý của trẻ, cùng với sự giúp đỡ của người vợ trẻ nên chỉ mất thời gian ngắn, 6 con nuôi này đều lần lượt gọi “bố Quý”.

Bữa cơm trưa của bố Quý với các con tại Đồn Biên phòng Sơn Vĩ. Ảnh: V.Dũng
Bữa cơm trưa của bố Quý với các con tại Đồn Biên phòng Sơn Vĩ. Ảnh: V.Dũng

Gian nan uốn nắn những đứa con nuôi

Thượng uý Lò Ngọc Quý cho hay, nhận trọng trách và cùng với chỉ huy Đồn Biên phòng Sơn Vĩ uốn nắn những đứa trẻ này là cả một quá trình gian nan. Các con tầm tuổi 12-13 rồi nên đã có những suy nghĩ riêng dù còn non nớt vì ít va chạm. Song để đưa chúng vào khuôn khổ, theo nhịp sống của bộ đội, anh gặp ít nhiều những khó khăn.

Thời gian đầu khi về ở với bố Quý và các bố tại đồn, nhận thức của chúng có những hạn chế. Chúng chưa có những chấp hành về giờ giấc ăn, ngủ theo bộ đội. Bởi khi còn ở nhà, chúng đi chăn bò, lội suối, hái rau rừng, ăn uống rồi thích thì ngủ bất kể giờ giấc nào. Ở đồn biên phòng, ăn, ngủ, nghỉ đều theo kẻng báo.

“Ban đầu, đám trẻ không phân biệt được kẻng ăn, ngủ, hay thức giấc” - thượng uý Quý chia sẻ. Nhưng chỉ thời gian ngắn, với sự bảo ban của bố Quý, đám trẻ đã phân biệt được để ngủ, dậy đúng giờ giấc. “Ngay cả việc vệ sinh cũng chưa đi vào khuôn khổ” - thượng uý Quý cho hay. Song đến giờ, đám trẻ đã làm tốt những thứ tưởng chừng như đơn giản đó.

Theo lời thượng uý Quý, lúc đầu về, có những đứa không hề hé môi lấy một tiếng. Khi chúng mở miệng cũng chỉ nói tiếng dân tộc mà không nói tiếng phổ thông. Điều này cũng khiến thượng uý Quý đau đầu. Anh luôn phải nhắc nhở các con thường xuyên nói tiếng phổ thông (tiếng Việt) để tạo mối quan hệ gần gũi với bố Quý và các bố tại Đồn biên phòng.

Thượng uý Quý tâm sự rằng, các con đều có hoàn cảnh bố, mẹ không còn nên anh hiểu được vì sao chúng có tâm lý rụt rè. Nắm được tâm lý đó, để tháo gỡ tấm rào cản giữa bố - con, điều duy nhất anh làm là gần gũi, chia sẻ và tạo sự tin cậy với chúng.

Với tình cảm thương yêu chúng như con đẻ của mình, thượng uý Quý bảo ban chúng từng chi tiết nhỏ trong mỗi tình huống ứng xử. Hàng ngày, sau tiếng kẻng thức giấc, anh kéo chúng ra tập thể dục với các bố trong đơn vị. Sau đó, các bố cùng con cầm chổi quét dọn vệ sinh trước khi ăn sáng, đến trường.

Vừa qua, mỗi con được đơn vị hảo tâm tặng xe đạp để đến trường. Chưa biết đi xe đạp, song đứa nào cũng háo hức. Thế là các bố, thay nhau, cầm tay, giữ xe để đám trẻ học. Khoảng sân rộng trước hội trường của đơn vị được trưng dụng để các bố dạy cho các con mỗi buổi chiều chúng đi học về. Đến giờ, chỉ còn duy nhất bé gái Thò Thị Di (12 tuổi) là chưa biết đi vì nhút nhát.

Bên cạnh đó, những ngày nghỉ, thời gian nghỉ, thượng uý Quý hoặc các bố khác đưa đám trẻ tới khu tăng gia sản xuất, dạy dỗ chúng trồng rau, chăm con lợn, con gà. Để khuyến khích tinh thần lao động và dạy chúng hiểu được công sức lao động bỏ ra dù là nhỏ, đều có thành quả, chỉ huy Đồn thu mua mỗi kg rau thu hoạch là 15.000 đồng. Số tiền này được các bố giữ để mua sắm một số đồ dùng học tập, sinh hoạt hàng ngày.

Nguồn ngân sách chính và chủ yếu để nuôi các con được trích từ một phần tiền lương mỗi tháng của các bố. Ngoài ra đơn vị cũng nhận được hỗ trợ từ Hội doanh nhân tỉnh Vĩnh Phúc - đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu của Đồn. Mỗi tháng các con được hỗ trợ 500.000 đồng, cùng với một phần nhỏ lương của các bố, cũng đủ ăn uống, mua sắm quần áo, giày dép.

Song không phải lúc nào những cái đầu bướng bỉnh vì đang tuổi lớn đó cũng nghe theo lời bố Quý. Anh còn nhớ trường hợp của Lử, cậu bé có gương mặt khôi ngô, từng khiến anh phải đau đầu. Hôm đó, không thấy Lử về đơn vị, anh hỏi cô giáo mới biết cậu bé đùa nghịch với các bạn trong lớp. Cô giáo có nhắc nhở Lử, rồi cậu tự ái, đi bộ 9 km bỏ về nhà.

Ngay buổi trưa đó, thượng uý Quý vào tận nơi, song bà của bé bảo cháu đã đi chăn bò. Anh phải cùng với ông bà của Lử vận động đến chiều thì cậu bé mới theo bố Quý về đơn vị. Sau đó, cậu bé hứa với bố Quý sẽ không tái phạm vì tự ái mà bỏ đi không nói với người lớn. Đến nay, cậu bé Lử này là đứa trẻ ngoan, luôn nghe lời bố Quý và những bố khác trong đơn vị.

Trong câu chuyện chia sẻ, nhắc đến hai bé gái được nhận nuôi, thượng uý Quý tâm sự thật rằng, cũng có những khó khăn. Chúng là các bé gái nên nắm tâm lý, hiểu được diễn biến tâm lý chúng, anh phải nhờ đến các cô giáo của trường phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở xã Sơn Vĩ - nơi các con theo học.

Khá may mắn, các cô ở đây luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ, gần gũi, hỏi han và tư vấn cho thượng uý Quý. Vợ anh cũng là giáo viên mầm non, dù ở xa nhưng cũng có những góp ý đắc lực cho chồng trong việc chăm sóc các bé gái này.

“Ngoài kinh nghiệm của bản thân, qua học tập sách vở, còn có những trao đổi với các thày cô giáo nên việc dạy dỗ các con cũng bớt khó khăn phần nào”, thượng uý Quý cho biết.

Đám trẻ được các bố dạy trồng rau. Ảnh: V.Dũng
Đám trẻ được các bố dạy trồng rau. Ảnh: V.Dũng

Cho hay có những vất vả trong việc nuôi dạy các con, song thượng uý Quý cũng nói nhiều lúc thấy rất vui khi thấy đám trẻ chạy nhảy quanh mình. Vì vậy, việc chăm sóc các con, song hành với công việc chính của đơn vị, anh luôn phải sắp xếp chu toàn. Anh bảo thấy hạnh phúc khi có người vợ hiểu chồng, hiểu công việc, trách nhiệm của anh nên chia sẻ và không khi nào phàn nàn.

Với hậu phương vững chắc đó, anh toàn tâm, toàn ý vừa chăm sóc 6 đứa con, vừa hoàn thành công việc tại đơn vị. Bởi anh tâm niệm, trước tình cảm của các bố, đám trẻ sẽ nhận biết được để sau này chúng tự phấn đấu có một tương lai tốt hơn. Thực tế khi hỏi mong ước sau này, các bé trai đều muốn trở thành bộ đội như bố Quý và các bố trong Đồn Biên phòng Sơn Vĩ.

Sau này, những chú chim non sẽ đủ lông, đủ cánh, bay ra bầu trời rộng lớn. Mong rằng, các em sẽ có những sẻ chia, góp sức cho nước nhà.

Trong Lễ vinh danh hôm 18.11 vừa qua, thượng uý Lê Ngọc Quý được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng Giấy chứng nhận Nhà giáo tiêu biểu trong công tác giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2020.

Việt Dũng
TIN LIÊN QUAN

Ba cùng với các chiến sĩ biên phòng

Việt Dũng |

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ không hề nghỉ phép, cắm chốt tại các vùng giáp biên. Cùng lính biên phòng ăn ngủ nơi chốt chặn vùng biên, chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả, sự kiên cường của những người chiến sĩ giữ trọng trách phòng chống dịch nơi biên ải.

Bộ đội Biên phòng Hà Giang trao bò cho dân nghèo vùng biên

Việt Dũng |

Từ 16 con bò giống ban đầu được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) trao cho các hộ dân nghèo, đến nay đã nhân lên thành 76 con.

Bộ đội biên phòng ứng cứu các hộ dân bị sạt lở tại Hà Giang

Vương Trần |

Mưa lớn đã làm sạt lở đất đá nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại trên địa bàn xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang).

Bóng đá nam SEA Games 32: Cơ hội và thách thức cho U22 Việt Nam

AN NGUYÊN |

Quy định không sử dụng cầu thủ quá tuổi ở môn bóng đá nam tại SEA Games 32 vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho U22 Việt Nam.

Số phận của hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga - Mỹ

Khánh Minh |

Nga tuyên bố đình chỉ New START - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ nhằm ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân.

Bất bình chó thả rông công viên, không rọ mõm, không ai xử phạt

MINH HÀ - HÀ CHI |

Theo ghi nhận tại một số địa điểm công cộng ở Hà Nội như công viên Thống Nhất, bãi đất trống khu vực Hồ Tây mặc dù đã có biển cảnh báo cấm chó thả rông tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra khiến người dân không khỏi bất an, lo lắng.

Xét xử cựu thiếu tá công an làm giả quyết định khởi tố

Anh Tú |

TPHCM - Sáng 22.2, TAND TPHCM  đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Tuấn Thanh - cựu thiếu tá, điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM về tội 'giả mạo trong công tác'.

Một nghìn lẻ một tranh chấp phổ biến trong quản lý chung cư

ĐỨC MẠNH |

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thống kê hiện có 129/845 tòa nhà, cụm tòa chung cư tại Hà Nội có tranh chấp, khiếu kiện trong khi con số trên tại TPHCM là 105/935.

Ba cùng với các chiến sĩ biên phòng

Việt Dũng |

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ không hề nghỉ phép, cắm chốt tại các vùng giáp biên. Cùng lính biên phòng ăn ngủ nơi chốt chặn vùng biên, chúng tôi càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả, sự kiên cường của những người chiến sĩ giữ trọng trách phòng chống dịch nơi biên ải.

Bộ đội Biên phòng Hà Giang trao bò cho dân nghèo vùng biên

Việt Dũng |

Từ 16 con bò giống ban đầu được Đồn Biên phòng Sơn Vĩ (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) trao cho các hộ dân nghèo, đến nay đã nhân lên thành 76 con.

Bộ đội biên phòng ứng cứu các hộ dân bị sạt lở tại Hà Giang

Vương Trần |

Mưa lớn đã làm sạt lở đất đá nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại trên địa bàn xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ (Hà Giang).