Ngược xuôi tìm lối thoát cho tranh Đông Hồ

GS Bùi Quang Thanh |

Đã trải mấy tháng gắn bó với làng tranh dân gian Đông Hồ, khảo sát tư liệu phục vụ nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ trình UNESCO xét duyệt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, trong tôi cứ dần in sâu ấn tượng về một trong những người con của làng nghề độc đáo này. Ấy là nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa, một tấm gương bươn trải thầm lặng trên bước đường bảo vệ di sản quê hương.

1. Nguyễn Hữu Hoa vốn là người con của làng Đông Hồ, lại là con trai thứ của nghệ nhân làm tranh khắc gỗ dân gian Nguyễn Hữu Sam danh tiếng, được trui rèn đến thông thạo nghề và rất năng động trên bước đường khai thông đưa tranh dân gian Đông Hồ đến với nhiều miền quê, từ rừng núi Bắc Giang, Lạng Sơn tới các tỉnh thuộc châu thổ Bắc Bộ!

Kéo tôi ngồi vào ghế song mây đặt dưới hiên nhà, hướng ra khoảnh sân thoáng rộng, Hoa hồ hởi: Đây vốn là cơ ngơi của ông bà em. Mấy gian nhà cổ tuổi đời hơn trăm năm ở giữa này là nhà các cụ để lại, bây giờ vợ chồng em quyết chí lưu giữ, vừa làm khu thờ phụng gian giữa, vừa treo các bức tranh dân gian Đông Hồ cổ xưa và các kỷ vật gắn với quá khứ của gia đình. Còn hai dãy nhà mới kề nối hai đầu là cơ ngơi mới dựng ngót chục năm nay dùng làm xưởng sản xuất tranh, treo tranh để đón du khách. Bố em đã hơn một lần căn dặn: Làm gì thì làm, vẫn phải giữ cái hồn cốt của một làng quê mang danh làm nghề tranh dân gian Đông Hồ tiếng tăm chứ! Em là con thứ, nhưng bác cả Nguyễn Hữu Lộc sinh năm 1952 đã hy sinh trong chiến tranh năm 1973 mất rồi. Thế là vợ chồng em được “đôn” lên giữ vai con trưởng, được các cụ “chia “ cho gia tài chính gốc này... Hoa quay vào nhà, thoắt cái đã mang ra vò sành nhỏ chứa rượu quê ngâm với rễ cây đinh lăng chừng đã ủ ngót chục năm nay, chỉ dành để đón khách quý. Cạch chén và cạn hơi, Hoa hào phóng chiên tràn thêm chén nữa: Chà, lâu quá rồi nhỉ ?! Dễ chừng đến ba bốn năm nay mình chưa gặp lại nhau. Em nghỉ rồi, vừa nhận sổ hưu cách đây nửa năm. Nhanh thế đấy, quay đi ngoảnh lại đã tròn một hoa giáp...Tiếng cười rổn rảng của người đã lên vai “ông nội” được dăm năm nay xem chừng vẫn ngân như xưa.

Cạn thêm chén nữa, như được chạm vào nỗi niềm chứa chất bấy lâu của mình, Hoa nổi hứng: Nói thật nhé, không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về bước đường “khấp khểnh” của cái nghề làm tranh nhà mình, rồi của cả làng mình, bao giờ em cũng nhớ đến cụ Lê Hồng Dương, bác ạ! Cụ đấy chính là người có công khởi xướng và khai thông cho nút thắt có nguy cơ bóp nghẹt sức sống của di sản vùng Kinh Bắc, trong đó có dân ca quan họ và nghề làm tranh Đông Hồ thời đó đấy! Chẳng nói các bác cũng đã rõ, vào cái năm 1966-1967 của thế kỷ trước, cụ Lê Hồng Dương đã “lặn lội” ngược xuôi, vượt qua bao rào cản để đi đến ban hành và thực hiện chủ trương phục hồi văn hóa truyền thống cho tỉnh Hà Bắc, cũng chính là vùng Kinh Bắc này. Thế là, đoàn quan họ rục rịch thành lập. Xã Song Hồ bắt tay lập ra hợp tác xã sản xuất tranh. Chính cụ thân sinh ra em là nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam được giao trọng trách làm chủ nhiệm. Và rồi, hàng loạt ban bệ ra đời, từ ban quản lý chung đến bộ phận kế toán, thanh tra, kiểm tra và quan trọng nhất là quy tụ lại được đội ngũ xã viên, trong đó có nhiều nghệ nhân, vốn quen thạo với nghề làm tranh trước đó ở hàng chục gia đình trong làng. Mà vào đấy làm tranh, có ai được nhận về một xu nào đâu! Toàn nhập tranh -  ghi sổ, tính công điểm theo giá trị và số lượng sản phẩm để cuối vụ quy ra thóc cho mỗi gia đình...

Trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa tại nhà riêng.
Trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa tại nhà riêng.

2. Như bắt nhịp được dòng ký ức, Nguyễn Hữu Hoa chẹp thêm vài hớp rượu quê rồi miên man, mặc tôi ngồi lắng nghe, cặm cụi ghi chép!

Em sinh vào giữa năm 1958, tuổi Tuất. Bố em bảo, cái tuổi này lớn lên thế nào cũng luôn nóng tính, bộc trực, việc gì cũng muốn làm lấy được, nhưng được cái ngoại giao khéo léo, dễ được người tin! Còn nhớ, ngay từ thưở bé, những năm còn cắp sách đi học cấp 1 trường làng, đã thấy bố mẹ em suốt ngày cặm cụi say mê vẽ vẽ, đục đục và phết màu, chọn giấy làm tranh. Hàng đống bản khắc để in tranh xếp chật góc nhà, xếp theo từng bộ được bố mẹ em thay nhau lấy ra in thành từng bức tranh đẹp mắt. Ngoài sân, hàng chục dãy sào tre dùng để phới giấy điệp mới quét hồ. Trong nhà, nhiều loại giấy màu, có cả loại giấy thông dụng giống loại bọn em thường lấy cắt ra làm tranh thủ công nộp cho cô giáo. Bố em vẽ giỏi lắm. Cụ cùng với dăm cụ ông khác trong làng như có khiếu và say mê giống nhau nên ngày nào cũng hẹn nhau tụ hội đàm đạo bên ấm tích chè vườn, không khoe về bản mẫu mới sáng tác thì lại bình phẩm về một bộ tranh nào đó. Vào buổi tối, bao giờ bố em cũng bắt mấy anh em quây quần bên tấm phản giữa nhà nghe cụ dạy cho cách vẽ, từ cỏ cây, hoa lá đến các con vật thân quen. Rồi cụ lại đưa ra cho mỗi đứa từng bức tranh mẫu để chuẩn bị đưa khắc in, bắt anh em chép lại. Vào buổi chiều những ngày không bận học trên lớp, bố mẹ lại chờ con học bài xong, hò nhau ra sân xem các cụ đốt, giã các loại nguyên vật liệu để chế tác màu hoặc tập cầm chổi phết hồ lên giấy điệp rồi đem phơi...

Năm 1967, hợp tác xã sản xuất tranh được thành lập, cơ ngơi đóng tại đình làng. Ngày ấy, đình làng đóng cửa các khu thờ tự, cấm chuyện lễ bái để chống mê tín dị đoan. Những gian còn lại dùng cho các xã viên tụ tập làm tranh, nộp cho hợp tác. Mấy anh em nhà em cứ sáng đi học, chiều kéo nhau ra đình học vẽ tranh, tô tranh và vờn tranh hoặc được giao cho tấm gỗ thị để học chạm khắc theo mẫu tranh các cụ đã vẽ, dưới sự kèm cặp của chính bố mẹ mình. Chúng bạn đồng lứa ở các nhà khác cũng tụ tập nơi đây như vậy. Dần dà, cứ vậy, cả bọn choai choai trong làng như bọn em thành ra chẳng mấy chốc đã thạo việc. Bố em công việc thì bù đầu, hết cùng ban chủ nhiệm lo đóng gói xuất tranh đi giao cho nhà nước để gửi sang các nước xã hội chủ nghĩa đã ký kết nhập tranh làng Hồ, lại về nhà thức đến khuya, vẽ mẫu, khắc ván hoặc tranh thủ dạy kèm các con qua các công đoạn làm tranh. Việc làm thì quần quật ngày đêm mà kinh tế gia đình vẫn ngày một khó khăn... Cô vợ em đây vốn cùng người làng, cũng là con gái của nhà làm tranh, có mẹ là xã viên hợp tác xã sản xuất tranh ngoài đình. Vì thế, cũng như bọn em, cô ấy hàng ngày vẫn theo mẹ ra đình học làm tranh và phụ việc cho mẹ. Nhờ có được cái năng khiếu vẽ vời thiên bẩm, vì thế, trong những năm hợp tác xã sản xuất tranh hoạt động, cô ấy thường ra đình, lân la xem các cụ vẽ tranh và làm tranh để học, thành ra biết nghề rất nhanh. Từ đây, bọn em quen thân nhau rồi sau vài năm đã đi thoát ly công tác, ngày nghỉ cuối tuần nào cũng tranh thủ tìm nhau trò chuyện và yêu nhau lúc nào chẳng rõ. Thế là, được đôi bên gia đình “vun” vào, năm 1980, bọn em nên vợ nên chồng. Hai năm sau sinh ra cháu trai Nguyễn Hữu Tảo, hiện cùng với mẹ trở thành trụ cột làm tranh của nhà mấy năm nay rồi...

Vài chục năm thoát ly đi công tác ăn cơm nhà nước, nói thì ngắn gọn như vậy, nhưng là cả quãng đường gian nan, vất vả của em trong quá trình kết hợp làm tròn bổn phận cán bộ nhà nước với công việc làm tranh nối nghiệp của gia đình. Nói ra có thể nhiều người không tin, chưa từng có được thứ bảy, chủ nhật nghỉ ngơi đúng nghĩa của nó bao giờ. Ấy, cái trình độ ngược xuôi rong ruổi với hàng nghìn bức tranh của em ngang với trình độ... nghệ nhân bắt đầu từ những chặng đường này đấy, anh ạ!

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa (trái) và tác giả.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa (trái) và tác giả.

3. Thay ấm trà mới, Nguyễn Hữu Hoa xoa tay, ngả người vào thành ghế cất tiếng cười vang. Nói anh đừng cười - Hoa chợt trầm giọng: Chuyện rong ruổi đạp xe cọc cạch qua hàng nghìn cây số cùng hàng vạn bức tranh dân gian Đông Hồ của em thì vui lắm. Biết bao kỷ niệm vui, buồn và cũng nhờ đó mà chiêm nghiệm được cái sức sống của di sản quê hương trên những chặng đường đời này. Thú vị thật!!! Cuối những năm 80, việc xuất tranh ra nước ngoài giảm rõ rật, hợp tác ra chủ trương động viên các gia đình cử nhân lực đi tiêu thụ tranh cho hợp tác xã. Thế là, lại rong ruổi ngày nghỉ cuối tuần xếp đầy mấy kiện tranh, mang theo giấy giới thiệu, lên xe đạp tìm về các huyện lỵ nhiều tỉnh thành, nơi có các hiệu sách nhân dân để ký gửi. Cứ theo chu kỳ một vòng qua vài chục huyện, lại vòng lại để xem số lượng tranh đã tiêu thụ mà thu tiền.

Năm 1990, hợp tác xã làm tranh giải thể, các gia đình trở về theo chính sách “tự cung, tự tiêu”, tùy theo năng lực mà sản xuất và kiếm kế thu nhập chi gia đình mình. Cũng do hoàn cảnh tranh ngày một ế ẩm, trong khi phong trào thực hành tín ngưỡng tâm linh dần khôi phục và thu hút số lượng vàng mã mỗi ngày một lớn, hàng chục gia đình gác lại việc làm tranh, quay ra sản xuất đồ vàng mã. Dần dà, cả làng chỉ còn đôi ba gia đình gắn bó với nghề truyền thống của tổ tiên. Bố em cùng với cụ Nguyễn Đăng Chế gần như là cặp tiên phong thầm nguyện thề sống chết với nghề tranh này. Các cụ lặng lẽ đi khắp làng thu mua ván khắc. Lại khuyên răn con cháu ráng cùng nhau in tranh và tìm cách bán ra thị trường, quyết chí giữ nghề trong làng cho con cháu!

Nghĩ đến thời khắc đó, lại càng thấy thương bố mẹ, thương vợ và gia đình mình, chẳng khác nào rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”! Cứ cuối mỗi tuần, đạp xe về nhà, nhìn đống tranh ngày một chất cao góc nhà mà ngao ngán. Thế là, trải qua hàng chục năm, cứ vào thứ bảy, chủ nhật hay các ngày lễ được cơ quan cho nghỉ, em lại “trên từng cây số”.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, không hiểu sao với cái xe đạp cọc cạch mà mình lại vượt qua được dễ đến hàng nghìn cây số đi bán tranh tứ xứ như vậy. Vòng qua không biết bao nhiêu chợ, bao nhiêu huyện của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây cũ, rồi lại ngược lên các huyện Hữu Lũng, Tràng Định của Lạng Sơn, tạt ngang sang Cao Bằng, rồi lần về Tân Yên, Yên Thế của Bắc Giang,... Chao ôi, nhiều nơi lắm!

Không biết đã có bao góc chợ của các vùng miền “in” bóng chàng trai mang danh cán bộ nhà nước Hữu Hoa giờ lại “đóng vai” dân chạy chợ, say mê đứng bán thập cẩm, nào là tranh lợn gà, đánh ghen, đám cưới chuột, tranh cá chép, tranh vinh quy, từ bình, tố nữ đến câu đối, lọ hoa... Giữa cái không khí làng quê rục rịch chuẩn bị đón Tết ngày tháng chạp nơi chợ quê, hàng chục bức tranh Đông Hồ treo trên hàng rào ven một góc chợ, vây quanh chiếc xe cà tàng trên đặt hộp các tông chất đầy tranh và câu đối kèm theo giọng nói giới thiệu ngân vang của người bán mà tìm cách thu hút khách...

4. Rồi Hoa lại cười rổn rảng: Bán tranh vui lắm anh ạ! Mà nó có đặc trưng riêng của thứ hàng hóa quen thuộc nhưng độc đáo này. Không như chuyện bán mua của các thứ hàng hóa khác, bán tranh cũng có nghệ thuật riêng của nó đấy. Đâu phải cứ “chiềng” tranh ra là người ta đến mua cho! Cuộc đời long đong bán tranh dần cho em trải nghiệm, rồi đúc kết thành kinh nghiệm. Ấy là, cần phải tạo ra không khí mua bán náo nhiệt của đám đông. Người Việt mình làm gì cũng cứ theo tâm lý đám đông mà xúm vào. Nhưng cái quan trọng là phải biết cách ăn nói, hiểu biết nội dung từng loại tranh, giới thiệu được cái hay, cái giá trị và ý nghĩa của bức tranh cũng như nhìn mặt từng dạng người mua mà chọn tranh giới thiệu cho họ.

Em là con nhà làm tranh và được bố dạy cho mọi điều nên may thay, mình biết cách thu phục lòng khách. Vậy là, chả hôm nào em phải “ôm” tranh ế ra về. Vợ em đã trở thành một nghệ nhân thực thụ, sáng tạo được nhiều mẫu tranh và làm tranh thuần thục, đưa sản phẩm dự thi nhiều hội chợ được giải cao thường xuyên, được nhận danh hiệu “Bàn tay vàng” và nhiều phần thưởng cao quý khác. Riêng em, phần vì công tác, bận việc cơ quan suốt tuần, chỉ dành ngày nghỉ cho gia đình nên gần như đặc trách nhiệm vụ... bán tranh, tìm đầu ra và lối thoát cho kho tranh của gia đình.

Cũng từ đây, công việc tìm đầu ra và bán tranh của em đã được nâng tầm cao mới. Do công tác ở cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, em có điều kiện mở rộng quan hệ với đồng nghiệp và chính quyền nhiều vùng, miền. Từ đây, em đã tiến tới tìm kiếm và thu nạp những hợp đồng của từng tỉnh thành, ký kết và vận chuyển tranh theo hướng chuyên nghiệp cho các công ty, các trung tâm văn hóa có pháp lý và những đại lý lớn ở các vùng đất mình am hiểu và quen biết. Sau đó, chỉ việc lựa chọn tranh theo hợp đồng, thuê xe ôtô vận chuyển theo địa chỉ đối tác.

Cũng từ đây, em cùng gia đình quan tâm đầu tư quảng bá và tìm đầu ra cho tranh Đông Hồ với các nước trên thế giới. Năm 2015, gia đình đã trao tặng 26 tranh dân gian Đông Hồ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tạo điều kiện quảng bá di sản. Tháng 5.2015, gia đình em lại trao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch 20 bức tranh khổ lớn chuyển sang Liên bang Nga để tham dự Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga. Tháng 5.2018, gia đình em đã thông qua phương tiện khoa học công nghệ hiện đại, liên hệ và gửi 169 bức tranh tham gia triển lãm quốc tế mang chủ đề “Sắc màu tranh dân gian Đông Hồ” tổ chức tại Thủ đô của Mỹ; và toàn bộ số tranh đã được du khách mua hết. Tháng 6.2019, trao cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh 15 bức tranh mành khổ lớn mang đi quảng bá tại một số nước Châu Âu.

Ngoài ra, cùng với người em trai Nguyễn Hữu Quả, gia đình em đã trực tiếp đưa tranh tham dự hầu hết các hội chợ Xuân lớn ở các đô thị và khu vực trong nước, tạo điều kiện quảng bá và giới thiệu sản phẩm, bán sản phẩm, mang lại thu nhập ngày một tăng cho kinh tế gia đình. Hàng năm, vào tháng cận Tết Nguyên đán, gia đình thường xuyên bố trí nhân lực và thuê địa điểm tại khu vực Văn Miếu - Quốc tử Giám, Hà Nội, để trưng bày quảng bá, kinh doanh tranh Đông Hồ...

Cuộc trò chuyện với Nguyễn Hữu hoa đã vào chặng cuối, cũng là lúc người mang danh nghệ nhân yêu quý của Hoa mời vào dự bữa cơm “dưa muối”... Phân trần đôi chút cùng nghệ nhân chủ lực Nguyễn Thị Oanh, người được giao “cầm cương” nối nghiệp nghề tranh cho dòng họ Nguyễn Hữu, rằng, hôm nay ưu tiên để tôi trò chuyện viết về nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa trước khi đến với cuộc trò chuyện cùng người bạn đời tài hoa của anh, mong Oanh thứ lỗi. Nguyễn Thị Oanh nhìn chúng tôi, nở nụ cười thân mật: Có sao đâu anh, viết về chồng em, người bán tranh đường trường mấy chục năm qua đã có công khơi nguồn cho dòng chảy của tranh dân gian Đông Hồ đến với cộng đồng trong, ngoài nước cũng chính là nguồn động viên quý báu cho những hạt nhân hiếm hoi góp công bảo tồn và phát huy giá trị di sản của bố em và làng nghề Đông Hồ của chúng em hiện nay cũng như mai sau đấy chứ!

GS Bùi Quang Thanh
TIN LIÊN QUAN

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.