Ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat: Những cái chết ám ảnh

hà lê |

Thời gian gần đây số bệnh nhân đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) điều trị vì ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat có xu hướng tăng, trung bình từ 2 - 3 ca/ngày, thậm chí có đêm có tới 5 ca vào cấp cứu.

Ác mộng thuốc diệt cỏ paraquat

Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) không khỏi lo lắng: Gần như ngày nào, Trung tâm Chống độc cũng phải cấp cứu điều trị cho bệnh nhân ngộ độc paraquat. Ngay trong tuần qua, Trung tâm Chống độc liên tiếp tiếp nhận những ca ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat.

Ngày 24.7 vừa qua, bệnh nhân P.T.H.Ng (38 tuổi, Hải Dương) được đưa đến Trung tâm Chống độc sau khi uống thuốc diệt cỏ. Theo lời kể của người nhà, do có mâu thuẫn gia đình nên bệnh nhân tự uống một chai thuốc diệt cỏ chọn lọc Butachlor và một chai diệt cỏ cháy paraquat. Người nhà phát hiện và đưa ngay đến bệnh viện huyện cấp cứu, được xử trí rửa dạ dày, than hoạt sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Mặc dù được điều trị tích cực và lọc máu nhưng do uống một lượng lớn chất độc nên tình trạng bệnh nhân rất nặng, sáng 26.7, gia đình đã xin cho bệnh nhân về để lo hậu sự.

Ths.BS Nguyên kể tiếp, cùng thời gian này một trường hợp khác cũng là một bệnh nhân nữ 42 tuổi (ở Hưng Yên). Chỉ vì to tiếng với bố đẻ, chị đã uống một chai thuốc diệt cỏ cháy để kết liễu cuộc đời. Mặc dù được người nhà phát hiện kịp thời, đưa đi cấp cứu, hiện đang được điều trị tích cực và lọc máu nhưng tiên lượng thực sự khó khăn. Đau lòng hơn khi có cả những phụ nữ đang mang thai cũng uống thuốc diệt cỏ tự tử, trường hợp này không chỉ cướp đi tính mạng người mẹ mà còn tước đoạt mạng sống của thai nhi mà bệnh nhân đang mang trong bụng.

Những ca ngộ độc paraquat rất đau lòng. Bệnh nhân tìm đến cái chết bằng paraquat vì những lý do rất đơn giản như mâu thuẫn, buồn chán chuyện gia đình, chuyện bản thân… Hầu hết bệnh nhân bị ngộ độc paraquat đều bắt nguồn từ việc uống loại hóa chất cực độc này để tự tử. Khi chất paraquat vào cơ thể sẽ gây tổn thương nặng nề các cơ quan nội tạng, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng, dẫn tới suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Tệ hơn, với những người bị ngộ độc paraquat cho tới khi hấp hối vẫn rất tỉnh táo nhưng khó thở, vật vã nên vô cùng thương tâm. Trong trường hợp bệnh nhân ngộ độc paraquat may mắn thoát chết thì cũng bị di chứng nặng nề về phổi và các cơ quan nội tạng khác nên ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, khả năng lao động và hòa nhập cuộc sống. Bên cạnh đó, người bị ngộ độc chất diệt cỏ còn phải gánh chịu chi phí điều trị rất lớn, khi phải dùng nhiều loại thuốc thải độc và lọc máu trong thời gian dài.

Ngoài ra, tình trạng ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật cũng được cảnh báo. Không ít trường hợp nhiễm thuốc bảo vệ thực vật không phải do tiếp xúc trực tiếp. Họ trực tiếp sử dụng các sản phẩm rau, hoa quả còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hít phải đều bị nhiễm. Mọi người dân từ người trực tiếp sản xuất đến người sử dụng, từ thành thị đến nông thôn đều có nguy cơ cao hấp thụ thuốc trừ sâu vào máu. Kết quả trên được Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) công bố khi thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên tại một lớp học thuộc Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn đến từ 4 huyện ngoại thành Hà Nội gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức cho thấy: 31/67 người ở Hà Nội được xét nghiệm có chỉ số nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong máu. Đáng nói là, hầu hết là các đối tượng không trực tiếp tham gia vào sản xuất trên ruộng đồng như nông dân. Từ kết quả này cho thấy, nguy cơ từ thuốc bảo vệ thực vật không loại trừ bất cứ ai, bất cứ thứ gì cũng có thể là nguồn lây nhiễm.

Bệnh nhân nữ ở Hưng Yên ngộ độc thuốc diệt cỏ đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh nhân nữ ở Hưng Yên ngộ độc thuốc diệt cỏ đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat: 70% tử vong!

Ths.BS Nguyên phân tích thêm: Paraquat là loại hóa chất diệt cỏ cực độc, khi vào cơ thể gây tổn thương tất cả các cơ quan đường tiêu hóa, nghiêm trọng nhất là tổn thương phổi, sau đó xơ phổi tiến triển nặng dần và không thể hồi phục. Người bệnh sẽ tỉnh táo cho đến khi chết vì suy hô hấp, suy gan, suy tạng. Dù được điều trị tích cực, lọc máu, nhưng 70 - 90% bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi nếu uống từ 50ml thuốc diệt cỏ trở lên.

Hiện Việt Nam và cả trên thế giới cũng chưa có biện pháp điều trị để cứu sống các bệnh nhân uống paraquat. Cách điều trị hiện nay là rửa dạ dày, lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng kết quả rất hạn chế. Đặc biệt, các bệnh nhân này dù sớm hay muộn cũng sẽ tiến triển đến suy hô hấp nhưng lại không thể điều trị bằng thở oxy, vì khi đó sẽ sản sinh ra một loại chất độc hơn khiến phổi xơ nhanh hơn.

Liên quan đến những hậu quả khôn lường từ thuốc diệt cỏ paraquat, Ths.BS Nguyên nhấn mạnh: "Bệnh nhân tử vong do paraquat gia tăng là một nỗi ám ảnh với bác sĩ, bởi chính bác sĩ là người chứng kiến những giây phút cuối cùng của họ - đi đến các chết nhưng vẫn hoàn toàn tỉnh táo, thể trạng còn rất tốt vì đa phần các bệnh nhân còn rất trẻ, khỏe mạnh nên không bị suy kiệt như những bệnh nhân khác. Cận kề cái chết, bệnh nhân ngộ độc paraquat vẫn rất tỉnh táo trong tình trạng khó thở, đau đớn, vật vã. Họ tỉnh đến lúc chết với hơi thở rít lên từng hồi. Đó là những hình ảnh rất xót xa - thực sự là nỗi ám ảnh đối với cả bác sĩ lẫn thân nhân người bệnh".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)đã ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4D và paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, dựa trên các bằng chứng khoa học khẳng định các hoạt chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NN&PTNT), các tổ chức quốc tế đã cảnh báo và nghiên cứu ở nhiều nước đã kết luận hoạt chất 2.4D và paraquat có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người. Cụ thể, 2.4D rất độc với mắt (xếp loại độ độc 1 đối với mắt), có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu trắng, do đó làm tăng nguy cơ gây ung thư bạch huyết ở người, sử dụng lâu dài gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch.

Trong các thuốc trừ cỏ chứa 2.4D đều có một lượng chất chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do. Chlorophenol có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống do trong tự nhiên, Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin. Chất Dioxin có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng.

Paraquat có khả gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim, bị phơi nhiễm trực tiếp paraquat qua đường da, đường hô hấp trên hay đường miệng đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc. Hiện nay, trên thế giới, paraquat đã bị cấm sử dụng tại 32 quốc gia.

Đến nay, dù paraquat đã bị cấm nhưng phải đến tháng 2.2019 thuốc mới hết hiệu lực lưu hành. “Chúng tôi mong muốn chất này được cấm càng sớm càng tốt bởi muộn ngày nào sẽ lại có thêm những ca tử vong rất đau thương”, Ths.BS Nguyên nói.

hà lê
TIN LIÊN QUAN

Uống mật cá chữa bệnh, suýt nữa đi gặp Diêm Vương

bs BÌNH NGUYÊN |

Dân gian vẫn truyền miệng uống mật cá trắm chữa được bệnh, tăng cường sinh lực, rồi đến không ít những mật cá khác bây giờ cũng đã thành “thuốc bổ”!

Từ ảo giác đến phạm tội: Ngáo đá biến con người thành quỷ dữ như thế nào?

L.Hà |

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, 10 năm trở lại đây, khi thế hệ ma túy mới “lên ngôi”, số ca ngộ độc heroin giảm hẳn, mỗi năm chỉ còn vài trường hợp, nhưng tình trạng ngộ độc ma túy mới lại xuất hiện rất nhiều.

Thấy gì từ vụ cô giáo trẻ ở Bình Định tử vong sau khi ăn hai con ốc biển?

BS Bình Nguyễn |

Có đến 72 chất độc chứa trong các loài nguy hiểm của biển, nhưng nguy hiểm nhất là các alcaloid (tinh chất động, thực vật, có tính kiềm, tan trong nước, độc...) độc thần kinh như Tetrodotoxin, Saxitoxin (có trên 30 dẫn xuất), Maculotoxin, Conotoxin..., mà Tetrodotoxin là độc nhất.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Uống mật cá chữa bệnh, suýt nữa đi gặp Diêm Vương

bs BÌNH NGUYÊN |

Dân gian vẫn truyền miệng uống mật cá trắm chữa được bệnh, tăng cường sinh lực, rồi đến không ít những mật cá khác bây giờ cũng đã thành “thuốc bổ”!

Từ ảo giác đến phạm tội: Ngáo đá biến con người thành quỷ dữ như thế nào?

L.Hà |

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, 10 năm trở lại đây, khi thế hệ ma túy mới “lên ngôi”, số ca ngộ độc heroin giảm hẳn, mỗi năm chỉ còn vài trường hợp, nhưng tình trạng ngộ độc ma túy mới lại xuất hiện rất nhiều.

Thấy gì từ vụ cô giáo trẻ ở Bình Định tử vong sau khi ăn hai con ốc biển?

BS Bình Nguyễn |

Có đến 72 chất độc chứa trong các loài nguy hiểm của biển, nhưng nguy hiểm nhất là các alcaloid (tinh chất động, thực vật, có tính kiềm, tan trong nước, độc...) độc thần kinh như Tetrodotoxin, Saxitoxin (có trên 30 dẫn xuất), Maculotoxin, Conotoxin..., mà Tetrodotoxin là độc nhất.