Nghĩ về thơ hay việc cải cách thơ

Đỗ Trung Lai |

Con người có năm giác quan (ngũ quan) - năm cửa - để ngoại giới qua đó, tác động vào nội giới, tạo xúc cảm, trước hết là những xúc cảm tự nhiên, bản năng. Khi năm cửa ấy mở thì cảnh vật, âm thanh, mùi vị, màu sắc, ấm lạnh… mới “vào người”, làm cho người ta khác với khi năm cửa ấy đóng kín. Nhưng với người có tri thức, có kinh nghiệm sống đặc biệt, cao cấp, những xúc cảm tự nhiên, bản năng kia, rất dễ dàng trở thành xúc cảm thẩm mỹ. Khi xúc cảm thẩm mỹ bùng lên mãnh liệt, người ta cảm thấy hạnh phúc.

Thơ hay (câu, đoạn, bài) là thứ thơ có thể làm cho xúc cảm thẩm mỹ của người ta bùng lên mãnh liệt, làm cho người ta cảm thấy hạnh phúc. Nhưng thơ hay, không thể “ngửi” được, không thể “sờ” được, không thể “nếm” được. Nó chỉ còn có hai cửa để đi vào nội giới: Thị giác (đọc bằng mắt) và thính giác (nghe người khác đọc). Tự đọc bằng mắt thì qua chữ, nghe người khác đọc thì qua lời.

Chữ và lời là phương tiện để nhà thơ (có tài), đưa thơ hay đến với người đọc (giỏi). Người đọc không giỏi, các cụ đã có câu: “Đàn gảy tai trâu”! Nhà thơ không có tài, chắc các cụ sẽ bảo: “Đúng là trâu gảy đàn”? Chữ và lời đều được gọi là ngôn ngữ (ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói). Thế là, nhà thơ như vừa nói, tức là nhà thơ có tài, chỉ có một phương tiện để làm ra thơ hay, đó là ngôn ngữ.

Nhà thơ ấy biết dùng ngôn ngữ để “vẽ” ra hình ảnh, khiến người đọc kia (giỏi) “nhìn” thấy mà xúc cảm theo. Nhà thơ ấy biết dùng ngôn ngữ để tạo thanh âm, nhạc điệu, khiến người đọc kia “nghe” được mà xúc cảm theo. Nhà thơ ấy biết dùng ngôn ngữ để tạo mùi vị, khiến người đọc kia “ngửi” được mà xúc cảm theo. Nhà thơ ấy biết dùng ngôn ngữ để tạo vật, khiến người đọc kia “sờ” được, biết nó xù xì như đá đẽo hay mịn mượt như cánh hoa mà xúc cảm theo... Rồi nhà thơ ấy thổi hồn mình, tình mình vào hình ảnh, thanh âm, mùi vị... khiến người đọc kia ái, ố, nộ, hỉ, ai, lạc, dục theo mình, như mình, hơn mình.

Thế là, chỉ với ngôn ngữ, bằng ngôn ngữ, thơ hay trước hết tác động vào thị giác và thính giác, rồi ngay lập tức liên thông với các giác quan còn lại, liên kết với tri thức, kinh nghiệm sống và tình người đọc, làm bùng nổ xúc cảm thẩm mỹ của người đọc, khiến họ hạnh phúc với cả ái, ố, nộ, hỉ, ai, lạc, dục trong những áng thơ hay. Niềm hạnh phúc kỳ diệu ấy, trước khi đọc và nghe thơ hay, người ta không có. Nó kỳ diệu hơn trong đời thường. Nó làm người ta cao hơn lúc thường, đời thường.

Cuốc kêu đêm hè, lựu nở đầu hạ, ta đều biết cả. Thơ Nguyễn Du: “Dưới trăng quyên đã gọi hè - Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông. Chỉ thêm có gọi với lửa lập loè vào, mà ta sung sướng hơn là chỉ nghe cuốc kêu và trông hoa lựu thật. Thơ hay thích hơn đời thường là như vậy. Tả người quá đẹp, phương Đông thường bảo: “Khuynh quốc khuynh thành” (Nghiêng nước nghiêng thành). Nguyễn Du tả Kiều: “Làn thu thuỷ nét xuân sơn - Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Đẹp thế, thì mới Nghiêng nước nghiêng thành được. “Tổng kết” số phận Đạm Tiên, Kiều chỉ cần hai câu: “Sống làm vợ khắp người ta - Hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Sự hiểu đời - kinh nghiệm sống, cho Nguyễn Du hai câu thơ ấy, bằng vạn lời kể lể dài dòng! Cũng phải trải đời và có con mắt thấu thế, Nguyễn Du mới viết: Kiều rằng: “Những đấng tài hoa - Thác là thể phách, còn là tinh anh”. “Sầu đong càng lắc càng đầy - Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”; “Từ khi đá biết tuổi vàng; Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”... cũng từ ấy mà ra.

Bạch Cư Dị tả thanh âm và Phan Huy Vịnh dịch ra tiếng ta: “Ngón buông bắt khoan khoan dìu dặt - Trước Nghê Thường sau thoắt Lục Yêu - Dây to dường đổ mưa rào - Nỉ non dây nhỏ như vào chuyện riêng - Tiếng cao thấp lựa chen lần gảy - Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu - Trong hoa oanh ríu rít nhau - Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh”. Hay là: Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước - Ngựa sắt dong xô xát tiếng đao - Cung đàn lựa khúc thanh tao - Tiếng buông xé lụa lựa vào bốn dây” (Tỳ bà hành).

Nguyễn Du tả tiếng đàn Kiều: “Khúc đâu Hán Sở chiến trường - Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau - Khúc đâu Tư Mã “Phượng cầu” - Nghe ra như oán như sầu phải chăng - Kê Khang này khúc Quảng Lăng - Một rằng Lưu Thuỷ hai rằng Hành Vân - Quá quan này khúc Chiêu Quân - Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia - Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như nước suối mới sa nửa vời - Tiếng khoan như gió thoảng ngoài - Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”.

Thế Lữ tả sáo thổi: “Tiếng đưa hiu hắt bên lòng - Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn - Tiên nga tóc xoã trên nguồn - Hàng tùng rủ rỉ bên cồn đìu hiu - Mây hồng dừng lại sau đèo - Mình cây nắng nhuộm bóng chiều không đi - Trời cao xanh ngắt. Ô kìa - Đôi con hạc trắng bay về bồng lai - Theo chim tiếng sáo lên khơi - Lại theo dòng suối bên người tiên nga - Khi cao, vút tận mây mờ - Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh - Êm như lọt tiếng tơ tình - Đẹp như ngọc nữ uốn mình trong không” (Tiếng sáo thiên thai).

Viết như thế, Bạch Cư Dị, Phan Huy Vịnh, Nguyễn Du, Thế Lữ đã trở thành bậc thầy trong việc dùng ngôn ngữ để tả thanh âm. Thơ hay là vậy.

Ở trên đã nói tới việc, nhà thơ đem tri thức - kinh nghiệm sống, trộn với hồn mình, tình mình (khi đã cảm thông đến cùng, thậm chí trùm được lên cả ái, ố, nộ, hỉ, ai, lạc, dục của thiên hạ), qua ngôn ngữ, tạo xúc cảm thẩm mỹ cho người đọc. Thành tựu này, trong thơ Nguyễn Gia Thiều (Cung oán ngâm khúc), ta thấy “nhan nhản”. Ví dụ: “Thảo nào khi mới chôn rau - Đã bưng tiếng khóc ban đầu mà ra - Khóc vì nỗi xót xa sự thế - Ai bày trò bãi bể nương dâu”. Ví dụ: “Gót danh lợi bùn pha sắc xám - Mặt phong trần nắng nám mùi dâu”. Ví dụ: “Mùi tục lệ lưỡi tê tân khổ - Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu”. Ví dụ: “Giấc Nam Kha khéo bất bình - Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Ví dụ: “Cái quay búng sẵn trên trời - Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Ví dụ: “Trêu ngươi chi bấy trăng già - Trao con chỉ thắm mà ra tơ mành”. Ví dụ: “Phong trần đến cả sơn khê - Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”. Cũng ý ấy, ở một bài khác, ông viết: “Lép nhép dăm hàng tỏi - Lơ thơ mấy bụi khương - Vẻ chi tèo teo cảnh - Thế mà cũng tang thương”...

Không giàu kinh nghiệm sống, không đầy ắp trí thức bác học và tri thức cùng ngôn ngữ dân gian, không nhìn thấu kiếp người, không thể có thơ hay như thế được. Không yêu thương con người hết mực, không thể có thơ hay như thế được, sẽ lại tả kể tầm thường mất thôi!

Khi Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm viết - dịch “Chinh phụ ngâm khúc”: “Nước có chảy mà phiền khôn rửa - Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây - Nhủ rồi tay lại cầm tay - Bước đi một bước giây giây lại dừng. Hay là: Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại - Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang - Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương - Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng - Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy - Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu - Ngàn dâu xanh ngắt một mầu - Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”, thì tức là họ đã làm ra những câu thơ bậc thầy về buồn đưa, sầu tiễn rồi.

Những câu: “Tin gửi đi người không thấy lại - Hoa dương tàn đã trải rêu xanh - Rêu xanh mấy lớp chung quanh - Chân đi một bước trăm tình ngẩn ngơ - Thư thường tới người chưa thấy tới - Bức rèm thưa lần dãi bóng dương - Bóng dương mấy buổi xiên ngang - Lời sao mười hẹn chín thường đơn sai. Hay là: Sương như búa bổ mòn gốc liễu - Tuyết dường cưa xẻ héo cành ngô. Hay là: Hoa dãi nguyệt nguyệt in một tấm - Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông - Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng - Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau”... là những câu thơ bậc thầy về nhớ nhung, trông ngóng, tủi hờn. Thơ hay là thế. Đó là những câu thơ vượt thời gian, vượt cả không gian. Không cần biết Hàm Dương, Tiêu Tương là ở đâu nữa, lòng chỉ đau theo lòng người xưa mà thôi. Mà người nay, tình chẳng thế sao? Nhà thơ chẳng đã “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (Trần Huyền Trân) đó sao?

Cũng có thơ (câu, đoạn, bài) hay trong thời này mà sang thời khác thì không hay nữa. Khi ấy, do mỹ cảm thời đại khác đi, nó không còn được “cộng hưởng” nhiều như trước nữa. “Khi đại bác gầm thì hoạ mi ngừng hót”, đó là lẽ thường. Thời bình (không chỉ có nghĩa là im tiếng súng), hoạ mi sẽ hót. Nhiều mi lắm! Nhưng chỉ những con mi có giọng tốt thật và được luyện nhiều, mới hót hay. Thơ hay, dứt khoát không phải là thơ vụn vặt, dứt khoát không do “chụp giật” mà có. Tôi ủng hộ các nhà thơ “không thể không viết ra những câu thơ”. Tôi bỏ qua những người “có thể viết ra những câu thơ”. Các nhà thơ “không thể không viết ra những câu thơ”, may ra mới có thơ hay được.

* *

Những năm gần đây, các lý thuyết nhằm cải cách, cải tiến thơ, xuất hiện khá nhiều, nhiều đến mức, đôi lúc nó tràn đầy mặt báo (cả chí và sách nữa), làm cho nhiều người (cả viết và đọc), xác tín hoặc bán tín bán nghi rằng, thơ truyền thống, với lề luật cũ - “vần vè, thuận miệng, êm tai” - không còn đáng để làm nữa (có người thiếu tự tin thì nói rằng, lối thơ ấy, các cụ ta đã làm hết cả rồi, giờ không thể hay hơn được nữa, phải làm kiểu mới thôi!). Và, nếu không nhanh chóng cải cách thơ Việt, thì thơ Việt sẽ chết, sẽ không đủ sức diễn tả đời sống hiện đại nữa!

Những “lý thuyết” ấy, về lý thuyết, có thể chia sẻ được. Chỉ có điều, trong thực tế, có rất ít thành công theo hướng này. Có lẽ vì họ quá chăm chú vào việc cải cách hình thức thơ (mà căn bản là chuyển sang làm thơ tự do). Bởi khi ấy, khi mà ý - tình còn “bé”, tứ đắt chưa có, hình tượng - hình ảnh thơ còn thiếu, tác giả buộc phải dùng nhiều chữ, buộc phải “tân kỳ” trong cách ngắt câu, chuyển dòng..., tóm lại là cố “đánh bóng” hình thức bài thơ để làm người đọc (thiếu tự tin) phải choáng váng! Họ quên mất, hoặc cố quên mất, rằng, khi ấy, khi mà ý - tình còn “bé”, tứ đắt chưa có hình tượng - hình ảnh còn nghèo nàn, thì bài thơ, dù là thơ tự do hay thơ có vần, đều không đứng được. Thế tức là, những yếu tố căn bản của thơ hay vẫn lần lượt là: Ý - tình (hoặc tình - ý), tứ, hình tượng - hình ảnh rồi mới đến chữ và cách đặt câu, ngắt dòng...

Chữ phải đúng (đắc địa), đủ, đẹp, không bị “quá” so với ý - tình (hoặc tình - ý), tứ, hình tượng - hình ảnh thơ. Cách đặt câu, ngắt dòng cũng phải hợp với các yếu tố ấy, kể cả phải hợp với nhịp thở, nhịp đọc của người ta.

Lê Quý Đôn bảo, thơ không được khéo quá vì khéo quá hoá xảo, không được thật (mộc) quá vì thật quá hóa vụng. Xảo (điêu xảo) thì không ai tin, vụng thì chẳng ai thích. Cứ đọc lại những câu thơ hay đã trích ở phần trên, ta sẽ thấy ngay, chúng không quá khéo, không vụng, không thừa, không thiếu, chỉ đủ và hay.

Vả lại, làm thơ có vần luật khó ở chỗ, nó giống như phải múa giáo trong căn phòng hẹp, đã vậy, lại cấm không được va vào tường, vào người, vào đồ vật. Tức là võ nghệ phải tinh thông lắm, chuẩn mực lắm. Còn làm thơ tự do giống như múa giáo ngoài bãi biển. Đúng là tự do hơn, nhưng cũng vẫn phải tinh thông võ nghệ thì mới xem được. Mặt khác, thơ tự do ở ta, không phải bây giờ mới có người nghĩ ra. Theo thiển ý của tôi, nó xuất hiện đầu tiên dưới dạng các bản dịch nghĩa (tốt) của thơ Đường - Tống, rồi đến các bản dịch (tốt) thơ nước ngoài khác như Pháp, Nga, Ấn, Mỹ v.v... Có thể, nó cũng xuất hiện ở dạng các bản nháp, của các nhà thơ “có vần”, trước khi được “vần hoá” một cách hoàn chỉnh, giống như Leonardo da Vinci phải phác thảo hơn hai nghìn bức rồi mới có một bức tranh chính thức (là kiệt tác) vậy (ấy thế mà với những người khác, chỉ cần có được một trong hai nghìn bức phác thảo kia, đã “khủng” lắm rồi!). So sang việc làm thơ, tức là phải có tài rồi lại chỉ khi “không thể không viết ra những câu thơ”, thì mới viết. Làm sao có thể “chế” ra thơ được? Làm sao có thể vội vã được? Thơ có vần luật mà cha ông ta làm xưa nay (Đường luật, Song thất lục bát, Lục bát) có một ưu thế vô cùng to lớn, là dễ thuộc, dễ nhớ. Bỏ qua ưu thế này, những người làm thơ tự do phải “bù” lại cho người đọc rất nhiều ý - tình (hoặc tình - ý), tứ, và hình tượng - hình ảnh thơ, đồng thời vẫn phải chú ý đến nhạc điệu ẩn bên trong thơ tự do, để nó không hoàn toàn trở thành văn xuôi. Nếu không, e rằng sẽ bại!

Cũng lại cần phải cảnh giác với một suy nghĩ “chụp giật” rằng, thơ tự do cho ta một con đường ngắn nhất đi tới “Tính toàn cầu” vì... dễ dịch! Thơ Đường, rõ là không dễ dịch, thế mà được cả thế giới kính trọng và coi là nền thơ vĩ đại toàn cầu. Vậy là, “Tính toàn cầu” có được vì thơ người ta hay chứ không phải vì dễ dịch.

Cho nên, trong việc cải cách hay cải tiến thơ, việc chú ý đến hình thức thơ chỉ là việc làm sau. Trước đó, nhất định phải chăm chú tu thân, luyện tài, thông thạo thi ca dân tộc đã. Không ai yêu nước Việt, yêu tiếng Việt hơn các nhà thơ Việt. Mọi sự “viết thuê” đều kém. Không thể tin và tìm thấy thơ hay ở những người làm thơ tầm thường được. “Tôi không tin vào nhân cách của anh thì tôi cũng không tin vào nghệ thuật của anh”. Đó là điều tôi nghĩ. Bên cạnh đó lại còn phải có tài và chuyên tâm nữa.

Hãy xây dựng một nền thơ dân tộc thật hay, mới mong nó có “Tính toàn cầu” được. Chứ dịch yếu, lại bảo người làm thơ làm thơ cho dễ dịch đi để tôi dịch nhanh, cho nó có “Tính toàn cầu” sớm, thì thật là phi lý! Bất cứ nền thơ nào hay thật, vốn đã có “Tính toàn cầu”. Thơ dở, thì dù dịch tốt, cũng không những không có “Tính toàn cầu”, lại cũng chẳng có “Tính dân tộc”.

Đỗ Trung Lai
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.