Nghề trầm ở xứ trầm hương

Lê Đức Dương |

Đến giờ này nhiều người vẫn chưa hiểu về trầm hương - một đặc sản nổi tiếng mang màu sắc huyền thoại. Vậy trầm từ đâu mà có?

Những cây trầm cảnh mĩ nghệ đồ sộ sang trọng quý phái hay bày trưng trong phòng, sảnh khách sạn cao cấp cho đến các sản phẩm tinh xảo như: vòng đeo tay, tượng Phật - La hán, hương trầm xông thơm hay đồ mĩ nghệ tinh xảo... được chế tác ra sao? Nếu xóa đi bóng mờ hư ảo thì ta sẽ hiểu rằng, tất cả  sự kì diệu của trầm hương đều do con người tạo dựng với thiên nhiên mà thành.

Huyền thoại miền rừng xanh núi thẳm xa xưa

Từ hàng trăm năm trước, trầm hương và kỳ nam (một dạng trầm siêu hiếm và quý giá) đã xuất hiện theo cùng huyền thoại như một sản vật do “linh khí của trời đất hội tụ”.

Khánh Hòa được mệnh danh là “xứ trầm hương” - nhà thơ Quách Tấn viết cuốn dư địa chí về Khánh Hòa đặt tên gọi là “xứ trầm hương”. Bởi nơi đây có nhiều loại trầm quý giá và nhiều nhất chính là miền núi rừng Vạn Ninh phía Nam đèo Cả “Khánh Hòa biển rộng non cao/ Trầm hương Vạn Giã, yến sào Nha Trang”.

Vạn Giã - thị trấn của huyện Vạn Ninh, nơi đây có trầm hương - kỳ nam nổi tiếng suốt nhiều trăm năm nay có nghề điệu (địu) trầm (đi tìm trầm) nổi tiếng từ xa xưa và nay có nghề chế tác trầm hương.

Trầm hương có nhiều chuyện mang tính huyền thoại đầy bi tráng. Trước hết đó là nghề “điệu trầm” (địu) - tức phu sơn tràng đi tìm trầm hương - kỳ nam trong rừng. Trầm hương chính là lõi trong thân cây Dó (gió) bầu - có tên khoa học là Aquilaria Crassana. Lõi trầm không phải tự nhiên mà có và càng không phải cây Dó bầu nào cũng có trầm.

Theo lời những người rành về trầm xưa thì trầm xuất hiện trong thân cây Dó bầu bởi các tác nhân vô cùng kỳ lạ: Bị chặt, băm, đục đẽo, kiến, mối xông, bom đạn phạt gãy kể cả bị sét đánh (!). Nên có thể nói rằng, trầm hương được tạo nên bởi vết thương trên thân cây Dó bầu. Vì thế, hiện nay khi trồng cây Dó bầu người ta hay đục, đẽo hoặc chặt cành để tạo trầm là vậy!

Nếu như trầm quý một thì kỳ nam quý mười, quý trăm lần. Kỳ nam là dạng trầm có tuổi rất cao được ủ kín trong thân gốc cây Dó bầu hàng trăm năm! Dân đi điệu trầm xưa tìm hàng tháng trời trong rừng sâu, vách núi để săn cho được thân gốc cây Dó bầu chết lụi tàn. Chính sự phế tích là nơi có trầm và kỳ nam! Cuối năm 2012 ở Khánh Sơn (huyện miền núi Khánh Hòa) rộ lên làn sóng chấn động giới trầm kì Việt Nam khi dân điệu trầm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Vạn Ninh đã tìm được ở rừng núi Gộp Ngà xã Sơn Trung hàng chục kí kỳ nam!

Sự kiện làm náo loạn thị trấn huyện và làm tan hoang những cánh rừng nguyên sinh ở đây do hàng nghìn người đào bới hơn cả đào vàng! Bởi mỗi kg kỳ nam theo thời giá hiện nay chừng 20 đến 30 tỉ đồng! Riêng Bạch kì (Kỳ nam trắng) có giá tới 50 tỉ đồng 1 kg!

Thợ xoi trầm đang chỉnh sửa cây trầm cảnh mĩ nghệ.
Thợ xoi trầm đang chỉnh sửa cây trầm cảnh mĩ nghệ. Ảnh: Lê Đức Dương

Còn trầm hương nhiều loại được gọi theo tên như Trầm Kiến (do kiến đục thân cây mà thành trầm), Trầm Tốc (do nước mưa làm mục thân tạo trầm hay các tác nhân khác), Trầm Đảo hay Trầm Mắt (do cây bị chém chặt mà thành), Trầm Khoan (do khoan đục vào thân cây Dó)... giá các loại trầm do cây Dó trồng dao động từ 5 triệu đến 10 triệu đồng 1 kg loại mĩ nghệ. Còn trầm tìm ngoài tự nhiên trong rừng, hay còn gọi là Trầm Lụi (tàn) thì đắt hơn nhiều với giá vài chục triệu 1 kg!

Một thời trầm hương và kỳ nam là hàng quốc cấm nên việc buôn bán được coi bất hợp pháp. Nghề điệu trầm cũng là dạng cấm vì nguy hiểm tới tính mạng bởi có rất nhiều người đi tìm trầm bị tai nạn, sốt rét ác tính bỏ mạng nơi rừng thẳm vì thế, trầm hương một thời coi như sản vật linh thiêng vì gắn liền với tính mạng con người.

Giai đoạn thời bao cấp nghề trầm sơ khai chủ yếu do khai thác tự nhiên về lén lút bán cho giới thương lái có máu mặt gọi là chủ trầm. Ở Vạn Ninh vẫn có nhiều tên tuổi nổi tiếng buôn trầm - kỳ nam ở cửa rừng đều có những biệt phủ hoành tráng ở làng trầm Vạn Thắng.

Trầm hương - kỳ nam được khai thác thô đều lén lút bán cho giới người Hoa ở Chợ Lớn, từ đây tuồn sang Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) vì chỉ người Hoa mới biết sử dụng trầm làm hương liệu, mĩ nghệ đồ phong thủy quý giá theo tập quán phương Đông. Sau này thêm vùng Ả rập cũng coi trọng trầm hương.

Nghề trầm ở làng trầm hương Vạn Thắng

Trầm hương ai cũng nghe ai cũng biết nhưng hiểu nó thì không phải ai cũng rành. Bởi thế phải đến tận làng nghề sản xuất trầm nổi tiếng nhất Việt Nam là thôn Phú Hội 1 - xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa để hiểu về nghề trầm có huyền thoại như ta nghĩ không?

Theo lời nghệ nhân Trần Công Đức - Giám đốc hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng thì nghề trầm có từ hàng trăm năm ở xứ này. Ban đầu xuất phát chỉ từ người đi điệu trầm đào kỳ nam về đục chạm cho ra lõi trầm, kỳ nam mà thành nghề... “Xoi trầm” hôm nay. Để có được từ thanh trầm hay cây trầm đủ hình dáng mà nhiều người thấy đều do người thợ xoi trầm.

Trước tiên cây Dó bầu được chuyển về, tùy theo thẩm định của người có “thiên bẩm” về trầm trong cây để lựa chọn chế tác. Thường thì trầm trong thân cây Dó bầu rất bé và ngắn nên người ta hay cắt từng khúc rồi vạt đẽo vỏ như gọt củ chuối, gần tới lõi trầm sẽ tỉa tót từ từ theo vân trầm, cuối cùng dùng “dũm” (dụng cụ giống cái đục cong) để xoi trầm.

Nhìn người thợ xoi trầm cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ nếu ai từng biết thì hơi giống các cụ xưa tỉa củ thủy tiên chơi ngày Tết. Theo lời anh Thanh - một nghệ nhân xoi trầm hơn 30 năm theo nghề thì việc làm ra cây trầm vô cùng cẩn thận nếu nôn nóng sẽ hỏng sự. Để có được khúc trầm nhỏ hơn thanh củi mất cả ngày trời, đủ để có một cây trầm cảnh mĩ nghệ to cao ngang đầu người, đường kính cả mét thì thời gian chế tác là vài tháng.

Thường với những cây trầm đó sẽ được lắp ghép từ hàng trăm hàng nghìn thanh trầm nhỏ mà thành bởi thực tế không có cây Dó bầu dù ngoài tự nhiên hay trồng có đường kính và lõi trầm to như thế!

Trầm hương đã lan tỏa theo danh tiếng

Hiện nay ở làng nghề trầm hương Vạn Thắng (Vạn Ninh - Khánh Hòa) có gần 500 hộ với hàng nghìn người sản xuất trầm hương hàng ngày để ra rất nhiều sản phẩm với giá trị gia tăng từ trầm thô. Như đã nói dân làng sản xuất trầm từ cây Dó bầu để thành trầm mĩ nghệ, chế tác các sản phẩm tinh xảo vòng đeo tay phong thủy, hộp mĩ nghệ đựng thanh trầm, quạt, tượng trầm và hương trầm.

Mỗi năm từ làng nghề trầm sản xuất gần 500 tấn hương trầm đi khắp nơi. Các sản phẩm của trầm được các tập đoàn kinh doanh trầm mua lại, dán mác kinh bán ở những đô thị lớn như: Hà Nội, TPHCM, Nha Trang và xuất đi Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Đông... Với Nha Trang thời trước dịch COVID-19 xuất hiện hàng trăm showroom bán trầm hương cho du khách Trung Quốc, biến nghề này trở thành một lĩnh vực kinh doanh phát đạt nhất cùng với yến sào. Tuy nhiên khi dịch tới thì nghề kinh doanh trầm rơi xuống đáy, hiện mới đang phục hồi.

Đồ mĩ nghệ từ trầm.
Đồ mĩ nghệ từ trầm. Ảnh: Lê Đức Dương

Theo anh Trần Công Đức - Giám đốc hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng thì nghề trầm chưa bao giờ khó khăn như thời gian vừa qua vì sản phẩm không tiêu thụ được. Bên cạnh đó, không chỉ có nơi đây mà các vùng như: Hà Tĩnh, Huế, và đặc biệt Quảng Nam cũng có nhiều người sản xuất chế tác trầm nên tạo sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Thời hoàng kim ở đây làm công xoi trầm cũng kiếm được từ 200 tới 300 nghìn/ ngày, còn ai tự nhập cây Dó về xoi trầm bán thì ngày kiếm từ 500.000 đến 600.000 đồng. Nay thì cầm chừng chưa trở lại như xưa.

Trầm hương từ huyền thoại đã trở thành sản phẩm thân quen chính là nhờ bàn tay lao động khối óc cần cù của người làm nghề trầm như ở làng nghề Trầm Hương - Vạn Thắng - Vạn Ninh - Khánh Hòa là một ví dụ.

Lê Đức Dương
TIN LIÊN QUAN

Giỗ tổ nghề Trầm hương ở Khánh Hòa

Phương Linh |

Nổi danh là “Xứ Trầm, biển Yến”, cứ đến ngày 2 tháng 3 âm lịch hằng năm, những người làm nghề Trầm hương tại Khánh Hòa lại tụ hội để cùng dâng hương giỗ tổ nghề.

Tháp Trầm hương Khánh Hòa phủ màu sơn mới khiến du khách tò mò

Hữu Long |

Khánh Hòa - Tháp Trầm hương đã được đại trùng tu và chỉnh trang để tổ chức triển lãm và các chương trình nghệ thuật dịp Tết. Bên ngoài, tháp được thay “áo mới” từ màu hồng nhạt chuyển sang màu trắng trang nhã.

Lo ngại khi sửa chữa biểu tượng Tháp Trầm Hương ở Khánh Hòa

Hữu Long |

Khánh Hòa - Tháp Trầm Hương là công trình văn hóa, lịch sự đặc biệt của địa phương. Việc có một đơn vị sửa chữa, cải tạo khu vực Tháp nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Mùa sầu riêng chính vụ, trong thắng có nguy cơ... thua

PHONG LINH |

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, mùa sầu riêng chính vụ năm nay nông dân được mùa, được giá, tuy nhiên, trong thắng cũng tiềm ẩn nguy cơ thua.

Cháy dữ dội tại cơ sở sửa chữa lốp ôtô ở Hà Nội, lan sang 2 căn nhà liền kề

Thế Kỷ |

Hà Nội - Người dân xung quanh nghe thấy có tiếng nổ lớn, sau đó, ngọn lửa bao trùm một cơ sở sửa chữa lốp ôtô trên địa bàn huyện Đông Anh. Đám cháy sau đó lan sang hai căn nhà liền kề.

Rủ đồng bọn mang súng đi giải quyết mâu thuẫn giao thông, đánh nhầm 4 người

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Hai đối tượng (ở Thanh Hóa) đang đi trên đường thì xảy ra mâu thuẫn mới một nhóm thanh niên khác, ngay sau đó, cả 2 đã rủ thêm đồng bọn mang theo kiếm, súng đi giải quyết.

Ninh Bình tìm cách hút khách trải nghiệm cuộc sống bản làng

Diệu Anh |

Du lịch homestay là sản phẩm du lịch đang thu hút một lượng lớn du khách đến với các vùng quê ở Ninh Bình, đặc biệt là khách quốc tế.

6 người nguy kịch sau khi ăn trứng cá sấu hỏa tiễn

Minh Nguyễn |

Ngày 29.5, các bệnh nhân bị ngộ độc do ăn trứng cá sấu hỏa tiễn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã qua cơn nguy kịch.

Giỗ tổ nghề Trầm hương ở Khánh Hòa

Phương Linh |

Nổi danh là “Xứ Trầm, biển Yến”, cứ đến ngày 2 tháng 3 âm lịch hằng năm, những người làm nghề Trầm hương tại Khánh Hòa lại tụ hội để cùng dâng hương giỗ tổ nghề.

Tháp Trầm hương Khánh Hòa phủ màu sơn mới khiến du khách tò mò

Hữu Long |

Khánh Hòa - Tháp Trầm hương đã được đại trùng tu và chỉnh trang để tổ chức triển lãm và các chương trình nghệ thuật dịp Tết. Bên ngoài, tháp được thay “áo mới” từ màu hồng nhạt chuyển sang màu trắng trang nhã.

Lo ngại khi sửa chữa biểu tượng Tháp Trầm Hương ở Khánh Hòa

Hữu Long |

Khánh Hòa - Tháp Trầm Hương là công trình văn hóa, lịch sự đặc biệt của địa phương. Việc có một đơn vị sửa chữa, cải tạo khu vực Tháp nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.