Chuyện làng văn nghệ

Nghe Lộc Vàng hát nhạc xưa

Nguyễn Thụy Kha |

Tôi quen Lộc Vàng đã lâu, nghe anh hát nhiều, nhưng có điều lạ là mỗi lần nghe vẫn thấy bỡ ngỡ như nghe lần đầu. Lúc nào, cũng thấy trong giai điệu nhạc xưa qua giọng hát Lộc Vàng có gì tươi mới.

Có lẽ, ngược với ca sĩ nhiều thế hệ và ca sĩ hôm nay, Lộc Vàng không hát để kiếm tiền mà có lẽ hát để mất tiền, càng hát càng mất nhiều hơn. Lộc Vàng muốn hát với mọi người bằng cả trái tim mình, cả tình yêu của mình dành cho nhạc xưa. Anh tự đảm nhận trách nhiệm ngân lên những ca khúc xưa với đúng nhất những gì các nhạc sĩ thời đó gửi gắm vào giai điệu. Anh tự gánh trên vai sứ mạng góp phần bảo tồn nhạc xưa. Anh như một bảo tàng sống lo liệu có một góc riêng để mọi người đến chiêm ngưỡng miễn phí. Bởi thế, ngoài việc làm nghề quét vôi mức siêu thủ để kiếm tiền trả tiền thuê nhà mở phòng trà, Lộc Vàng còn lần lượt cho những căn nhà riêng của mình ra đi, lấy kinh phí đắp điếm vào những phần lỗ của phòng trà. Có thể nói Lộc Vàng là một nghệ sĩ “tử vì đạo”. Đạo của anh là dòng ca khúc lãng mạn thời tiền chiến, thời Hà Nội tạm bị chiếm, thời Sài Gòn trước 30.4.1975.

Nhớ lần đầu tiên gặp Lộc Vàng qua nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, anh đã kể lại hết quãng thời gian truân chuyên mà anh và người anh Toán Xồm phải lãnh chịu vì quá đam mê dòng nhạc nói trên giữa lúc cả nước hát hành khúc ra trận. Do đó, nhóm các anh đã bị quy là “Gieo rắc nhạc vàng ủy mị làm suy giảm sức chiến đấu của thanh niên”. Khi câu chuyện này xảy ra, các anh đâu biết ở nơi sơ tán của Trường Đại học Kỹ thuật thông tin tại vùng đồi Phú Thọ, tôi và các bạn tôi vẫn thường xuyên kéo nhau ra rừng cọ hát những ca khúc xưa. Chúng tôi hát hồn nhiên như không. Chỉ đến khi người bạn là cán bộ lớp đi họp về, anh nói với tôi rằng, anh vừa nghe phổ biến Hà Nội mới bắt và sẽ đưa ra tòa một nhóm hát nhạc vàng. Anh khuyên tôi nên im lặng, đừng hát dòng nhạc này nữa. Để an toàn hơn thì ngay cả “Nhạc buồn” của F.Chopin, “Serenade” của F.Schubert, “Khúc hát nàng Solveig” của E.Grieg… cũng nên cho “tạnh vở” luôn. Anh bạn còn khuyên tôi có giữ bản nào thì tốt nhất là nên đốt đi để phi tang. Nghe chuyện lúc này cũng thấy gai gai, sờ sợ, khiếp khiếp. Tôi làm việc đó có ý thức chứ không vô ý thức như hồi đốt “Các xuất bản phẩm nô dịch” ở nhà năm 1958. Hồi đó, trong cái đống mẹ tôi sai đốt, có cả những tập “Giai phẩm” và những bản nhạc xưa do Nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành. Vô ý thức vì thấy những ấn phẩm này đẹp quá, tôi đã lấy báo gói lại, thừa lúc mẹ tôi không để ý, tôi mang giấu lên gác xép. Ngày thống nhất, tôi về phép thăm nhà, lên gác xép lôi ra thì thấy còn nguyên. Mừng hú. Số ấn phẩm ấy cùng những ấn phẩm tôi mua ở chợ Huỳnh Thúc Kháng Sài Gòn đã là những tài liệu quý giá để sau này tôi có thời gian nghiên cứu dòng nhạc này mà năm nay đã được chính thức vinh danh trong chương trình “Giai điệu tự hào” mang tên “Xuân và tuổi trẻ”. Vậy nên, tôi vẫn tiếc cái ấn phẩm mà tôi đã đốt hồi học đại học. Tiếc bao nhiêu, tôi mới phục Lộc Vàng bấy nhiêu, bởi ngay từ ngày đó, anh đã kiên định cho rằng, mình không có tội gì cả. Đến khi đi cải tạo, được phân công làm văn nghệ, anh vẫn khăng khăng không nhận, vẫn muốn được cải tạo như phạm nhân bình thường.

Cũng lần gặp nhau ấy, tôi nói với Lộc Vàng, ông thì gặp tai nạn to, còn tôi thì gặp tai nạn nhỏ. Số là vào năm 1970, tôi được tập trung đi khám nghĩa vụ quân sự. Trong lúc chờ đợi kết quả trúng tuyển để nhập ngũ tại trường (lúc ấy đã về Bãi Vải - Phúc Yên, bên cạnh sông Cà Lồ), tối nào bọn tôi cũng tụ tập với nhau hát. Có lúc quên đi lời đe nẹt xưa, hoặc cũng nghĩ là mình sẽ nhập ngũ, có hát chơi một chút thì đã sao. Thế là tôi lại nghêu ngao cho các bạn nghe các giai điệu lãng mạn, trong đó có cả giai điệu nhạc xưa. Nào ngờ có người bẩm báo với Ban giám hiệu. Đợt ấy sức khỏe của tôi bị ở loại B2, nên không được nhập ngũ. Vì ở lại nên tôi bị rầy rà vụ hát xướng này. Nhà trường kiên quyết kỷ luật tôi vì hát nhạc vàng. Kỷ luật ấy bám theo tôi đến ngày ra trường. Một phái bảo thủ muốn không cho tôi tốt nghiệp mặc dù luận án của tôi đạt loại ưu. Một phái phóng khoáng, cởi mở hơn thì cho đó chỉ là khiếm khuyết trong sinh hoạt, không cho tốt nghiệp sẽ phí đi một kỹ sư có chuyên môn tốt. Cuối cùng, phái ủng hộ tôi thắng. Tôi thoát nạn trong gang tấc. Lộc Vàng nghe chỉ cười mủm mỉm. Thú thực, khi nghe đồn đại về Toán Xồm, Lộc Vàng, tôi cứ hình dung các cha này tay chơi lắm, ngang ngược lắm. Hóa ra, Lộc Vàng hiền khô. Dạo ấy, sau khi đi cải tạo về, Lộc Vàng được một thiếu nữ xinh đẹp yêu thương. Họ kết hôn và có hai con, một trai một gái. Chỉ tiếc người vợ đã mất nhiều năm trước vì bệnh tật. Để nuôi con, Lộc Vàng may mắn được học làm thợ quét vôi. Và anh đã là thợ quét vôi siêu giỏi. Nhưng cái khát vọng được hát lại nhạc xưa thì còn phải chờ.

Lộc Vàng đã phải chờ đợi tới năm 1988, khi công cuộc Đổi mới, mở cửa diễn ra một năm. Anh không biết được, ngay từ mùa thu 1983, nhân kỷ niệm 60 tuổi Văn Cao, lần đầu tiên các ca khúc trữ tình của Văn Cao như “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Buồn tàn thu”…đã được nữ nghệ sĩ Kim Ngọc hát rất hay. Nhưng sự đổi mới sớm này cũng chỉ nằm trong nội bộ Hội Nhạc sĩ. Khi đổi mới thực sự diễn ra, Hội Nhạc sĩ nhiệm kỳ ấy đã ấn hành rất nhiều nhạc hiếm ca khúc xưa. Tôi kể Lộc vàng nghe khi tôi làm chương trình ở 19 Hàng Buồm, tôi đã gặp anh Toán Xồm. Anh vừa ngồi nhâm nhi với tôi vừa khóc: “Kha ơi! Ngày ấy tao cũng chỉ hát những bài này mà bị đi cải tạo, mất cả nhà cửa, tan nát cả gia đình”. Anh Toán Xồm khổ thật. Ngày bị cải tạo có lúc phải đưa anh ra để đóng vai người chơi ghita trong phim “Nổi gió”. Lúc ra, không nhà, anh Toán Xồm thường về ngủ ở cửa nhà mình. Và anh cũng trút hơi thở cuối cùng ở hiên nhà mình. càng thấy vậy, Lộc Vàng càng nung nấu khát vọng hát nhạc xưa cho mọi người nghe.

Rồi thời cơ ấy cũng đến khi Lộc vàng thuê được một căn nhà ở Trích Sài (bên Hồ Tây) để mở quán Cà phê Lộc Vàng, nhưng đâu có lờ lãi gì. Cái lãi nhất của Lộc Vàng là tuần nào cũng được hát nhạc xưa cho mọi người nghe. Gọi là tuần nào cũng hát vì quán chỉ tổ chức ca nhạc vào tối thứ hai, thứ năm, thứ bảy. Mỗi khi đến quán, nghe Lộc Vàng hát, lòng tôi luôn nhoi nhói một nỗi gì không rõ rệt. Có lẽ, vì tôi biết về nỗi truân chuyên của anh. Nhưng mừng nhất là càng ngày càng nhiều người đến nghe anh hát. Người ở Hà Nội cũng có. Người ở Sài Gòn ra cũng có. Người ở các tỉnh khác cũng có. Việt kiều về cũng nhiều người đến. Tất cả đều cảm thấy nghe Lộc Vàng hát thì mới nhận ra hình dáng của nhạc xưa, hình dáng của một thời xa vắng mộng mị và lành sạch. Họ được “cũ đi một cách dễ chịu” như câu thơ Thanh Thảo.

Để duy trì được không khí nhạc xưa tại đây, bên cạnh Lộc Vàng, phải kể đến tay guitar cự phách (thay chỗ Toán Xồm khi xưa) “Hùng húp”. Và để có lúc người hát, người nghỉ, Lộc Vàng còn mời được ca sĩ Hồng Hải tới hát nhạc xưa và nhạc Trịnh Công Sơn. Hồng Hải này không phải là Hồng Hải Quân khu 2 ngày nào mà là Hồng Hải từng là ca sĩ nhí ở đội “Vàng anh” Nam Định, cùng thời với Lan Anh. Hồng Hải không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng hát hay bẩm sinh. Và cô cũng mê nhạc xưa như Lộc Vàng mặc dù còn trẻ. Lần gần đây Khánh Ly về Hà Nội hát, bà có nói nhìn Hồng Hải mà ngỡ mình hồi còn trẻ.

Không chỉ hát ở bên bờ hồ Tây, nhờ lời mời của những Việt kiều anh còn hát cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, ở Châu Âu. Hôm mới rồi, anh đến hát trong lễ ra mắt cuốn “Trường thơ Hải Phòng” do tôi và Lê Thiết Cương chủ biên, anh mở điện thoại cho xem bao nhiêu là ảnh biểu diễn ở nước ngoài. Nhưng đấy vẫn chỉ là những khoảnh khắc còn bám trụ hát nhạc xưa, vẫn phải là ở Hà Nội. Căn nhà ở Trích Sài bị đòi lại, Lộc Vàng lại thuê một căn khác ở phủ Tây Hồ (đường Đặng Thai Mai) để “hành nghề”. Đam mê nhạc xưa đến kiệt cùng như Lộc Vàng khi đã 72 tuổi quả là xưa nay hiếm. Anh nói còn hát được thì vẫn hát. Nhạc xưa đâu chỉ có nốt, mà còn có cả một tâm sự chứa chất trong nốt đó. Mà để hiểu được tâm sự ấy đâu dễ, phải mất cả một đời trải nghiệm. Nói rồi anh cất giọng: “Hà Nội mừng đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi…”. Hát như để đón năm tuổi của mình Đinh Dậu. Lộc Vàng sinh Ất Dậu 1945 mà. Anh tên là Nguyễn Văn Lộc. Nhưng nửa thế kỷ qua, người ta gọi anh là Lộc Vàng.

Nguyễn Thụy Kha
TIN LIÊN QUAN

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?