Ngày giỗ, ngày sinh và tập quán gắn với ngày sinh

hoàng khôi |

Lễ giỗ được xếp vào loại thuần phong mỹ tục của dân tộc ta. Theo tập quán lâu đời, dân ta lấy ngày mất của người thân (ông bà, cha mẹ, những người ruột thịt...) làm trọng cho nên có ngày đó. Vào dịp đó, những người thân hay đi thăm phần mộ rồi tổ chức làm cỗ cúng và tùy vị trí, gia cảnh người đã khuất mà làm to hay nhỏ.

1. Thường thì giỗ cha mẹ làm to rồi trở lên mỗi đời mỗi xa thì giảm đi. Đây cũng là dịp những người thân trong gia đình gặp nhau tưởng nhớ công tích người đã mất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong, gia đạo. Tuy nhiên, còn một hình thức lớn hơn là giỗ họ. Bởi nhiều gia đình họp thành một ngành (chi), nhiều ngành họp thành một họ. Mỗi họ có một ông tổ chung. Ngày giỗ ông tổ gọi là ngày giỗ họ hoặc giỗ tổ. Mỗi họ đều có một nhà thờ tổ. Giỗ tổ thường cúng tại nhà thờ này. Ngày giỗ họ là dịp duy nhất trong năm để cả nhà họp mặt. Ngày giỗ của gia đình thường cúng ở nhà con trai trưởng hoặc nhà cháu đích tôn (trường hợp con trưởng đã chết).

Tục lệ thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa uống nước nhớ nguồn. Việc cúng giỗ là một điều trong chữ hiếu. Thể theo phong tục đẹp này mà nhà nước ta đã giữ gìn việc tổ chức trang nghiêm ngày giỗ của các anh hùng dân tộc có công dựng nước và giữ nước như ngày giỗ tổ Hùng Vương, giỗ Hưng Đạo Vương, Lê Thái Tổ, giỗ trận Đống Đa, tưởng niệm thương binh liệt sĩ 27.7... Thường ngày giỗ được tổ chức theo âm lịch.

Có ý kiến giải thích vì dân ta trước đây ít ai chú ý tới ngày sinh (do không biết chữ, do đời sống vất vả khó khăn...) trừ một số gia đình quan lại hoặc công chức có lá số tử vi hoặc giấy khai sinh, nên chỉ chú ý tới ngày mất?! Chỉ phương Tây là có tập quán mừng ngày sinh. Không đúng, bởi tôn giáo Đông Tây đều coi trọng ngày sinh. Phật giáo có ngày Bụt sinh Bụt đẻ (Phật Đản 8.4 âm lịch), công giáo có ngày Thiên chúa giáng sinh (25.12 dương lịch). Ở Việt Nam, nếu xét theo lễ tục vòng đời thì từ lúc được sinh đẻ cho đến ngày lên lão, người Việt có nhiều sinh hoạt chứng tỏ niềm trân trọng với con người, nhất là những người đang sống.

Xin được ghi lại một số tập tục chính liên quan đến chuyện mừng ngày sinh để góp vào hiểu biết chung.

2. Trước hết, người dân ta tin rằng đứa trẻ được sinh ra thì ngay lập tức đã có mười hai vị nữ thần phù hộ gọi là mười hai bà Mụ. Đây là những người (hoặc thần) đầu tiên nâng đỡ, dạy dỗ trẻ thơ:

Mười hai bà mụ/ Phù hộ con nhà/ Nâng như nâng trứng/ Hứng như hứng hoa.../... Bà là bà Trời: Dạy con nằm nôi/ Là bà Đầu Võng/ Bà bày ngóng sáng/ Bà dạy nhìn trời/ Chúm miệng chúm môi/ Là bà dạy cười/ Chân co tay trở/ Là nhờ bà Đỡ/ Bà cho cháu lật/ Bà dạy cháu bò/ Bà cầm tay cho/ Là con biết chững...

Sinh được đứa con là một điều mừng, là hạnh phúc lớn lao cho gia đình và xã hội. Vì vậy, người ta theo dõi quá trình trưởng thành của em bé và cứ đến một chặng thời gian nhất định là người ta làm lễ vừa để cảm ơn trời đất, cảm ơn các bà mụ, cảm ơn tổ tiên, lại vừa để mừng cho đứa trẻ được lớn mạnh với thời gian. Kể từ khi đứa trẻ ra đời đến khi vào tuổi trưởng thành, trước đây phải trải qua nhiều lễ tục quan trọng mà nay chỉ còn lưu giữ một số. Chẳng hạn lễ móc miệng, lễ đầy cữ, đầy tháng, đầy năm, thôi nôi... Dân gian vẫn còn ghi nhớ những lời chúc cho trẻ trong những dịp như thế:

Mở miệng ra như bông như hoa/ Mở miệng ra mẹ cha yêu mến/ Mở miệng ra nhường dưới kính trên/ Mở miệng ra ông cha vừa bụng/ Mở miệng ra làng xóm ngợi khen...

Khi đứa trẻ đã lớn, người ta tổ chức lễ thành đinh. Đứa trẻ đã là một chàng trai khỏe mạnh có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi thành viên của cộng đồng. Tại các gia đình phải làm lễ cáo với tổ tiên, sau đó phải trình làng, phải cáo với Thành hoàng làng nay đã có thêm một phần tử trai tráng mới. (Chỉ có điều chưa bình đẳng là chỉ tổ chức cho con trai). Ở một số vùng miền núi nước ta, dấu vết của lễ thành đinh này vẫn còn tồn tại. Người Ê đê ở Tây Nguyên dõi theo chàng trai trưởng thành của dân tộc mình: Tờ mờ sáng, chàng trai đã đóng khố, mặc áo đẹp sau khi tắm ở bốn nước để tẩy rửa hết những bẩn thỉu hoặc tội lỗi. Chàng lấy một bầu nước trong từ vách đá về cúng thần linh. Đến nơi hành lễ, chàng cầm một thanh gươm chặt phăng hai cây chuối được trồng ở đầu cầu thang rồi bước lên gặp mẹ trong nhà chờ sẵn. Mẹ hỏi:

- Chào con. Con từ đâu về? Có phải con đi đánh giặc bên đông, múa khiên bên tây về không?

- Con chào mẹ của núi rừng Ê đê. Mẹ nói đúng, con đã thử gươm, cây lớn đã ngã, cây bé chẳng còn. Nay con về với mẹ.

Cồng chiêng nổi lên. Thầy cúng kêu gọi thần linh giúp đỡ chàng trai và dân làng. Chàng trai được trao gươm và khiên múa vài đường. Các cô gái để nước để thẳng múa gươm chống đỡ. Mọi người reo hò nhảy xung quanh. Sau lễ này, chàng trai Ê đê thực sự là con người trưởng thành. Anh sẽ cùng các trai làng khác bảo vệ cuộc sống yên vui của cộng đồng.

3. Việc tổ chức sinh nhật ở nước ta trước đây cũng có những nét riêng và đó là chuyện thông thường. Nhưng đúng là thường chỉ các gia đình khá giả mới tổ chức sinh nhật. Không như ngày nay năm nào cũng tổ chức cho từng thành viên, người ta chỉ mừng sinh nhật ông bà, cha mẹ hoặc người cao tuổi nhất trong nhà chứ không mừng tràn lan cho mọi người. Người Dao ở phía Bắc có tục lệ tổ chức cho người từ 60 tuổi trở lên gọi là sèng nhật. Năm đầu tiên họ mời đông khách nhất gồm họ hàng và hàng xóm láng giềng. Những năm tiếp theo, nếu không có điều kiện thì không mời khách, nhưng vẫn làm cỗ trong gia đình để các cụ được vui.

Còn nhìn chung, đến tuổi cao niên người ta thường tổ chức lễ mừng thọ. Phải 60, 70 tuổi mới là tuổi thọ. 80 tuổi là thượng thọ, 90 đến 100 tuổi là đại thọ. (Tuy vậy, cũng có người 40 tuổi cũng mừng thọ như vua Khải Định trước đây gọi là Tứ tuần đại khánh!).

Người Việt Nam đặc biệt kính trọng những người cao tuổi. Triều đình trọng tác, hương đảng trọng xỉ (ở triều đình phân biệt theo chức tước, ở làng quê người già rụng răng là bậc bề trên). Nhà thơ Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) làm quan đến chức Tổng đốc khi về làng vẫn đến quỳ lạy cụ già 80 tuổi không có chức tước gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất giữ phép trọng lão. Một dịp gặp các cụ ở đền Ngọc Sơn, Bác Hồ nói với cụ thân sinh Bộ trưởng Vũ Đình Hòe: “Cụ hơn tôi một giáp, cụ là bậc anh, tôi xin mời cụ ngồi trên”. Lễ mừng thọ chủ yếu là để con cháu mừng bố mẹ, những người trong họ mừng người cao tuổi của họ mình. Ngày nay mở rộng, các hội như hội đồng hương, mặt trận, cơ quan... hàng năm cũng tổ chức mừng tập thể cho các cụ ông cụ bà cao niên từ tuổi 70 trở lên. Đó cũng là một cách tri ân đối với người cao tuổi nhiều đóng góp.

Có một hình thức lễ mừng thọ nữa là lễ tế sóng bố mẹ. Xưa những nhà có điều kiện kinh tế hoặc nhà quan có thể tổ chức lễ này. Người được mừng ngồi trên sập cao, uy nghi như tượng thần, mặc áo đỏ, quần đỏ. Người đứng tế là con trưởng đọc văn tế, các thành viên trong gia đình, họ mạc theo thứ tự đến vái. Lễ này không quy định ngày tháng, cũng không bắt buộc mà tùy theo hoàn cảnh của gia đình.

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt có những tập tục riêng, bản thân phải tôn trọng và cũng muốn người khác phải tôn trọng. Người Việt rất tôn trọng tổ tiên, kính mộ người đã khuất, biết ơn những bậc tiền nhân đã hy sinh bảo vệ đất nước, quê hương, biết ơn những người khai mở làng xóm, dạy nghề, dạy việc. Tổ chức lễ giỗ những đấng bậc này và giữ gìn tục lệ đó theo ý nghĩa trong sáng của nó là điều không có gì phải bàn cãi. Với người đang sống, từ lúc chào đời đến ngày lên lão, người Việt luôn luôn quan tâm theo dõi từng chặng đường phát triển của các thành viên. Ở mỗi chặng trưởng thành của con người, dân ta luôn biểu lộ những niềm vui, niềm tin vào các thành viên cộng đồng. Việc tổ chức những lễ mừng như đầy cữ, đầy tháng, đầy năm, thành đinh, sinh nhật, mừng thọ... là cách tổ chức sinh nhật độc đáo của người Việt. Người Việt bày tỏ tình yêu, gửi gắm ước mơ của mình đối với người thân của mình qua những lễ tục giản dị nhưng sâu xa như thế.

hoàng khôi
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.