Ngày 30.4 và khát vọng hùng cường của một dân tộc

Nguyễn Năng Lực |

Ngày 7.4.1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký bức điện khẩn: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng...”. Bức điện như lời hịch, động viên bộ đội quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

1 - Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, cả miền Nam sôi động theo bước chân thần tốc của đoàn quân giải phóng. Lần lượt các thành phố lớn từ Tây Nguyên xuống Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết... tung bay cờ giải phóng.

Ngày 21.4.1975, Quân Giải phóng chọc thủng "cánh cửa thép" Xuân Lộc của địch, giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu "đào nhiệm", tuyên bố từ chức và hai ngày sau đã trốn chạy khỏi Sài Gòn. Ngày 23.4.1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”.

Ngày 26.4, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn với 5 cánh quân tiến về Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất bị pháo kích dữ dội, một nửa số máy bay trúng đạn.

17h05 ngày 28.4.1975, "Phi đội Quyết thắng" gồm 5 máy bay A-37 do phi công của Quân Giải phóng điều khiển, mỗi chiếc mang 4 quả bom loại 250 cân Anh không kích sân bay Tân Sơn Nhất, khiến đối phương hoảng loạn, cuộc tháo chạy càng khẩn trương hơn.

Trong các ngày 28, 29 tháng 4, Thủy quân Lục chiến Mỹ triển khai Chiến dịch "Gió lốc", dùng trực thăng di tản người nước ngoài và một số người Việt đã từng cộng tác chặt chẽ với họ ra Hạm đội 7 ngoài khơi. Đại sứ Graham Martin là một trong những người Mỹ cuối cùng ra đi. Trong số 120.000 người Việt và 20.000 người Mỹ được di tản trong đợt này, không có người nào thiệt mạng do hoạt động quân sự của Quân Giải phóng.

Quân Giải phóng dừng lại bên ngoài thành phố một ngày để cho người Mỹ di tản. Theo lời tướng Trần Văn Trà, cánh quân của ông đã đợi vì mục đích chính là để giải phóng Sài Gòn chứ không phải để giết người Mỹ và sỉ nhục họ.

Ngày 29.4, Đài Phát thanh Sài Gòn phát Bản tin thời sự cuối cùng dài 10 phút 04 giây, tổng kết tình hình chiến sự miền Nam từ ngày 17.3. Câu cuối cùng của bản tin là "Đài Phát thanh Mặt trận Giải phóng đòi chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng".

9 giờ sáng ngày 30.4, Tổng thống Dương Văn Minh và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa lên Đài phát thanh, hạ lệnh đơn phương ngừng chiến, sẵn sàng đón quân đối phương: "Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng vì chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào".

9h30, hai chiến sĩ Đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp Quân sự 2 bên Trung ương là Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn kéo cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhiều chiến sĩ giải phóng ngã xuống trước giờ toàn thắng. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 xe tăng Ngô Quang Nhỡ chỉ huy xe tăng 912 trúng đạn bắn thẳng của địch, hi sinh gần cầu Rạch Chiếc. 9h30, hai chiếc T54 đi đầu bị bắn cháy gần cầu Sài Gòn trên đường tiến vào Dinh Độc Lập, hai chiếc khác bị hỏng lao xuống vệ đường.

2 - 11h30 trưa 30.4, xe tăng số hiệu 390 của Lữ đoàn 203 Tăng - Thiết giáp Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Trung úy xe tăng Bùi Quang Thận kéo cờ giải phóng trên nóc Dinh. Nội các của Chính quyền Sài Gòn bị bắt, đưa sang Đài Phát thanh. Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thảo văn kiện đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh, thay mặt Nội các Chính quyền Sài Gòn đọc, tuyên bố đầu hàng: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố Chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam". Tiếp theo, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu kêu gọi: "Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi - Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng - kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chánh quyền cách mạng”.

Ngay sau đó Trung tá, Chính ủy Bùi Văn Tùng, người soạn thảo tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, tuyên bố: "Chúng tôi đại diện lực lượng Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố: Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn”.

Ca khúc “Nối vòng tay lớn” của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chính ông trình bày là ca khúc đầu tiên được phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng.

Cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm chấm dứt, non sông thu về một mối. Trong cuộc chiến tranh này, 58.200 lính Mỹ tử trận và chết vì lý do khác. Hơn 304.000 lính Mỹ bị thương, trong đó 153.303 bị thương nặng hoặc tàn phế.

Ngày 2.5, Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định tổ chức gặp mặt các nhà báo, các nhân sĩ thuộc Lực lượng thứ Ba tại Hội trường Dinh Độc Lập. Trước đông đảo các nhà báo trong nước và quốc tế, Ủy ban Quân quản công bố quyết định trả tự do cho các ông Dương Văn Minh (Tổng thống), Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng), Nguyễn Văn Hảo (Phó Thủ tướng). Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định Cao Đăng Chiếm phát biểu: “...Nhân dân Việt Nam chúng ta đã trải qua cuộc đấu tranh anh dũng và khốc liệt, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh để giành thắng lợi vĩ đại và vô cùng to lớn từ xưa đến nay. Thi hành chính sách của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, Chính phủ mong rằng trong tình hình mới, chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực xây dựng lại Tổ quốc của chúng ta, làm cho nhân dân chúng ta giàu mạnh, Tổ quốc của chúng ta hùng cường. Do đó, chúng tôi mong rằng mỗi người Việt Nam chúng ta đều tùy theo khả năng của mình, góp công sức vào việc xây dựng Tổ quốc của chúng ta. Bữa nay, thi hành lệnh của cấp trên, các anh được tự do về với gia đình. Chúng tôi sẽ tổ chức đưa các anh về đến nơi đến chốn...”.

Ông Dương Văn Minh xúc động đáp lời: "Ngày hôm nay, đại diện cho các anh có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ Cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập...".

Tại cuộc mít tinh mừng Đại thắng tại Hà Nội ngày 15.5.1975, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đánh giá, đây là "...thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh yêu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta... Chúng ta chào mừng kỷ nguyên mới trong lịch sử 4.000 năm của dân tộc: Kỷ nguyên phát triển rực rỡ của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh...".

Nữ biệt động dẫn đường cho quân giải phóng tiến đánh Sài Gòn. Ảnh tư liệu của Ngọc Đản - Việt Nam Thông tấn xã.
Nữ biệt động dẫn đường cho quân giải phóng tiến đánh Sài Gòn. Ảnh của tác giả Ngọc Đản.

3 - Ngay trong tháng 4.1975 và những năm sau đó, đã có hàng triệu người Việt, vì những lý do khác nhau, rời bỏ đất nước, xứ sở, ra đi. Họ là những thuyền nhân, ra đi vì sợ một cuộc trả thù. Vào thập niên 80, 90 thế kỷ trước, nhiều người lao động xuất khẩu, hết thời hạn đã tìm cách ở lại, bươn chải mưu sinh. Dù ở xứ sở nào, họ - "những mảnh Rồng" - trừ một số từng gắn bó với chế độ cũ còn ôm hận thất bại, cũng đau đáu hướng về quê hương, mong được xóa bỏ ngăn cách, góp sức mình xây dựng một nước Việt Nam hùng cường. Với một thực trạng đất nước ngày càng phát triển, những định kiến từ ý thức hệ đã ngày càng được giải tỏa. Ngày 30.4.2005, cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ trong chuyến về thăm quê hương đã phát biểu trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, bày tỏ "thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi người công dân Việt" mà "những người anh em phía bên kia (tức Quân Giải phóng) đã làm được". Tháng 4.2014, đoàn kiều bào từ Mỹ, trong đó có những cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa từng quyết liệt chống cộng, về quê hương, được tổ chức đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1 trong chuyến hải trình 10 ngày, đã đồng tình với lời nói chân thành của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: "Bỏ qua thôi, gần 40 năm rồi". Bỏ qua hận thù, chia rẽ trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc.

4 - Ngày 30.4.1975, nước Việt Nam thống nhất, hòa bình trong những cảm xúc khó tả của nhà cầm quyền Mỹ. Ngay lập tức, Chính quyền Hoa Kỳ tuyên bố lệnh cấm vận với đất nước Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, trên mình còn đầy thương tích với bộn bề khó khăn chồng chất. Ngay sau đó, Tập đoàn Kh'mer Đỏ Pol Pot-Ieng Sary gây ra nạn diệt chủng trong nước Campuchia. Trong thời gian cầm quyền 3 năm 8 tháng 20 ngày (1975-1979), Kh'mer Đỏ đã giết hại hơn 2 triệu người dân Campuchia (tương đương 25% dân số đất nước), đồng thời phát động cuộc chiến tranh đẫm máu trên tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam, giết hại nhân dân vùng biên. Tháng 2.1979, Nhà cầm quyền Trung Quốc đưa 60 vạn quân xâm lược tràn vào lãnh thổ Việt Nam trên biên giới 6 tỉnh phía Bắc. Cuộc chiến tranh xâm lược này kéo dài đến năm 1988 mới tạm chấm dứt. Nhân dân của đất nước Việt Nam thống nhất đã đánh bại cả hai cuộc chiến tranh xâm lược.

Trong hơn 10 năm sau ngày thống nhất, nền kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng với chiến lược phát triển kinh tế dựa trên cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp. Nền kinh tế chỉ dựa vào hai thành phần quốc doanh và tập thể, kinh tế tư nhân không được phát triển, thị trường không được công nhận... đã làm thui chột động lực tăng trưởng. Giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng nhất là các năm 1983, 1984, 1985. Lạm phát bị đẩy lên mức 700 - 800%, tem phiếu phân phối thiếu thốn, người dân không đủ lương thực... Kinh tế đất nước gần như kiệt quệ.

5 - Kể từ sau ngày đất nước thống nhất, qua 8 kỳ Đại hội Đảng, Việt Nam từng bước đổi mới, đã 3 lần chuyển mình vươn lên, từ một quốc gia thuộc nhóm kém phát triển, thu nhập thấp nhất thế giới, gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với mục tiêu đến năm 2045 cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước đại dịch, Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng GDP khá ngoạn mục, trên dưới 7%/năm. Trong khi cả thế giới lao đao trong đại dịch COVID-19, nhiều nền kinh tế lớn suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm, kinh tế Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2020 với mức tăng trưởng xấp xỉ 3%. WB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ đạt 6,7%. Năm 1995, Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ đã sớm có mặt tại xứ sở đã trở thành định mệnh của họ. Tính đến cuối năm 2020, Hoa Kỳ có hơn 1.000 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9,4 tỉ USD, song con số thực có thể lên tới 14 - 15 tỉ USD. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao. Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Với chính sách của Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, mặc dù còn dè dặt, Việt kiều đã bắt đầu rót vốn về quê hương. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10-2020, người Việt Nam từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài đã đầu tư về quê hương. Nhiều người Việt ở nước ngoài thành đạt trong các lĩnh vực khoa học, chính trị, kinh tế... đã thiết thực góp sức xây dựng quê hương.

Trong nước, nhiều doanh nhân người Việt thành công trên thương trường, có 6 người trở thành tỉ phú USD. Nhiều sản phẩm made in Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỉ USD là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Quý I/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 154,01 tỉ USD, tăng 25,2% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 78,40 tỉ USD, tăng 23,7%, tương ứng tăng 15,01 tỉ USD và nhập khẩu đạt 75,61 tỉ USD, tăng 26,8%, tương ứng tăng 15,98 tỉ USD...

6 - Để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh, Đảng và Nhà nước đang thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, đánh giá rõ hơn vai trò của kinh tế tư nhân, tận dụng cách mạng công nghệ 4.0, xây dựng thể chế trong sạch, hiệu quả, chống tham nhũng, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả...

Lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết. Xây dựng Tổ quốc hùng cường là trách nhiệm lịch sử của mỗi người Việt Nam trên cơ sở Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguyễn Năng Lực
TIN LIÊN QUAN

Một chiến thắng vĩ đại và lập lại bản đồ một mối giang sơn

đỗ trung lai |

Trước khi Bác Hồ ra đi gần 8 tháng, ngày 25.1.1969, phiên họp toàn thể, chính thức đầu tiên của “Hội nghị bốn bên về Việt Nam” đã nhóm họp tại Paris.

Bình gốm "độc bản" kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam của vua đồ cổ

Anh Tú |

Dân chơi đồ cổ có lẽ không ai không biết đến cái tên Đinh Công Tường. Tiếng tăm của ông thậm chí đã đạt tới tầm châu lục khi sở hữu hơn 100.000 món cổ vật bằng gốm. Trong đó, chiếc bình gốm "độc bản" nhân kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.1985) với hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập được anh trân quý như một báu vật.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những đóng góp của Hà Nội

HẠNH LƯƠNG-ANH THƯ |

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Báo Lao Động có cuộc phỏng vấn Đại tá Trần Nam Chuân-nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng).

Du khách hào hứng khám phá quy trình làm hồng treo gió Đà Lạt

Hữu Long |

Để cho ra những trái hồng treo gió thơm ngon, chủ vườn ở Đà Lạt phải tuyển chọn nguyên liệu kỹ càng. Những trái hồng khi được trao đến du khách không chỉ đại diện cho tinh hoa đất trời mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách của người Đà Lạt.

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Một chiến thắng vĩ đại và lập lại bản đồ một mối giang sơn

đỗ trung lai |

Trước khi Bác Hồ ra đi gần 8 tháng, ngày 25.1.1969, phiên họp toàn thể, chính thức đầu tiên của “Hội nghị bốn bên về Việt Nam” đã nhóm họp tại Paris.

Bình gốm "độc bản" kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam của vua đồ cổ

Anh Tú |

Dân chơi đồ cổ có lẽ không ai không biết đến cái tên Đinh Công Tường. Tiếng tăm của ông thậm chí đã đạt tới tầm châu lục khi sở hữu hơn 100.000 món cổ vật bằng gốm. Trong đó, chiếc bình gốm "độc bản" nhân kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.1985) với hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập được anh trân quý như một báu vật.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những đóng góp của Hà Nội

HẠNH LƯƠNG-ANH THƯ |

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Báo Lao Động có cuộc phỏng vấn Đại tá Trần Nam Chuân-nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng).