Những con số biết nói
Trên thế giới, ước tính có 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân bị xâm hại, gần một tỉ trẻ em thường xuyên phải chịu hình phạt thể chất. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, dù có rất nhiều nỗ lực phòng chống bạo lực trẻ em, nhưng đây vẫn là khu vực có tỉ lệ trẻ bị bạo lực và xâm hại cao, với khoảng trên 60% trẻ em từ 2 đến 17 tuổi đã trải qua ít nhất một dạng bạo lực.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được hỗ trợ, can thiệp. “Tính chất của các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình và trường học do nhiều đối tượng gây ra. Trong đó, thật đáng buồn phần lớn là người thân trong gia đình, giáo viên, bạn bè trong trường học”, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH phát biểu trong một sự kiện mới đây.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu từ năm 2016 của Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cho thấy, có 17% trẻ bị cha mẹ đánh hoặc mắng khi mắc lỗi, trong đó 2,5% trẻ bị cha mẹ trừng phạt một cách rất vô lý. Trong học đường, có 26,3% học sinh bị thầy cô trừng phạt ở các hình thức khác nhau như cốc đầu, véo tai, phơi nắng..., thông tin do PGS.TS Trần Thu Hương - Chuyên gia tâm lý, Giảng viên ĐH KHXH&NV Hà Nội cung cấp gần đây.
Cũng theo bà Trần Thu Hương, một nghiên cứu khác cho thấy gần 44% trẻ em ở Việt Nam từ 2 - 14 tuổi bị bạo hành kèm theo một số hình thức trừng phạt về tinh thần do cha mẹ, người chăm sóc hoặc các thành viên trong gia đình đưa ra. Tỉ lệ này xảy ra ở nông thôn, trong các các gia đình thiểu số, bố mẹ có trình độ văn hóa thấp.
“Những con số trên cho thấy, trên thực tế, bạo lực trẻ em không phải bây giờ mới có. Nó gắn liền với hành vi bạo lực gây hấn, nhằm đe dọa người khác như một hành vi bản năng của con người nhằm bảo vệ bản thân và đe dọa người khác”, PGS.TS Trần Thu Hương nhận định.
Những hệ lụy “thay đổi cả cuộc đời một con người”
Các chuyên gia tâm lý cho biết, việc bạo hành để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, thậm chí “có thể làm thay đổi cả cuộc đời một con người”. Nếu như sự đau đớn thể xác trôi qua rất nhanh, thì nỗi đau tinh thần đối với những đứa trẻ là nạn nhân của hành vi bạo lực thân thể tác động rất lâu dài. Những trẻ em từng là nạn nhân của hành vi bạo lực thân thể thường trở nên tự ti, cô lập với tất cả mọi người, đánh giá thấp hay tự chỉ trích bản thân, rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm…
Một nữ thanh niên từng là nạn nhân của bạo lực thân thể trong gia đình và trường học rớt nước mắt khi nhắc lại những ký ức đau buồn của mình trong một đoạn phim tài liệu ngắn. Cô nói: “Ngày xưa em luôn đổ lỗi cho bố em là một phần khiến cho em bị trầm cảm 7 năm. Mãi tới năm nay em mới có thể kiểm soát được việc đó nhưng trong tâm trí của em luôn là trạng thái hận thù nhiều hơn”.
Nguy hại hơn, nhiều nạn nhân bị bạo hành dẫn tới hành vi lệch chuẩn như: Gây hấn với bạn bè, người xung quanh, đánh nhau, trộm cắp... Đặc biệt, những trẻ em này đối diện với nguy cơ tự sát rất cao.
Không chỉ tác động tới hành vi của trẻ em, bạo lực trong gia đình cũng tạo nên khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. “Lần bị đánh đấy đến bây giờ vẫn nhớ, không bao giờ nó quên lần bị đánh đó. Nó chán ghét bố mẹ thật. Nó gần như là tự kỷ ấy”, một bà mẹ đau xót thừa nhận về cậu con trai của mình.
Bên cạnh đó, việc bị bạo hành thân thể cũng khiến hệ tuần hoàn, hô hấp, bài tiết, miễn dịch... của trẻ bị suy giảm chức năng hoạt động. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu đời, việc bị bạo hành, xâm hại để lại những tổn hại hết sức nghiêm trọng nhất là tới trí não trẻ. “Các chuyên gia trên thế giới đã so sánh và chỉ ra, trẻ bị xâm hại, đánh đập thì thùy trước não bộ phát triển bé hơn trẻ sống ở môi trường lành mạnh, chất lượng tương tác tế bào thần kinh cũng nhỏ hơn. Vấn đề bạo hành vì thế là rất nghiêm trọng”, bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết.
Theo bà Loan, nghiên cứu gần đây của UNICEF ở 14 nước khu vực Châu Á và Thái Bình Dương cho thấy rằng bạo hành trẻ em gây hệ lụy rất lớn cho xã hội và gây tổn thất lên tới 209 tỉ USD, tương đương 2% GDP của các quốc gia trong khu vực.
“Cần bạn, cần tôi, cần tất cả chúng ta”
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á, nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào. Thực hiện cam kết về bảo vệ trẻ em, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong xây dựng khung pháp lý, chính sách phù hợp để bảo đảm mọi trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh như: Luật Trẻ em 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em... Đặc biệt, tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em đang chuẩn bị được vận hành.
“Bạo lực thân thể trẻ em là vấn đề không thể được giải quyết bởi bất kỳ một tổ chức hay cá nhân đơn lẻ nào, mà cần sự chung sức của tất cả mọi người”, ông Warren Climenhaga - Giám đốc Chương trình khu vực Đông Á, tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế nói.
Hiện đã làm bà, làm mẹ, bà Hằng (Quảng Xương, Thanh Hóa) vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn, uất nghẹn khi bị mẹ đổ cả nồi canh cá khoai vào người năm học lớp 5. “Thay vì đánh roi với mong muốn để con tiến bộ, chúng ta nên mở rộng lòng yêu thương. Nuôi dạy con cái bằng tình yêu thương của của cha mẹ vẫn luôn tốt hơn”, bà chia sẻ.
Bé Lương Thị Quỳnh - Đại sứ Trẻ em của Sáng kiến về “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” cũng cho biết: “Cháu mong muốn cha mẹ sẽ dùng lời lẽ để khuyên giải, động viên, khích lệ hơn là dùng đòn roi để dạy bảo con cái”.
“Cần phải thay đổi từ gia đình, nhà trường đến xã hội và đặc biệt người lớn cần phải thay đổi tư duy thì mới có thể giải quyết được vấn đề bạo hành thân thể trẻ em”, ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á, nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em mà không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào. Thực hiện cam kết về bảo vệ trẻ em, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong xây dựng khung pháp lý, chính sách phù hợp để bảo đảm mọi trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh như: Luật Trẻ em 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em... Đặc biệt, tổng đài điện thoại quốc gia về trẻ em đang chuẩn bị được vận hành.