Ngân hàng và kịch bản buồn mang tên virus

Cẩm Hà - Lam Duy |

Mức tăng trưởng tín dụng thấp trong 2 tháng đầu năm và con số gần 1 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng chưa phải là những thống kê cuối cùng mang nhiều sắc tối về hoạt động của ngành ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng. Ở một kịch bản buồn hơn, bức tranh nợ xấu và lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ có nhiều biến động trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài đến hết quý II/2020.

Từ việc cho vay chững lại

Dù bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ và sự ngưng trệ sản xuất kinh doanh thông lệ trong dịp Tết Nguyên đán, con số tăng trưởng tín dụng chỉ đạt vỏn vẹn 0,06% trong 2 tháng đầu năm 2020 theo dữ liệu nguồn từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ 2019 vẫn gây nhiều chú ý và phần nào cho thấy nhu cầu vay mượn vốn của người dân và các doanh nghiệp đang giảm sút rõ rệt.

Ở khía cạnh khác, theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, mức tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm còn cho thấy thực tế các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Con số gần 16.200 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 2 tháng đầu năm 2020, tương đương mức tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước mà Tổng cục Thống kê công bố mới đây chỉ ra rõ hơn tình hình khó khăn ở các doanh nghiệp.

Hoạt động cho vay giảm sút được nhìn nhận là kịch bản ảnh hưởng đầu tiên mà ngành ngân hàng có thể gánh chịu trước tác động của dịch bệnh COVID-19 và thực tế được dự báo từ khá sớm. TS Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV trong báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế sớm nhận định, ảnh hưởng của dịch bệnh đến hệ thống ngân hàng sẽ chủ yếu thông qua tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khách hàng cũng như bản thân ngân hàng.

Ở khía cạnh cho vay, nhóm tác giả nhìn nhận ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu tín dụng giảm, do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II/2020. Và điều này sẽ tác động đến kết quả cho vay tại từng ngân hàng.

Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng là cơ sở để chứng khoán MBKE đưa ra dự báo rằng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ duy trì mức tăng thấp trong nửa đầu năm 2020. Báo cáo triển vọng ngân hàng năm 2020 của chứng khoán BSC cũng cho rằng, cộng thêm mảng cho vay xây dựng, mua nhà được dự báo chậm lại trong năm, tăng trưởng tín dụng chung trong năm 2020 dự báo sẽ chậm lại do nền kinh tế giảm tốc và nhu cầu vay vốn dài hạn cũng giảm lại.

Tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong năm nay theo đó có thể sẽ chỉ đạt mức tăng khoảng 12,5%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 13,5% của cả năm 2019. Thậm chí, trong một kịch bản tiêu cực hơn khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thay vì được kiểm soát vào cuối tháng 4.2020, tăng trưởng tín dụng được nhiều chuyên gia tài chính nhận định khó có thể đạt mức tăng 12-12,5% do tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lúc này là khó có thể đong đếm được.

Đến áp lực nợ xấu đè nặng

Chỉ tính đến đầu tháng 3.2020 theo số liệu thống kê của NHNN, báo cáo của 23 tổ chức tín dụng cho thấy có tới 926 nghìn tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 ngân hàng và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Trong số này, rất nhiều ngành có khả năng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh như nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch và giáo dục.

Con số dư nợ cho vay bị ảnh hưởng có thể còn tiếp tục tăng lên nếu cập nhật thêm các dữ liệu từ tổng số 49 ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn cả nước. Chưa kể các dữ liệu từ 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và hàng chục công ty tài chính khác theo danh sách thống kê đến cuối năm 2019 của NHNN. “Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn và từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu tại các ngân hàng” - ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, bày tỏ lo ngại.

Theo số liệu được Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) công bố, đến cuối tháng 12.2019, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng duy trì ở mức 1,89%, tương đương con số của năm 2018 và giảm mạnh so với con số 1,99% của năm 2017. Báo cáo tài chính năm 2019 được 22 ngân hàng công bố vào đầu năm nay cũng cho thấy, ngoài một số nhỏ ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng so với năm trước, 17/22 ngân hàng ghi nhận kết quả tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh trong năm 2019.

Bước sang các tháng đầu năm 2020 và với sức ảnh hưởng ngày càng lan rộng của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất của người vay vốn, bảng phân loại chất lượng cho vay của các ngân hàng có thể sẽ chứng kiến nhiều biến động mạnh. TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV sớm nhận thấy việc các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng trả nợ ngân hàng và điều này tiềm ẩn nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng.

TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính) cũng thẳng thắn khi nhận định rằng tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhiều ngành, nghề đang gặp khó khăn như hiện nay chắc chắn tác động khả năng trả nợ của khách hàng, nguy cơ nợ xấu tăng trở lại là rõ rệt. “Cho dù các ngân hàng có cố gắng bằng nhiều giải pháp xử lý, tôi nghĩ chắc cũng chỉ duy trì được tỉ lệ nợ xấu như hiện tại. Việc đưa về mục tiêu nợ xấu nội, ngoại bảng và bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC về mức 3% đặt ra tại Đề án 1058 của NHNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Dĩ nhiên, còn tùy thuộc vào từng ngân hàng nhưng tôi nghĩ đây cũng là áp lực đối với nhiều ngân hàng” - TS Nguyễn Đức Độ đánh giá.

Và cơ hội kiểm soát chất lượng cho vay

Với nhiều dự báo kém lạc quan trên đây, thông tin về việc các ngân hàng sẽ tung ra các gói tín dụng có quy mô lên tới 285.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh được thị trường hồ hởi đón nhận. Song ngoài mức lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5% đến 2% so với mặt bằng lãi suất phổ biến, các gói tín dụng này hoàn toàn do các ngân hàng triển khai nên việc quyết định cho vay hay không hoàn toàn tùy thuộc vào thẩm định của ngân hàng và khả năng đáp ứng điều kiện vay của doanh nghiệp.

Đặt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ chỉ ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chứng khoán MBKE cho rằng việc NHNN chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thấp hơn lại là cơ hội để các ngân hàng lựa chọn khách hàng và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.

Với hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu được đặt ra thấp cho các ngân hàng này (đa số là ngân hàng lớn và mạnh), MBKE nhìn nhận điều này có nghĩa là hạn mức cho các ngân hàng nhỏ hơn có thể sẽ còn thấp hơn. Cùng với thanh khoản hiện dư thừa, hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn sẽ giúp giảm mức độ cạnh tranh về tăng huy động giữa các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và do đó sẽ góp phần ổn định, thậm chí có thể giảm lãi suất tiền gửi, mở ra lộ trình cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa với hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn, các ngân hàng sẽ cần phải lựa chọn ngành hàng, khách hàng tốt hơn để cho vay và điều này sẽ giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng tài sản.

Cẩm Hà - Lam Duy
TIN LIÊN QUAN

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).