Năm Chuột nói chuyện Chuột: Khi loài chuột sánh ngang với thánh thần

hương giang |

Hình ảnh con chuột, nhất là những loại chuột sống ở đô thị, thường bị gắn với những đặc điểm xấu và gây cảm giác kinh hãi mỗi khi người ta nhắc tới. Vì thế, việc chuột được thờ cúng như các vật thiêng, các vị thần là điều ít ai có thể hình dung ra. Tuy nhiên, thờ cúng chuột và đưa chuột lên hàng thần thánh không phải là chuyện hiếm trên thế giới.

Những tín ngưỡng từ xa xưa

Chuột xuất hiện rất sớm trong lịch sử nhân loại, cùng với hoạt động mở rộng các khu định cư của loài người. Nơi đâu con người sinh sống, trồng trọt mùa màng, tích trữ lương thực, chuột đều xuất hiện. Chuột, cùng nhiều động vật phá hoại khác như châu chấu, có khả năng đe dọa tới an ninh lương thực của người cổ - vốn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thời kỳ nông nghiệp vẫn là hoạt động kinh tế chủ đạo. Vì thế, chúng được thần thánh hóa từ khá sớm, ban đầu với mong muốn thể hiện sự tôn kính sẽ khiến chuột không phá hoại mùa màng.

Ninkilim là vị thần được nhắc tới nhiều tại vùng Lưỡng Hà, trong giai đoạn từ thời nền văn minh Sumer cho tới cuối nền văn minh Babylon (khoảng từ các năm 2.000 - 539 trước CN). Thần có nhiều tôi tớ là các động vật hoang dã, bao gồm loài gặm nhấm. Tên của thần, Ninkilim, rất thú vị khi mang nghĩa "Chúa tể loài chuột".

Thần Daikoku với bạn đồng hành là một con chuột trắng.
Thần Daikoku với bạn đồng hành là một con chuột trắng.
Thần Daikoku với bạn đồng hành là một con chuột trắng.
Thần Daikoku với bạn đồng hành là một con chuột trắng.

Ninkilim được mô tả bằng ngôn ngữ Sumer là người điều khiển "các sinh vật sống bầy đàn". Còn theo các mô tả bằng tiếng Akkadian của Đế quốc Akkad, thần là "chỉ huy tối cao của các loại động vật hoang dã" và được nhắc tới trong nhiều loại bùa chú chống động vật phá hoại, như bùa Zu-buru-dabbeda.

Trong danh sách các vị thần tối cao, Ninkilim được mô tả với hình tượng nữ nhân. Sách hướng dẫn làm nông đầu tiên của thế giới dưới thời Sumer, được viết trên chất liệu phiến đất sét, khuyên người nông dân nên thờ cúng Ninkilim, để nữ thần ngăn không cho giống chuột với hàm răng sắc nhọn phá hoại mùa màng, giúp nông dân có vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, tại một số bùa chú chống động vật có hại từ thời Sumer cho tới nhiều giai đoạn về sau, thần Nikilim lại được mô tả là nam nhân.

Trong nhiều bùa chú cổ hơn từ thời Tảo Vương quốc (khoảng năm 3.100 TCN), người ta có nhắc tới một nữ thần khác tên Ningirim (hoặc Ningirimma). Nhân vật này được xem như thần bảo trợ phép thuật và nhiều bùa chú trong giai đoạn này luôn kết thúc với câu: Đây là bùa phép của thần Ningirim. Câu này giống như một dạng thừa nhận vai trò của thần Ningirim và người ta viết nó để gắn lá bùa với sức mạnh thần thánh. Ningirim dường như giảm tầm quan trọng vào cuối thiên niên kỷ thứ ba, tức khoảng năm 2.000 TCN và được nhắc tới thưa dần. Vì thế, một số học giả cho rằng Ninkilim là vị thần kế tục của Ningirim, do lối viết hai cái tên này trên một số loại bùa chú có những nét tương đồng.

Thời Hy Lạp cổ đại, chuột lại được gắn với hình tượng của Apollo, một trong những vị thần lừng danh nhất. Du khách tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có thể ghé thăm phế tích của một ngôi đền từng dùng để thờ thần Apollo Smintheus hay "Apollo chúa tể của loài chuột" nằm tại làng Gülpınar ở bán đảo Biga.

Tại sao một trong những vị thần lớn trong thần thoại Hy Lạp lại gắn với chuột - manh mối duy nhất lại nằm trong... các vần thơ của Homer. Trong thiên anh hùng ca - sử thi Iliad, Homer đã sáng tác những dòng sau:

"Ông không nói một lời, chỉ đi thẳng ra bờ biển

Và cầu nguyện với Thần Apollo, đứa con của mẹ Leto vĩ đại

"Người có nghe thấy không", ông thốt lên, "hỡi vị thần của cây cung bạc".

Người đã bảo vệ Chryse cùng (thành phố) Cilla linh thiêng...

và (đảo) Tenedos bằng sức mạnh của mình. Hãy lắng nghe hỡi Sminthe.

Con xin nguyện phủ kín các vành nguyệt quế lên đền thờ của ngài.

Và cúng tế ngài bằng những con bò cùng dê béo, chỉ mong ngài lắng nghe mong ước của con

Rồi để những mũi tên của ngài bắn về Danaans, báo thù cho những giọt nước mắt của con".

Với những lời này, thầy tế Chryses chuyên thờ cúng Apollo đã cầu xin thần báo thù người Hy Lạp bởi Agamemnon - chỉ huy quân đội Hy Lạp - đã bắt cóc con gái ông là Chryseis. Apollo đã nghe lời cầu nguyện nên bắn mũi tên chứa bệnh dịch vào quân đội Hy Lạp và giúp Chryseis trở về đoàn tụ với cha. Vụ bắt cóc Chryseis đã trở thành nguồn cơn của cuộc đối đầu giữa Agamemnon và tráng sĩ Achilles.

Từ gây chú ý nhất trong đoạn thơ trên là biệt danh "Sminthe", được Chryses dùng để gọi Apollo. Người Hy Lạp cổ đại cho rằng từ trên không có nghĩa nên gắn nguồn gốc của nó với ngữ tộc Tiểu Á. Các nhà ngôn ngữ học hiện đại đồng tình với quan điểm này và cho rằng nó xuất phát từ ngôn ngữ Luvian.

Thật không may, tác phẩm anh hùng ca của Homer không có bất kỳ gợi ý nào về ý nghĩa của Sminthe. Vì thế, nhiều thần thoại sau này về Apollo đã cố giải thích biệt danh dựa vào bối cảnh đã được sử dụng trong anh hùng ca Iliad.

Do Apollo gây dịch bệnh lên quân đội Hy Lạp, thần đã được gắn với hình ảnh của con chuột, do đây là loài mang nhiều mầm bệnh lây lan vào thời cổ đại. Vì thế, Apollo - vị thần có thể gây ra và kết thúc một đại dịch - trở thành chúa tể của loài chuột.

Cũng có thần thoại nói Apollo từng gửi một đàn chuột tới Crinis, một trong những thầy tế chuyên thờ phụng mình, do không chuyên tâm với công việc. Khi thấy đàn chuột này, vị thầy tế lập tức ăn năn, hối cải và được Apollo tha tội. Thần sau đó đã phải dùng cây cung của mình để bắn chết đàn chuột.

Do Apollo là chúa tể loài chuột nên người Hy Lạp cổ tin thần có khả năng ngăn không cho chuột phá hoại mùa màng. Họ thường mang theo các đồng xu in hình chuột để bảo vệ bản thân chống lại quỷ dữ. Điều thú vị là do chuột có khả năng sinh sôi mạnh nên có những giai thoại đã gắn loài này với thần tình ái Aphrodite.

Tạo hình thần Ganesha và chuột Mooshika.
Tạo hình thần Ganesha và chuột Mooshika.
Tạo hình thần Ganesha và chuột Mooshika.
Tạo hình thần Ganesha và chuột Mooshika.
Tạo hình thần Ganesha và chuột Mooshika.

Bị gắn với nhiều giá trị tăm tối

Ở nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng khác nhau, chuột thường không đồng hành với những giá trị tốt đẹp. Cụ thể trong Do Thái giáo, chuột bị xem là một giống loài dơ bẩn. Sách của Isaiah, vốn được người theo Kitô và Do Thái giáo coi là một phần của kinh điển Kinh Thánh, nêu rõ những ai ăn thịt lợn "hoặc các sinh vật đáng kinh tởm như thịt chuột" sẽ đều bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, chuột vẫn được dùng làm ví dụ để răn dạy con người sống khôn ngoan hoặc theo đúng đạo lý. Giáo sĩ Avidani của người Kurd từng kể câu chuyện về một đồ tể sống ở ngôi làng nọ chuyên lén bán thịt của các động vật ô uế cho người khác ăn. Một ngày nọ vị đồ tể này đổ bệnh chết.

Theo truyền thống, ông ta sẽ được chôn trong một cái huyệt mới đào. Nhưng ngay khi quan tài vừa hạ xuống, một đàn chuột bỗng lao xuống lấp đầy huyệt mộ. Người ta phải kéo quan tài lên và đào cái huyệt thứ hai rồi thứ ba, nhưng đàn chuột vẫn không buông tha. Kể cả khi người ta dí lửa vào những con chuột, chúng cũng không hoảng sợ tháo chạy. Khi thấy mặt trời sắp lặn, vị giáo sĩ của ngôi làng buộc phải hạ lệnh thả quan tài xuống huyệt và lấp đất lên cả những con chuột. Nhưng khi người ta định thả đất xuống, đàn chuột đã kéo nhau bỏ chạy. Tất cả những người có mặt trong đám tang cùng nhau nhìn xuống huyệt và kinh ngạc khi thấy chuột đã ăn sạch những gì có ở dưới đó. Đây là sự trừng phạt kinh khủng nhất dành cho gã đồ tể vì hành vi gian dối của mình.

Người Do Thái có câu chuyện: Một con chuột mẹ bảo đàn chuột non ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Chuột mẹ dặn con rằng cẩn thận kẻo sa bẫy kẻ thù. Những con chuột non vừa rời khỏi ổ thì đối mặt với một con gà trống và con vật vừa liên tục cục tác vừa mổ chúng. Hoảng sợ, lũ chuột chạy vội về ổ để kể cho mẹ biết. "Đó không phải là kẻ thù của chúng ta" - chuột mẹ nói. "Ra ngoài kia kiếm ăn đi các con, cẩn thận với kẻ thù" - chuột mẹ tiếp tục động viên. Lũ chuột non rời ổ và chẳng mấy chốc chúng đụng phải một con chó. Con chó vừa sủa vừa đuổi theo khiến lũ chuột non lần nữa tháo chạy về ổ. "Đó không phải là kẻ thù của chúng ta" - chuột mẹ lại nói. "Đi kiếm ăn đi các con". Lần thứ ba rời ổ, đám chuột con nhìn thấy một người đàn ông đeo khăn quàng cổ ngồi gục đầu như đang cầu nguyện. Trông ông rất đỗi bình thản và không có gì đe dọa nên lũ chuột an tâm tiến lại gần. Kết quả là chúng bị người đàn ông kia vung gậy đánh chết hết. "Trời ơi", chuột mẹ kêu lên đau đớn. "Các con tôi đã không nhận ra kẻ thù thực sự là ai".

Người Đức cổ thì tin rằng phù thủy có khả năng tạo ra chuột từ các mảnh vải và sau đó gửi chúng đi phá hoại mùa màng, kho tàng của kẻ thù. Phù thủy cũng di chuyển ngoài đời dưới hình hài của loài chuột. Ý tưởng các đàn chuột xuất hiện tại nơi nào đó để thực hiện nhiệm vụ mà thần thánh hoặc phù thủy giao đã dẫn tới nhiều biến thể thần thoại về "tòa tháp chuột". Nổi tiếng nhất trong đó là câu chuyện về tòa tháp chuột của Giám mục Hatto. Ông này là một người giàu có và quyền lực nhờ đánh thuế rất nặng dân trong vùng. Hatto còn cho xây một tòa tháp canh trên sông Rhine và đưa lính bắn cung, tên lên đó để ép tàu thuyền đi ngang qua phải nộp thuế, nếu không sẽ bị tấn công.

Khi nạn đói xuất hiện, Hatto không tìm cách làm giảm gánh nặng cho dân mà còn tranh thủ làm giàu bằng cách tăng tích trữ và bán gạo ra với giá cao khủng khiếp. Giàu có và thừa thãi nhưng Hatto vẫn lo bị cướp của. Vì thế, một ngày nọ ông ta mời nhiều người nghèo tới kho thóc của mình để thết đãi một bữa no. Tất cả đều chờ được ăn sau thời gian dài đói lả, nhưng Hatto đã nhanh chóng nhốt họ vào trong kho thóc và nổi lửa đốt cháy nơi này. Đêm đó Hatto ngủ ngon, nhưng buổi sáng hôm sau ông ta thức dậy và thấy những con chuột đã ăn rụng bức chân dung của mình, khiến nó rơi khỏi khung. Trước khi kịp mặc đồ, Hatto phát hiện lũ chuột đã ăn sạch thóc được cất kỹ trong nhiều nhà kho và cả chục nghìn con đang lao tới chỗ ông ta. Hatto chạy trốn tới tòa tháp ông ta xây trên xông Rhine, nhưng lũ chuột kiên trì đuổi theo và ăn tươi nuốt sống ông ta.

Hình tượng tươi sáng ở phương Đông

Có một điều thú vị là người phương Đông có quan điểm khoan dung hơn với loài chuột so với các vùng đất khác. Ví dụ, Nhật Bản có thần thoại về Daikoku. Đây là một trong Thất phúc thần lừng danh của Nhật Bản. Vị thần này là hiện thân của thần Makahala hay thần Shiva đến từ Ấn Độ và du nhập tới Nhật từ thế kỷ thứ 9. Thần Daikoku tay phải cầm một cái túi, đứng trên bồ lúa, miệng luôn mỉm cười và ở bên cạnh thần luôn có sự hiện diện của những con chuột. Chuột, hoặc nezumi, được đề cao trong văn hóa Nhật Bản. Chúng không bị xem như mối đe dọa mà là biểu tượng của sự sinh sôi, dư thừa, giàu có.

Đạo Phật có một câu chuyện về nguồn gốc của 12 con giáp. Tương truyền, có một lần Đức Phật cho mời tất cả con vật trên thế giới tới dự tiệc chào năm mới. Lời mời đã được gửi đi với đầy thành ý, nhưng cuối cùng chỉ có 12 con vật tới dự tiệc. Cảm kích trước tấm lòng của 12 con vật, Đức Phật đã tặng cho chúng một món quà ý nghĩa. Theo đó, tên của chúng sẽ được đặt cho các năm trong âm lịch, theo thứ tự con nào đến trước sẽ đứng đầu. Những chú chuột bé nhỏ là khách đầu tiên tới dự tiệc nên được đặt tên cho năm đầu tiên, trong khi những con heo "chốt sổ". Người phương Đông dùng âm lịch còn tin những ai sinh vào năm của linh vật nào sẽ mang hầu hết những đặc tính cả tốt lẫn xấu của con vật đó.

Trong Hindu giáo ở Ấn Độ, có câu chuyện về thần Ganesha. Khi còn trẻ, thần từng chiến thắng một con quỷ tên Gajasura. Con quỷ này đại diện cho tất cả những thói xấu ngược với đức hạnh toàn vẹn của Ganesha và chiến thắng nó giống như một hành trình quá hải mà thần phải thực hiện. Trong quá trình chống Gajasura, Ganesha học cách hợp tác với những người khác và qua đó khai thác những tiềm năng ẩn giấu sâu trong bản thân. Sau khi đánh bại Gajasura, thần Ganesha đã thanh tẩy tâm hồn con quỷ này, đồng thời thu phục nó. Gajasura đã nguyện trở thành phương tiện chở Ganesha đi lại và nó tái sinh dưới hình dạng con chuột có tên Kroncha hoặc Mooshika.

Nhiều tranh vẽ hoặc tượng của Hindu giáo có hình Ganesha đang cưỡi chuột hoặc hình ảnh một con chuột nhỏ loanh quanh dưới chân thần. Hình ảnh này tượng trưng cho nỗ lực vượt khó trong cuộc sống. Mooshika đại diện cho những vấn đề đang khiến chúng ta mệt mỏi. Nhưng vấn đề rất nhỏ tới mức khó nhận thấy, nhưng luôn khiến chúng ta khó chịu. Tất cả đều giống những con chuột - những tên trộm bé xíu đang âm thầm gặm nhấm cảm giác sống chất lượng của chúng ta. Nhưng nếu nỗ lực vượt qua, mỗi người rồi sẽ có được sự thư thái và thoải mái như thần Ganesha sau khi đã giành được chiến thắng.

Ấn Độ cũng là quốc gia duy nhất có một đền thờ mà ở đó loài chuột được xem như vật thiêng: Đền thờ Karni Mata ở Deshnok. Karni Matalà một nữ hiền triết được tôn thờ trong Hindu giáo. Bà sinh ra trong giai cấp Charan và luôn cho rằng mình là hóa thân của nữ thần chiến tranh Durga. Bà được xem như thần chính thức của gia đình hoàng gia của Jodhpur và Bikaner và là người đã đặt nền móng cho việc xây dựng hai pháo đài quan trọng tại Rajputana (bang lớn nhất Ấn Độ ngày nay có tên Rajasthan).

Karni Mata đã có một cuộc sống khổ hạnh. Hầu hết những ngôi đền nơi bà trải qua cuộc sống tu hành đều thờ bà. Nhưng không nơi nào nổi tiếng như đền thờ ở Deshnok - còn được biết tới với tên Đền Chuột. Ngày nay, khách đến thăm đền sẽ không khỏi bất ngờ trước sự hiện diện của một lượng lớn chuột ở đây. Một số ước tính cho rằng, có tới 20.000 con chuột sống trong đền.

Vì sao chuột lại gắn với một vị thần được tôn kính như thế? Truyền thuyết nói rằng Laxman - con trai của Karni Mata - bị chết đuối trong một cái ao lúc đang định uống nước từ đây. Karni Mata van xin thần chết Yama hồi sinh con trai mình. Ban đầu, Yama khước từ, nhưng vì động lòng trước tình mẫu tử của Karni Mata nên đã thuận theo yêu cầu. Thần chết cho phép Laxman và tất cả con trai của Karni Mata được tái sinh trong hình hài của những con chuột.

Đây là lý do loài chuột được tự do sinh sống trong Đền Chuột. Trong số hàng nghìn con chuột đen, có vài con chuột trắng. Chúng được coi là những sinh vật đặc biệt linh thiêng, là hiện thân của Karni Mata và con cái bà. Ai nhìn thấy chúng được cho là sẽ gặp phước lành nên nhiều khách thăm đền hay mang thức ăn tới để thu hút chuột, đặc biệt là món prasad mà chúng ưa thích.

Chuột sống trong đền được cho ăn bằng những chậu sữa lớn và nhiều loại ngũ cốc khác nhau. Vì lẽ đó, chúng khá khỏe mạnh và dạn người. Người theo Hindu giáo tin rằng, việc được ăn thức ăn thừa do chuột để lại trong đền là một vinh hạnh lớn. Nếu để chuột chạy qua chân, họ sẽ gặp may mắn.

Trong nhiều nền văn hóa khác, chuột cũng được coi là sinh vật may mắn và khôn ngoan. Ví dụ, thần thoại thổ dân da dỏ ở Mỹ có những câu chuyện về Chuột phụ nữ (Haida) và Chuột chiến binh (Hopi), trong đó Haida là nhân vật thông thái, luôn sẵn lòng cung cấp những lời khuyên hữu ích cũng như giúp đỡ người khác. Còn với thổ dân Australia, chuột là một sinh vật thiêng. Người đi biển cổ xưa tin rằng, chuột có khả năng dự báo về một chuyến ra khơi thuận lợi hay không. Nếu chuột cùng nhau trốn khỏi một con thuyền trước khi nó ra khơi thì có nghĩa chuyến đi sẽ gặp vận đen và sẽ bị chìm xuống nước.

Những điều này cho thấy tín ngưỡng liên quan tới loài chuột trên thế giới hết sức thú vị, đặc sắc và đa dạng chứ không phải lúc nào cũng gắn với các giá trị tăm tối và xấu xa. Bởi trên thế giới này, mọi thứ tồn tại đều có lý do và ý nghĩa riêng - kể cả với loài động vật luôn tạo ra trong lòng chúng ta những cảm tình yêu ghét phức tạp như chuột.

hương giang
TIN LIÊN QUAN

Thấy bắn pháo hoa mới biết Tết về ở xóm Phao trên sông Hồng

Phạm Đông - Thái Hà |

Cuộc sống của người dân xóm Phao như tách biệt hoàn toàn với nhịp sống sôi động ở nội thành.  Khi pháo hoa rực sáng trong đêm giao thừa náo nhiệt giữa lòng TP.Hà Nội, người dân xóm Phao (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên)  mới biết  năm mới đã đến.

"Con giáp của tôi" đón chào Xuân Canh Tý 2020

T. H |

"Con giáp của tôi" do Hội quán Di sản cùng Tạp chí Xưa và Nay phối hợp tổ chức vừa khai mạc tại Hà Nội.

Hà Nội cấm 5 tuyến phố để tổ chức Chợ hoa Xuân 2020

Minh Hạnh |

Uỷ ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về việc tổ chức giao thông và bố trí điểm giao thông tĩnh phục vụ Chợ hoa Xuân Tết Canh Tý 2020.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Thấy bắn pháo hoa mới biết Tết về ở xóm Phao trên sông Hồng

Phạm Đông - Thái Hà |

Cuộc sống của người dân xóm Phao như tách biệt hoàn toàn với nhịp sống sôi động ở nội thành.  Khi pháo hoa rực sáng trong đêm giao thừa náo nhiệt giữa lòng TP.Hà Nội, người dân xóm Phao (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên)  mới biết  năm mới đã đến.

"Con giáp của tôi" đón chào Xuân Canh Tý 2020

T. H |

"Con giáp của tôi" do Hội quán Di sản cùng Tạp chí Xưa và Nay phối hợp tổ chức vừa khai mạc tại Hà Nội.

Hà Nội cấm 5 tuyến phố để tổ chức Chợ hoa Xuân 2020

Minh Hạnh |

Uỷ ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về việc tổ chức giao thông và bố trí điểm giao thông tĩnh phục vụ Chợ hoa Xuân Tết Canh Tý 2020.