Mỹ tục “Tết trồng cây”

hoàng khôi |

“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” - đó là câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1956 khi Người phát động phong trào trồng cây gây rừng. Đến cuối năm 1959, Bác Hồ lại một lần nữa phát động Tết trồng cây hướng tới toàn dân.

Trên báo Nhân dân số 2082 ngày 28.11.1959, bài Tết trồng cây, Bác khẳng định: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Bác còn diễn giải một cách cụ thể, đại ý: Miền Bắc hiện có độ mười bốn triệu người, trong đó có ba triệu trẻ em thơ ấu, còn mười một triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây. Mỗi Tết trồng khoảng 15 triệu cây thì sau kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chúng ta có khoảng 90 triệu cây, vừa có cây ăn quả, cây có hoa, cây làm cột nhà và trong 10 năm nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, đời sống nhân dân cải thiện hơn.

Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16.2.1969. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16.2.1969. Ảnh: Tư liệu

Toàn dân đã hưởng ứng lời Bác và đã có phong trào một tháng trồng cây, từ ngày 6.1.1960 đến 6.2.1960 rầm rộ. Từ đó trở đi, hoạt động mang tính văn hóa đẹp được duy trì bền bỉ thành Tết trồng cây hằng năm. Tết trồng cây trở thành một mỹ tục của dân tộc Việt.

Cho đến nay đã trọn vẹn một lục thập hoa giáp (60 năm), chúng ta ngắm lại những hàng cây, đường cây, vườn cây, rừng cây, suy nghĩ về những lời dạy của Bác Hồ. Quả thật, dù là thảo mộc mảnh mai đến những thiết mộc vững chãi, tất cả loài cây đều bám chặt vào đất mẹ và trở thành một biểu tượng đẹp đẽ, sống động của sức sống mới. Đó cũng là biểu tượng của sự gắn kết hài hòa giữa cuộc sống, con người và thiên nhiên. Cây đem lại màu xanh mượt mà cho xứ sở, cây tạo nên không gian bình an trong lành cho con người. Cây tạo bóng mát, điều hòa khí hậu, sản sinh ra năng lượng sạch. Cây là nguồn cung cấp thực phẩm, dược phẩm, lấy gỗ làm nhà, chế biến vật dụng sinh hoạt hàng ngày, cây phục vụ các công trình xây dựng, tạo ra các sản phẩm công nghiệp... Khi Bác Hồ nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Bác chỉ mới đề cập tới một nội dung mang tính thời sự bởi “lợi ích mười năm” là một thời gian trước mắt, ngắn hạn. Và, dù là ngắn hạn, việc trồng cây, từ trồng rau, trồng hoa, trồng lấy gỗ làm nhà thì cũng đã tạo ra nhiều mối lợi cho con người và cuộc sống rồi. Nhưng để có những cổ thụ, lão thụ thì phải cần đến thời gian nhiều chục năm, thậm chí cả trăm năm. Ở rất nhiều nước trên thế giới, người ta tự hào về những cây như cây sồi (Châu Âu), cây bao báp (Châu Phi)... thì Việt Nam ta cũng rất hãnh diện vì những cây đa, cây đề, cây dã hương, cây chò... trăm năm, nghìn năm tuổi... Những lão thụ này như những chứng nhân của lịch sử dõi theo vận mệnh của đất nước, của dân tộc trường tồn cùng năm tháng. Đây là những lão thụ, những linh hồn gắn bó với non sông, là biểu tượng của sức sống Việt Nam.

Đường thông Chư Păh -Tây Nguyên. Ảnh: Thái Hoàng
Đường thông Chư Păh -Tây Nguyên. Ảnh: Thái Hoàng

Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây đến nay, thời gian ấy chưa dài nhưng cũng đã gần trọn một đời người. Nếu có dịp chúng ta dạo trên một vài con đường của Thủ đô Hà Nội như đường Phan Đình Phùng, đường Hoàng Diệu hoặc quá bước vào sân trường Chu Văn An có tuổi đời hơn một trăm năm, chúng ta sẽ bắt gặp những thân cây, những hàng cây tán lá xanh rì, cao lớn vạm vỡ. Đó là những cây xà cừ được trồng vào những năm 60 của thế kỷ trước hồi Bác Hồ phát động phong trào trồng cây. Bây giờ, thế hệ 8X, 9X phải gọi là các ông cây. Nhìn các “ông” vạm vỡ, khỏe mạnh thế này, chúng ta lại thấy mình như được truyền thêm năng lượng. Nếu may mắn được đến một số đảo như Trường Sa, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Phú Quốc... chúng ta sẽ rất tự hào bởi màu xanh của cây đang đem đến độ mát tươi cho một vùng tiền tiêu Tổ quốc đầy nắng gió, do chiến sĩ và nhân dân vun trồng, cải tạo. Nhưng sẽ còn thấy thú vị và tự hào hơn nhiều nếu chúng ta được đến với cây, với rừng trên Việt Bắc, Tây Bắc và Trường Sơn. Những cánh rừng đại ngàn của Việt Nam không chỉ là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” như một câu thơ nhiều người quen biết. Rừng Việt Nam bát ngát một màu xanh tuyệt diệu và hấp dẫn thể hiện một sự giàu có đáng kể với đủ loại gỗ quý hiếm như lim, gụ, giáng hương, trắc, muồng, cẩm lai, dầu rái... đến cả những loài phổ biến như tre, nứa, lồ ô, khộp, thông, bạch đàn... Rừng Việt Nam có rừng trồng và rừng già, rừng nguyên sinh không chỉ có tác dụng che phủ mà còn có tác dụng tăng, giữ độ ẩm cho đất, giữ nước, là môi trường của chim, của thú với muôn loài và mỗi loài lại phù hợp với một sinh cảnh riêng.

Chỉ xin đề cập một chút về rừng Trường Sơn. Trên Trường Sơn có không ít những loại rừng thưa, những đồng cỏ tranh bạc màu, những nương rẫy bỏ hoang và những nương rẫy đã hồi sinh sau nhiều năm bị khô cằn bởi chất độc hóa học thời bom Mỹ rải thảm. Với ưu thế sẵn có của đất đai, của độ ẩm, của khí hậu, rừng Trường Sơn là một thảm xanh bạt ngàn với nhiều tầng cây mọc chen chúc nhau. Trường Sơn có nhiều cánh rừng già nhiệt đới ẩm ướt xanh quanh năm như khu vực rừng Nghệ Tĩnh có nhiều loại gỗ quý phương nam như kền kền, vên vên mọc xen cây phương bắc như lim, lát hoa, dổi, dẻ hoặc có hàng vệt rừng gỗ quý như táu, mà theo cách gọi truyền thống chuyên môn là mọc thuần loại ở những vùng từ 15 đến 16 vĩ độ bắc. Ở vùng núi đá vôi thuộc Bình Trị Thiên, những thứ gỗ quý như hoàng đàn, huê mộc, chò chỉ, gụ, huỳnh... sống chen chúc nhau. Đi vào vùng cao nguyên nam Trường Sơn, người ta lại gặp những cánh rừng thông hai lá, thông ba lá xen lẫn với những cây họ dầu như khộp, rái... suốt từ Gia Lai, Kon Tum đến mãi Langbiang, Di Linh. Ấy là chưa nói đến tre nứa, lồ ô mà trên dọc Trường Sơn không đâu là không có. Đương nhiên, dưới tán rừng xanh miên man này là cuộc sống sinh động và phong phú của rất nhiều tộc người Việt Nam tồn tại cả ngàn năm với nhiều tập tục văn hóa, lịch sử lâu đời.

Trở lại câu chuyện về Tết trồng cây. Sinh thời, Bác không chỉ kêu gọi mọi người trồng cây mà chính Bác cũng tự tay trồng rất nhiều cây mỗi khi đến thăm một địa phương nào đó. Ở Hà Nội và vùng phụ cận, mùa xuân Canh Tý (1960), Bác Hồ tự tay trồng cây đa ở bán đảo Dừa thuộc Công viên Thống Nhất (ngày 11.1.1960) với một lời thơ nhắc nhở:

Chúng ta chuẩn bị từ rày

Dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà

Ngày 5.1.1961, Bác trồng cây đa ở Hồ Tây, cạnh tượng Lý Tự Trọng. Ngày 3.2.1963, Bác trồng ở Thông Nhai Đông Anh. Đến ngày 31.1.1965, ngay bên đường rẽ vào đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa, Bác trồng đa ở làng Đông Hội và Phú Diễn, huyện Từ Liêm. Ngày 16.2.1969 ở làng Vật Lại trên đồi Yên Bồ, Bác trồng cây đa được xem là cây do Bác trồng cuối cùng trước khi mất. Người ta có đặt dấu hỏi, vì sao Bác Hồ hay trồng cây đa? Phải chăng, cây đa gợi nhớ nhiều về hình ảnh làng quê: Cây đa bến nước, sân đình? Phải chăng cây đa gắn với hình ảnh cây cao bóng cả? Cây đa có sức sống mãnh liệt, lâu bền, là hình ảnh của sự trường thọ, cây đa gợi nhớ tới cây đa Tân Trào... Rồi cây đa còn là biểu tượng của cây di sản Việt Nam. Có lẽ không chỉ Bác Hồ mà trong sâu thẳm tâm hồn con người Việt Nam đều đủ chứa những nghĩ suy như thế?

Đường lên Ba Vì. Ảnh: Melia Ba Vì Mountain Retreat cung cấp
Đường lên Ba Vì. Ảnh: Melia Ba Vì Mountain Retreat cung cấp

Có một câu chuyện vui vui về Bác Hồ khi một lần Người đi thăm xã Nam Cường thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bác phát hiện hai hàng cây mới trồng bên đường làng bèn hỏi ông Ngô Duy Đông - Bí thư Tỉnh ủy khi ấy - là có phải do bà con trồng vội để đòn mừng Bác? Ông Đông phải thừa nhận đúng như vậy! Bác mỉm cười và dặn thêm rằng, phải rào lại để khỏi bị trâu bò phá và phải chăm sóc để tất cả đều sống. Thật là những quan tâm rất thực chất và chân tình.

Lại có cả những chuyện chưa vui vì gần đây, các hình thức phá rừng ngày càng tinh vi và trắng trợn không chỉ do bọn lâm tặc chặt cây lấy gỗ mà phá rừng còn bằng cách chuyển đổi rừng, phê duyệt các dự án đầu tư tai hại phá hoại rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh của các nhóm lợi ích. Thủ tướng Chính phủ ngày 10.11.2020 đã phát biểu trước Quốc hội kêu gọi cả nước 5 năm tới phải trồng thêm một tỉ cây xanh, trong đó phải chú trọng trồng cây ở các khu đô thị. Quốc hội cũng đã có nghị quyết yêu cầu quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sự dụng rừng tự nhiên, có phương pháp nâng cao chất lượng rừng trồng và xử lý nghiêm các hành vi khai thác lấn chiếm rừng trái phép, thông qua ngày 7.11.2020. Hy vọng đó là một trong những kênh tích cực trong nhiệm vụ trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng.

Việt Nam đang chịu tác động nặng nề của nạn phá rừng. Hãy nhớ lời cổ nhân: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Những kẻ trồng cây là thiên nhiên và con người đã tạo cho hậu sinh bao nhiêu lợi ích từ cây, từ rừng nên phải biết nâng niu và quý trọng.

Từ chuyện Bác Hồ phát động Tết trồng cây hơn 60 năm trước mà liên hệ tới hôm nay. Thế giới ngày nay đang trở nên bất an vì những xâm hại mang hành vi phản văn hóa. Bởi vậy, chúng ta phải xây dựng những nội dung phát triển bền vững nhằm thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại tới khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai. Những nội dung ấy là: Tăng trưởng kinh tế - Công bằng xã hội - Bảo vệ môi trường - Phát triển văn hóa giáo dục - Bảo đảm tự do dân chủ và Phát triển con người. Những nội dung này, chúng ta biết, chỉ mới xuất hiện gần đây, nhưng trước đó nhiều nội dung thiết yếu trên đã được Bác Hồ đề cập.

Xét trong vấn đề toàn cầu thì Bác Hồ chính là người nêu ra và thực hành tích cực cho việc trồng cây bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường.

Cuối năm Canh Tý (2020)

hoàng khôi
TIN LIÊN QUAN

Nhóm bạn trẻ "hô biến" giày lỗi thành chậu trồng cây gây quỹ

HOÀI ANH |

Với những đôi giày lỗi, bỏ đi, nhóm bạn trẻ tại Hà Nội đã xin về để trồng cây bán gây quỹ và lan toả hành động tái chế bảo vệ môi trường.

Bạc Liêu: Phát động trồng cây nhớ Bác

NHẬT HỒ |

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng ngày 19.5, tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Sở NNPTNT phối hợp với Tỉnh đoàn và huyện Hòa Bình tổ chức lễ phát động trồng cây nhớ Bác.

Đắk Lắk phát động lễ "Tết trồng cây" Xuân Canh Tý

Hữu Long |

Sáng 1.2, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020. Tới dự buổi lễ có Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường.

Thủ tướng phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý

VƯƠNG TRẦN |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái và hàng nghìn người dân huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) tham gia trồng cây đầu năm.

Quảng Bình: "Tết trồng cây" phải thiết thực, hiệu quả

LÊ PHI LONG |

Sáng 30.1 (tức mùng 6 Tết Canh Tý 2020), tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Nhóm bạn trẻ "hô biến" giày lỗi thành chậu trồng cây gây quỹ

HOÀI ANH |

Với những đôi giày lỗi, bỏ đi, nhóm bạn trẻ tại Hà Nội đã xin về để trồng cây bán gây quỹ và lan toả hành động tái chế bảo vệ môi trường.

Bạc Liêu: Phát động trồng cây nhớ Bác

NHẬT HỒ |

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng ngày 19.5, tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, Sở NNPTNT phối hợp với Tỉnh đoàn và huyện Hòa Bình tổ chức lễ phát động trồng cây nhớ Bác.

Đắk Lắk phát động lễ "Tết trồng cây" Xuân Canh Tý

Hữu Long |

Sáng 1.2, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Canh Tý 2020. Tới dự buổi lễ có Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường.

Thủ tướng phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý

VƯƠNG TRẦN |

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Yên Bái và hàng nghìn người dân huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) tham gia trồng cây đầu năm.

Quảng Bình: "Tết trồng cây" phải thiết thực, hiệu quả

LÊ PHI LONG |

Sáng 30.1 (tức mùng 6 Tết Canh Tý 2020), tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".