Mùa sấu

di li |

Sấu là thức quả không những ăn ngọt giải khát mà người ta còn ăn mặn. Sấu cho vào canh rau muống luộc, làm món canh chua nấu thịt hoặc vịt om sấu thì biết quá đi rồi. Còn món sấu ngâm mặn thì không phải ai cũng ăn. Sấu ngâm mắm cũng không khác quy trình ngâm đường là mấy, chỉ có thay đường với gừng bằng mắm, tỏi, ớt mà thôi. Xong rồi đem ăn với cơm, cũng ngon thủng nồi trôi rế chẳng khác cà pháo muối là mấy. 

Nhà tôi không có truyền thống ăn món sấu ngâm mắm này nên lần đầu tiên tôi nhìn thấy người ta ăn cơm với sấu là cái đận lên Lạng Sơn thăm bố mẹ hồi năm 1990. Cha tôi mở một tiệm ảnh trên ấy, sau thì mẹ tôi cũng lên giúp ông. Bà thuê nhà ngay cạnh tiệm ảnh. Cái nhà hình ống sơ sài nhưng rộng vài trăm mét cũng có nhiều người thuê chung, trong ấy có một bà buôn cá khô ở chợ Đồng Đăng. Chẳng biết bà người đâu ta nhưng to cao vạm vỡ, da đen cháy, mặt lại tròn xoe đâm giống Bao Công. Tối nào bà cũng đi chợ muộn nên mãi 9 giờ mới giở bát cơm nguội ra ăn. Trên tô cơm tướng có thêm con cá khô lấy từ gánh hàng trong bị. Bà gọt hai quả sấu, cắt khoanh xoắn ốc, rồi thả vào bát nước mắm kèm thêm quả ớt bẻ đôi. Cơm có thế thôi mà bà nhai sấu dầm mắm rau ráu rồi chóp chép ngon lành và hết bát cơm. Tôi kinh ngạc nhìn cách ăn uống của bà đi chợ, rồi dù đã xong bữa tối từ lâu mà bỗng dưng vẫn cứ thèm nhỏ dãi cái món cơm cá khô ăn với sấu. Bữa sau, tôi cũng len lén đi kiếm hai quả sấu, cắt khoanh, thả nước mắm với ớt, rồi nhờ mẹ mua cho con cá khô, ăn y thế, thấy cũng ngon phải biết. Sấu ngâm mắm làm cầu kỳ thì cũng phải qua ngày mới ăn được, nhưng làm xổi thì cứ thả vào bát mắm như bà “Bao Công”, nhưng vị của nó nhờ thế lại tươi ngon đến điều, thơm nức mùi sấu mà cay vị ớt tươi.

Người trong thiên hạ không phải ai cũng yêu quả sấu nhưng dứt khoát ít nhiều đã có một thời mê sấu. Tôi thì đã đến tuổi “ê răng” rồi mà vẫn thương sấu mãi không thôi. Nhân gian rộng lớn là thế mà sấu cũng chỉ loanh quanh ở mấy nước Trung Quốc, Campuchia và xứ nhà mình. Nhà văn Cấn Vân Khánh bạn tôi từ ngày sang Mỹ, hay thả nổi mấy cái ảnh món ăn lên Facebook, ý rằng bên San Jose này món gì cũng có, từ bò bắp để làm bún bò Huế cho đến rau muống, hành hoa, mắm tôm, thịt chó. Sấu xanh thì càng dễ, cho túi hút chân không đông lạnh mang sang ăn quanh năm. Lúc nào muốn ăn nước rau muống luộc dầm sấu là có ngay sau năm phút. “Chưa kể tôi cũng báu gì món sấu lắm đâu mà cần phải ăn sấu”. Thi thoảng cũng có mấy lời mời tha thiết muốn tôi chuyển việc vào Sài Gòn, lương cao gấp bội công việc hiện tại. Biết tỏng tôi nặng lòng Hà Nội đến thế nào nên dù chẳng thấy nói ra lý do từ chối mà đầu dây kia vẫn rủ rỉ “Em vào đây đi, chị sẽ chỉ cho em thấy Sài Gòn chẳng thiếu thứ gì của Hà Nội, từ bún chả, bánh chưng, bánh cuốn Thanh Trì cho đến mận hậu, sấu xanh. Mà có những buổi chiều mát mẻ, em đi mấy con đường quận 1 cũng sẽ thấy không khác gì mùa thu Hà Nội đâu”. Ôi, giờ đến Hoa Kỳ mà còn thứ gì cũng có kể cả mắm tôm thì Sài Gòn sao lại không thế được. Nhưng Sài Gòn, Paris, San Jose làm sao mà chuyển mùa sấu của tôi lên máy bay được. Tôi không thể thôi ngước nhìn những cây sấu già nặng trĩu tuổi trên những góc đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Phan Đình Phùng mà hít hà mỗi bận mùa về. Mùa sấu luôn kéo về vào mỗi độ hè, thiên nhiên thông minh và tinh tế là thế, để cho người ta còn uống nước sấu đá và ăn canh rau muống dầm sấu giải khát chứ. Mùa đông ai cần gì đến sấu đâu. Nhưng sấu chín sẽ rộ nhất vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, cứ như thể cây sấu biết rằng trẻ con bắt đầu tựu trường, sẽ túm năm tụm ba hẹn hò nhau cuối mỗi giờ học để ra mấy mẹt sấu dầm góc phố mà mua dăm quả chíu chít với nhau, hoặc gói nilon đem vào lớp, vừa ngồi học vừa thèm nhỏ dãi mong tới giờ ra chơi để còn thò tay vào ngăn bàn mà lấy ra quả sấu chín vàng lựng, cắt khoanh tròn lấp ló những múi thịt trong muốt đến nỗi nhìn thấy cả màu nâu sậm của hạt sấu già. Sấu ấy vẫn còn rôn rốt nhưng thơm nức và đã bắt đầu mang vị ngọt, dầm thêm tí ớt bột cay lừng và chút đường, muối nữa thì ối giời cứ gọi là... Sấu chín hiếm. Ra chợ bỏ rẻ cũng ngót trăm ngàn một cân. Mua từ hàng sấu dầm thì còn đắt nữa, bán theo quả, chứ chả thóc đâu mà đãi gà rừng. Học trò mua chục quả là xuýt xoa đi đứt bữa sáng bỏ ống hôm qua rồi, vừa ăn vừa thòm thèm, càng khiến cơn thèm sấu dầm chả bao giờ mà được thỏa mãn.

Sấu già, cũng thường là để ương ương rồi hái xuống chín dần là vừa, nên dù có chín cũng cấm bao giờ mà hóa thành ngọt lịm, ăn kiểu gì cũng vẫn cứ chua đến nhéo cả mày. Đâm ra cứ nghĩ đến sấu là ai cũng tự động liên tưởng đến vị chua, tưởng rằng nó không bao giờ ngọt được. Nhưng duy nhất có một lần tôi được ăn sấu chín cây. Đấy là trên đường lũ học trò đi phượt Tam Đảo bằng xe máy, quãng năm 1994 thì phải. Chúng tôi dừng lại nghỉ ở một quán cóc giữa đường đèo, là một cái lán sơ sài bày dăm gói thuốc lá, mấy phong kẹo lạc, trà nóng và thứ duy nhất trông hấp dẫn là đĩa sấu chín. Cũng chỉ dăm chục quả nên hơn chục khách hàng nhâu nhâu vào ăn hết sạch. Tôi được một quả duy nhất, to tròn, màu vàng sậm như nghệ, da sấu rám nắng lại mỏng dính đến độ chẳng cần gọt vỏ. Mà cũng có mỗi quả, mắc công gọt làm gì, ăn đại đi. Ôi trời, hóa ra sấu mà cũng ngọt được đến thế này ư, lại còn thơm lựng như kẹo, là viên kẹo tinh túy của trời và đất, là trái quả kỳ diệu của thiên nhiên, đã hút hết mọi ngọt lành, ngát hương, trong mát của sương sớm, của nắng non, của đất bùi tơi xốp, của những ngọn gió lang thang ngoài hẻm núi đẩy đưa hương cỏ mật và búp lúa đòng. Thịt sấu ngoài giòn mà bên trong dày mềm, lại mọng nước, ngọt đến độ chẳng cần đến đĩa muối ớt để sẵn trên bàn. Ngoảnh đi ngoảnh lại thấy đĩa sấu đã sạch nhẵn như chùi. Tôi nuốt nước miếng, chưng hửng. Đã 25 năm qua rồi, tôi vẫn còn nhớ như in vị quả sấu chín trên lưng đèo sáng thu hôm ấy. Miếng ngon khó quên, dù chỉ là một quả sấu. Sau này tôi không bao giờ còn được gặp lại bất kỳ quả sấu nào thơm vị kẹo như thế nữa, dù túi tiền cũng đã hòm hòm, chẳng phải ky cóp mua dăm quả như thời học trò, tôi mua tới vài cân sấu chín, rồi bới tung lên, vẫn cứ ra những quả ương ương vàng nhạt kiểu để mẹt góc nhà cho chín xổi.

Nghĩ mà thương da diết quá, mùa sấu của tôi.

di li
TIN LIÊN QUAN

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Đà Nẵng: Mai nở muộn, chủ vườn nóng ruột lo mất tết

Nguyễn Linh |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các chủ vườn mai trên địa bàn TP Đà Nẵng xót ruột vì thời tiết thất thường khiến mai nở muộn, sợ không trúng dịp tết.