Mùa săn cá bông lau

TRẦN LƯU |

Giữa màn đêm tĩnh mịch, những chiếc đèn thả lấp lánh cả khúc sông. Anh Khởi tắt máy, dùng cây dầm bơi chầm chậm nương theo con nước. Chiếc xuồng nhỏ lướt đi êm ru như một cua-rơ. Những người “thợ săn” bắt đầu trổ tài buông lưới...

Phập phồng theo con nước

Trời vừa nhá nhem, anh Trần Văn Khởi (cù lao 5 xã, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đã liên tục hối thúc mọi người. Con nước trong kênh đang ròng, nêu không đi nhanh, xuồng sẽ bịu “mắc cạn”, không không kịp ra sông lớn. Vừa lội, đẩy chiếc xuồng giữa con kênh  gần trơ đáy, anh Khởi nói: “Kênh này lúc nước lớn có đến hơn 20 chiếc xuồng, giờ chỉ còn 1, 2 chiếc thôi. Vì sợ nước cạn mấy anh em khác đã đi trước. Giờ mình tranh thủ ra cho kịp”.

Sau 15 phút chạy xuồng máy, chúng tôi đã đến được một chiếc phao phân luồng các phương tiện đường thủy đặt giữa sông Tiền. Như đã hẹn trước, hơn 10 xuồng đang neo đậu chờ con nước lớn để “săn mồi”. Màn đêm bắt đầu buông dài trên khúc sông hàng cây số, tiếng máy nổ lạch cạch, tiếng chèo khua nước, tiếng “í ới” gọi nhau... như sắp mở màn cho cuộc rượt đuổi theo đàn cá.

Lúc này, đèn báo hiệu của vợ chồng anh Trần Văn Khởi đưa chúng tôi từ đầu chợ Phú Mỹ xuống gần phà Thuận Giang. Đến đoạn nước sâu, anh Khởi tắt chiếc máy đuôi tôm, còn vợ anh nhanh tay nắm cán chèo chầm chậm đẩy nước bủa lưới. Cứ bủa lưới một đoạn khoảng hơn chục mét anh Khởi cho lần lượt các chiếc đèn nổi thả trên mặt nước. Đèn báo hiệu có 2 loại: Trắng và đỏ. Loại màu trắng để thông báo tàu ghe là khu vực ngư dân đã bủa lưới, còn đường đèn đỏ (cách đèn trắng khoảng 10m) để hướng dẫn tàu ghe qua lại. Ngoài 2 chiếc đèn ngư dân đội đầu thì xuồng còn cắm một chiếc đèn báo hiệu màu xanh.

Sau nửa giờ đồng hồ, tay lưới dài 500m đã bủa xong, anh Khởi thở phào, ngồi canh tàu ghe và đợi đến giờ thu lưới. Anh kể: “Nghề săn cá bông lau có rất nhiều điều thú vị. Nếu người kinh doanh trên bờ đòi hỏi phải có “duyên mua bán” thì việc giăng lưới lại phụ thuộc vào người đó có “tay sát cá” hay không. Việc thả lưới trước hay sau không quan trọng, có nhiều người thả trước, chọn địa điểm có đáy sông sâu, ít gốc cây nhưng lại dính ít cá hơn so với những người có “máu sát cá”. Thông thường, vào thời điểm nước lớn mạnh, cứ khoảng 1 giờ, người làm nghề cuốn một lần, còn nước chảy chậm sẽ kéo dài khoảng 1,5 giờ”.

Đến nay, anh đã nối nghiệp cha mình làm cái nghề “hạ bạc” gần 20 năm nay. Ngần ấy thời gian, vợ chồng anh nếm trải được nỗi gian truân, vất vả trên khúc sông này. Nghề giăng cá bông lau thăng trầm như con nước lớn, ròng. Ngày nào giăng lưới dính được nhiều cá họ sẽ vui lắm! Buồn nhất là khi vừa làm mệt, vừa đói lại dốc sức bủa số lượt gấp đôi mà vẫn trở về với xuồng trống không. “Hôm trước, tôi dính 4 con cá bông lau nặng tổng cộng 22kg, bán được hơn 5,2 triệu đồng. Sông này có 2 dòng nước nên phải bủa xéo vì càng vô bờ sẽ trôi nhanh hơn, sau khi bủa đầu và đuôi lưới trôi đều nhau. Lưới thả chủ yếu được làm ở nhà chứ không mua ở chợ. Bởi ở tiệm, họ biết đan lưới, nhưng lại không có kinh nghiệm thực tế, nên lưới không ăn, cá ít dính” - anh Khởi chia sẻ.

Bãi cá bông lau ở cù lao 5 xã dài khoảng 2km, hàng đêm quy tụ trên 50 xuồng đánh bắt chuyên nghiệp. Những lúc xuồng ghe đông đúc, họ phải nằm “chờ tài”. Người nào đến trước được quyền thả trước, mỗi luồng lưới bủa trên sông cách nhau khoảng 100m. Về đêm, những chiếc đèn báo hiệu nổi từng hàng giăng kín cả khúc sông lấp lánh.

Gần đó là chiếc xuồng vợ chồng anh Trần Văn Gấu (42 tuổi, ấp Tân Bình Thượng) đang hì hục cuốn lưới. Thấy lạ chúng tôi thắc mắc và được anh lý giải: “Tài của mình ở phía trên nhưng thấy ở đây trống, nên tui bủa lưới, ai ngờ trùng với mấy anh bên kia bủa sang, nên phải cuốn sớm”. Lúc này, vợ anh Gấu ngồi trước mũi xuồng kéo nhẹ tay lưới, còn người chồng dồn hết sức kéo lưới tựa vào xuồng để thu lên. Lưới kéo được nửa tay, anh Gấu thốt lên: “Nặng quá chắc là nó rồi”.

Chỉ trong thời gian ngắn, anh Gấu cùng vợ kéo lên xuồng con cá bông lau nặng hơn 6kg. Hai vợ chồng hớn hở tiếp tục bơi vào chiếc phao phân luồng gần đó buộc xuồng. Anh Gấu cho hay: “Mình đã thả và cuốn được 1 dạo đầu nên đợi mấy người khác cuốn xong sẽ tìm chỗ trống thả dạo kế tiếp. Mình “thả tài” sau nhưng khi nước đổ ngược lại sẽ thành người thả tài đầu tiên”.

Cách đó không xa, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lem vừa pha đèn và phát hiện một con cá to gần 7kg mắc lưới nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Họ liền tiến hành cắt kỳ, gỡ cá cho vào khoang xuồng. Từ đầu vụ đến nay, vợ chồng anh Lem đã bắt được 20 con cái bông lau, con lớn nhất có trọng lượng lên đến 12kg.

Cá bông Lau, nếu là con to có thể nặng trên 10kg.
Cá bông Lau, nếu là con to có thể nặng trên 10kg.

Nuôi sống dân nghèo

Những ngày này, sông Vàm Nao, sông Tiền và sông Hậu chảy qua các địa bàn như: Phú Tân, Tân Châu (An Giang), Thanh Bình, Lấp Vò (Đồng Tháp) náo nhiệt hơn vì đang vào cao điểm của mùa săn cá bông lau. Ngư dân bủa lưới từ chạng vạng tối đến tận sáng sớm.

Đang ngồi uống nước trà “tán dóc” cùng “đồng nghiệp”, ông Phạm Văn Hoa (50 tuổi) cho biết: “Cá bông lau đang được giá cao. Hễ dính cá, chỉ cần alô là bạn hàng chạy xuồng ra tận nơi cân. Mỗi đêm chỉ cần dính 1 con cá thôi là kiếm bạc triệu, nên ai nấy cũng tranh thủ đem lưới ra bủa”.

Ông Hoa làm nghề lái xe container ở TPHCM gần 30 năm nay, với thu nhập 17 triệu đồng/tháng. Nhưng đến mùa cá bông lau, ông xin chủ cho nghỉ 3 tháng để về... thả lưới. “Tôi là lính cựu nên được chủ ưu ái cho nghỉ. Cứ đến mùa cá là ham nên 10 năm nay, năm nào cũng về để hội ngộ cùng anh em. Từ đầu vụ đến nay, tôi cũng bắt được gần chục con (nặng 5-8kg/con) nên cuộc sống gia đình cũng thoải mái”.

Ngồi cùng vợ trên chiếc xuồng nhấp nhô theo từng cơn sóng, anh Phạm Thanh Hùng (41 tuổi)  cho hay: “Thời điểm này, cá dính nhiều lại to nhưng trúng hay thất chỉ có cuối vụ mới biết được. Những năm trước, một mùa cá cũng kiếm được vài chục triệu đồng. Đối với những anh em “cao tay”, đêm săn được vài con là chuyện bình thường nhưng không phải hôm nào cũng gặp may”.

Đang ngồi chậm rãi buông mái chèo để giữ 1 đầu lưới nhưng vẫn không quên lấy điếu thuốc lá mồi lửa rít một hơi dài. Anh Hùng cho biết: “Vợ chồng tôi nghèo khó, không cục đất chọi chim và nhờ nghề con cá, đặc biệt thả lưới bông lau mà 18 năm trôi qua có gạo ăn hàng ngày. Hôm nay được 1 con cá bông lau 8kg, còn hôm qua được 2 con nặng gần 13kg. Mỗi vụ cá bông lau sau khi trừ chi phí cũng còn dư khoảng 30 triệu đồng”.

Theo lời anh Hùng, để có địa điểm bủa lưới, vào đầu vụ anh và nhiều ngư dân bỏ ra mỗi người vài trăm nghìn đồng thuê thợ lặn mò lấy gốc cây. Dù mỗi khu vực chi ra hàng triệu đồng như thế nhưng đến khi thả lưới cũng thường xuyên bị rách, phải tốn nhiều thời gian vá lại. Anh và một số ngư phủ cho rằng, nghề chài lưới cá bông lau vất vả hơn làm ruộng vì phải thức đêm, muỗi chích, nước “ăn” chân tay, nhức mỏi khi chèo hàng giờ. Nhưng được cái, nếu trúng đậm sẽ có vài chục triệu đồng.

Theo các ngư phủ, phương tiện đánh cá bông lau rất đơn giản, chỉ cần một xuồng máy và tay lưới dài 500m, dạo 12-18m nước là có thể hành nghề. Phần lớn dân làm nghề chài lưới ở sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao đều nghèo, không đất đai sản xuất. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Ngọc Võ (54 tuổi, ngụ TT.Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) không có mảnh đất cắm dùi phải nhiều năm dành dụm mới mua nổi cái nền cặp mé sông Hậu cất nhà. Hơn 20 năm qua, vợ chồng ông vẫn trông chờ mùa đánh bắt cá bông lau, bởi đây mang nguồn thu nhập chính.

Ông Võ kể, nguồn cá bây giờ có năm trúng, năm thất, bấp bênh lắm. Do vậy, giờ chỉ còn 2 vợ chồng ông theo nghề hạ bạc, còn 2 đứa con đã đi thành phố làm công nhân mấy năm nay. “Ngày trước đánh lưới mỗi ngày dính cả chục con, thương lái cân không hết phải mang đi cho. Song dù gắn bó với nghề “bà thủy” mấy chục năm nay nhưng vợ chồng cũng chẳng dư dả gì” - ông Võ tâm sự.

Mùa cá bông lau bắt đầu từ trước Tết cho đến tháng 2,3 âm lịch, trên các con sông ở An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Bông lau là loài cá da trơn, tên khoa học Pangasius Krempfy, thuộc chi cá tra (Pangasius), loài di trú và là đặc sản của dòng Mekong. Loại cá này, con to có thể nặng trên 10kg, thân hình mới nhìn giống như cá ba sa hoặc cá dứa nhưng dáng thon, dài, da trắng mịn, nổi bông phấn, khi gặp ánh nắng mặt trời, màu sắc ánh lên rất đẹp. Nghề giăng cá bông lau, ngư dân phải thức sáng đêm để canh tàu ghe “ăn” lưới cũng như canh chỉnh cho đường lưới thẳng hàng. Cá bắt được đa phần là chết dưới nước, con nào phát hiện sớm cũng chỉ sống được tới sáng. Hiện thương lái và các quán ăn tại địa phương đang thu mua cá bông lau với giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg (đối với loại 5kg/con trở xuống), còn cá to từ 5kg trở lên thì có giá bán cao hơn, đạt 400.000-450.000 đồng/kg.

TRẦN LƯU
TIN LIÊN QUAN

Đi câu cá, bị lưỡi câu móc vào mắt

TRẦN TUẤN |

Trong lúc đi câu cá, một người đàn ông ở Hà Tĩnh đã bị lưỡi câu móc vào mắt gây tổn thương nặng.

Nam thanh niên đi câu cá bị nước cuốn tử vong

HƯNG THƠ |

Thi thể nam thanh niên được phát hiện tử vong trên sông Đakrông đã được người thân đưa về nhà làm lễ an táng.

Nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh biếc, người dân "mở hội" câu cá

Tô Thế - Sơn Tùng |

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, nước sông Tô Lịch (Hà Nội) dâng lên mức cao và đổi màu xanh ngắt. Nước sông trong xanh hơn khiến cần thủ thoải mái buông câu bắt cá.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Đi câu cá, bị lưỡi câu móc vào mắt

TRẦN TUẤN |

Trong lúc đi câu cá, một người đàn ông ở Hà Tĩnh đã bị lưỡi câu móc vào mắt gây tổn thương nặng.

Nam thanh niên đi câu cá bị nước cuốn tử vong

HƯNG THƠ |

Thi thể nam thanh niên được phát hiện tử vong trên sông Đakrông đã được người thân đưa về nhà làm lễ an táng.

Nước sông Tô Lịch chuyển màu xanh biếc, người dân "mở hội" câu cá

Tô Thế - Sơn Tùng |

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, nước sông Tô Lịch (Hà Nội) dâng lên mức cao và đổi màu xanh ngắt. Nước sông trong xanh hơn khiến cần thủ thoải mái buông câu bắt cá.