Mozart - một cuộc đời

Huy Minh (tổng hợp) |

“Mozart” (tên tiếng Anh: “Mozart: A life”) là một trong hai cuốn tiểu sử âm nhạc quan trọng nhất của Maynard Solomon được giới phê bình đánh giá cao. Xuất bản lần đầu năm 1995 tại Mỹ, tác phẩm từng lọt vào vòng chung kết giải Pulitzer hạng mục tiểu sử vào năm 1996 và nay đã có mặt tại Việt Nam, nối tiếp cuốn sách về Beethoven trong dự án Tủ sách Âm nhạc của Omega+.

MỘT THIÊN TÀI GIỮA NHỮNG KHỔ ĐAU ĐỜI THƯỜNG

Tác giả Maynard Solomon (1930 - 2020) là một nhà âm nhạc học, nhà sản xuất thu âm nổi tiếng và là người đồng sáng lập của Vanguard Records. Ông đã có nhiều nghiên cứu tiểu sử về các nhà soạn nhạc cổ điển của Vienna được giới phê bình đánh giá cao, trong số đó không thể không kể đến Beethoven, Mozart và Schubert.

Với Tiểu sử Mozart, Solomon đã dành nửa thế kỷ tìm lọc thông tin để viết một tác phẩm chuyên sâu về cuộc sống, niềm đam mê và tính cách của Mozart, trong đó có nhiều tư liệu chưa từng xuất hiện trong bất kỳ tiểu sử nào trước đó về nhà soạn nhạc vĩ đại này.

“Mozart chính là đức thiên nhân, là thiên đỉnh hội tụ đủ mọi điều mỹ thể của sắc trời âm nhạc" (Tchaikovsky). "Địa hạt" nào Mozart đặt bút cũng đều để lại những tác phẩm mãi lưu danh, dù là sáng tác cho những nhạc cụ ông yêu thích đến nhạc cụ ông không "ưa", từ nhạc thính phòng đến giao hưởng, từ nhạc tôn giáo đến thế tục, đến cả các tác phẩm viết cho những người ông yêu mến và thậm chí những người ông chủ tâm "cà khịa". Tập hợp tất cả lại, chúng ta có một Mozart đa dạng thể loại, phong cách và sắc thái mà chúng ta biết đến ngày nay.

Từng có rất nhiều nghiên cứu tập trung phân tích Mozart từ góc nhìn chuyên môn sâu về âm nhạc, nhưng còn một khía cạnh mà rất ít tác phẩm về Mozart đề cập đến. Đó là cuộc đời, gia đình, tính cách, đặc biệt là tuổi thơ của ông tại quê hương Salzburg, thứ đã định hình nên âm nhạc Mozart về sau.

Trong cuốn tiểu sử này, Solomon, với giọng kể khách quan cùng rất nhiều trích dẫn từ các bức thư của Mozart hay những người thân, đã giúp chúng ta được thấy người nhạc sĩ vĩ đại ở một góc nhìn khác biệt, đời thường và gần gũi hơn. Cuốn sách cung cấp một câu chuyện hấp dẫn, thậm chí ít được biết tới bao gồm các sự kiện, các bước ngoặt từ khi ông sinh ra vào năm 1756 và thời thơ ấu ở Salzburg, cho đến thập niên đặc biệt của những buổi biểu diễn nổi tiếng ở các thủ đô Châu Âu, nơi ông được các gia đình hoàng gia và khán giả yêu mến, tôn vinh như một thiên tài kỳ lạ.

Thay vì tiếp cận từ phương diện một thần đồng âm nhạc, tác giả khai thác góc độ một người đàn ông lớn lên dưới cái bóng của người cha khắt khe, người luôn bảo vệ thái quá và ghen tị với món quà kỳ diệu của con trai mình. Điều này dẫn đến những bất ổn trong mối quan hệ cha con, thứ có ảnh hưởng rất lớn đến con người và âm nhạc Mozart sau này.

Cuốn sách cũng kể lại các bước thăng trầm của Mozart từ địa vị là người con được yêu thích của Salzburg trong những năm 1770, đến hành trình chinh phục Vienna cùng cuộc hôn nhân ở đó, từ những thăng trầm tài chính cho đến những nỗi sầu muộn ngày càng sâu sắc, cuối cùng kết thúc với sự ra đi ở tuổi còn rất trẻ của ông năm 1791... Đó là hình ảnh một Mozart gần như phải ăn xin những năm tháng cuối đời, mặc cảm về người vợ Constanze bị kẻ khác tước đoạt, phẫn uất vì hầu như không theo ý muốn của cha mình, nhưng vẫn can đảm và kiên trì rèn luyện một thẩm mỹ âm nhạc mới.

Qua phân tích các khía cạnh tâm lý cũng như các mối quan hệ xung quanh, cuốn sách đã tái hiện một Mozart rất trần thế với tính cách ngang ngược, sở thích tinh quái; một Mozart luôn bị giằng co giữa những “món nợ” với gia đình, một Mozart đã phải chiến đấu chật vật để thoát khỏi huyền thoại về một thần đồng mà theo đó tài năng là do trời ban... Và như thế, đây là chân dung một Mozart bình dị mà không kém phần vĩ đại, một thiên tài giữa những rắc rối, khổ đau đời thường...

ĐÁNH GIÁ

Yo Yo Ma - nghệ sĩ cello bậc thầy của Mỹ nhận xét: “Maynard Solomon viết với sự duyên dáng của một tiểu thuyết gia, cái nhìn sâu sắc của một triết gia và sự chính xác của một thám tử. Chúng ta biết đến Mozart với tư cách là một thiên tài âm nhạc, nhưng hơn thế nữa, ông là một con người, biết thở và biết suy nghĩ”.

Michael Walsh đánh giá: "Maynard Solomon, trong “Mozart: A Life”, đã tiến xa hơn nhiều so với bất kỳ người tiền nhiệm nào trong việc nhân bản hóa chủ đề của mình... Một Mozart bằng xương bằng thịt, gần gũi và thực tế hơn rất nhiều, trong đó sự thành thạo âm nhạc không phải là thứ năng khiếu được thần thánh hóa mà là công việc cả đời của một con người". Edward W. Said cho rằng: "Tôi không nghĩ có cuốn tiểu sử của một nhạc sĩ nào khác thỏa mãn và xúc động như cuốn tiểu sử này". Còn New York Times Book Review nhận định ngắn gọn: "Xuất sắc".

Xin giới thiệu tới độc giả một số trích đoạn trong cuốn sách này.

LƯỢC TRÍCH VỀ MỘT QUÃNG TUỔI THƠ CHU DU

Kiên quyết theo đuổi vận may, gia đình Mozart - gồm Leopold, Anna Maria, Wolfgang Amadeus Mozart và Marianne - đã đi khắp lục địa Châu Âu liên tục từ ngày 9.6.1763 đến ngày 29.11.1766. Bốn tháng đầu tiên họ đi qua các thành phố lớn của vùng Bavaria, miền Nam Đức và vùng Rhineland, bao gồm Munich, Augsburg, Schwetzingen, Heidelberg, Mainz, Frankfurt và Coblenz. Vào ngày 4.10, họ đến Brussels, là nơi họ lưu trú đến ngày 15.11; sau đó tiếp tục đến Paris, ở lại rất lâu, từ 18. 11 đến 10.4.1764. Cuối cùng, vào ngày 23.4, họ đến London qua Calais và Dover, và ở đó hơn mười lăm tháng, điểm dừng chân dài nhất trong cuộc hành trình của họ. Họ đã về đến quê nhà vào ngày 30.11.1766.

Họ đã lưu diễn trong ba năm, năm tháng, hai mươi ngày, và đã đi hàng ngàn dặm bằng xe ngựa, dừng lại ở tám mươi tám thành phố và thị trấn (bao gồm cả những chuyến thăm lại), và biểu diễn cho hàng nghìn khán giả. Leopold Mozart đã rời khỏi quê nhà với tư cách một nhạc sĩ giỏi giang, thậm chí đáng chú ý, danh tiếng; vào thời điểm gia đình trở về Salzburg, ông là một nhân vật nổi tiếng. Ông và các con của ông đã viết một chương mới trong lịch sử âm nhạc, và trở nên nổi tiếng khắp châu Âu hơn mọi mong đợi. Trong nhiều thập niên sau đó, những người từng chứng kiến các buổi biểu diễn của Mozart đã nhớ lại chúng như những kỳ tích về tài năng điêu luyện đáng kinh ngạc. Đến tận năm 1830, Goethe vẫn nói về chuyện ông đã được nghe Mozart trong buổi hòa nhạc ở Frankfurt vào tháng 8.1763, nhớ rất rõ về “chàng trai bé nhỏ với bộ tóc giả và thanh kiếm của mình”.

Khi đến từng thành phố, Leopold Mozart thường tự giới thiệu mình với những người ở vị thế có thể tiếp đãi hoặc sắp xếp các buổi biểu diễn - các nhà quý tộc hàng đầu và các gia đình có ảnh hưởng nhất, cũng như các nhạc sĩ, người sành sỏi và các ông bầu. Thường thì ông có những lá thư giới thiệu và tiến cử, nhưng đôi khi, theo thông lệ đối với các nghệ sĩ lưu diễn, ông đơn thuần tuyên bố sự hiện diện của mình và việc bọn trẻ sẵn sàng trình diễn. Đương nhiên, những lời chứng thực về năng lực phi thường của nhà Mozart đã được người ta truyền tai nhau. Đó là một hành động kinh doanh mang tính cơ hội: Họ có thể phải chờ nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần để mong ngóng một lệnh biểu diễn, và sau đó họ sẽ hồi hộp chờ đợi một món quà hoặc một khoản tiền công, mà mức độ của chúng hoàn toàn tùy vào sự hào phóng của nhà tài trợ và không bị ràng buộc bởi sự sắp xếp trước hoặc thỏa thuận giữa các bên. Ở Munich, Leopold Mozart đã viết: “Truyền thống đẹp đẽ là giữ mọi người chờ đợi những món quà trong một thời gian dài, để người ta buộc phải hài lòng nếu họ nhận được đúng theo những gì mà họ đã chi ra”. Ở Brussels, họ nhàn rỗi khoảng 5 tuần, chờ đợi quyết định của Hoàng tử Karl Alexander von Lothringen: “Có vẻ như sẽ chẳng có gì xảy ra, vì Hoàng tử dành thời gian săn bắn, ăn uống và cuối cùng, dường như ngài cũng không có tiền”. Nhưng có vẻ như Leopold Mozart đã phóng đại sự khó khăn, vì Brussels đã dành cho họ một buổi tiếp đón đầy thắng lợi: “Ở đây, lúc này cả nhà thật sự đã nhận được rất nhiều quà cáp hậu hĩnh, đa dạng... Wolfgang bé bỏng đã được tặng hai thanh kiếm lộng lẫy... Con gái nhỏ của tôi đã nhận được ren Hà Lan từ Tổng Giám mục, và áo choàng, áo khoác cùng nhiều thứ nữa từ các triều thần khác. Với các hộp đồ, hòm và những thứ như vậy, chúng tôi chẳng mấy chốc sẽ tạo được một gian hàng”. Trong vòng vài ngày, một buổi hòa nhạc lớn đã đáp ứng nguyện vọng mê đắm nhất của ông là kiếm được một khoản tiền lớn.

Ở các thủ phủ chính, họ được tôn vinh bởi các gia đình hoàng gia, giới quý tộc bậc cao và đại diện của các hội đoàn cao cấp nhất. Tại Paris, họ ở tại Khách sạn Beauvais, nơi ở của sứ thần xứ Bavaria, Bá tước van Eyck: “Họ đã chào đón chúng tôi theo cách thân thiện nhất và đã cấp một căn phòng, nơi chúng tôi đang sống thoải mái và vui vẻ. Chúng tôi được dùng cây đàn harpsichord của Nữ bá tước, vì bà ấy không cần đến”. Cuối cùng, họ đã làm quen với tất cả các đặc phái viên nước ngoài ở Paris: “Đại sứ Anh, Quý ngài Bedford, và con trai của ông ấy rất say mê chúng tôi; và Hoàng tử Nga Galitzin yêu mến chúng tôi như con vậy”. Tại Versailles, lũ trẻ đã chìm đắm trong đống hộp bảo vật và những món quà tinh tế khác. “Hai đứa trẻ đã lôi cuốn hầu hết mọi người như một cơn bão”. Các công chúa của Đức Vua không chỉ cho phép những đứa trẻ “hôn tay, mà còn hôn lại bọn chúng vô số lần”. Tại “dịp diện kiến trọng đại” đêm Giao thừa, “Wolfgang được đặc ân đứng bên cạnh Hoàng hậu suốt buổi, nói chuyện liên tục, khiến bà vui và hôn tay bà liên tục, lại còn ăn cùng những món ăn từ bàn mà bà đưa cho”. Từ London, Leopold ghi lại: “Cho đến hiện tại, ở tất cả các cung điện, chúng tôi đều được tiếp đón với phép lịch sự đặc biệt. Nhưng màn chào mừng mà chúng tôi đã nhận được ở đây vượt xa tất cả những nơi khác”. Vào ngày 27.4.1764 và một lần nữa vào ngày 19.5, họ đã được nhà vua và hoàng hậu tiếp đãi ở Điện Buckingham, thu được 24 đồng guinea mỗi lần xuất hiện. Sự ưu ái của gia đình hoàng gia đã khiến buổi hòa nhạc công ích của họ diễn ra vào ngày 5.6 thành công vang dội: “Tôi đã gặp một cú sốc khác, đó là cú sốc khi nhận được 100 guinea trong ba giờ đồng hồ”, Leopold viết. “Trước sự kinh ngạc của mọi người, có khoảng hơn vài trăm khán giả đã tới, bao gồm cả nhà lãnh đạo ở London; không chỉ tất cả các sứ thần, mà cả các gia tộc chính ở Anh đều tham dự. Lợi nhuận chắc chắn sẽ không dưới 90 guinea”.

Ở một số thành phố, họ chỉ biểu diễn trong các salon và cung điện của giới quý tộc, nhưng bất cứ nơi nào khả thi, họ cũng tổ chức các buổi hòa nhạc và giải trí cho công chúng, bao gồm cả những người yêu âm nhạc của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Và không chỉ những người yêu âm nhạc mà cả những người tìm kiếm sự mới lạ cũng bị thu hút bởi các báo cáo tiền trạm giật gân về tài năng của Mozart trong các công bố do Leopold Mozart chuẩn bị. Ban đầu, giọng điệu những quảng cáo này có phần tiết chế, như quảng cáo đầu tiên cho năm buổi hòa nhạc của họ ở Frankfurt đã diễn tả vừa đủ về “sự khéo léo đáng kinh ngạc” của Mozart, “làm choáng ngợp Tuyển đế hầu quốc Sachsen, Bavaria và Palatinate” và mang lại “màn giải trí đặc biệt cho Đức Hầu tước tôn quý”. Khi ông chuẩn bị quảng cáo thứ hai cho các buổi hòa nhạc đó, Leopold Mozart đã thay đổi sự nhấn mạnh để mỗi sự kiện dường như thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc về kỹ năng âm nhạc: Cậu bé cũng sẽ chơi một bản concerto cho violin, đệm cho những bản giao hưởng trên clavier, che hoàn toàn bộ cơ hoặc bàn phím của clavier, và chơi trên tấm vải như thể mắt vẫn thấy bàn phím; thêm nữa, từ một khoảng cách nhất định, cậu bé sẽ gọi tên chính xác bất kỳ nốt nào được xướng lên hoặc đánh hợp âm, trên clavier hoặc trên mọi nhạc cụ có thể tưởng tượng bao gồm chuông, kính và đồng hồ. Cuối cùng, cậu bé sẽ còn ứng tác một cách say mê, không chỉ trên đàn pianoforte mà còn trên đàn organ.

Các thông báo về những buổi biểu diễn ở London là hoành tráng nhất trong toàn bộ hành trình biểu diễn; thông báo cho buổi hòa nhạc vào ngày 5.6.1764 viết rằng: “Cô Mozart mười một tuổi và Cậu Mozart bảy tuổi, những Thần đồng của Tạo hóa; nhân dịp này sẽ thể hiện để Công chúng được chiêm ngưỡng Thần đồng vĩ đại nhất mà Châu Âu hay Nhân loại có thể nhắc đến. Mọi người sẽ choáng ngợp khi nghe một Đứa trẻ ở độ tuổi nhỏ như vậy chơi Harpsichord hoàn hảo đến thế, vượt qua mọi Huyền thoại và Tưởng tượng, và thật khó để diễn tả điều đáng kinh ngạc hơn, khả năng chơi Thị tấu trên đàn Harpsichord của cậu bé, hay những Sáng tác của chính cậu”.

Nhà giáo dục Thụy Sĩ Auguste Tissot, trước đó đã trích dẫn, ca tụng về tính nghệ thuật của Mozart hơn cả về khả năng âm nhạc của cậu: Trí tưởng tượng, cũng như đôi tai cậu bé đều đầy tính nhạc: cậu luôn nghe thấy nhiều âm thanh cùng lúc; một âm thanh nghe được lập tức gợi lại tất cả những âm thanh khác để có thể tạo thành một chuỗi giai điệu du dương và một bản hòa âm hoàn chỉnh. Đôi khi cậu bị thu hút bởi cây harpsichord như thể có một năng lượng thần bí, rồi từ đó rút ra những âm điệu sinh động diễn tả ý tưởng mà cậu vừa nghĩ ra. Người ta có thể nói rằng tại những thời điểm này, cậu bé chính là nhạc cụ trong tay âm nhạc và người ta có thể tưởng tượng cậu như những dây đàn được kết hợp hài hòa với nhau và khéo léo đến mức không thể chạm vào một dây mà không khiến những dây còn lại chuyển động.

Ở London, Daines Barrington đã bị ấn tượng không chỉ bởi khả năng ứng tác của Mozart trong “những bản ca xướng với nhiều diễn cảm khác nhau, chẳng hạn như Bài ca tình yêu, Khúc ca Giận dữ, Bài hát cơn Thịnh nộ”, mà còn bởi kỹ năng của cậu khi thị tấu một bản nhạc năm bè: “Phong thái hát thuần thục của cậu không gì vượt qua được”.

Nhà Mozart đã bắt đầu cuộc hành trình bằng xe ngựa của họ, do bốn con ngựa kéo, và thêm một người hầu riêng, tên là Sebastian Winter, làm thợ uốn tóc và người đánh xe cho họ. Khi Winter thôi việc vào đầu năm 1764, ông được thay thế bởi hai người hầu, một thợ uốn tóc tên là Jean Pierre Potivin và một người Ý tên là Porta, và cỗ xe của gia đình tới Calais giờ đã có bảy con ngựa nhanh.

Mặc dù vốn là một người dè sẻn, Leopold Mozart đã không hà tiện với chi phí đi lại, một phần vì gia đình cần tạo ấn tượng tốt: “Để giữ sức khỏe và danh tiếng của gia đình, chúng tôi phải du hành theo phong cách quý tộc hoặc kỵ binh”, ông đã giải thích. Trong trang phục, phong thái và phong cách sống của mình, gia đình Mozart đã nhanh chóng biến đổi thành một gia đình gần-quý tộc, như mọi bức chân dung đương thời của họ đều xác nhận. Leopold đã không giấu nổi sự phấn khích của mình khi sống như một nhà quý tộc. “Chúng tôi không giao du với bất kỳ ai ngoài giới quý tộc và những nhân vật kiệt xuất khác”, ông viết từ Coblenz, “và nhận được sự ưu đãi và tôn trọng đặc biệt”...

Những bức thư của Leopold Mozart không chỉ ghi lại thực tế xã hội khi xâm nhập vào thế giới ảo mộng của những cung điện lấp lánh và phòng hòa nhạc mạ vàng như thế nào. Ông cũng mô tả mặt trái xã hội: “Bạn sẽ khó tìm thấy thành phố nào khác có nhiều người khốn khổ và tàn tật đến thế”, ông viết từ Paris. “Bạn chỉ phải dành một phút trong nhà thờ hoặc đi bộ dọc theo một vài con đường là có thể bắt gặp một người ăn xin mù, què hay khập khiễng, hoặc thối rữa đến phân nửa, hoặc tìm thấy ai đó nằm trên đường với bàn tay đã bị bọn lợn ăn mất khi còn nhỏ, hoặc một người khác đã rơi vào lửa khi còn nhỏ và bị đốt cháy một nửa cánh tay trong khi người cha nuôi và gia đình họ đang làm việc trên các cánh đồng. Và có một số người ghê tởm đến mức khiến tôi không thể nhìn vào họ khi đi qua”. Một lá thư từ London mô tả một cách sinh động các cuộc biểu tình của những thợ dệt thất nghiệp người Anh - “là một dòng người tuôn trào” - đòi được bảo vệ từ sự cạnh tranh của lụa nhập khẩu Pháp. “Trên con phố nơi tôi ở, tôi thấy hơn 4.000 người đi ngang qua chỗ mình”. Họ mang theo “cờ đen” và “đeo tạp dề xanh lá cây”, đi trên đường đến trình bày kiến nghị của họ cho Vương triều, rồi nơi đó đã phản ứng lại bằng lực lượng đàn áp.

Nếu chúng ta không thể theo dõi tác động của những lời nhắc nhở liên tục về nghèo đói và bất công đối với Mozart trẻ tuổi, thì vẫn thấy được các dấu hiệu cho thấy những căng thẳng khác đang bắt đầu bám lấy cậu. Cậu bé đã khóc khi biết rằng con trai của Hagenauer là Cajetan đã vào tu viện, và khi được hỏi, Leopold đã viết: “Cậu bé nói rằng nó rất đau buồn, vì nó tin rằng nó sẽ không bao giờ gặp lại bạn nữa”, ông nhớ lại cách mà cậu bé lớn tuổi hơn thường chơi với con trai mình. Ở Paris, căn bệnh hiểm nghèo của Nữ bá tước van Eyck đồng hương cũng khiến Mozart và chị gái cậu rơi nước mắt, vì “Wolfgang yêu quý nữ bá tước và bà cũng rất thương mến cậu”...

NHỮNG BUỘC TỘI LÚC CUỐI ĐỜI

Đến năm 1789, Wolfgang Amadeus Mozart đã đi vào ngõ cụt. Chị dâu của Mozart, Sophie Haibel, đã mô tả tấn kịch về sự dao động xúc cảm trong Mozart, sự trầm tư của Mozart ngày càng nhiều, ngụ ý rằng Mozart đã rơi vào trạng thái u uất: “Anh ấy luôn hài hước, nhưng ngay cả khi anh hài hước nhất, anh vẫn rất trầm ngâm, nhìn thẳng vào mắt người khác, suy ngẫm về câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào, dù là vui hay buồn, và anh dường như đang chăm chú chìm sâu trong suy nghĩ về một cái gì đó khá khác biệt. Ngay cả khi anh rửa tay khi thức dậy vào buổi sáng, anh vẫn đi lại trong phòng, không bao giờ đứng yên, một gót chân chạm vào gót còn lại và luôn chìm sâu trong suy nghĩ”.

Suối nguồn thành công về tài chính và danh vọng đã bắt đầu cạn kiệt. Sự ngưỡng mộ gần như thuần khiết trong những năm đầu ở Vienna dành cho Mozart đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của các nhà phê bình bảo thủ và những người yêu âm nhạc thông thường đối với các tác phẩm quan trọng trong thời kỳ giữa của Mozart, những tác phẩm đưa ra những đòi hỏi về cảm xúc và trí tuệ chưa từng có tới khán giả. Giống như Beethoven sau đó đã bị phàn nàn về những phẩm chất được cho là “kỳ quái” trong âm nhạc của mình, Mozart giờ bị buộc tội thừa thãi, đồng bóng, và đặc biệt là chỉ sáng tác cho một nhóm người “sành điệu” thượng lưu...

Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 16: Nhiều đề cử chất lượng

M.K |

Đa số các MV và ca khúc lọt vào đề cử giải Âm nhạc Cống hiến 2021 (Báo Thể thao và Văn Hóa, Thông tấn xã Việt Nam) được đánh giá mang đến sự mới mẻ về ngôn ngữ âm nhạc và đạt lượt xem trên Youtube nhiều triệu view như “Cơn mưa tháng 5” (Tùng Dương, Trần Lập), “Cứ chill thôi” (Chillies ft Suni Hạ Linh & Rhymastic), “Yêu thì yêu không yêu thì yêu“ (Amee), “Em không sai chúng ta sai” (Erik), “Hơn cả yêu” (Đức Phúc), “Kẻ cắp gặp bà già” (Hoàng Thùy Linh - ảnh)...

Chương trình âm nhạc học đường đặc biệt lên sóng dịp Tết Dương lịch 2021

Minh An |

Chương trình âm nhạc học đường "Hòa ca" với hơn 500 các bạn trẻ được tuyển chọn trên toàn quốc biểu diễn lên sóng VTV vào dịp Tết Dương lịch 2021.

Âm nhạc 2020: Hương Giang, Hà Anh Tuấn, Hà Hồ, Chi Pu tạo dấu ấn hay ồn ào?

ĐÔNG DU |

MV drama, rap, show trực tuyến... là những chủ đề nổi bật của nền nhạc Việt năm 2020. Trong đó, những cái tên như Hương Giang, Hà Anh Tuấn, Hồ Ngọc Hà, Chi Pu tìm cho mình hướng đi riêng. Dấu ấn họ để lại thế nào?

Dàn sao Bắc Nam hội ngộ trong tiệc âm nhạc “Chào 2021”

DI PY |

Với chủ đề “Nơi tình yêu bắt đầu”, chương trình “Chào 2021” là một hành trình dẫn dắt khán giả bằng câu chuyện âm nhạc của những ca khúc phim truyền hình Việt Nam đi cùng năm tháng, từ “Lời ru cho con”, “Đất và người”, “Những nẻo đường phù sa”… cho đến “Về nhà đi con”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Zippo mù tạt và em”, “Tuổi thanh xuân”…

BTS tạo ra những sự thay đổi lớn trong âm nhạc, văn hóa

Huyền Anh |

Với việc phát hành nhiều album, phá vỡ mọi kỷ lục và tổ chức các buổi biểu diễn trực tuyến trong năm 2020, nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc đã vươn lên đỉnh cao của nhạc pop thế giới và trở thành "Ngôi sao giải trí của năm" do tạp chí TIME bình chọn.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 16: Nhiều đề cử chất lượng

M.K |

Đa số các MV và ca khúc lọt vào đề cử giải Âm nhạc Cống hiến 2021 (Báo Thể thao và Văn Hóa, Thông tấn xã Việt Nam) được đánh giá mang đến sự mới mẻ về ngôn ngữ âm nhạc và đạt lượt xem trên Youtube nhiều triệu view như “Cơn mưa tháng 5” (Tùng Dương, Trần Lập), “Cứ chill thôi” (Chillies ft Suni Hạ Linh & Rhymastic), “Yêu thì yêu không yêu thì yêu“ (Amee), “Em không sai chúng ta sai” (Erik), “Hơn cả yêu” (Đức Phúc), “Kẻ cắp gặp bà già” (Hoàng Thùy Linh - ảnh)...

Chương trình âm nhạc học đường đặc biệt lên sóng dịp Tết Dương lịch 2021

Minh An |

Chương trình âm nhạc học đường "Hòa ca" với hơn 500 các bạn trẻ được tuyển chọn trên toàn quốc biểu diễn lên sóng VTV vào dịp Tết Dương lịch 2021.

Âm nhạc 2020: Hương Giang, Hà Anh Tuấn, Hà Hồ, Chi Pu tạo dấu ấn hay ồn ào?

ĐÔNG DU |

MV drama, rap, show trực tuyến... là những chủ đề nổi bật của nền nhạc Việt năm 2020. Trong đó, những cái tên như Hương Giang, Hà Anh Tuấn, Hồ Ngọc Hà, Chi Pu tìm cho mình hướng đi riêng. Dấu ấn họ để lại thế nào?

Dàn sao Bắc Nam hội ngộ trong tiệc âm nhạc “Chào 2021”

DI PY |

Với chủ đề “Nơi tình yêu bắt đầu”, chương trình “Chào 2021” là một hành trình dẫn dắt khán giả bằng câu chuyện âm nhạc của những ca khúc phim truyền hình Việt Nam đi cùng năm tháng, từ “Lời ru cho con”, “Đất và người”, “Những nẻo đường phù sa”… cho đến “Về nhà đi con”, “Lặng yên dưới vực sâu”, “Zippo mù tạt và em”, “Tuổi thanh xuân”…

BTS tạo ra những sự thay đổi lớn trong âm nhạc, văn hóa

Huyền Anh |

Với việc phát hành nhiều album, phá vỡ mọi kỷ lục và tổ chức các buổi biểu diễn trực tuyến trong năm 2020, nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc đã vươn lên đỉnh cao của nhạc pop thế giới và trở thành "Ngôi sao giải trí của năm" do tạp chí TIME bình chọn.