Một tuần trong tâm đại dịch nước Mỹ

tường linh (tổng hợp) |

Thành phố Seattle, nơi vốn được biết tới vì các đổi mới sáng tạo công nghệ hàng đầu thế giới, nay lại trở thành trung tâm đại dịch chết người khi COVID-19 đang quét qua nước Mỹ.

Dưới đây là lược trích bài viết đặc biệt của cây bút James Ross Gardner về trải nghiệm của bản thân sau 1 tuần sống trong tâm dịch Seattle.

Những thay đổi đầu tiên

Chúng tôi bắt đầu ngừng chạm vào nhau từ thứ Tư (4.3). Hay thứ Ba gì đó? Thông tin ập tới với chúng tôi quá nhanh - về các ca nhiễm COVID-19 đã được xác nhận, những cảnh báo về y tế công cộng, những cái chết - đã đảo lộn mọi thứ, kể cả trật tự ngày tháng.

Có điều chắc chắn là tới thứ Tư thì những cái bắt tay biến mất. Chẳng ai ôm nhau nữa. Ngay cả những người bạn thân và thành viên trong gia đình cũng không làm thế. Đây là điều rồi sẽ xảy ra trên khắp cả nước, nhưng đã hiện diện tại Seattle, nơi dịch COVID-19 giết tới gần 20 người vào cuối tuần. Vì lẽ đó, tránh tiếp xúc thân thể bỗng trở thành điều cần kíp. Mọi sự tránh né va chạm đều được coi như một hành động anh hùng. Bạn tự nhủ rằng mình đang cứu mạng người khác khi làm thế, và có lẽ bạn đã đúng.

Trước đó chỉ mấy hôm, vào ngày 29.2, chúng tôi thức dậy để nghe tin dữ rằng người Mỹ đầu tiên đã chết vì COVID-19. Đó là một người đàn ông trong độ tuổi 50, qua đời tại một bệnh viện ở gần Nhà dưỡng lão Kirkland, cách Seattle có hơn 10km. Còn tại Kirkland, thêm hai bệnh nhân đã cho kết quả dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Số ca nhiễm bệnh sau đó tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng có 24 giờ.

Tới ngày 2.3, 5 người đã thiệt mạng, với 4 là cư dân trong độ tuổi 70 và 80 đang sống ở Kirkland. Ngay sau đó, Thị trưởng Seattle Jenny Durkan cùng lãnh đạo quận King và Thống đốc (tiểu bang Washington - nơi quản lý Seattle) Jay Inslee phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Khi ấy, chúng tôi không hề biết rằng mình giống như đang sống tại một phòng thí nghiệm, nơi nghiên cứu về tương lai của đất nước trong trận dịch. Chúng tôi là những người ở tiền tuyến. Là các cá nhân đầu tiên nhìn thấy tài xế xe buýt đeo khẩu trang, là những người đầu tiên hát bài “Happy Birthday” hai lần khi rửa tay để tẩy sạch vi khuẩn. Là những người đầu tiên trải nghiệm dạng cách ly có một không hai.

Để tránh những cái bắt tay làm lây lan dịch bệnh, chúng tôi thúc cùi chỏ vào tay nhau. Trò vui này cũng là dấu hiệu đầu tiên nhắc nhở rằng chúng tôi không nên ở gần nhau. Trên xe buýt, hành khách chọn cách đứng hết chuyến đi, thay vì ngồi chung với người lạ. Người ta sẽ tìm cách đi sang bên kia đường nếu thấy một đám đông tiến lại mình. Giới chức địa phương đã khuyến cáo, rồi chuyển thành yêu cầu, chúng tôi không được tụ tập đông người ở nơi công cộng. Chúng tôi vẫn tự do, nhưng là thứ tự do rất khác. Tự do cách ly ở một chỗ cùng nhau.

Trong môi trường cách ly ấy, bạn có đủ thời gian để kiểm nghiệm lại rằng ngón tay của mình đã chạm vào bao nhiêu thứ trong ngày. Đó là các tay nắm cửa, các nút bấm đèn đỏ sang đường, nút bấm thang máy. Mọi bề mặt mà ngón tay có thể chạm vào đều trở thành thứ đáng ngờ.

Những cái chạm bằng cùi chỏ bỗng được gán cho thêm nhiều nhiệm vụ mới và được sử dụng tối đa. Người ta dùng cùi chỏ nhấn nút thang máy để lên tầng mong muốn. Người ta cũng dùng cùi nhỏ để giữ cửa cho ai đó đang lao tới chiếc thang vì vội làm. Sau đó, hai người đứng cách xa nhau trong hành trình đi lên.

Chúng tôi cũng phải làm quen với vai trò mới của Seattle trên trường thế giới. Chúng tôi vốn được biết tới vì các sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ. Nơi đây có đại bản doanh của các thương hiệu lớn như Amazon, Microsoft, Starbucks và là cái gốc của công ty Boeing. Nhưng giờ, chúng tôi lại biết tới với vai trò trung tâm của một đại dịch chết chóc sắp quét qua châu lục.

Đêm 3.3, đài NBC News đã nhắn tin về đại dịch lên mạng xã hội Twitter với nội dung: “Seattle giống thành phố ma khi cư dân đang đối mặt với sự bất ổn của đại dịch COVID-19”. Chúng tôi cười phá lên khi đọc và cho rằng thông tin bị thổi phồng quá đáng. Những người còn ở lại Seattle như chúng tôi thấy rằng thành phố chẳng hề vắng người. Nhưng rồi tất cả dần phải thừa nhận có chút sự thật trong đó. Thành phố vẫn còn sự náo nhiệt thường lệ, nhưng chỉ là ở vẻ bề ngoài.

Nhiều người đã tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhà dưỡng lão Kirkland.
Nhiều người đã tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhà dưỡng lão Kirkland.

"Bố chồng tôi sẽ chết trước cuối tuần"

Carmen Gray ngồi đằng sau vô lăng chiếc xe Buick của cô trong bãi đậu xe của Nhà dưỡng lão Kirkland trong ngày 3.3. Từ trong xe, cô nhìn thấy vô số máy ghi hình của cánh nhà báo nhấp nhô cạnh các cây thông nằm dọc theo chiều dài của Kirkland, theo dõi nhất cử nhất động tại cửa ra vào. Đầu buổi sáng, xe cấp cứu đã chở 3 bệnh nhân tới bệnh viện Evergreen. Ngồi cạnh Gray là cô em gái Bridget Parkhill. Họ sắp phải đưa ra quyết định. Mẹ đẻ của họ - bà Susan Hailey (76 tuổi) mới được đưa tới Kirkland từ tháng 11 năm ngoái, sau một ca phẫu thuật đầu gối. Bà tiếp tục bị ngã và rạn xương bàn chân nên phải ở lại Kirkland theo dõi.

Trong 4 ngày qua, bà Hailey, giống nhiều cư dân của Kirkland, đã bị cách ly. Hoặc họ đang sống giống như bị cách ly do nhân viên Kirkland không hề có kiến thức, kỹ năng về phòng dịch. Cư dân Kirkland lẽ ra phải ở yên trong phòng để tránh lây chéo nhau, thì một số lại di chuyển ngoài hành lang như Gray nhận thấy.

Bởi không một ai ở Kirkland có thể rời đi, trừ phi họ được đưa bằng xe cấp cứu tới bệnh viện, hai chị em chỉ còn lại cách duy nhất để liên lạc với mẹ. Họ đứng bên ngoài phòng bà Hailey, vẫy tay và ra hiệu cho mẹ cầm lấy chiếc điện thoại đang đổ chuông. Thông qua cách này, họ mới có thể an ủi bà Hailey, người đang cảm thấy rất cô độc và sợ hãi. Bà Hailey không hề biểu hiện các triệu chứng của COVID-19. Bà có bị ho và hơi khó thở, cùng một số dấu hiệu khác, nhưng không bị sốt. Tuy nhiên, điều đó chẳng có nghĩa bà chưa nhiễm SARS-CoV-2, hay sẽ không thể nhiễm bệnh.

Việc Trung tâm Kirkland và cả cơ quan y tế công cộng đều im lặng không đưa ra câu trả lời cho những người bị cách ly đã khiến thân nhân của họ bị ức chế tâm lý. Dường như không ai có trách nhiệm biết sẽ phải làm những gì tiếp theo. Hai chị em rất lo lắng cho tính mạng mẹ của họ.

2 ngày sau đó, vào lúc 2 giờ chiều ngày thứ Sáu, thành viên gia đình của một số các bệnh nhân khác cũng tổ chức họp báo chung tại cùng địa điểm. Kevin Connolly, người có bố chồng Jerry đang ở trong Kirkland, phàn nàn rằng thân nhân của những người bị cách ly đã nhận tin qua báo chí, chứ không phải từ nhân viên của nhà dưỡng lão. “Với tốc độ giết người của căn bệnh ở trong trung tâm” - Connelly tuyên bố với báo chí - “bố chồng tôi sẽ chết trước cuối tuần này.”

Có mặt trong buổi họp báo, Pat Herrick cho biết, người của Trung tâm Kirkland gọi điện thông báo vào buổi sáng rằng mẹ ông - bà Elaine - vừa qua đời vì COVID-19. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau, một nhân viên khác lại thông báo rằng bà cụ 89 tuổi vẫn còn sống, hoàn toàn khỏe mạnh. Herrick nói với báo giới rằng, ông không trách Kirkland vì đã cho mình "đi chuyến tàu lượn cảm xúc" kinh khủng, nhưng sự tức giận thể hiện rõ ra mặt.

Tương tự là Curtis Luterman. Một hôm trước ông đã gọi theo đường dây nóng xử lý dịch COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), nói rằng mẹ đẻ - bà Mary đã 89 tuổi - vẫn đang ở Nhà dưỡng lão Kirkland. Người trực điện thoại đã hỏi ngược lại ông những câu rất thiếu trách nhiệm: Nhà dưỡng lão nằm ở bang nào? Nơi đó đã phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào chưa? Thời điểm ấy, vụ bùng dịch ở Kirkland là lớn nhất, rõ rệt nhất Mỹ. Luterman, do quá cáu, đã phải hỏi ngược lại người trực đường dây nóng xem có phải cô đang sống trong hang không?

Nhân viên y tế khử trùng xe buýt ở Seattle.
Nhân viên y tế khử trùng xe buýt ở Seattle.

Cuộc sống thời dịch bệnh

Việc được nghe trực tiếp câu chuyện từ những gia đình bị ảnh hưởng, cũng như báo chí đưa tin 24/7 về dịch bệnh, đã có những tác động không nhỏ. Số người chết tăng lên 11, với 10 có liên quan đến Kirkland. Trong ngày thứ Sáu, một hôm sau buổi họp báo chung kể trên, khi được hỏi về tình trạng của những người mắc kẹt tại Kirkland, ông Dow Constantine - lãnh đạo quận King - nói rằng, mình đang mất dần kiên nhẫn với ban điều hành nhà dưỡng lão này.

Theo Constantine, kể từ khi có ca thiệt mạng đầu tiên tới nay, chính quyền quận đang tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó. “Một trong những điều chúng tôi cần làm lập tức là cung cấp không gian cách ly cho các trường hợp đã nhiễm virus và những ca đang phục hồi” - ông nói. Đây là điều rất quan trọng với một khu vực có cộng đồng người vô gia cư khá đông. Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị Mỹ xếp Seattle/quận King vào nhóm có khủng hoảng nhà ở lớn thứ ba toàn quốc.

Constantine đã cho phép mua một khách sạn với 85 giường ở vùng ngoại ô Kent gần đó làm điểm cách ly. Ông cũng cho đặt các khu nhà di động, dạng nhà container, trong khắp quận để đề phòng tình huống khẩn cấp. Constantine dần trở thành gương mặt đại diện cho nỗ lực kiềm dịch - bình thản, gần như không đổi sắc giọng khi nói, vào thời điểm mà người Mỹ cần phải kiểm soát cơn hoảng loạn.

Vậy tại sao mọi việc lại trở nên chết chóc quá nhanh như thế? Tính tới thời điểm bài báo này được xuất bản, cơ quan y tế công Seattle và quận Kinh đã xác nhận hơn 270 ca nhiễm virus, 27 người thiệt mạng, với 20 là cư dân Kirkland.

Constantine cho hay, khả năng điều tra sâu vào Kirkland là điều sẽ xảy ra. Còn trước mắt, ông giải thích tình hình là COVID-19 đã chạm được vào mục tiêu dễ tổn thương nhất. Virus SARS-CoV-2, theo ông, đã “rình rập và đột nhiên hiện diện tại chốn có rất nhiều người đang có khả năng bị ốm nặng hoặc đang chết dần". Nhưng ông cho rằng nếu không xuất hiện ở trại dưỡng lão, virus SARS-CoV-2 hẳn đang lây lan mà không bị phát hiện trong cộng đồng.

Khi Constantine thông báo tất cả người lao động trong quận, trừ một số người trong các lĩnh vực thiết yếu như thu gom rác, sẽ không phải tới nơi làm, thông tin đã gây chấn động trong khu vực. Tương tự là thông tin yêu cầu các doanh nghiệp phải tạo điều kiện để người lao động làm việc từ xa.

Tới đêm 4/3, cả Amazon và Microsoft, vốn có lực lượng lao động đông hơn 100.000 người trong vùng, đã gửi thư điện tử cho nhân viên yêu cầu họ không tới văn phòng và phải làm việc từ nhà. Sau đó, các công ty nhỏ hơn cũng là điều này. Seattle dần chuyển thành một thành phố làm-việc-từ-nhà. Kể từ đó, cả một thành phố vốn đông dân văn phòng bỗng chẳng còn ai làm ở văn phòng nữa. Tình trạng làm ở nhà còn kéo dài bao lâu, không ai biết câu trả lời.

Trong tuần đầu tiên, chúng tôi đang sống trong tương lai của toàn nước Mỹ, khi mỗi người tránh va chạm thể xác với những người khác. Tuần này, chúng tôi sẽ bắt đầu hiểu được cảm giác của sự cách ly. Thật đáng buồn khi những người ở Kirkland lại có các trải nghiệm tồi tệ trước tất cả. Susan Hailey - bà mẹ già cả của Gray - đã phải ở yên trong phòng suốt một tuần, với thứ để giải khuây duy nhất chỉ là một chiếc TV.

Sau khi Gray xuất hiện trên báo chí, với cáo buộc rằng Kirkland đang để các bệnh nhân rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh mới chuyển họ đi, thông điệp của cô đã nhanh chóng lan tỏa ra toàn quốc. Một tuần sau, cô và mẹ đã lên sóng tại chương trình “World News Tonight" của kênh ABC. Lần này bà Hailey mới có cơ hội để nói, qua điện thoại vì vẫn đang bị cách ly, rằng mình không thích cảm giác bị mắc kẹt, nhưng rốt cục đã chẳng thể thoát ra khỏi Kirkland.

Tiếng của Hailey nghe rất yếu và mệt. Một ngày sau khi Gray tiếp cận với báo chí, các triệu chứng của bà Hailey mới trở nên rõ ràng hơn. Cuối cùng người ta mới cho bà xét nghiệm COVID-19, với kết quả dương tính.

Chỉ khi bà Hailey nhập viện, Gray mới có thể gặp mặt mẹ đẻ, trong bộ dạng mặc đồ khử trùng toàn thân. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời Gray. Việc có thể được sờ vào người mẹ, có thể giao tiếp về thể xác, dù chỉ vài giây ngắn ngủi, đã mang lại niềm vui lớn lao cho cô, giữa những tháng ngày tăm tối của dịch bệnh.

tường linh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Nhân viên của Phó Tổng thống Mỹ dương tính với virus SARS-CoV-2

Hải Anh |

Một nhân viên trong văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dương tính với virus SARS-CoV-2, người phát ngôn của ông Mike Pence thông tin tối 20.3.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả dịch COVID-19

Thanh Hà |

Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Steven Beigun và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao các nước nhấn mạnh Việt Nam là một trong số những nước ứng phó với dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả.

Không có chuyện Mỹ, EU ngăn chặn hàng hoá Việt Nam để chống dịch

Cường Ngô |

Phòng Kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ đã khẳng định với Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), các cơ quan quản lý của nước này không áp dụng biện pháp nào để ngăn chặn việc tiếp cận thị trường với hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Nhân viên của Phó Tổng thống Mỹ dương tính với virus SARS-CoV-2

Hải Anh |

Một nhân viên trong văn phòng của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dương tính với virus SARS-CoV-2, người phát ngôn của ông Mike Pence thông tin tối 20.3.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả dịch COVID-19

Thanh Hà |

Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Steven Beigun và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao các nước nhấn mạnh Việt Nam là một trong số những nước ứng phó với dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả.

Không có chuyện Mỹ, EU ngăn chặn hàng hoá Việt Nam để chống dịch

Cường Ngô |

Phòng Kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ đã khẳng định với Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương), các cơ quan quản lý của nước này không áp dụng biện pháp nào để ngăn chặn việc tiếp cận thị trường với hàng hoá Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.