Môi trường xuất hiện thiên tài

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Fujiwara Masahiko là nhà văn, nhà toán học, dịch giả, Giáo sư danh dự Đại học Nữ sinh Ochanomizu (Nhật Bản), chuyên nghiên cứu về Lý luận toán học và Lý luận bất đẳng thức. Ông là tác giả của “Nước Mỹ của các nhà toán học trẻ” (1977), “Ngôn ngữ của nhà toán học” (1981), “Hành trình của cha, hành trình của tôi” (1987), “Sự uy nghiêm của cha tôi” (1994). Cuốn “Phẩm cách quốc gia” của ông đã bán được 2,65 triệu bản tại Nhật trong vòng 6 tháng kể từ khi ra sách.

Bản dịch của cuốn sách này (do Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Phụ nữ) có phần viết về “Môi trường xuất hiện thiên tài” khá thú vị. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Trước đây, tôi (Fujiwara Masahiko) từng nói rằng thiên tài là chỉ dấu cho biết sức mạnh tiềm tàng của quốc gia. Vậy thì, để thiên tài ra đời cần đến những điều kiện gì? Trước đó, trong hai cuốn sách “Vinh quang và thất bại của các thiên tài” (Shincho Sensho), “Nhà toán học và trái tim cô đơn” (Shincho Bunko), tôi đã phác họa cuộc đời của các nhà toán học thiên tài. Tôi đã đi tới tận quê hương của từng nhà toán học đó để trải nghiệm vùng đất mà họ đã sinh ra và lớn lên. Khi đó, tôi nghĩ đến câu hỏi: “Thiên tài sẽ sinh ra ở những nơi như thế nào?” và thử suy nghĩ về nó. Thật thú vị là thiên tài không phải xuất hiện ở chỗ này chỗ kia tương ứng với dân số. Họ chỉ sinh ra ở những vùng đất nhất định, quốc gia nhất định.

Ví dụ, nước Ireland đã sinh ra đại thiên tài toán học Hamilton (1805 - 1865) và ở đây cũng không thiếu những thiên tài văn học sáng lấp lánh như sao. Đó là Jonathan Swift, Oscar Wilde, William Butler Yeats, James Joyce, Samuel Beckett... Nơi đây liên tiếp sinh ra những nhà văn viết nên những tác phẩm trở thành tác phẩm kinh điển của thế giới.

Tuy nhiên, dân số của Ireland chỉ có chưa đầy 4 triệu người. Một quốc gia chỉ nhỏ bằng quy mô tỉnh Shizuoka của Nhật. Vậy mà nơi đây đã sinh ra biết bao thiên tài. Đấy là điều rất bí ẩn.

Vì vậy, khi tìm hiểu về các thiên tài, tôi đã nhận ra ba điểm chung ở mảnh đất đã sinh ra các thiên tài.

Điều kiện thứ nhất - “sự tồn tại của cái đẹp”

Thứ nhất là “sự tồn tại của cái đẹp”. Ở những vùng đất không tồn tại cái đẹp thì sẽ không sản sinh ra thiên tài, đặc biệt là thiên tài toán học.

Nước Anh là nơi sản sinh ra các thiên tài và phong cảnh ruộng vườn nơi đây thực sự rất đẹp. Những đại học như Cambridge, Oxford với hình ảnh các tòa nhà cổ kính phản chiếu lên thảm cỏ xanh tươi quanh năm giống như là ở trong mơ. Cả Ireland cũng có mầu xanh cây cối và vẻ đẹp thiên nhiên huyền ảo, hùng vĩ giống như một hòn đảo ngọc.

Vấn đề nằm ở Ấn Độ. Để tìm hiểu về thiên tài chỉ mới tốt nghiệp trung học phổ thông Ramanujan (1887 - 1920), tôi đã đến Ấn Độ lần đầu tiên vào năm 1990. Khi đến nơi, tôi thật sự cảm thấy choáng váng. Bẩn kinh hoàng! Cho dù là đến Madras, Bombay (Mumbai) hay Calcutta thì chỗ nào phố phường cũng vô cùng bẩn thỉu. Các tự viện cũng biến thành nơi du lịch nhưng không một lần nào tôi bị kích thích bởi xúc cảm mĩ học.

Tôi rất thích đi bộ cho nên trước khi đến Madras đã hỏi một người là chủ công ty thương mại có kinh nghiệm sống ở đó rằng “Có chỗ nào hợp với việc đi bộ không?”. Khi hỏi như vậy, anh ta đáp “Không. Chẳng có tâm trạng nào mà đi bộ đâu. Cho dù trị an cũng không phải là tồi tệ”. Với tôi, một người thích đi bộ, thì chuyện lần đầu đi đến nước nào đó rồi ru rú trong khách sạn là điều không tưởng. Tôi tự nhủ trong lòng rằng, “Khi trời chiều râm mát mình sẽ đi bộ khoảng một tiếng”. Nhưng rồi thực tế cho thấy, đấy là tính toán sai lầm tệ hại của tôi.

Cái đẹp tìm thấy ở Ấn Độ

Cho dù chiều tối tháng 2 nhưng nhiệt độ là trên 300C. Đường đi bộ bẩn đến độ mỗi bước đi đều cần chú ý tới chỗ đặt chân. Ở dưới đường, ôtô, xe máy, xe kéo tay đua nhau chạy trong khói bụi và tiếng ồn kinh khủng. Xen vào đó là bò, chó, dê băng qua đường. Không rõ có phải do không có quy chế đối với khí thải hay không mà không khí ở đây thật khó thở. Những người vô gia cư lang thang khắp nơi. “Trời đất! Mình đã tới một nơi thật kinh khủng”, chưa đầy 10 phút tôi đã bỏ chạy về khách sạn. Quá mệt mỏi!

Chẳng chỗ nào có gì đẹp! Thật rắc rối! Tôi đã viết rằng, “trong toán học cảm xúc về cái đẹp là quan trọng nhất”, “khi còn trẻ việc tiếp xúc với cái đẹp là rất quan trọng” vậy mà công thức đẹp đẽ này lại không đúng với Ramanujan, người đã tìm ra 3.500 công thức trên đất Ấn Độ. Ông đã ở Madras khi hơn hai mươi tuổi. Đây là ví dụ khá tương phản với lý luận của tôi.

Điều đó cứ bám mãi lấy đầu óc tôi. Vài năm sau, sau khi có thêm quyết tâm, tôi lại tới Ấn Độ. Trong trạng thái chạy về đến mửa mật như khi tới thăm lần đầu, tôi đã đến tận quê hương của Ramanujan. Tôi đã thuê một người lái xe chạy lọc cọc trên chặng đường dài hơn 200km từ Madras về hướng nam trong 7 tiếng đồng hồ để tới thành phố thôn quê Kumbakonam nơi Ramanujan lớn lên. Thật kinh ngạc! Ở xung quanh có biết bao chùa chiền xinh đẹp. Cả ngôi làng nghèo khổ cũng có những ngôi chùa đẹp lộng lẫy.

Định lý toán học và những ngôi chùa tráng lệ

Khi hỏi thăm thì biết từ thế kỷ 9 tới thế kỷ 13 ở vùng này có vương triều Chola và các vị vua liên tục thay đổi của vương triều giàu có này đã đua nhau xây dựng nên các ngôi chùa đẹp đẽ thay vì chú tâm vào tiền bạc.

Ngôi chùa Brihadishwara ở Thanjavur gần Kumbakonam thật sự tráng lệ đến độ khiến cho người ta tức thở. Khi nhìn thấy ngôi chùa này, bằng trực giác tôi đã nghĩ thế này: “Đây là vẻ đẹp giống như công thức của Ramanujan”.

Ramanujan không phải là kiểu thiên tài “có đầu óc thông minh hơn chúng ta cả trăm lần”. Ông là kiểu thiên tài khiến cho người ta “không hiểu tại sao lại có ý nghĩ so sánh như thế”.

Người ta cho rằng, thuyết tương đối hẹp của Einstein cho dù không được Einstein phát hiện và không có Einstein đi nữa thì trong vòng hai năm cũng sẽ có người khác phát hiện ra. Ở hầu như tất cả phát hiện trong toán học hay khoa học tự nhiên người ta đều cảm nhận thấy tính tất yếu nào đó nó. Tuy nhiên, trước những công thức của Ramanujan cho dù đẹp người ta lại không thể hiểu được tính tất yếu của chúng.

Ramanujan - người chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông - nói rằng: “Trong giấc mơ nữ thần Lakshmi đã chỉ cho tôi” và liên tiếp tìm ra các định lý, công thức. Sau đo,́ ông được mời đến đại học Cambridge và công bố rất nhiều luận văn ấn tượng tại Anh trong bối cảnh diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất. Người ta nói rằng, tại phòng nghiên cứu của giáo sư Hardy, người đã mời ông tới đại học Cambridge, mỗi sáng ông lại mang tới nửa tá định lý. Một con người thật... đáng ghét!

Ông, người chưa hề tiếp nhận giáo dục đại học đặc biệt không có hứng thú với việc “chứng minh” định lý. Khi ông qua đời, có rất nhiều định lý đẹp đến kỳ lạ vẫn chưa được chứng minh. Rất nhiều nhà toán học sau đó đã tìm cách chứng minh định lý của Ramanujan nhưng việc chứng minh những định lý mà ông phát hiện ra ở nam Ấn Độ tức là lúc trước 26 tuổi, phải đến năm 1997 mới hoàn thành và xuất bản thành 5 cuốn sách.

Ngoài Ramanujan, ở xung quanh khu vực Kumbakonam còn xuất hiện những thiên tài khác. Chandrasekhar, người được coi là nhà vật lý học thiên thể lớn nhất thế kỷ 20 và nhận giải Nobel; Rama - nhà vật lý học được biết đến với “hiệu ứng Rama” cũng sinh ra và lớn lên ở vùng này. Cả ba người đều xuất thân ở khu vực nhỏ trong phạm vi bán kính 30km. Kể từ thời cận đại không có một ai là nhà khoa học, nhà toán học ở khu vực khác có thể so sánh được với ba người này. Đối với vùng đất xuất hiện thiên tài rõ ràng là có sự thiên lệch.

Tôi nghĩ rằng, vẻ đẹp tồn tại ở vùng đất đó chắc chắn có mối quan hệ sâu sắc với thiên tài. Phạm vi bán kính 30km này là vũ đài có thể nói là quyết định khi suy ngẫm về môi trường đã sản sinh ra thiên tài.

Kiến trúc Brihadeeswarar ở Thanjavur, Ấn Độ.
Kiến trúc Brihadeeswarar ở Thanjavur, Ấn Độ.

Điều kiện thứ hai: “Tấm lòng ngưỡng vọng”

Điều kiện thứ hai là có tấm lòng ngưỡng vọng với thứ gì đó. Đối với Nhật Bản, người ta ngưỡng vọng thần, Phật và tự nhiên vĩ đại. Nam Ấn Độ là nơi giống như Mecca của Hindu giáo và mọi người ngưỡng vọng các vị thần Hindu.

Mẹ của Ramanujan mỗi buổi chiều tà thường dắt con tới cầu nguyện tại ngôi chùa Saraganpani trong vài phút. Những người Anh sống vào thời đại Newton cũng ngưỡng vọng Chúa. Trên thực tế, bản thân Newton cũng là con chiên ngoan đạo của đạo Ki-tô và cũng nhiệt tâm với việc nghiên cứu Kinh thánh. Ngày nay, số người Anh có niềm tin sâu sắc rất hiếm. Tuy nhiên, số người nhận giải Nobel hiện nay vẫn rất nhiều. Họ đang ngưỡng vọng cái gì? Bữa tối của đại học Cambridge là một ví dụ. Đó là việc họ ở trong căn phòng giống như 350 năm về trước, mặc áo măng-tô đen và ăn tối trong ánh sáng của những ngọn nến. Truyền thống quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác.

“New University”

Tổng thống Nelson Mandela - chiến sĩ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi - đến thăm Anh. Khi đó, nhiều đại học muốn tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự cho ông. Khắp nước Anh đã xảy ra cuộc tranh cãi xem đại học nào sẽ là đại học đầu tiên trao bằng tiến sĩ danh dự cho người anh hùng này. Đó là vì đại học nào cũng muốn dành bằng tiến sĩ danh dự của mình cho niềm vinh dự số một.

Có khoảng 10 trường đại học ở Anh giơ tay. Không trường nào muốn nhân nhượng nhưng kết cục thì lâm vào cảnh “Oxford và Cambridge là ngoại hạng nhưng đại học nào mới là số một?”. Lần này trở thành cuộc chiến giữa một bên là Oxford một bên là Cambridge. Bên nào cũng không chịu nhường. Cuối cùng thứ được căn cứ để đi đến kết luận là sự chênh lệch về năm sáng lập. Đại học Oxford được thành lập vào năm 1249 còn Đại học Cambridge được thành lập vào năm 1284, nghĩa là chênh nhau 35 năm. Vì thế, cuối cùng đại học Cambridge đã bỏ cuộc vì “không có cách nào khác”.

Ở Anh, giống như câu chuyện ở trên, truyền thống là thứ quan trọng số một. Vì vậy, sinh viên của Đại học Oxford thường châm chọc Đại học Cambridge, trường thành lập sau trường mình chỉ có 35 năm là “New University”. Tất cả đều ngưỡng mộ truyền thống.

Điều kiện thứ ba: “Môi trường coi trọng tinh thần”

Đó là môi trường coi trọng cả những thứ không hữu ích. Đấy là việc coi trọng những thứ không trực tiếp có ích như văn học, nghệ thuật... Cũng là việc coi thường những thứ trần tục và tiền bạc.

Những người thuộc giai cấp thượng lưu của nước Anh nói chung là như vậy. Họ coi thường tiền bạc. Trong số những nhà tài chính làm việc ở thành phố London có tương đối nhiều người đã trở thành người có nhiều tiền nhờ nỗ lực dần. Cho dù vậy, họ vẫn không được kính trọng. Cho dù có nhiều tiền thế nào đi chăng nữa thì cũng vậy.

Tôi cho rằng điều này đã làm cho khoa học của nước Anh phát triển trong khi kinh tế thì không mấy ấn tượng. Tuy nhiên, khi những người ở tầng lớp trên coi nhẹ tiền bạc và coi trọng tinh thần thì cho dù kinh tế có không phát triển mạnh đi nữa thì vẫn duy trì được phẩm cách quan trọng của quốc gia và được thế giới kính trọng.

Chế độ đẳng cấp và thiên tài

Có thể nói, đối với trường hợp của Ramanujan, chế độ đẳng cấp đã giáo dục nên tính thiên tài của ông.

Ramanujan thuộc đẳng cấp Bà La Môn, đẳng cấp có địa vị cao nhất trong chế độ đẳng cấp. Bà La Môn ban đầu vốn là giai cấp tăng lữ, chủ tế nhưng hiện nay thì một bộ phận lớn những bác sĩ, học giả cũng dần nằm trong đẳng cấp Bà La Môn, đẳng cấp chỉ chiếm vài phần trăm trong xã hội. Đẳng cấp Bà La Môn coi trọng tinh thần và coi nhẹ tiền bạc. Vì vậy, cho dù đứng ở vị trí cao nhất trong chế độ đẳng cấp đi nữa, vẫn có rất nhiều người nghèo. Gia đình của Ramanujan cũng rất nghèo, đến độ mẹ ông phải nhận gạo của hàng xóm.

Tuy nhiên, cho dù là nhận đồ từ người khác thì thái độ của họ với chuyện ăn xin cũng rất khác. Họ rất cao ngạo. Đó là thái độ giống như là chuyện “Ta luôn sống với những suy nghĩ về những điều vô cùng cao quý của thế giới tinh thần. Vì vậy, chuyện nhà ngươi cho ta gạo là nghĩa vụ”. Họ không hề cảm thấy rằng mình phải nói: “Xin lỗi! Tôi không có tiền nên làm ơn cho tôi chút ít được không?”.

Khu vực có tỉ lệ đẳng cấp Bà La Môn như trên lớn nhất là vùng xung quanh sông Tamil Nadu, nơi Ramanujan chào đời. Số lượng chùa ở đây cũng nhiều hơn các khu vực khác. Đương nhiên, tín tâm ở đây rất sâu sắc. Đấy là môi trường ngưỡng vọng thần linh và coi trọng tinh thần hơn bất cứ thứ gì khác. Đó là lý do nơi đây được gọi là Mecca của đạo Hindu.

Nhờ có những điều đó mà Ramanujan trong 6 năm từ 17 tuổi tới 23 tuổi cho dù không lao động, không có ý định kiếm việc làm và dù buổi sáng hay buổi chiều đều có thể vùi đầu vào toán học. Trong cuộc sống gần như là bần cùng ấy, không một ai kể cả cha mẹ nói với ông những lời như “Đồ lười! Thử đi làm gì kiếm tí tiền xem nào!”.

Vậy thì Nhật Bản thế nào? Nhật Bản đã đáp ứng đủ ba điều kiện này. Trước hết, Nhật Bản có thiên nhiên tươi đẹp. Thứ hai, Nhật Bản có tâm hồn ngưỡng vọng thần, Phật và tự nhiên. Và thứ ba là Nhật Bản có môi trường coi thường những thứ có ích hay tiền bạc. Đằng sau “môi trường sinh ra thiên tài” là sự phát triển rực rỡ của văn hóa Nhật Bản. Vào thời Genroku đã có rất nhiều thiên tài xuất hiện như Seki Takakazu, Takebe Katahiro, Matsuo Basho, Ihara Saikaku, Chikamatsu Monzaemon. Nhật Bản có môi trường tuyệt vời như thế đấy! Chính môi trường này thực ra mới là sức mạnh tiềm tàng của quốc gia.

Những nước Châu Á, Châu Phi đã cố gắng bắt chước Minh Trị duy tân của Nhật Bản khi cận đại hóa nhưng không thành công. Tôi cho rằng, sự phát triển kinh ngạc của Nhật Bản sau Minh Trị duy tân là nhờ vào sức mạnh tiềm tàng đáng kinh ngạc, hơn là nhờ vào sự tốt đẹp của thể chế hay chính trị. Khi nhìn xem hoạt động của toán học, văn học, văn nghệ phát triển như thế nào thì sẽ biết được sức mạnh tiềm tàng của quốc gia đó. Bình thường người ta sẽ không nhìn bằng cái nhìn như thế. Lý luận kiểu như “Sự phát triển kinh tế 10 năm gần đây rất ấn tượng vì thế mà nước này từ giờ trở đi sẽ trở thành quốc gia tuyệt vời” sẽ là dòng chủ lưu. Các bạn đừng mắc lừa khi nghe những lời như thế trên tivi hay đọc thấy trên báo.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.