Mỗi giấy một quê

Đỗ Quang Tuấn Hoàng |

Ước vọng của Lê Thanh Hà là khám phá khắp đất nước Việt Nam để sáng tạo giấy làm bằng phương pháp thủ công, từ nguyên liệu bản địa dân dã nhất. Nếu được như thế, mỗi địa phương sẽ có sản phẩm giấy độc đáo của riêng mình.

Làm mới giấy giang

Khi ánh nắng vừa xuyên thủng sương mù cũng là lúc người H’Mông ở Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình bắt đầu phơi giấy giang trắng cả một vùng. Ở bản Cang, quanh nhà phơi đầy khung giấy, chị Sùng Y Khô tự hào cho biết: “Làm giấy giang là nghề truyền thống của người H’Mông, có lâu lắm rồi”.

Người dân lên rừng chặt cây giang, róc mắt, pha thành từng khúc, gùi về nhà tước bỏ vỏ xanh bên ngoài, chẻ thành từng thanh nhỏ. Thanh giang được bỏ vào nồi nấu cùng với tro bếp và vôi bột khoảng một đêm, sau đó sẽ được cho vào tải ủ và tưới nước thường xuyên. Ủ càng lâu giang càng mềm, khoảng một tuần trở lên mới mang ra đập nát rồi lọc lấy nước, vớt bỏ xơ. Tráng giấy là công việc khó nhất, người H’Mông đặt ngang chiếc khung vải, dùng chiếc muôi gỗ to múc bột giấy dàn đều trên mặt vải, rồi cầm khung lắc đi lắc lại thật đều. Khi dựng khung nghiêng để phơi giấy đã khô thì gỡ mép trước, sau đó lột cả tờ lên. Nếu thời tiết nắng ráo, một ngày sẽ làm được năm tờ giấy 1x1m. Mùa làm giấy giang sôi động nhất từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 11 (âm lịch). Giấy giang có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ giang, bóng, mỏng, dai. “Ở bản mình hầu như nhà nào cũng làm giấy giang, mỗi vụ mình chỉ cần mua 50kg vôi bột để làm phụ gia. Mỗi năm tiền bán giấy được khoảng 10 triệu đồng” - chị Khô cho hay.

 

Nếu lễ tết, cúng cầu mùa không có giấy giang thì tổ tiên sẽ không nhận. Mỗi gia đình người H’Mông có một góc thờ, chỉ dán một tờ giấy lên vách giá phía sau đối diện nhưng rất đỗi linh thiêng. Trong tất cả các lễ cúng đều phải cắt giấy thành những hình nhân, hoa lá, cỏ cây mong cho gia đình khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi. Khi mùa xuân về, tết đến, con người được nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả, hay trong lễ cúng cơm mới, tất cả vật dụng trong gia đình cũng đều được nghỉ ngơi. Từ nồi xoong, bếp lò cho tới nhà cửa, chuồng lợn, nhà kho... đều được dán một miếng giấy để thông báo với tổ tiên kết quả của một năm làm việc, đã kết thúc một năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới. Giấy giang nhắc nhở con cháu về cội nguồn, là phương thức gắn kết người sống và người đã khuất.

Từ bao đời nay, giấy giang vẫn yên phận như thế trong lòng người ở Pà Cò, bỗng từ đầu tháng 10.2019 gặp một người đàn ông lặn lội từ Đà Nẵng ngược ngàn. Đó là Lê Thanh Hà - chủ thương hiệu Giấy Quê Tôi. Anh Hà điềm tĩnh nhìn người H’Mông làm giấy giang từ công đoạn đầu đến cuối mới xắn tay vào việc. Anh mang những bức tranh trên giấy decal ra đặt lên khung để bà con đổ bột giấy tràn kín. Tiếp đến, chiếc vòi xịt nước được mang ra. Dưới áp lực nước, khung giấy dần hiện lên những bức tranh sinh động: Hoa văn hình rau dớn, hình xoáy, hình vuông, hình răng cưa, hoa bí, quả trám, con rắn, sừng dê, ngôi sao tám cánh, mặt trống đồng... Bà con ồ lên thích thú vì những hoa văn bình thường mình vẫn vẽ sáp ong trên vải lanh, nay cũng vẽ được trên giấy giang rồi. Nửa tháng đắm đuối trên biển mây Pà Cò, Lê Thanh Hà đã hoàn thành tâm nguyện giúp bà con đổ giấy kiểu người H’Mông, in hoa văn bằng áp lực nước kiểu Rakusui Washi của Nhật Bản. Thêm vào đó, để đưa giấy giang lên đẳng cấp nghệ thuật, anh Hà xuyên sáng cho chúng. Mỗi bức tranh được gắn đèn phía sau hoặc in lên các tấm vách ngăn trang trí trong nhà để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Khi ấy, tranh giấy giang trở nên lung linh, từng sợi xơ, từng họa tiết bật lên rực rỡ.

Tháng nào cũng có không ít du khách đến xưởng Giấy Quê Tôi - Giấy dừa Đà Nẵng để trải nghiệm làm giấy dừa. Ảnh: NVCC
Tháng nào cũng có không ít du khách đến xưởng Giấy Quê Tôi - Giấy dừa Đà Nẵng để trải nghiệm làm giấy dừa. Ảnh: NVCC

Để khỏi phụ tâm huyết của thầy Hà, để phát huy tri thức, văn hóa bản địa, chị Sùng Y Dớ (ở bản Trà Đáy) - một trong số 10 học trò của thầy - quyết định mở xưởng sản xuất tranh giấy giang. Ước nguyện hỗ trợ người H’Mông hình thành Giấy Quê Tôi - giấy bản Mai Châu của Lê Thanh Hà đã thành hiện thực.

Trước khi lên Pà Cò, Hà cũng đã tiếp hai người học trò lặn lội từ Bến Tre ra Đà Nẵng xin học. Anh đã đào tạo miễn phí giúp họ thành nghề và về quê mở Giấy Quê Tôi - Giấy dừa Bến Tre. Một người ở Phú Yên cũng đang cùng làm với anh ở Đà Nẵng, tết này là hoàn toàn tự tin trở về quê mở Giấy Quê Tôi.

Kỳ công

Đại bản doanh của Giấy Quê Tôi là cơ sở làm tranh giấy dừa Đà Nẵng (số 26, đường Nguyễn Đăng Tuyển, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Ngôi nhà rộng chừng 100m2 tại một làng chài ven biển này luôn rộng cửa đón bất cứ ai đến tự tay trải nghiệm “tất tần tật” về tranh giấy dừa.

Ông Đỗ Trường Thức (ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đến chẻ tàu dừa thuê cho cơ sở, thu nhập mỗi ngày được từ 300.000 - 500.000 đồng. Ông cho biết, đầu tiên là chẻ, chặt cành dừa thành từng đoạn nhỏ, lớp vỏ màu xanh bọc bên ngoài cành dừa cùng lá dừa được dùng để làm chất đốt. Tàu dừa ngâm nước từ 3-4 ngày, sau đó đem đi nấu với nước vôi trong 24 giờ rồi bỏ vào máy nghiền thành bột.

Trong thời gian chờ ngâm xơ dừa và xeo giấy cũng là lúc các nghệ nhân tạo ra các bức tranh trên giấy decal, có thể là làm theo tranh có sẵn hoặc tranh tự vẽ. Công đoạn này thường mất từ 3-5 ngày tùy vào độ khó của tranh. Hoa văn được vẽ trên trên máy vi tính, cắt decal xong dán lên mặt lưới. Hoa văn được in bằng áp lực nước đòi hỏi nghệ nhân phải thật khéo léo tạo nên những lớp dày, mỏng theo ý muốn trên mặt giấy. Đây là công đoạn quyết định bức tranh đẹp hay xấu tùy thuộc vào các lớp và độ dày của xơ đủ cho ánh sáng xuyên qua. Công đoạn cuối là bóc giấy khỏi khung lụa, bồi, đóng khung, xuyên sáng. Nhưng bất ngờ hơn cả là các bức phù điêu bằng giấy. Người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì không nghĩ rằng chỉ bằng áp lực nước lên khuôn mà tạo ra được bức tranh như thế.

Yêu thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa của Đà Nẵng nên sau khi chế tác giấy dừa thành công, anh Hà đưa hoa văn đào chuông và cả voọc chà vá chân nâu vào tranh. Có tranh đẹp đã khó, bài trí chúng như thế nào còn quan trọng gấp bội. “Tôi học theo những cụ bà gánh thúng bán tào phớ, mì Quảng, những vật dụng các cụ đặt lên thúng vừa đủ, không thừa một không gian trống, mà rất trật tự, đó là đỉnh cao của nghệ thuật sắp đặt” - Hà nói. Kiến trúc sư Võ Hoàng cung cấp khung tranh cho anh Hà, cho hay: Khung gồm có cây tre gai của miền Trung, cây trúc, tấm cói đen, hòa quyện mộc mạc tự nhiên, tương tác với tranh làm bằng giấy dừa nên rất hài hòa. Tranh giấy dừa của Hà tiêu thụ ở các thành phố lớn và một số khách quốc tế đặt hàng, giá một bức từ ba đến vài chục triệu đồng. Daniele Giuliano đến từ Italia, lấy vợ Việt Nam và sinh sống ở Đà Nẵng được hơn 3 năm nay. Mỗi lần nhìn thấy tác phẩm mới của Hà, anh Daniele đều cảm thấy hào hứng và thích thú. Đó cũng là lý do để anh mua tranh mang về trang trí lại quán bar chủ yếu là du khách quốc tế của mình. Anh hi vọng không gian này sẽ là một trong những cầu nối đưa dòng tranh giấy dừa đến với nhiều nơi trên thế giới. Daniele Giuliano nói: “Khi tiếp xúc với dòng tranh này, tôi rất tự hào. Tôi nghĩ mình không cần phải đi đâu xa nữa để tìm kiếm những bức tranh nghệ thuật trang trí cho không gian của mình”.

Theo Ha, ai cũng có thể làm được giấy dừa. Tất cả chi tiết trong mỗi tác phẩm đều được làm thủ công, không dùng đến bất cứ loại hóa chất nào. Giấy luôn giữ nguyên vẹn màu sắc tự nhiên như giấy làm từ dừa nước có màu nâu, hơi tía, vàng đất; làm từ dừa cạn có màu vàng, hơi cam; làm từ cây dâu tằm có màu trắng mịn như lụa...

Cạnh tranh bằng trí tuệ

Lê Thanh Hà sinh năm 1978, người Nghệ An, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Huế. Thay vì bình bình làm những thứ vừa lòng số đông để kiếm sống, anh luôn đau đáu làm chuyện gì đặc biệt. Đầu năm 2015, Hà nảy ra ý tưởng làm giấy từ xơ quả dừa cạn vì xơ dừa làm được than nano ắt làm được giấy. Còn cách làm, anh thử nghiệm nhiều cách xeo qua nước như giấy dó, giấy Nhật, giấy Thái Lan... nhưng sau biết được cách đổ giấy của người H’Mông thấy tiện hơn và khả năng làm khổ lớn bất tận nên mới nghĩ ra cách dùng nước dàn cho đều vì nếu đổ không thì giấy không đều. Hơi mất công nhưng bề mặt thực sự tuyệt. Đó cũng là lý do mà Hà lặn lội lên Pà Cò giúp người dân cải tiến khâu làm giấy giang, cũng là một sự tri ân tới giấy bản.

Anh tâm niệm, ngoài chất liệu đặc biệt, giấy phải có hệ thống hoa văn đặc trưng để nhìn vào đó, người ta nhận ra ngay hồn cốt của mỗi địa phương. Bằng sự tinh tế và vốn văn hóa đa dạng, anh đã tạo sự khác biệt ở hoa văn cho giấy mỗi miền. Mỗi họa tiết là một nét văn hóa đặc trưng riêng của từng vùng. Nếu giấy dừa Nipa (Hội An), Hà chọn những họa tiết mắt cửa, đầu hồi, chiếc nón lá, tà áo dài, ghe bầu... thì với giấy dừa Đà Nẵng - nơi hội tụ giữa biển, núi và rừng - anh chọn hoa văn chủ đạo là thiên nhiên như: Hoa đào chuông, voọc chà vá chân nâu, biển, cá chuồn, cá chìa vôi, rùa biển, hoa sen. Giấy giang Mai Châu là những họa tiết đặc sắc trong tâm thức của người H’Mông như: Sóng nước, xoáy trôn ốc, rau dớn, quả trám, ngôi sao tám cánh... “Tôi ấp ủ ước mơ mở ở mỗi tỉnh thành một xưởng giấy, chọn những hình ảnh đặc trưng văn hóa của mỗi miền để tạo hoa văn, làm sao để người ta chỉ nhìn hoa văn là biết ngay giấy sản xuất ở vùng nào” - Hà bộc bạch.

 

Hiện nay, cơ sở của Hà có 8 người làm, thu nhập từ 5.000.000 đồng/tháng trở lên. Cộng thêm hai hộ dân giúp nấu và làm nguyên liệu thô. Tháng nào cũng có một vài nhóm du khách tới tận xưởng của Hà ở Đà Nẵng, người đến trải nghiệm làm, người đến tham quan. Du khách đến trải nghiệm làm giấy dừa tại xưởng thường khoảng vài ba người một nhóm, Tây có, ta có, tất cả đều được miễn phí. Suốt mùa hè vừa rồi, thứ bảy hàng tuần, Hà còn hướng dẫn trải nghiệm làm giấy dừa và đọc sách miễn phí tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Lê Thanh Hà luôn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ ai muốn học hỏi và làm theo. Bởi theo anh, các làng nghề truyền thống đang mai một dần không đơn thuần vì người trẻ không còn thiết tha với nghề của cha ông mà còn vì họ không được chia sẻ bí quyết nghề nghiệp. “Tôi sẵn sàng chia sẻ hết mọi bí quyết để tranh giấy có thể mau chóng đến được với nhiều người hơn. Cạnh tranh bằng trí tuệ chứ đừng cạnh tranh bằng bí quyết” - anh tâm sự.

Tháng 3.2017, kỷ niệm 20 năm ngày mất của Kazimierz Kwiatkowsky, Hà hoàn thành bức chân dung ông trên giấy dừa Nipa tặng Đại sứ quán Ba Lan như một tấm lòng của người Hội An tri ân vị kiến trúc sư có công lớn đánh thức phố Hội hồn rêu. Những bức tranh giấy về voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà của Hà được trưng bày tại cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ APEC 2017 và được nhiều người xem như sản phẩm thủ công mỹ nghệ biểu tượng của Đà Nẵng.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

3 tính cách nghệ thuật cùng ''Ờ’’

LÊ QUANG VINH |

Đối với những người đã biết 3 họa sĩ: Thái Vĩnh Thành, Lê Hải Triều và Hoàng Võ, thì khi đến với triển lãm ''Ờ’’ của họ (khai mạc ở tối 4.1.2020 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài - Hà Nội), hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ, cả 3 họa sĩ này đều có những thay đổi lớn trong xu hướng sáng tác.

Đại nhạc hội bên vịnh di sản, sự kiện nghệ thuật hoành tráng đầu năm mới

Tuyết Loan |

Tổ chức bên bờ di sản thế giới Vịnh Hạ Long, BIM GROUP CHÀO 2020 sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuật được đầu tư nhất dịp đầu năm mới.

Tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới đã tồn tại bao nhiêu năm?

DAO ÁNH |

Một bức tranh hang động ở Indonesia có niên đại gần 44.000 năm được xem là tác phẩm nghệ thuật tượng hình lâu đời nhất thế giới.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

3 tính cách nghệ thuật cùng ''Ờ’’

LÊ QUANG VINH |

Đối với những người đã biết 3 họa sĩ: Thái Vĩnh Thành, Lê Hải Triều và Hoàng Võ, thì khi đến với triển lãm ''Ờ’’ của họ (khai mạc ở tối 4.1.2020 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài - Hà Nội), hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ, cả 3 họa sĩ này đều có những thay đổi lớn trong xu hướng sáng tác.

Đại nhạc hội bên vịnh di sản, sự kiện nghệ thuật hoành tráng đầu năm mới

Tuyết Loan |

Tổ chức bên bờ di sản thế giới Vịnh Hạ Long, BIM GROUP CHÀO 2020 sẽ là chương trình biểu diễn nghệ thuật được đầu tư nhất dịp đầu năm mới.

Tác phẩm nghệ thuật lâu đời nhất thế giới đã tồn tại bao nhiêu năm?

DAO ÁNH |

Một bức tranh hang động ở Indonesia có niên đại gần 44.000 năm được xem là tác phẩm nghệ thuật tượng hình lâu đời nhất thế giới.