Mexico - đất nước nguy hiểm nhất thế giới dành cho các nhà báo

hương giang (tổng hợp) |

Suốt nhiều năm qua, Mexico chìm trong một cuộc chiến tranh ma túy đẫm máu, đã khiến hàng chục ngàn người chết mỗi năm. Tuy nhiên không mấy ai biết rằng các nhà báo, những người can đảm tiến vào thế giới ngầm dữ dội ở Mexico để đưa tin, cũng là bộ phận chịu thiệt hại nặng nề nhất về sinh mạng.

Mất mạng sau một bài viết

Ngày 19.1.2017, chưa đầy 24 giờ trước khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, một chiếc máy bay hạ cánh xuống Long Island, New York, mang theo gói hàng đắt giá: Joaquín “El Chapo” Guzmán, ông trùm danh tiếng lẫy lừng của băng buôn ma túy Sinaloa hùng mạnh bậc nhất Mexico.

Sau khi trốn thoát khỏi nhà tù những 2 lần tại Mexico, gã đã bị bắt, bị dẫn độ tới Mỹ để đối mặt với 17 cáo buộc khác nhau, gồm buôn lậu cocaine, heroin, cần sa và ma túy đá. Nếu mọi chuyện đúng như các công tố viên đã nói, rằng hoạt động của El Chapo khiến gã thu về 14 tỉ USD, đây sẽ là ông trùm cộm cán nhất mà Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ tóm về để chịu tội trước một thẩm phán Mỹ.

Cùng thời điểm, ở quê nhà Guzmán tại bang Sinaloa, Tây Bắc Mexico, các băng đảng đã lập tức cắn xé nhau, tranh giành lãnh địa từng do El Chapo kiểm soát. Nhiều đội sicario (sát thủ) xả súng AK hoặc AR-15 vào nhau giữa ban ngày, ngay tại thủ phủ bang là Culiacán. Trong cuộc chiến đẫm máu ấy, một nhóm phóng viên địa phương, dẫn đầu là các cây bút của tạp chí Ríodoce, vẫn tìm vào tận nơi tên bay đạn lạc để đưa tin.

Các phóng viên kỳ cựu Javier Valdez và Ismael Bohórquez là những người thành lập Ríodoce vào năm 2003. Cái tên của tạp chí có nghĩa dòng thông tin sẽ tuôn chảy mãi, như nước sông đổ ra biển. Tinh thần của tạp chí được Valdez thiết lập. Ông là một người có bút lực khỏe, viết đa dạng và hơi điên rồ, luôn pha trộn kinh nghiệm đường phố và các ẩn dụ thông minh vào trong bài viết của mình.

Hiện trường vụ ám sát khiến Valdez thiệt mạng.
Hiện trường vụ ám sát khiến Valdez thiệt mạng.

Chủ đề ưa thích của Valdez luôn là những gương mặt không được biết tới trong cuộc chiến ma túy: Thành viên ban nhạc kèn đồng luôn đi giày da cá sấu khi biểu diễn phục vụ các băng đảng; những cô gái với móng tay nạm kim cương; những đứa trẻ chơi trên các con đường lầm bụi mơ có ngày trở thành sát thủ; các bà mẹ khóc than bên xác con trai vừa bị giết.

Sau khi El Chapo bị bắt, phần lớn tờ báo, hãng tin ở Sinaloa chỉ đưa thông tin cơ bản, mang tính tường thuật lại diễn biến của cuộc chiến ở đây: Có bao nhiêu người chết sau mỗi buổi nổ súng, bao nhiêu viên đạn đã được bắn ra, ai đã bị bắt. Nhưng Ríodoce không đi theo lối mòn ấy. Tạp chí muốn giải thích cuộc tranh giành quyền lực hiện nay bắt nguồn từ hai nhóm đã tách ra từ băng cũ: Một bên là 2 con trai của Guzmán, còn được gọi là các Chapito; phía bên kia là Dámaso López, một cựu giám thị từng giúp Guzmán trốn tù lần đầu hồi năm 2001 và sau này trở thành cánh tay phải của ông trùm.

Khi cuộc tranh quyền đang leo thang dữ dội vào tháng 2.2017, một người đàn ông đã gọi điện tới văn phòng Ríodoce và đề nghị được nói chuyện với Valdez để cấp thông tin quan trọng từ trong cuộc. Chấp nhận lấy tin từ những nguồn nhạy cảm như thế này là hành động nguy hiểm ở Sinaloa, nơi có hàng chục ông trùm khác bên cạnh El Chapo. Nhưng Valdez, người hiếm khi run rẩy mỗi lúc nhận được tin bất ngờ, vẫn đồng ý đi gặp nguồn tin.

Đội mũ phớt và đeo chiếc kính râm to bản đã thành thương hiệu của bản thân, Valdez tới gặp nguồn tin tại một bãi đậu xe gần tòa soạn. Người đàn ông này, một viên phó của López, đã chuyển cho Valdez một chiếc điện thoại, qua nó ông được nói chuyện trực tiếp với ông trùm đang trỗi dậy. López cho Valdez biết rằng ông ta không phản bội El Chapo mà trái lại vẫn yêu quý và ngưỡng mộ trùm cũ. Tuy nhiên López chỉ trích kịch liệt hai Chapito, đánh giá chúng là những kẻ bị ám ảnh bệnh hoạn với quyền lực. Rồi ông ta cung cấp hàng loạt thông tin nội bộ về các Chapito.

Valdez trong buổi ra mắt cuốn sách “Narco periodism“.
Valdez trong buổi ra mắt cuốn sách “Narco periodism“.

Valdez biết mình phải đối mặt với một phép tính khó khăn. Trong vòng 2 thập niên rưỡi, ông đã liên tục đưa tin từ trong lòng thế giới ma túy ở Sinaloa. Ở đó, những kẻ buôn ma túy tuồn tin tức cho cánh phóng viên vì đủ loại lý do: Để khoe khoang, để thú tội hoặc hé lộ công việc làm ăn của đối thủ. Thường thì nguồn tin của Valdez chỉ là những kẻ có cấp thấp trong hệ thống chỉ huy và ông bảo vệ họ bằng việc giấu danh tính.

Nhưng lần này Valdez đã có thể nêu danh những kẻ lãnh đạo cấp cao trong một băng đảng lên mặt báo. Điều đó khiến Ríodoce có nguy cơ bị lôi vào cuộc chiến. Sau khi cân nhắc và suy nghĩ cẩn thận, Valdez vẫn quyết định sẽ in câu chuyện. Valdez tin các thông tin trong bài viết sẽ phục vụ lợi ích của công chúng và nó xứng đáng để ông phải đối mặt với rủi ro.

Tuy nhiên trước khi bài báo được xuất bản, ông đã nhận một cuộc điện thoại khác, lần này là từ đại diện của hai Chapito. Khi đôi bên gặp nhau, đại diện của Chapitos nói ngay rằng bài phỏng vấn với López, nhân vật bị các sếp của anh ta coi như một kẻ phản loạn, không được phép xuất bản. Nếu Valdez không nghe lời, hậu quả mà ông phải gánh sẽ rất nặng nề.

Valdez trả lời rằng đã quá muộn để can thiệp, bởi số tạp chí đó đã được in và sẽ được bán vào ngày tiếp theo. Dù điều này là sự thật, còn có một lý do khác để Valdez phản kháng: Ông không quen việc để các băng đảng hay bất kỳ ai khác điều hành tạp chí của mình.

Buổi sáng tiếp theo, khi các xe chở tạp chí bắt đầu tỏa ra tới điểm giao hàng, đàn em của Chapito đã theo sát và mua mọi bản in. Tuy nhiên câu chuyện vẫn được phát trên trang web của Ríodoce và vài bản in đã lọt vào tay công chúng.

Valdez từng bị đe dọa vài lần trước đây. Nhưng lần này rủi ro trở nên lớn hơn bao giờ hết. Ông liên hệ với Ủy ban bảo vệ nhà báo để thảo luận về việc chuyển nơi ở. Nhưng cuối cùng ông quyết định chẳng đi đâu cả, vì không muốn xáo trộn cuộc sống gia đình.

Nhiều tuần sau thời điểm bài báo được đăng, cuộc sống diễn ra êm đềm và mối đe dọa tưởng như không còn nữa. Trong buổi sáng ngày 15.5, Valdez và Bohórquez gặp nhau để bàn việc điều hành tại tòa soạn Ríodoce. Sau đó, Valdez đi mua gà để cùng ăn trưa với vợ còn Bohórquez ra ngân hàng.

Khi trở lại tòa soạn, Bohórquez thấy một đám đông đang quây quanh một xác người vừa bị sát thủ chạy xe ngang qua rồi bắn chết trên phố. Ban đầu ông nghĩ đó chỉ là một vụ ám sát - chuyện xảy ra như cơm bữa ở Sinaloa. Nhưng rồi ông chợt nhận ra chiếc mũ và đôi giày quen quen. “Ồ chết tiệt”, ông kể lại. Tổng cộng Valdez đã bị các sát thủ bắn tới 12 phát đạn vào cơ thể.

Địa điểm chết chóc với nghề báo

Mexico là một trong những đất nước nguy hiểm nhất thế giới dành cho các nhà báo. Kể từ năm 2000, đất nước này có hơn 100 nhà báo đã bị sát hại và hàng chục người mất tích. Nếu không tính các vùng đang có chiến sự, như Syria, Afghanistan và Iraq, đây là địa điểm chết chóc nhất với nghề báo. Những cái chết của các nhà báo đầy nghiệt ngã, không chỉ bởi mạng sống của họ bị tước đi mà còn bởi tội phạm khiến tất cả phải im lặng. Một số khu vực ở Mexico, như bang Tamaulipas, thậm chí đã bị xem là các hố đen tin tức.

Bạo lực chống lại báo chí chỉ là một phần trong cuộc khủng hoảng lớn hơn mang tầm quốc gia. Mexico không có chiến tranh, nhưng nước này thực tế đang tham gia một dạng xung đột vũ trang khác kéo dài suốt nhiều năm, với động lực gây chiến là các băng đảng đang kiểm soát nhiều tuyến đường buôn ma túy vào Mỹ.

Người dân Mexico biểu tình sau vụ sát hại Valdez.
Người dân Mexico biểu tình sau vụ sát hại Valdez.

Cái được gọi là chiến lược chống trùm băng đảng của chính quyền, trong đó các ông trùm như El Chapo bị đưa vào tầm ngắm, chỉ khiến bạo lực leo thang do các đàn em thi nhau giành lãnh địa một khi thủ lĩnh của chúng ngã ngựa. Trong khi đó cảnh sát và quân đội, ít chịu sự giám sát từ bên ngoài, đã tự do bắn chết hàng nghìn người bị họ cho là tội phạm. Năm 2017, số vụ giết người ở Mexico chạm mức 29.000 – năm chết chóc nhất kể từ khi hệ thống lưu trữ hiện nay được đưa vào hoạt động cách đây 2 thập niên. Theo một nghiên cứu, gần 80% số vụ giết người này không được giải quyết.

Năm 2010, Văn phòng công tố viên đặc biệt về tội phạm chống tự do ngôn luận đã được thành lập để bảo vệ báo chí. 2 năm sau, một chương trình bảo vệ được thông qua, cung cấp áo giáp và thiết bị báo động cho các nhà báo bị đe dọa. Tuy nhiên các biện pháp này vẫn không làm giảm tốc độ giết chóc. Trong vòng một năm rưỡi qua, các nhà báo đang bị sát hại ở Mexico với tốc độ 1 người mỗi tháng.

Đại đa số các nhà báo bị giết làm việc cho những tờ báo địa phương, ở các bang nơi băng đảng ma túy còn nắm quyền lớn. Nhưng vụ giết hại Valdez, người nổi tiếng trên khắp Mexico, đã trở thành sự kiện mang tầm quốc tế. Đại sứ quán Mỹ ở Mexico, Liên minh Châu Âu và cả LHQ đã lên án vụ sát hại. Nhiều cuộc biểu tình và thắp nến tưởng niệm diễn ra trên đất Mexico. Đã có những lời kêu gọi chính quyền phải đưa những kẻ giết Valdez ra trước công lý.

Trong cuốn sách cuối cùng về cuộc chiến ma túy, ra mắt vào năm 2016, Valdez từng viết: “Không chỉ những tay anh chị buôn bán ma túy mới khiến các phóng viên ảnh, biên tập viên, phóng viên bị giết và mất tích. Việc này còn do các chính trị gia, cảnh sát, công tố viên, quan chức, giới chức quân đội hoặc nhân viên chính quyền hợp tác với tội phạm có tổ chức. Lỗi lớn nhất của các nạn nhân là làm báo và sống ở Mexico”.

Thời Valdez bắt đầu làm nghề trong những năm 1990, các băng đảng ma túy chưa giết nhiều người như bây giờ. Mexico về cơ bản là một quốc gia đơn đảng trong phần lớn thế kỷ 20. Các lãnh đạo Mexico nhắm mắt làm ngơ cho cảnh sát, lực lượng vừa hợp tác vừa tìm cách kiểm soát những kẻ buôn ma túy.

Năm 2000, đảng đối lập Mexico lên nắm quyền và nước này bước vào thời kỳ đa đảng. Tuy nhiên tình trạng tham nhũng cũng theo đó mà trở nên tồi tệ hơn. Lực lượng an ninh Mexico với những liên minh lợi ích đầy xung đột đã tham gia vào các cuộc đấu đá giành ảnh hưởng với những cơ quan liên bang khác. Trong khi đó giới trùm ma túy tuyển mộ nhiều băng sicario để phục vụ cuộc tranh giành lãnh đạo đẫm máu kéo dài tới tận giờ.

Trong môi trường đó, Valdez và Bohórquez quyết tâm đưa tin về cuộc chiến ma túy, mạnh mẽ phơi trần sự bẩn thỉu và tình trạng bạo lực. Cả hai lập tạp chí Ríodoce để đưa tin về Sinaloa, vùng đất họ cho là đã bị lãnh đạo Mexico phớt lờ. Hai người là các cộng sự ăn ý, họ có chung nhiều ý tưởng. Nhưng trong khi Bohórquez thích dạng tin tức điều tra, Valdez lại thiên về các câu chuyện xoay quanh số phận. Ban đầu họ đưa tin về các vấn đề chính trị và xã hội. Nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra tội phạm có tổ chức mới là vấn đề trung tâm của Mexico và Ríodoce thì đang ở trung tâm cuộc chiến giành quyền lực của băng ma túy hùng mạnh nhất nước.

Gốc rễ của cuộc chiến ma túy hiện nay khởi đầu từ cuối thế kỷ 19, khi người di cư Trung Quốc bắt đầu trồng thuốc phiện dọc theo dãy núi Sierra Madre. Khi Mỹ thông qua luật chống ma túy Harrison vào năm 1914 để điều phối hoạt động buôn bán nha phiến, tuyến đường buôn ma túy từ Sinaloa vào Mỹ dài gần 1.000km đã lập tức được thành lập. Tuyến đường này liên tục được mở rộng trong vòng hơn một thế kỷ tiếp theo để cung cấp đủ loại ma túy khác nhau vào thị trường Mỹ.

El Chapo lãnh đạo băng Sinaloa từ thời kỳ sơ khai cho tới những năm vàng son, khi chúng vượt qua các băng Colombia để trở thành băng đảng ma túy giàu nhất thế giới. Khi Ríodoce xuất bản các bài viết về những ông trùm ở Sinaloa, các số tạp chí của họ nhanh chóng hết veo. “Chúng tôi đưa tin về đề tài đó vì tin rằng, theo tiêu chuẩn báo chí, chúng quan trọng với độc giả”, Bohórquez nói. “Nhưng cũng thẳng thắn mà nói thì đề tài đó ăn khách kinh lên được”.

Những bài viết đăng trên Ríodoce thực sự rất ấn tượng, đặc biệt là các tác phẩm của Valdez thường khá ám ảnh. Trong một bài bình luận có tiêu đề “Thảo dược tồi”, từ lóng dành cho ma túy, Valdez đã viết về những con người sống bên lề thế giới ma túy ở Sinaloa. Trong bài viết khác với tiêu đề “Soy Narca,” ông viết về sự đi lên và cái chết của một nữ hầu bàn biến thành trùm buôn cocaine.

Khi đôi bên tiếp xúc, cô gái này đã đưa Valdez tới một bãi đậu xe, mở cốp xe cho ông thấy hàng túi lớn nhỏ chứa đầy chất ma túy có màu trắng như bột. “Tôi là bà trùm ma túy đó”, cô gái khoe, giọng không giấu được sự tự hào. Nhưng sau khi không đóng tiền thuế ma túy cho băng Sinaloa, cô đã bị bắt cóc, bị ném vào chính cái cốp xe dùng để chứa ma túy, khi những kẻ bắt cóc chạy tới điểm hành quyết cô. “Tôi là bà trùm, tôi là bà trùm”, Valdez viết. “Câu nói ấy vẫn văng vẳng vọng ra từ chiếc cốp xe”.

Một người can đảm

Năm 2009, Valdez xuất bản cuốn sách đầu tiên mang tiêu đề "Miss Narco" (Hoa hậu ma túy). Sách nói về những cô gái bị mắc kẹt cuộc đời với các băng đảng ma túy: Đó là các hoa khôi, những người vận chuyển ma túy hoặc rửa tiền. “Mặt đất ở phía Tây Sierra Madre vương đầy máu”, Valdez viết. “Và ký ức về các ngôi làng bị thiêu cháy, các gia đình chạy trốn trong kinh hoàng, đàn ông bị cướp, bị giết, phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi bị lạm dụng tình dục”.

Vài giờ trước khi "Miss Narco" được đưa tới nhà in, một kẻ lạ mặt đã ném thiết bị nổ vào văn phòng Ríodoce. Valdez may mắn sống sót lần ấy. "Miss Narco" nhanh chóng trở thành cuốn sách ăn khách nhất Mexico. Cùng thời điểm, Ríodoce trở nên nổi tiếng trên thế giới khi được Đại học Columbia trao giải đưa tin xuất sắc nhất khu vực Mỹ Latin vào năm 2011. Nhưng khi cuộc chiến ma túy trở nên tồi tệ hơn sau mỗi năm, các tác phẩm của Valdez cũng dần có màu u tối hơn. Cuốn sách "Levantones", được ông xuất bản hồi năm 2012, đã mô tả chi tiết tới rợn gáy vì sao hàng nghìn người mất tích không để lại một dấu vết trong cuộc chiến này, cũng như điều đó khiến thân nhân họ đau lòng như thế nào. Đây là cuốn sách đầu tiên của Valdez được dịch sang tiếng Anh và sách lên kệ chỉ vài tháng trước khi ông bị giết.

Chính quyền Mexico đã tỏ ra nỗ lực trong việc mang lại công lý cho cái chết của Valdez. Tuy nhiên niềm tin vào khả năng bảo vệ nhà báo của Mexico bị lung lay dữ dội hồi tháng 6 vừa qua, khi tờ New York Times đăng bài viết điều tra nói rằng các phóng viên hàng đầu ở nước này đang bị theo dõi qua chính chiếc điện thoại di động của họ. Giới chức Mexico sau đó thừa nhận đã mua phần mềm theo dõi hàng đầu mang tên Pegasus, dù họ không tiết lộ đối tượng bị theo dõi là ai.

Phải mất gần 1 năm sau cái chết của Valdez, cảnh sát Tijuana mới bắt được một nghi phạm là lái xe trong vụ nổ súng giết ông, kẻ có tên Heriberto N. 6 tuần sau đó, các công tố viên mới khởi tố một trong hai kẻ bị ghi là sát thủ đã bắn Valdez. Một kẻ trong đó đang ngồi tù ở Mexicali do sử dụng vũ khí bất hợp pháp. Kẻ còn lại bị giết tại bang Sonora từ tháng 9 năm ngoái.

Theo nhà chức trách, chứng cứ cho thấy các sát thủ này đã nhận lệnh từ nhóm tội phạm nằm dưới sự kiểm soát của López. Vì sao Lopez lại muốn giết Valdez sau khi cấp tin cho ông là một bí ẩn. Nhưng nhà chức trách tin rằng Valdez bị giết không phải bởi đã cho in một bài báo. Thay vì thế ông đã có quá nhiều bài viết chọc giận nhiều ông trùm.

Cá nhân Bohórquez cũng thừa nhận ông hối tiếc vì đồng ý đăng bài viết với thông tin do López cung cấp. "Có lẽ chúng tôi đã mắc sai lầm lớn. Khi ấy hai phe phái đang trong một cuộc tử chiến và chúng tôi lại chen vào giữa cuộc chiến ấy”, ông nói.

Không lâu sau khi Valdez bị giết, con trai Francisco Valdez đã viết một lá thư mở gửi cho ông. "Cha đang ở đâu hỡi cha? Con tìm cha khắp nơi, khắp chốn, tại cả những nơi cha từng chạm vào. Con tìm cha cả trong giấc mơ, nhưng không thấy. Con không thấy gương mặt cha... Nhưng hãy đừng nghi ngờ những điều con sẽ kể cho con cái biết về cha. Rằng cha đã là một người can đảm như thế nào".

hương giang (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.