Mạng lưới và quyền lực - từ Hội Tam điểm đến Facebook

Huy Minh (tổng hợp) |

“Quảng trường và tòa tháp: Mạng lưới và quyền lực, từ Hội Tam điểm đến Facebook” (tên tiếng Anh: “The Square And The Tower: Networks And Power, From The Freemasons To Facebook”) xuất bản lần đầu năm 2018 và được New York Times bình chọn là cuốn sách bán chạy nhất, của tác giả người Anh từng đạt nhiều giải thưởng nổi tiếng Niall Ferguson.

Tác phẩm tái hiện xuất sắc những bước ngoặt trong lịch sử thế giới, bao gồm cả giai đoạn mà chúng ta đang sống, cũng như sự va chạm giữa hệ thống phân cấp quyền lực cũ và mạng xã hội mới. Hiện cuốn sách đã được phát hành tại Việt Nam đầu năm 2021.

CÁC MẠNG LƯỚI ĐÃ

VÀ LUÔN LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG LOÀI NGƯỜI

Niall Ferguson (18.4.1964) là một trong các sử gia nổi tiếng nhất ở thời hiện đại, được Tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2004. Ông là tác giả của 15 cuốn sách nổi tiếng, được giới chuyên môn cũng như độc giả đánh giá cao. Trong tác phẩm mới nhất - “Quảng trường và tòa tháp: Mạng lưới và quyền lực, từ Hội Tam điểm đến Facebook” - Ferguson phân tích và làm rõ tác động lẫn nhau giữa các mạng lưới cũng như trật tự thứ bậc từ thời xa xưa cho đến gần đây. Từ những tín ngưỡng thời La Mã cổ đại đến các triều đại của thời kỳ Phục hưng, từ tổ tiên thời tiền sử đến Facebook, tác phẩm kể câu chuyện về sự tăng, giảm và trỗi dậy của các mạng, đồng thời chỉ ra cách lý thuyết mạng - các khái niệm như phân nhóm, mức độ phân tách, mối quan hệ yếu, lây truyền và chuyển pha - có thể biến đổi hiểu biết của chúng ta về cả quá khứ và hiện tại.

Thế kỷ XXI đã được ca ngợi là kỷ nguyên của kết nối mạng lưới, hiểu theo cả nghĩa công nghệ lẫn nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong “Quảng trường và tòa tháp”, Niall Ferguson lập luận rằng các mạng lưới đã và luôn luôn đồng hành cùng chúng ta từ rất lâu đời cho đến tận thời nay, từ hình thái cấu trúc của bộ não đến chuỗi thức ăn, từ phả hệ gia đình đến khối cộng đồng tự do...

Trong suốt lịch sử, các hệ thống phân cấp được đặt trong tòa tháp cao tuyên bố cai trị, nhưng thường quyền lực thực sự nằm trong các mạng lưới ở quảng trường thị trấn bên dưới. Chính thông qua đó, các ý tưởng cách mạng có thể lan truyền rộng rãi.

Dựa trên những hiểu biết lý thuyết của rất nhiều ngành học, từ kinh tế học, xã hội học, khoa học thần kinh đến hành vi tổ chức, cuốn sách đã làm rõ luận điểm: Các mạng xã hội luôn có vai trò quan trọng hơn nhiều trong lịch sử và chưa bao giờ quan trọng đến vậy trong hai thời kỳ. Đầu tiên là “thời đại nối mạng” theo sau sự ra đời của máy in ở châu Âu vào cuối thế kỷ XV và kéo dài đến cuối thế kỷ XVIII. Thời kỳ thứ hai - thời của chúng ta - bắt đầu từ những năm 1970.

Đây có thể coi là một khảo sát về lịch sử tồn tại và hoạt động của các hệ thống mạng lưới trong xã hội con người: Từ câu chuyện về các hội kín cho đến các “mạng lưới” được ứng dụng trong chiến tranh du kích ở Borneo và chiến tranh Việt Nam... trước thời Facebook; các mạng lưới giúp tạo ra những phát kiến đổi mới hay các hệ thống trật tự thứ bậc đã giúp phổ biến các phát minh đổi mới đó... Ferguson cũng đề cập tới căng thẳng giữa các mạng lưới phân tán và các trật tự thứ bậc vốn lâu đời như chính loài người và tồn tại bất chấp tình trạng công nghệ, hay sự trở mình để vươn lên nắm lấy quyền lực tối cao trong một xã hội của những mạng lưới này, để từ đó có thể tác động làm biến chuyển và cải tạo các cộng đồng từ phạm vi cục bộ đến toàn cầu.

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này tới bạn đọc.

BÍ ẨN HỘI ILLUMINATI

Ngày xửa ngày xưa, cách đây gần hai thế kỷ rưỡi, có một mạng lưới bí mật đã cố gắng thay đổi thế giới. Được thành lập tại Đức chỉ hai tháng trước khi 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ tuyên bố độc lập, tổ chức này được biết đến với tên gọi Illuminatenorden - Hội Illuminati. Mục tiêu của Hội rất cao quý. Thật vậy, ban đầu người sáng lập gọi nó là Bund der Perfektibilisten (Hội những người hoàn hảo). Theo một thành viên của Hội thì người sáng lập đã nói Hội được dự định là: Một hội, thông qua các phương pháp tinh tế và an toàn nhất, hướng tới mục tiêu là chiến thắng của đức hạnh và trí tuệ trước hận thù và ngu dốt; một hội sẽ tạo ra những phát kiến quan trọng nhất trong tất cả các lĩnh vực khoa học, sẽ hướng dẫn các thành viên trở nên cao thượng và vĩ đại, sẽ đảm bảo cho họ phần thưởng nhất định khi họ hoàn thiện bản thân trong thế giới này, sẽ bảo vệ họ khỏi sự ngược đãi, nghiệp chướng và áp bức, và trói chặt đôi tay của chế độ chuyên chế dưới mọi hình thức.

Mục tiêu tối thượng của Hội là “khai sáng sự hiểu biết bằng mặt trời lý trí, từ đó xua tan mây mù mê tín và định kiến”. “Mục tiêu của tôi là ưu tiên lý trí”, người sáng lập Hội tuyên bố. Tuy nhiên, Illuminati hoạt động như một hội huynh đệ hoàn toàn bí mật. Các thành viên sử dụng bí danh, thường có nguồn gốc Hy Lạp hoặc La Mã cổ đại: Bản thân người sáng lập là “Sư huynh Spartacus”. Có ba cấp bậc thành viên - Novice (Người mới), Minerval (Liên quan đến Minerva, tên của nữ thần trí tuệ Pallas Athene trong tiếng La Mã. Biểu hiệu của Hội Illuminati là một con cú đêm, vật quen thuộc của nữ thần, đậu trên một cuốn sách đang mở) và Illuminated Minerval (Minerval được khai sáng). Nhưng các thành viên cấp bậc thấp chỉ được biết những điều rất mơ hồ về các mục tiêu và phương pháp của Hội. Các nghi thức gia nhập rất phức tạp - trong đó có lời thề giữ bí mật, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng cái chết khủng khiếp nhất. Mỗi chi bộ những người mới nhập hội phải báo cáo lên cấp cao hơn - người mà họ không hề biết danh tính thực sự.

Ban đầu, số lượng thành viên Illuminati rất ít. Chỉ có một vài thành viên sáng lập, hầu hết là sinh viên. Hai năm sau khi thành lập, tổng số thành viên của Hội chỉ là 25. Đến cuối tháng 12 năm 1779, Hội mới có 60 thành viên. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, số thành viên tăng lên hơn 1.300. Những ngày đầu, Hội chỉ hoạt động giới hạn ở Ingolstadt, Eichstätt và Freising, với một vài thành viên ở Munich. Tới đầu những năm 1780, mạng lưới Illuminati mở rộng trên khắp nước Đức. Thêm vào đó, danh sách thành viên mới gia nhập Hội thật ấn tượng, gồm nhiều quân vương Đức: Ferdinand, vua xứ Brunswick Lüneburg - Wolfenbüttel; Charles, vua xứ Hesse - Cassel; Ernest II, công tước xứ Saxe - Coburg - Altenburg; và Charles August, đại công tước xứ Saxe - Weimar - Eisenach; cùng hàng chục quý tộc như Franz Friedrich von Ditfurth, và ngôi sao đang lên của giới tăng lữ vùng Rheland, Carl Theodor von Dalberg. Các thành viên khác của Hội lại là mưu sĩ cho nhiều thành viên Illuminati xuất sắc nhất. Các trí thức cũng trở thành một phần của Illuminati, đáng chú ý là học giả Johann Wolfgang Goethe, các triết gia Johann Gottfried Herder và Friedrich Heinrich Jacobi, dịch giả Johann Joachim Christoph Bode và nhà mô phạm người Thụy Sĩ Johann Heinrich Pestalozzi. Tuy không là thành viên của Hội nhưng nhà soạn kịch Friedrich Schiller xây dựng hình tượng nhà cách mạng cộng hòa Posa trong vở kịch Don Carlos (1787) của mình dựa trên một nhà lãnh đạo của Illuminati. Ảnh hưởng tín ngưỡng của Hội Illuminati đôi khi được thấy trong trứ tác opera “Cây sáo thần” (The Magic Flute) của Wolfgang Amadeus Mozart (1791).

Tuy nhiên, tháng 6 năm 1784, chính phủ Bavaria ban hành sắc lệnh đầu tiên trong loạt ba sắc lệnh cấm sự hoạt động của Hội Illuminati, quy cho họ tội “phản bội và thù địch với tôn giáo”. Một ủy ban điều tra chuẩn bị thanh trừng học viện và văn phòng của các thành viên. Một số chạy trốn khỏi Bavaria. Những người khác thì mất việc hoặc bị lưu đày. Ít nhất hai người đã bị cầm tù. Bản thân người sáng lập tìm nơi ẩn náu ở Gotha. Theo đúng nghĩa của nó, Hội Illuminati đã gần như ngừng hoạt động hoàn toàn vào cuối năm 1787. Tuy nhiên, tai tiếng về họ tồn tại dai dẳng hơn thế. Vua nước Phổ Frederick William II được cảnh báo rằng Hội Illuminati vẫn là một lực lượng lật đổ nguy hiểm trên khắp nước Đức. Năm 1797, nhà vật lý nổi tiếng người Scotland John Robison xuất bản cuốn sách “Bằng chứng về một thuyết âm mưu chống lại tất cả các tôn giáo và chính phủ châu Âu, diễn ra trong các cuộc họp bí mật của Hội Tam điểm, Hội Illuminati và Hội Đọc sách”, trong đó ông tuyên bố rằng “xuyên suốt quãng thời gian 50 năm, với lý do bề ngoài là soi sáng thế giới bằng ngọn đuốc triết học và xua tan mây mù mê tín dân sự và tôn giáo”, một “hiệp hội” đã “cố gắng một cách hăng hái và có hệ thống, cho đến khi trở nên gần như không thể cưỡng lại”, với mục tiêu “Trốc tận rễ tất cả các cơ sở tôn giáo và lật đổ tất cả các chính phủ ở châu Âu”.

Trong phần lớn thế kỷ XIX và XX, Hội Illuminati đóng một vai trò ngoài dự tính là những kẻ âm mưu lật đổ trong cái mà Richard Hofstadter gọi một cách đáng nhớ là “phong cách hoang tưởng” của nền chính trị Mỹ, những người biện hộ luôn tuyên bố bảo vệ những ai bị tước quyền chống lại một “mạng lưới âm mưu quốc tế quỷ quyệt, rộng lớn gần như siêu nhiên được lập nên để thực thi những hành động độc ác nhất”.

Huyền thoại về Hội Illuminati vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Thật vậy, một số văn bản lấy cảm hứng về Hội đã được đưa vào các tiểu thuyết, đáng chú ý là bộ ba tập “Illuminatus” được xuất bản vào những năm 1970 của Robert Shea và Robert Anton Wilson, tiểu thuyết “Con lắc Foucault” (Foucault’s Pendulum, năm 1988) của Umberto Eco, bộ phim “Lara Croft: Kẻ cướp lăng mộ cổ” (Lara Croft: Tomb Raider, năm 2001), và tiểu thuyết “Thiên thần và Ác quỷ” (Angels and Demons, năm 2000) của Dan Brown. Điều khó giải thích hơn là niềm tin phổ biến rằng Hội Illuminati thực sự tồn tại và vẫn duy trì mạnh mẽ tới ngày nay như dự định của người sáng lập. Đúng là có một số trang web tuyên bố mình đại diện cho Illuminati, nhưng không cái nào có vẻ chuyên nghiệp cả. Tuy nhiên, một số tổng thống Mỹ từng được khẳng định là thành viên của Illuminati, không chỉ có John Adams và Thomas Jefferson mà còn cả Barack Obama. Một bài viết mang tính đại diện (thể loại này nhiều vô kể) miêu tả Illuminati là một “tinh hoa quyền lực siêu giàu với tham vọng tạo ra một xã hội nô lệ”: Illuminati sở hữu tất cả các ngân hàng quốc tế, các tập đoàn dầu mỏ, các tập đoàn khổng lồ trong ngành công nghiệp và thương mại, họ thâm nhập vào chính trị, giáo dục và sở hữu hoặc ít nhất là kiểm soát hầu hết các chính phủ. Họ thậm chí còn sở hữu Hollywood và ngành công nghiệp âm nhạc... Illuminati cũng điều hành hoạt động buôn bán ma túy... Các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí tổng thống được lựa chọn kỹ lưỡng từ các dòng dõi huyền bí của 13 gia tộc Illuminati... Mục tiêu chính là tạo ra Chính phủ Một Thế Giới, ở đó họ đứng đầu để thống trị thế giới đi đến chế độ nô lệ và độc tài... Họ muốn tạo ra một “mối đe dọa từ bên ngoài”, một cuộc xâm lược giả tạo của người ngoài hành tinh, để các nước trên thế giới này sẵn sàng đoàn kết thành Một - Thể.

Phiên bản thường gặp của thuyết âm mưu gắn Hội Illuminati với gia đình Rothschild, Hội Bàn tròn, Nhóm Bilderberg và Ủy ban ba bên - đừng quên cả nhà quản lý quỹ phòng hộ, nhà tài trợ chính trị và nhà từ thiện George Soros. Rất nhiều người tin, hoặc ít nhất coi những thuyết âm mưu này là nghiêm túc. Theo một khảo sát năm 2011, chỉ hơn một nửa (51%) trong số 1.000 người Mỹ đồng ý với tuyên bố rằng: “Phần lớn những gì xảy ra trên thế giới ngày nay là do một nhóm cá nhân nhỏ bí mật quyết định”.

Lịch sử về Illuminati minh họa cho vấn đề trọng tâm của việc viết về các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng lưới tìm cách giữ bí mật. Do chủ đề này thu hút những người kỳ quặc, thật khó để các nhà sử học chuyên nghiệp coi trọng nó. Ngay cả những người coi chủ đề này là nghiêm túc cũng gặp nhiều khó khăn với vấn đề, đó là các mạng lưới thì hiếm khi lưu trữ những tài liệu dễ dàng truy cập. Giới lưu trữ ở Bavaria lưu giữ các hồ sơ của chiến dịch chống lại Illuminati, bao gồm các tài liệu đáng tin cậy bị thu giữ từ các thành viên của Hội này, nhưng mãi tới gần đây, các nhà nghiên cứu phải mất rất nhiều công sức mới có thể biên soạn một cách có hệ thống được các thư từ trao đổi và quy tắc còn sót lại của Illuminati, vốn kết thúc ở nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có cả văn khố tại các hội quán Hội Tam điểm. Chính những khó khăn như vậy giải thích vì sao một nhà sử học nổi tiếng ở Oxford nhất quyết rằng ông chỉ có thể viết “về những gì đã được tin và nói về các hội kín, chứ không phải về chính các hội kín”. Tuy nhiên, không có trường hợp nào minh họa rõ hơn ý nghĩa lịch sử của các mạng lưới hơn so với Illuminati. Bản thân Hội không phải là một phong trào quan trọng. Hội chắc chắn không gây ra Cách mạng Pháp hay thậm chí nhiều rắc rối thực sự ở Bavaria. Nhưng Hội quan trọng vì tiếng tăm của nó đã lan truyền vào thời điểm khi biến cố chính trị này bị xô đẩy bởi Phong trào Khai sáng - thành tựu của một mạng lưới trí thức có ảnh hưởng lớn - đang đạt đến đỉnh điểm cách mạng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.

GIA TỘC ROTHSCHILD

Xuất thân khiêm tốn, trong khoảng thời gian từ năm 1810 đến năm 1836, năm người con trai của Mayer Amschel Rothschild đã thoát khỏi sự giam hãm của khu ổ chuột Frankfurt để vươn tới vị trí quyền lực mới và vô song trong giới tài chính quốc tế. Mặc dù có nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị cũng như nỗ lực của các đối thủ cạnh tranh, họ vẫn chiếm giữ vị trí đó khi người em trai út chết năm 1868; ngay cả sau đó, sự thống trị của họ mới dần bị bào mòn. Thành tích này phi thường tới đến mức với những người cùng thời, nó dường như chỉ có thể lý giải bằng những thuật ngữ huyền bí. Theo một tài liệu có niên đại từ những năm 1830, gia tộc Rothschild có được tài sản là nhờ vào một “lá bùa Do Thái” bí ẩn. Chính điều này giúp cho Nathan Rothschild, người sáng lập ra gia tộc ở London, trở thành “người khổng lồ của thị trường tiền tệ châu Âu”. Những câu chuyện tương tự được kể lại trong cộng đồng Người định cư Do Thái ở Nga cuối những năm 1890.

Thành tựu của gia tộc Rothschild có ý nghĩa rất lớn. Từ trước đến nay chưa từng có sự tập trung vốn tài chính nào lớn hơn số tiền gia tộc Rothschild tích lũy được trong những thập kỷ giữa của thế kỷ XIX. Đầu năm 1828, tổng số vốn của họ đã vượt xa hơn hẳn đối thủ gần nhất, gia tộc Baring, một bậc. Lời giải thích đơn thuần về mặt kinh tế cho thành công của họ sẽ nhấn mạnh những đổi mới mà họ mang lại cho thị trường quốc tế về nợ chính phủ và cách thức họ tích lũy vốn nhanh chóng cho phép họ mở rộng sang thị trường thương phiếu, hàng hóa, vàng thỏi và bảo hiểm. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là phải hiểu cấu trúc kinh doanh đặc biệt của gia tộc này, đó là mối quan hệ đối tác gia tộc được quản lý chặt chẽ và đa quốc gia - một “mối quan tâm chung” duy nhất với các “gia tộc” chi nhánh ở Frankfurt, London, Vienna, Paris và Naples. Gia tộc Rothschild chống lại ảnh hưởng của sự phân quyền một phần thông qua việc kết hôn nội tộc. Từ sau năm 1824, con cháu nhà Rothschild có xu hướng kết hôn với nhau. Trong số 21 cuộc hôn nhân liên quan đến hậu duệ của Mayer Amschel trong khoảng thời gian từ năm 1824 đến năm 1877, không dưới 15 cuộc hôn nhân là giữa các hậu duệ trực tiếp của ông. Dù hôn nhân giữa anh em họ không còn xa lạ trong thế kỷ XIX - đặc biệt là giữa các gia đình thương nhân người Đức - Do Thái - nhưng điều này vẫn khác thường. “Người nhà Rothschild hòa hợp với nhau theo cách đặc biệt nhất”, nhà thơ Heinrich Heine từng nói. “Thật kỳ lạ, họ thậm chí còn chọn bạn đời trong nội bộ gia tộc và mối quan hệ giữa họ tạo thành những nút thắt phức tạp khiến các nhà sử học tương lai khó lòng làm sáng tỏ”.

Việc những người thuộc gia tộc Rothschild tự gọi mình là “gia đình hoàng gia” cho thấy bản thân họ nhận thức được độ tương đồng với gia tộc Sachsen-Coburg. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là tốc độ xây dựng mạng lưới của gia tộc Rothschild - không chỉ các đại lý và các nhà tài chính nhỏ hơn có liên kết với họ ở châu Âu, mà còn là “bạn bè trong giới quyền cao chức trọng”.

Những “khách hàng” quan trọng nhất của gia tộc Rothschild trong thời kỳ này có Karl Buderus, viên chức tài chính cấp cao của tuyển hầu tước xứ Hesse-Cassel; Carl Theodor von Dalberg, cựu thành viên Hội Illuminati, người từng là tuyển hầu tước của Liên minh sông Rhine từ năm 1806 đến năm 1814; Leopold nhà Saxe-Coburg, chồng của Công chúa Charlotte và sau này là Vua của người Bỉ; John Charles Herries, Tổng tư lệnh quân đội Vương quốc Anh hồi tháng 10.1811, sau đó (một thời gian ngắn) là Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Hội đồng Thương mại; Charles William Stewart, hầu tước xứ Londonderry thứ ba, anh trai của Lord Castlereagh; công tước xứ Orléans, sau này là Louis Philippe, vua Pháp; thủ tướng Áo, Hoàng thân Metternich; và Hoàng thân Esterházy, đại sứ Áo tại London.

Một trong những phương thức cốt yếu khiến gia tộc Rothschild được lòng giới tinh hoa chính trị (cũng như vượt xa các đối thủ kinh doanh của họ) là có một mạng lưới thông tin và tình báo đặc biệt.

Từ lâu, người ta tin rằng Nathan Rothschild là người đầu tiên ở London biết được sớm tin tức về thất bại của Napoléon tại Waterloo, đủ để “thu được lợi ích nhờ thông tin sớm... về chiến thắng”. Khi Công tước Berry (con trai thứ ba của vua Pháp, Charles X) bị ám sát tháng 2.1820, chính nhà Rothschild truyền tin câu chuyện này ở Frankfurt và Vienna. Tương tự như vậy, khi Công chúa Charlotte qua đời năm 1821, một lần nữa, nhà Rothschild đã truyền tin tức tới Paris... Những người đương thời nhanh chóng hiểu ra rằng một loại sức mạnh tài chính mới đã xuất hiện. Giữa thập niên 1830, một tạp chí của Mỹ đưa ra nhận định: “Gia tộc Rothschild là kỳ quan của ngành ngân hàng hiện đại... nắm toàn bộ châu lục trong lòng bàn tay... Không có nội các chính phủ nào vận hành mà không tham vấn với họ”. Tác giả người Anh Thomas Raikes cũng viết trong nhật ký: “Gia tộc Rothschild đã có được chủ quyền vững chắc ở châu Âu. Từ các trụ sở ở Paris, London, Vienna, Frankfurt và Naples, họ đã giành được quyền kiểm soát ‘vô tiền khoáng hậu’ đối với trao đổi tiền tệ ở châu Âu, và hiện giờ họ như thể nắm thóp được ngân quỹ của nhà nước. Giờ đây không chính quyền nào có thể kêu gọi một khoản vay mà không nhờ đến họ”.

Như đại biểu bang Bremen tại Frankfurt đã đúng khi nói rằng: Gia tộc này, thông qua các giao dịch tài chính khổng lồ và các kết nối ngân hàng và tín dụng, thực sự đã đạt được vị thế của một Cường quốc thực sự; ở chừng mực nào đó, họ giành được quyền kiểm soát thị trường tiền tệ chung đến mức có thể cản trở hoặc thúc đẩy - tùy ý muốn - các phong trào và hoạt động của các cường quốc, thậm chí là các cường quốc lớn nhất Châu Âu.

Khi Hoàng đế Áo nói rằng Amschel Rothschild “còn giàu hơn cả tôi”, đây không phải là câu nói đùa. Trong bài tiểu luận “Rothschild và các quốc gia Châu Âu” (1841), Alexandre Weill đưa ra luận điểm ngắn gọn: Trong khi “Rothschild trước đây cần có các quốc gia để trở thành Rothschild”, giờ đây ông “không còn cần các quốc gia nữa, nhưng các quốc gia vẫn cần ông”.

Một năm sau, nhà sử học theo chủ nghĩa tự do Jules Michelet ghi chép: “Ông Rothschild quen biết từng quốc vương, từng triều thần của Châu Âu. Ông nhớ hết tài khoản của họ, về các triều thần và các vị vua; ông nói chuyện với họ mà không cần xem lại sổ sách. Ông từng nói như sau với một vị vua: “Tài khoản của ông sẽ âm nếu ông bổ nhiệm một bộ trưởng như vậy”...

Niall Ferguson là giáo sư của Đại học Harvard, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Stanford và Đại học Oxford. Qua cuốn sách này, ông nhắc nhở chúng ta rằng, mạng xã hội Facebook không phải hình thành hoàn toàn từ tâm trí của Mark Zuckerberg; đúng hơn, đó là một lực lượng bền bỉ luôn tồn tại trong mọi vấn đề của loài người, từ đó cung cấp một lăng kính mới lạ về quá khứ và hiện tại.

Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Triển lãm 65 tác phẩm tranh cổ động Đại hội Đảng XIII

NGUYỄN TRI |

Chiều 22.1, tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bình Định đã diễn ra khai mạc Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Triển lãm do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Sở VH&TT tỉnh Bình Định tổ chức.

Trâu Vàng Tân Sửu: Công phu và tỉ mỉ tạo nên tác phẩm quà tặng độc đáo

KHÁNH LINH - ÁNH CƯỜNG |

Những bức tượng trâu dát vàng 24K và trâu vàng sơn mài truyền thống trong bộ sưu tập Linh vật Tân Sửu đang thu hút sự quan tâm của người dân đặc biệt trong dịp Tết Tân Sửu này. Không chỉ là món quà thông thường, những bức tượng này còn được yêu thích bởi sự công phu và chất nghệ thuật trong từng công đoạn chế tác...

2 tác phẩm của Báo Lao Động giành giải báo chí "75 năm Quốc hội Việt Nam"

HỒNG CƯỜNG - HOÀI ANH |

Tại giải báo chí "75 năm Quốc hội Việt Nam", Báo Lao Động đã giành được 1 giải C với tác phẩm: "Hành trình 75 năm Quốc hội Việt Nam - Dấu ấn đổi mới, sáng tạo" và 1 giải Khuyến khích với tác phẩm: "Vụ truyền vong báo oán tại chùa Ba Vàng làm nóng nghị trường Quốc hội: Quyết liệt xử lý để bài trừ mê tín dị đoan".

19 tác phẩm đạt giải báo chí Vì một Hải Phòng phát triển lần thứ 2

Đặng Luân |

Chiều 28.12, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng tổ chức hội nghị tổng kết và trao giải "Vì một Hải Phòng phát triển" lần 2 với chủ đề "Hải Phòng - Điểm đến thành công".

Giải Búa liềm vàng: Lần đầu tiên có tác phẩm giành giải đặc biệt

Vương Trần |

Sau 5 lần tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), năm nay, lần đầu tiên đã có tác phẩm xuất sắc giành giải Đặc biệt.

Đối thoại với tác phẩm mỹ thuật

Việt Văn |

Có lẽ chưa năm nào các triển lãm mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, đồ họa…) bùng nổ như thế. Riêng tuần này, khi triển lãm mỹ thuật toàn quốc vừa khép lại (10.12) để chuẩn bị du Nam thì một loạt triển lãm khác lại mở cửa. Hữu Khoa - biệt danh họa sĩ “Còm” bảo: Thời COVID-19, tưởng họa sĩ hết đất sống nào ngờ triển lãm tơi tới như mùa cưới và hầu như triển lãm nào cũng có họa sĩ bán được nhiều tranh.

Đề nghị kỷ luật nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Vương Trần |

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Sớm nghiên cứu nguồn kinh phí hỗ trợ đoàn viên, người lao động mất việc làm

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ nêu yêu cầu này nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo sớm ổn định cuộc sống, đón Tết đầm ấm.

Triển lãm 65 tác phẩm tranh cổ động Đại hội Đảng XIII

NGUYỄN TRI |

Chiều 22.1, tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bình Định đã diễn ra khai mạc Triển lãm tranh cổ động tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Triển lãm do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Sở VH&TT tỉnh Bình Định tổ chức.

Trâu Vàng Tân Sửu: Công phu và tỉ mỉ tạo nên tác phẩm quà tặng độc đáo

KHÁNH LINH - ÁNH CƯỜNG |

Những bức tượng trâu dát vàng 24K và trâu vàng sơn mài truyền thống trong bộ sưu tập Linh vật Tân Sửu đang thu hút sự quan tâm của người dân đặc biệt trong dịp Tết Tân Sửu này. Không chỉ là món quà thông thường, những bức tượng này còn được yêu thích bởi sự công phu và chất nghệ thuật trong từng công đoạn chế tác...

2 tác phẩm của Báo Lao Động giành giải báo chí "75 năm Quốc hội Việt Nam"

HỒNG CƯỜNG - HOÀI ANH |

Tại giải báo chí "75 năm Quốc hội Việt Nam", Báo Lao Động đã giành được 1 giải C với tác phẩm: "Hành trình 75 năm Quốc hội Việt Nam - Dấu ấn đổi mới, sáng tạo" và 1 giải Khuyến khích với tác phẩm: "Vụ truyền vong báo oán tại chùa Ba Vàng làm nóng nghị trường Quốc hội: Quyết liệt xử lý để bài trừ mê tín dị đoan".

19 tác phẩm đạt giải báo chí Vì một Hải Phòng phát triển lần thứ 2

Đặng Luân |

Chiều 28.12, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng tổ chức hội nghị tổng kết và trao giải "Vì một Hải Phòng phát triển" lần 2 với chủ đề "Hải Phòng - Điểm đến thành công".

Giải Búa liềm vàng: Lần đầu tiên có tác phẩm giành giải đặc biệt

Vương Trần |

Sau 5 lần tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), năm nay, lần đầu tiên đã có tác phẩm xuất sắc giành giải Đặc biệt.

Đối thoại với tác phẩm mỹ thuật

Việt Văn |

Có lẽ chưa năm nào các triển lãm mỹ thuật (hội họa, điêu khắc, đồ họa…) bùng nổ như thế. Riêng tuần này, khi triển lãm mỹ thuật toàn quốc vừa khép lại (10.12) để chuẩn bị du Nam thì một loạt triển lãm khác lại mở cửa. Hữu Khoa - biệt danh họa sĩ “Còm” bảo: Thời COVID-19, tưởng họa sĩ hết đất sống nào ngờ triển lãm tơi tới như mùa cưới và hầu như triển lãm nào cũng có họa sĩ bán được nhiều tranh.