Má và Mẹ

Bút ký của Lê Chín |

Ngày còn bé, đất nước bị chia cắt đôi miền Nam Bắc,tôi đã nghe người lớn truyền miệng câu thơ: “Kháng chiến làm bạn áo đen/ Hòa bình lập lại làm quen áo đà (áo nâu)/ Mai sau Thống nhất nước nhà/ Áo đen còn đó áo đà nghĩ sao?”.

Thế rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng oanh liệt của dân tộc ta cũng đã kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lúc này tôi cũng đã trưởng thành và có dịp chứng kiến rất nhiều cảnh “má và mẹ” phảng phất sắc màu áo đen và áo nâu trong ngày vui đoàn tụ. Giữa họ bây giờ luôn luôn có mặt người đàn ông sau 21 năm tập kết ra Bắc nay đã trở về.

I

Cô bạn thân của tôi sau khi thất bại một vài mối tình cũng hơi lo vì bạn bè cùng trang lứa đã yên bề gia thất.  Rồi cô đưa về nhà một người con trai hiền lành, lịch lãm, trạc tuổi bốn mươi. Nghe đâu anh là cán bộ quan trọng trong cơ quan nhà nước. Mọi người thấy xứng đôi vừa lứa, muốn xúc tiến hôn nhân ngay. Chỉ có ông bác gọi riêng cháu ra, nói với giọng đầy nghiêm trọng: “Phải tìm hiểu cho kỹ, vì ở tuổi đó, khi đi tập kết nó đã có vợ rồi cũng nên”. Bạn tôi ra sức thanh minh: “Ngày xa quê, anh ấy mới 17 tuổi thôi mà...”.

Rồi người con trai ấy háo hức về thăm nhà ở Quảng Ngãi sau ngày giải phóng đất nước. Trước khi rời Hà Nội, anh ấy dặn người yêu: “Anh xin cơ quan nghỉ phép 10 ngày, khi trở ra hai đứa bàn chuyện đám cưới là vừa”. Thế rồi cô bạn thấp thỏm chờ  đợi có đến 15 ngày, tâm trạng đầy lo lắng ,vì phương tiện về Nam lúc này còn rất khó khăn. Đấy là chưa kể đến, có những vùng vẫn còn đì đòm tiếng súng. Không thể chờ đợi được lâu hơn nữa, cô bèn đạp xe vào tận cơ quan anh để biết rõ sự tình. Anh đã trở ra đi làm, nhưng hình như muốn tránh mặt thì phải, vì thường trực gọi mấy lần cũng chẳng thấy đâu.

Vài hôm sau gặp nhau, bạn tôi buồn và gầy một cách thảm hại. Căn vặn mãi nó mới đưa tôi xem bức thư dày đặc hai trang chữ, có đoạn viết: “Anh mắc tội nặng với em... Nhưng anh không thể nuốt lời hứa với người con gái từ thuở còn đi học .Cứ tưởng đấy chỉ là lời hứa có chút mơ mộng, đầy tính học trò. Không ngờ cô ấy chịu mọi đòn roi của kẻ thù, quyết không chịu làm vợ lẽ bọn ác ôn, thủy chung bảo vệ mối tình đầu, chờ ngày anh trở về... Hãy tha thứ cho anh nghe em...”.

Bạn tôi không có quyền oán hận người đàn ông ấy. Chiến tranh đã đưa anh vào tình huống khó xử. Chắc trong mắt anh, người con gái nào cũng đẹp, cũng đáng yêu. Anh chỉ được phép chọn một. Chỉ thấy thương cô bạn tôi, sống trong buồn tủi vô vọng một thời gian rất dài. Mãi sau này mới lấy chồng, nhưng cơ hội làm mẹ không còn nữa.

II

Nhà bác Phê và Mơ có bốn cô con gái, cô nào cũng nết na, xinh xắn. Chúng tôi rất thân nhau, vui buồn cứ rủ rà rủ rỉ. Một hôm thấy hai cô chị lớn không có nhà, tôi đánh tiếng hỏi cô út mới 6 tuổi: “Các chị đi đâu cả ngày vậy em?”. Nó trả lời rất hồn nhiên: “Các chị đi ăn cỗ thầy giáo ở quê rồi chị ạ!”. Nghe thấy thế, bác Mơ cười và bảo tôi: “Hai con chị đi về làm giỗ thầy đẻ của chúng nó ở quê, chứ có phải thầy giáo nào đâu”. Có lẽ tôi đã nhầm. Vì bấy lâu nay theo cách cư xử của người lớn, cứ tưởng bốn chị em nhà này cùng cha cùng mẹ sinh ra.

Một hôm tôi vừa ngồi nhổ tóc sâu cho bác Mơ, vừa nghe bác kể: “Ngày ấy tôi làm cấp dưỡng cho một nhà ăn chung của mấy cơ quan. Có một người đàn ông miền Nam, hôm nào vào đây cũng chỉ ngồi một chỗ, ăn uống rất từ tốn. Lâu rồi thành quen ông ta đánh tiếng xin tôi “cục” cháy (miếng cháy) hay miếng chanh để “nặn” (vắt) vào bát nước rau muống. Tôi  thấy người đàn ông này trông mặt hiền lành nhưng tiếng miền Nam vừa khó nghe lại vừa thô thô thế nào ấy. Thỉnh thoảng cháy được tôi rưới thêm chút nước thịt, dần dà giữa hai người không còn câu nệ khách khí nữa.Biết tôi góa chồng, đang vất vả nuôi hai con nhỏ, ông ấy tỏ ra thông cảm. Thỉnh thoảng tôi nghỉ ca, ông ấy tìm tới thăm nhà và cho bọn trẻ quà. Rồi ông ấy cũng thổ lộ: “Có tin vợ con ở miền Nam đều chết hết rồi”. Ông ngỏ ý, muốn “góp gạo thổi cơm chung”. Tôi không dám nhận lời vì hai đứa trẻ nhà tôi còn khờ dại quá, sợ là gánh nặng cho người ta. Hơn nữa, làm dâu miền Nam, không biết sau này sẽ thế nào.

Rồi “nhất cự ly nhì cường độ”, ông đến nhà tôi nhiều hơn. Hai năm sau tôi mới dám nhận lời. Như cô thấy đấy, bây giờ bốn đứa con gái ông thương yêu như nhau, xưng “cha” theo theo kiểu của người miền Nam. Lúc đầu thấy là lạ, sau nghe quen dần. Hình như lũ trẻ cũng thích gọi như thế”.

Sau khi Thống nhất đất nước được vài tháng, gom đủ tiền, bác Phê về quê ở Bình Định. Khi trở ra bác trầm tính hẳn. Bác gái gặn hỏi mãi bác trai mới thổ lộ: “Tội nghiệp hai thằng nhỏ, nó giống cha như tạc...”. Vốn không phải là người lươn lẹo, thấy vợ và các con quá đỗi ngạc nhiên khi nghe tin này, bác Phê đành thú thật: “Ngày đó tôi buồn vì xa nhà đã 6 năm, có người đồn vợ con tôi đã chết hết rồi. Tôi hoang mang vì chẳng biết bao giờ mới thống nhất được đất nước. Mà cảnh mẹ góa con côi của cô lại rất đáng thương...”.

Lần thứ hai bác trai về quê. Bác không còn dấu diếm gì nữa, thú nhận với mọi người là trong quê còn có vợ và  hai con trai đã trưởng thành. Cả nhà muốn bác về ở hẳn trong đó, vì xa quê đã lâu rồi. Hơn nữa ngoài Bắc lại rất lạnh, không hợp với người có tuổi. Bác Mơ là người rất bản lĩnh. Bác nghe, rồi cứ âm thầm làm việc và chăm sóc chồng con ngày càng chu đáo hơn. Mọi cái vừa xảy ra như không có gì nghiêm trọng.

Một hôm có mặt đầy đủ cả nhà, bác gái đề xuất: “Ông cho tôi và hai con về thăm quê trong đó được rồi chứ?”. Bác Phê ban đầu hơi lúng túng nhưng rồi “được lời như cởi tấm lòng”, vui ra mặt. Riêng hai cô gái lớn nhất quyết phản đối với lý do: “Mẹ về đấy làm gì. Mang tiếng cướp chồng người ta à. Hơn nữa, phụ nữ miền Nam họ ghen ghê lắm...”. Rồi chẳng gì ngăn được, vợ chồng con cái lên tàu Thống nhất về Đập Đá, Bình Định.

Tôi thân nhất với Lan, cô gái thứ ba trong nhà. Hôm từ quê nội ra, em đem biếu tôi một quả dừa mọng nước,rất dày cùi và kể: “Đây là đặc sản quê hương Bình Định em  đấy! Hôm nghe các chị gàn, em cũng lo cho mẹ lắm. Nhưng khi về đến nhà, mọi cái đều khác chị ạ. Hai anh ra dẫn chúng em vào nhà rất thân mật. Má chủ động gọi mẹ là “dì”, xưng “chị”. Mẹ cũng gọi má là “chị” và xưng “em” rất tự nhiên, như hai người đã quen biết nhau từ lâu rồi. Đêm nằm chung giường, trẻ con ngủ khì khì. Má và mẹ nói chuyện thâu đêm, thỉnh thoảng em chợt tỉnh giấc, nghe có cả tiếng khóc. Cha em giỏi thật. Đã gắn kết “má” và “mẹ”, kẻ Bắc người Nam, về với nhau ngon ơ!”.

Bây giờ cả hai  bác đã thành thiên cổ. Bác Mơ đã về nằm cạnh “thầy” của các con nơi quê nhà ở Phú Xuyên (Hà Nội). Còn bác Phê vượt qua hàng ngàn cây số để về yên nghỉ ở Đập Đá, Bình Định. Nơi ấy có người vợ đôn hậu, giầu lòng vị tha mà không phải ai cũng có được.

Tôi chợt nhớ câu chuyện cổ tích “Ba ông Đầu Rau” của Việt Nam. Họ thật xứng đáng là “thần” để giữ lửa, giữ hạnh phúc cho mọi nhà.

III

Nhưng không phải nhà ai cũng được tình cảm mặn mà của “má” của “mẹ” như câu chuyện trên. Chiến tranh là mất mát, là thiệt thòi đến đau lòng, không chỉ những người phụ nữ mà cả những người đàn ông. Xa vợ ở tuổi xuân còn hơ hớ, làm sao có thể chịu đựng được, khi bên cạnh mình là những đôi lứa, những gia đình chứa chan hạnh phúc. Hãy thông cảm cho họ. Những lúc ốm đau hay Tết đến Xuân về... không có người thân bên cạnh, lủi thủi một mình, buồn tủi biết dường nào. Họ rất cần bàn tay chăm sóc của người phụ nữ, cần một mái ấm gia đình.

Cũng vì thế ngày Thống nhất đất nước, có gia đình là ngày “đại hỷ” nhưng cũng có nhà trở thành ngày “tan đàn xẻ nghé”. Các “má”, các “mẹ” ai cũng có công trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Với người đàn ông, cả hai người họ đều xứng đáng làm vợ. Nhưng người phụ nữ họ không chịu như thế. Vì “chồng chung ai dễ ai chiều cho ai” (Truyện Kiều). Chính vì thế, nhiều  ông đã rơi vào hoàn cảnh “Đi mắc núi về mắc sông”. Những lúc này cần có sự bình tĩnh, sáng suốt và rất bản lĩnh của người đàn ông thì mới sắp xếp ổn thỏa được.

IV

Chú Siêu ở khu tập thể này ai cũng biết. Chú sống rất đức độ, ăn mặc chỉn chu, xởi lởi với tất cả mọi người, chẳng chê vào đâu được. Nhưng riêng chuyện vợ con, chú không thích ai nhắc đến. Biết chú ở vậy một mình cũng đã lâu nên nhiều cô thích ra mặt, cứ ỡm ờ chòng ghẹo. Chú không “kết” với ai cả, và một mực: “Tui đã có dợ trong Nam rồi!”.

Vì không bận tâm về gia đình nên chú Siêu dốc lòng, dốc sức hết vào công việc. Ngày nào cũng ăn cơm tập thể, lại ngập đầu vào những đống tài liệu, cho nên cái dạ dày nó hành chú đến khổ. Một  hôm chú đang làm việc thì bị xuất huyết dạ dày, trụy tim mạch rồi ngất xỉu. Người ta cấp tốc đưa chú đi cấp cứu. Một tuần sau chú được xuất viện. Cái khổ của chú bây giờ là phải ăn kiêng và tự giặt giũ quần áo. Trời rét như cắt da cắt thịt, người khỏe còn lăn ra ốm, huống chi là chú. Rồi cô Duyên trong khu tập thể cám cảnh, tự nguyện đến chăm chú. Cô nhẹ nhàng và nết na như cái tên của mình. Một thời gian sau, họ thành vợ thành chồng. Chủ hôn không ai khác, chính là bác thủ trưởng của hai người. Nhiều cô trước kia cũng có tình ý với chú, nay cứ bĩu môi “già kén kẹn hom”. Họ chẳng màng đến sự dèm pha ấy, sống ríu rít như đôi chim bồ câu. Nhất là cô Duyên, xinh và trẻ ra rất nhiều ở cái tuổi 40. Đúng là “Cơm chín tới gái mới cưới” có khác.

Hai tháng sau, đất nước thống nhất. Chú Siêu nhao ngay về quê ở Điện Bàn (Quảng Nam). Đây là vùng đất “Anh dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Giặc chà đi xát lại thành một vùng trắng. Người đầu tiên chú đi tìm là người vợ trẻ năm xưa, hứa hẹn hai năm sẽ trở về. Làng quê tan tác. Hỏi mãi mới biết cô ấy sau khi thoát khỏi lao tù đã bỏ quê ra Đà Nẵng mười mấy năm rồi.

Chú cũng tìm được cô trong một ngôi chùa thanh vắng. Nhưng phải đứng từ xa để nhìn. Dưới sắc áo tu hành, cô thành kính chắp tay trước ngực chào chú bằng câu “Nam mô A di đà Phật”. Chú thật sự quặn lòng, không kìm được nước mắt. Chú như cơn lốc chạy đến ôm ghì người vợ năm xưa vào lòng, mặc cho thiện nam tín nữ nhìn với con mắt rất khó chịu...

Hơn sáu năm sau, khu tập thể chúng tôi lại chứng kiến một cảnh vui lạ thường. Vợ chồng chú Siêu đã xuất hiện, gặp ai họ cũng chào hỏi. Bên cạnh hai người là cô con gái chừng độ 5 tuổi. Kỳ diệu thật, một ni cô đã nếm trải bao cay đắng của cuộc đời đã sinh hạ cho chú một công chúa rất đáng yêu. Mặc dù nhẩm tính, cô cũng đã bộn tuổi rồi.  Họ bước vào căn nhà của cô Duyên. Nơi đây ngày xưa từng là tổ ấm của hai nửa cô đơn ghép lại. Và cũng là nơi hai người nghẹn ngào đau đớn run run đặt tay ký vào tờ ly hôn, để chú Siêu được trở về với người vợ đằng đẵng bao nhiêu năm chờ đợi.

Cuộc đoàn tụ hôm nay, chỉ tiếc chồng cô Duyên là bộ đội, đang trấn ải nơi biên giới phía Bắc không về được. Trong lúc người lớn đang say sưa kể chuyện, bé Hiền con cô Duyên dắt chị Hường ra nô đùa cùng lũ trẻ ngoài sân. Thỉnh thoảng chúng lại chạy vào mách “má”, mách “mẹ” nghe dễ thương quá!

Tôi mạn phép được sửa lại câu thơ mà một thời nhiều người muốn có lời giải đáp: “Bây giờ thống nhất nước nhà. Áo đen là chị áo đà là em”, không  biết có được không?

Bút ký của Lê Chín
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.