Ly kỳ tục thờ chó bốn phương

văn hải |

Ở Việt Nam, chó là vật nuôi quen thuộc trong mỗi gia đình với nhiệm vụ giữ nhà, canh trộm. Còn chó đá xuất hiện ở cổng nhà, cổng nghĩa trang, đình, chùa... với nhiệm vụ canh giữ cõi âm, xua đuổi tà ma. Thậm chí có một số nơi coi chó đá như vị thần đặt lên ban thờ, thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Chuyện đền Cẩu Nhi

Gần đây khi đi qua đường Thanh Niên, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một ngôi đền mới bên góc hồ Trúc Bạch (Q. Ba Đình, Hà Nội). Đó chính là di tích danh lam thắng cảnh đền Thủy Trung Tiên, nhưng cái tên dân gian quen gọi chính là đền Cẩu Nhi (Thần chó nhỏ). Đền Cẩu Nhi gắn với một sự tích, truyền truyền đã có từ hơn 1.000 năm trước về vị vua Lý Công Uẩn - người lập ra kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Đền cũng từng gây tranh cãi trong giới khoa học, nghiên cứu lịch sử tín ngưỡng suốt hàng chục năm qua.

Theo sách “Tây Hồ Chí”, một loại sách dân gian, truyền miệng không rõ tác giả thì người dân vùng ven hồ Tây xưa, gồm cả khu hồ Trúc Bạch ngày nay đã có tục thờ chó lâu đời. Trong đó đền Cẩu Nhi nổi tiếng nhất, gắn với cặp chó mẹ - con mà vua Lý Công Uẩn coi là thần thánh. Năm Giáp Tuất (974), Lý Công Uẩn được sinh ra làng Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh) và chính thời khắc đó có một con chó con cũng được sinh ra với những đốm lông ghép lại thành chữ “Thiên tử”.

Tấm bia đá ghi chép về sự thích thần Cẩu Nhi trước khi được trùng tu.
Tấm bia đá ghi chép về sự thích thần Cẩu Nhi trước khi được trùng tu.

Điều đặc biệt là sau đó Lý Công Uẩn đã lên làm vua (Thiên tử) như ứng với điềm trời. Lý Công Uẩn ban chiếu rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long lại đúng vào năm Canh Tuất (1010). Những sự kiện trọng đại đều ứng nghiệm và liên quan với con chó, cho nên đền Cẩu Nhi xưa trở thành nơi thờ tự linh thiêng, bất khả xâm phạm.

Nhưng vì đền không có lịch sử ghi chép, niên đại rõ ràng, cộng với ở chính gò đất trên mặt hồ Trúc Bạch ấy cũng từng thờ Mẫu Thoải và thần Cá. Vì thế mà đã xảy ra sự tranh luận kịch liệt trong giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử tín ngưỡng. Câu hỏi liệu nơi đây thờ thần Cẩu Nhi, thần Cá hay Mẫu Thoải cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Chính vì những tranh cãi này mà Dự án phục dựng đền Thủy Trung Tiên trên nền móng của đền Cẩu Nhi xưa phải hoãn từ năm 2002 đến 2015 mới chính thức được khởi công. Đến tháng 3.2017 đền Thủy Trung Tiên chính thức khánh thành. Để dung hòa tất cả các ý kiến trái chiều của những nhà nghiên cứu và dư luận xã hội, nên đền Thủy Trung Tiên ngày nay thờ cả Mẫu Thoải, thần Cá và thần Cẩu Nhi.

Chúng tôi quan sát thấy ngay đầu cây cầu dẫn vào đền có đặt một đôi chó đá đeo chuông khá lớn. Trong khuôn viên đền hiện đang cho phục dựng lại tấm bia nói về sự tích thần Cẩu Nhi. Còn bên trong đền gian chính điện thờ Mẫu Thoải và thần Cá. Có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã ghé vào tham quan và làm lễ ở đền. Vào ngày tuần rằm, mồng một, đền luôn luôn chật kín người vào lễ bái. Trong tiềm thức của mọi người thì sự tích thần Cẩu Nhi vẫn luôn tồn tại ở nơi này.

Cả làng thờ ông Hoàng Thạch

Chó đá là một con vật biểu trưng rất quen thuộc ở tất cả các vùng làng quê Bắc Bộ. Chó đá được dân gian coi như con vật để canh giữ cõi âm (còn chó thật thì canh nhà giữ cửa cõi dương). Chó đá được đặt ở trước cửa một số gia đình giàu có ở các vùng quê, và hầu hết xuất hiện ở cổng đình, chùa, nghĩa trang. Nhưng chó đá được tôn thờ với như vị thần Quan lớn Hoàng Thạch, Hoàng Thạch Cẩu... thì là câu chuyện khá độc đáo, thú vị. Chúng tôi đã về làng Địch Vỹ, xã Phương Đình, và làng Trung Hiên, xã Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội để nghe câu chuyện quanh thần Quan lớn Hoàng Thạch, Hoàng Thạch Cẩu.

Quan Lớn Hoàng Thạch và đàn chó đá nhỏ được thờ ở làng Địch Vỹ,
Đan Phượng.
Quan Lớn Hoàng Thạch và đàn chó đá nhỏ được thờ ở làng Địch Vỹ, Đan Phượng.

Ông Chu Bá Đam, thủ từ ở đình, chùa Địch Vỹ cho chúng tôi biết: “Ông chó đá dân làng tôi vẫn gọi là Quan lớn Hoàng Thạch đã được thờ cúng bao đời nay. Trước đây, dân làng thờ Quan lớn Hoàng Thạch ở mô đất thấp. Sau này, mọi người công đức xây bệ thờ và rước ngài lên, không xây cổng, tường bao quanh để ngày lễ, đầu tháng, ai cũng có thể thắp hương cầu bình yên, may mắn...”.

Theo chúng tôi quan sát Quan lớn Hoàng Thạch của làng Địch Vỹ rất đồ sộ với chiều cao 1,5m, đầu hướng về vùng núi thiêng Ba Vì. Dưới chân là một đàn chó đá nhỏ, ngài ngự ở vị trí chính giữa làng. Dân làng coi Quan lớn Hoàng Thạch như một vị thần che chở, mang đến an vui cho mọi người. Ngài xua đuổi tà ma, những điều đen đủi và uy hiếp tinh thần của quân giặc, kẻ thù từ ngoài có ý định xấu vào làng...

Chỉ cách làng Địch Vỹ khoảng gần 2km, ở làng Trung Hiên, cũng có tục thờ chó đá và dân làng gọi là ông Hoàng Thạch Cẩu, hay Thần Cẩu. Vị Hoàng Thạch Cẩu ở làng Trung Hiên cũng được người dân đặt uy nghiêm trên ban cao để mọi người đến hương khói thờ cúng. Việc thờ cúng và coi chó đá như một vị thần ở làng Trung Hiên đã có từ hàng trăm năm nay. Các cụ cao niên ở làng cho biết, trước đây Hoàng Thạch Cẩu được thờ ở gò đất trống bên gốc đa đầu làng. Khi vỡ đê sông Hồng, nước lụt tràn vào gò đất, dân chúng đã rước Hoàng Thạch Cẩu về đặt trong đình Phù Trung của làng để thờ.

Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp hội hè hay có việc trọng đại của làng, trong phần nghi thức của cúng tế, các vị chủ tế đều xướng tên Thành hoàng làng trước rồi sau đó xướng tên Hoàng Thạch Cẩu. Điều đó chứng minh cho sự tôn trọng và linh thiêng của Hoàng Thạch Cẩu đối với người dân làng Trung Hiên.

Gia tộc Mường xây mộ, thờ chó

Cả dòng tộc xây mộ cho một con chó và coi như tổ mẫu của mình. Trong nhà ông trưởng tộc có bàn thờ, ảnh thờ mà họ gọi là Mẫu Khuyển. Dòng tộc giới nghiêm không ai được sát hại và ăn thịt chó... Câu chuyện tưởng đùa mà có thật đó đang tồn tại ở dòng tộc Đinh Công người Mường tại xóm Gằn, xã Tân Minh, Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.

Ngôi mộ Mẫu Khuyển cho dòng tộc Đinh Công hiện nay.
Ngôi mộ Mẫu Khuyển cho dòng tộc Đinh Công hiện nay.

Anh Đinh Công Mạnh thay cha mình là ông Đinh Công Để (trưởng tộc Đinh Công) tiếp chúng tôi. Ngay lời mở đầu nói đến chó, anh Mạnh đã chỉnh ngay chính tôi, rằng gia tộc mình thờ Mẫu Khuyển chứ không nên gọi là con chó.

Anh Mạnh cho biết trong dòng tộc Đinh Công từ đứa trẻ lên 8, lên 10 cho đến ông, bà lão 70 - 80 tuổi đều biết đến sự tích Mẫu Khuyển. Chúng tôi đã được anh cho xem cuốn sách được xem như tục phả của dòng tộc nói về Mẫu Khuyển. Tóm tắt nội dung cuốn sách có thể diễn giải như sau:

“Thời nhà Nguyễn (nửa cuối thế kỷ 19), một gia đình họ Đinh Công ở vùng đất Tân Minh, Phú Thọ phải chạy loạn để tránh giặc cờ đen (giặc cờ đen chính là đội quân của viên tướng Mãn Thanh Lưu Vĩnh Phúc đã tràn sang các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta để xâm lược, cướp bóc). Khi chạy loạn, gia đình họ Đinh Công đã không kịp mang theo con đành bỏ lại một bé trai mới 3 tháng tuổi (Bé trai ấy sau này chính là ông tổ của nhánh họ Đinh Công ở xóm Gằn, Tân Minh). Nghe tiếng khóc thảm thiết, có con chó trong nhà chạy ra kéo đứa trẻ vào ổ của mình rồi cho bú. Hơn một tuần sau, gia đình quay lại ngôi nhà thì thấy một cảnh tượng rất kỳ lạ, đứa bé đang được con chó ủ trong bụng cho bú sữa như tình mẫu tử vậy. Từ đó, gia đình này đã coi con chó ấy như ân nhân của mình, chăm nuôi rất chu đáo. Đến khi chó chết họ đã tổ chức đám ma và cho vào nồi đồng chôn cất cẩn thận như người. Từ đó họ gọi con chó ấy là Mẫu Khuyển”.

Trải qua hơn một thế kỷ, đến năm 2002 từ một gò đất mà họ vẫn coi là mộ Mẫu Khuyển, cả dòng tộc Đinh Công đã quyên góp để xây mộ mới khang trang hơn. Sau hơn 2 tháng ròng với việc bỏ ra gần 20 triệu đồng (số tiền khá lớn so với thời điểm khi ấy) thì mộ Mẫu Khuyển đã xong với diện tích lớn như mộ tổ của một dòng họ giàu có, danh giá.

Ông Đinh Công Dự cho chúng tôi xem ảnh về mộ Mẫu Khuyển lúc mới xây xong.
Ông Đinh Công Dự cho chúng tôi xem ảnh về mộ Mẫu Khuyển lúc mới xây xong.

Song song với đó, từ nhiều đời nay cả dòng tộc Đinh Công ở xóm Gằn, Tân Minh có luật giới nghiêm mọi người trong họ không được giết mổ và ăn thịt chó. Ai phạm phải sẽ bị xử phạt nặng theo gia pháp của tổ tiên. Anh Mạnh đã kể cho chúng tôi nghe một số trường hợp trong dòng tộc vi phạm ăn thịt chó đã bị ốm đau, làm ăn thất bát và phải chịu sự trừng phạt của gia pháp.

Ông Đinh Công Dự (chú ruột của anh Mạnh) còn trực tiếp dẫn chúng tôi vào tham quan khu ban thờ Mẫu Khuyển. Quả thực khu thờ tự rất trang trọng, với đồ vật cúng tế được đặt ngay ngắn theo nhiều tầng. Ông Dự cũng cho chúng tôi xem bức ảnh thờ Mẫu Khuyển được đặt ở chính giữa tầng 1 khu ban thờ. Thực chất đây là bức ảnh chụp lại mộ Mẫu Khuyển ở ngoài đồng rồi đem về thờ cúng.

Để có cái nhìn khoa học và chuẩn xác nhất về câu chuyện thờ chó của một tộc người Mường ở Phú Thọ, trong lần hỏi chuyện GS.TSKH Tô Ngọc Thanh (người chuyên nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng dân gian) gần đây, chúng tôi đã được sáng tỏ. Theo GS Thanh, sự việc một dòng tộc xây mộ và thờ con chó là biểu hiện của cái gọi là “Đạo Vật Tổ”. Đạo Vật Tổ là hình thái tôn giáo nguyên thuỷ ra đời vào thời kỳ thị tộc sơ khai. Các thành viên trong một thị tộc tin rằng họ có mối quan hệ siêu nhiên với một vật tổ hoặc là một động vật, một thực vật hay với một vật vô tri nào đó, coi đó là tổ tiên hay người thân thuộc bà con với mình. Vì vậy, họ kiêng không giết, không ăn thịt vật tổ và quan niệm khi chết sẽ trở về với vật tổ.

Ở Việt Nam, “Đạo Vật Tổ” còn biểu hiện khá đậm nét ở một số tộc người vùng miền núi. Ví dụ, một số dòng tộc Khơ Mú ở Tây Nguyên thờ con dê với hình tượng đầu dê ở trước nhà rông, nhà sàn của mình, họ Quàng của dân tộc Thái miền núi phía Bắc không ăn thịt hổ, vì họ cho con hổ là vật tổ của mình... Và Mẫu Khuyển của dòng tộc Đinh Công ở Phú Thọ cũng là một kiểu như vậy.

Thờ chó đá ở miền núi

Người dân tộc Tày, Nùng, Dao... tại các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam vẫn còn lưu giữ tục thờ chó đá. Chó đá trong tiếng Tày - Nùng là Ma-Hin. Ở vùng Lộc Bình, Lạng Sơn có đến gần 70% số hộ gia đình người Tày đặt thờ chó đá trước cửa nhà. Bên mỗi con chó đá (họ gọi là Thần Cẩu Ma-Hin) có đặt một bát hương nho nhỏ. Khi xây cất nhà, người Tày phải đi tìm thầy cúng xem ngày, tìm hòn đá để tạc thành chó đá. Rồi gia chủ nhờ thầy cúng xem giúp đặt chó đá theo hướng nào để canh được cõi âm, mang lại bình yên, no ấm cho gia đình... Vào dịp tết hay có sự kiện trọng đại, thì người cao tuổi nhất sẽ đại diện gia đình đi lấy nước bưởi để tắm cho Thần Cẩu Ma-Hin, rồi quàng một chiếc khăn đỏ lên cổ...

Có đến 90% số hộ người Nùng ở bản Boong Dưới, xã Chí Viễn, Trùng Khánh, Cao Bằng thờ chó đá. Họ coi chó đá là linh vật thiêng liêng trừ tà ma, canh thú dữ vào bản hại người...

văn hải
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.