Lục quân Mỹ bẽ bàng vì “siêu súng ngắn” đầy lỗi

hương giang |

Tháng 1.2017, Lục quân Mỹ tuyên bố lựa chọn mẫu súng ngắn thử nghiệm do công ty Sig Sauer sản xuất là vũ khí tiêu chuẩn thế hệ kế tiếp sẽ được trang bị cho các quân nhân trong lực lượng. Khẩu súng này, được lựa chọn sau một cuộc ganh đua với đầy tranh cãi với rất nhiều kỳ vọng đặt vào nó, tưởng như sẽ có một tương lai xán lạn. Nhưng cuộc đời thật không như mơ. 

Súng tự bắn, chỉ dùng đạn “xịn”

Chỉ đúng một năm sau khi Sig Sauer thắng thầu chương trình Hệ thống súng ngắn modul (MHS) đình đám của Lục quân Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một bản báo cáo cho thấy hoạt động thử nghiệm các khẩu súng ngắn M17 và phiên bản gọn nhẹ M18 - những sản phẩm sinh ra từ chương trình MHS của công ty - đã làm lộ ra rất nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng.

Báo cáo của Phòng thử nghiệm và đánh giá hoạt động thuộc Lầu Năm Góc xem xét rất nhiều hệ thống vũ khí khác nhau của quân đội Mỹ, gồm chương trình MHS. Theo bản đánh giá, các súng M17 và M18 gặp nhiều vấn đề trong quá trình thử nghiệm kéo dài từ tháng 4 tới tháng 9.2017.

Vấn đề đầu tiên, đã được công khai trước dư luận rất nhanh sau đó, là khẩu súng có thể tự khai hỏa nếu người dùng bất cẩn đánh rơi nó. Khỏi phải nói lỗi này nghiêm trọng như thế nào, bởi một viên đạn lạc bay đi từ một khẩu súng bị đánh rơi luôn có thể gây họa cho người dùng súng và những ai đứng xung quanh anh ta.

Lục quân sớm phát hiện vấn đề này trong giai đoạn gọi là Kiểm tra xác thực sản phẩm, nhưng không rõ từ khi nào họ mới nhận ra đây là một lỗi nghiêm trọng liên quan tới thiết kế. Sig Sauer sau đó đã phải thực hiện các thay đổi cụ thể để sửa lỗi này trên các cây súng M17 và M18.

Súng M17 và M18 của Sig tham gia chương trình MHS
Súng M17 và M18 của Sig tham gia chương trình MHS

Cũng cần phải nhắc lại rằng vào tháng 8.2017, Sig Sauer từng phát lệnh triệu hồi các khẩu súng ngắn P320 - phiên bản dân sự mà hãng dựa vào đó để phát triển các súng M17 và M18, do nó mắc cùng một lỗi. Tuy nhiên hãng vẫn cố vớt vát uy tín bằng lời giải thích rằng khẩu súng chỉ khai hỏa bởi người dùng đã đánh rơi nó mạnh hơn “mức tiêu chuẩn an toàn của Mỹ”?!

Hoạt động thử nghiệm cũng cho thấy rằng trong những bài kiểm tra nhất định, bộ phận cò súng của hai khẩu súng M17 đã bị vỡ. Rất có khả năng lỗi này đã phát sinh sau khi Sig Sauer sửa lỗi súng tự bắn vì người dùng đánh rơi. Không rõ Sig Sauer đã giải quyết lỗi này với những khẩu M17 ra sao. Với phiên bản dân sự P320, hãng chỉ khuyến cáo người dùng nên liên lạc với cửa hàng súng để xác định lỗi và sửa chữa.

Và vấn đề của M17 chưa dừng lại ở đó. Hoạt động thử nghiệm cho thấy nó có xu hướng đẩy các viên đạn chưa được bắn ra khỏi băng đạn, cùng với vỏ đạn rỗng hình thành sau cú bắn trước đó. Không có dấu hiện nào cho thấy hiện tượng này gây sự cố cho khẩu súng như kẹt vỏ đạn, ở khe đẩy vỏ đạn ra ngoài.

Tuy nhiên đây rõ ràng là một lỗi rất lớn với người dùng, bởi nó có nghĩa họ đối diện với khả năng hết đạn sớm hơn nhiều so với tính toán. Hãy hình dung một người lính đang ở trong tình huống cận chiến và anh ta chắc mẩm rằng súng vẫn còn 4 viên đạn, đủ để xử lý kẻ thù, trong khi thực tế súng chỉ còn 2 viên do lỗi trên. Ngay cả khi không ở trong tình huống hiểm nghèo, lỗi này vẫn gây ra sự lãng phí không cần thiết.

Văn phòng kiểm tra và đánh giá hoạt động nói rằng, vấn đề đẩy đạn chưa bắn ra khỏi súng đang trở nên trầm trọng, hơn khi ngày càng có nhiều người lính sử dụng những khẩu M17 và M18 của họ trong khuôn khổ chương trình thử nghiệm. Tính tới tháng 9.2017, Sig Sauer vẫn đang làm việc cùng Lục quân để cố xác định gốc rễ vấn đề, sau đó họ sẽ tìm cách sửa lỗi.

Khiếm khuyết cuối cùng là súng của Sig Sauer rất kén đạn. Trong quá trình thử nghiệm, M17 và M18 hoạt động khá trơn tru với loại đạn đặc biệt mang tên XM1153 của Lục quân. Đây là loại đạn đầu rỗng (hollow point) mới được nghiên cứu chế tạo. Tuy nhiên súng lại gặp vấn đề về độ tin cậy khi chuyển qua sử dụng XM1152 - loại đạn lõi chì bọc đồng tiêu chuẩn.

Cụ thể, lục quân có một yêu cầu dành cho các khẩu súng mới là chúng phải bắn được 2.000 viên đạn mà không gặp nhiều trục trặc. Lục quân định nghĩa trục trặc là các tình huống khẩu súng ngừng hoạt động bình thường, nhưng người dùng vẫn có thể khiến nó hoạt động trở lại mà không cần dùng công cụ đặc biệt hỗ trợ. Súng phải đạt độ tin cậy lên tới 95% - tức trong quá trình bắn hết 2.000 viên đạn, nó chỉ được phép gặp trục trặc với tối đa 5% số đạn.

Với đạn rỗng đầu XM1153, súng M17 đạt tỉ lệ tin cậy 95%, trong khi M18 đạt tỉ lệ 96%. Tuy nhiên khi lính Mỹ dùng tỷ lệ XM1152, kết quả tụt xuống chỉ còn 75% với súng M17 và hơn 60% với súng M18 - những con số thảm họa.

Báo cáo không nói rõ vì sao chuyện này lại xảy ra và Lục quân sẽ làm gì để giải quyết sự cố. Vấn đề dường như đã xuất hiện trong quá trình thử nghiệm chứng thực sản phẩm và Lục quân đã đi đường vòng bằng cách chỉ dùng đạn XM1153. Điều này có nghĩa binh lính được cấp M17 và M18 nhiều khả năng cũng sẽ được nhận các viên đạn đầu rỗng đầu thay vì đạn lõi chì tiêu chuẩn.

Việc chỉ có thể bắn một loại đạn sẽ hạn chế đáng kể khả năng của khẩu súng mới. Thông thường, đạn rỗng đầu sẽ bắt đầu nở ra to hơn sau khi trúng mục tiêu và qua đó tạo ra những vết thương nguy hiểm, trầm trọng hơn. Tuy nhiên tính năng nở ra cũng làm giảm khả năng xuyên thủng vật cản của chúng, như kính xe ôtô hay kính cửa.

Thiết kế đạn hiện đại đã tăng đáng kể tính chết chóc và khả năng đáp ứng các điều kiện chiến đấu khác nhau của đạn rỗng đầu. Nhưng Công ước Hague 1899, một thỏa thuận quốc tế mà Mỹ ủng hộ và có nghĩa vụ tuân thủ, cấm việc sử dụng trên chiến trường bất kỳ loại đạn nào được thiết kế để có khả năng nở ra khi trúng mục tiêu.

Quân đội Mỹ từng nói rằng các loại đạn với phần đầu rỗng nhằm giúp tăng độ chính xác cho viên đạn không thể chịu sự hạn chế của Công ước Hague, bởi nở ra không phải là mục tiêu chính khi người ta thiết kế đạn. Họ cũng lý luận rằng các loại đạn đầu rỗng vẫn có thể được sử dụng khi xuất hiện “các nhu cầu quân sự đặc biệt”. Thực tế, tư duy này đã giúp một số đơn vị đặc nhiệm Mỹ được cấp phát đạn rỗng đầu khi tham gia các nhiệm vụ bí mật.

Khi xem xét tất cả các vấn đề mà những khẩu súng mới phải đối đầu, người ta càng thấy khó hiểu trước quyết định của Lục quân khi chọn Sig Sauer là bên trúng thầu, thay vì Glock, một công ty khác cũng từng tham gia chương trình MHS.

Đứa con què quặt từ một chương trình tham vọng

Có thể nói rằng MHS là chương trình đặc biệt tham vọng của Lục quân Mỹ. Nó được thai nghén từ năm 2011, với mục tiêu tạo ra một khẩu súng ngắn mới thay thế cho các súng Beretta M9 và SIG Sauer M11 mà lính Mỹ tin dùng lâu nay.

Lý do để Lục quân Mỹ khởi động chương trình MHS rất đơn giản, các khẩu M9 và M11 đã tới cuối vòng đời và cần phải thay thế. Có một thực tế là mọi vũ khí đều có vòng đời hữu hạn. Trong khi các bộ phận như nòng súng, báng súng, lò xo, các đinh ốc... đều có thể được thay thế, bộ khung của khẩu súng lại không thể và sẽ dần hao mòn tới chỗ không sử dụng được nữa.

Khẩu M9 tiêu chuẩn, đi vào hoạt động từ những năm 1980 trong quân đội mới, đã bắt đầu thể hiện các dấu hiệu của việc bị hao mòn quá mức. Thay vì mua lô M9 mới, Lục quân lại quyết định sắm một khẩu súng mới tinh, với tham vọng giải quyết các điểm yếu thiết kế của M9, như tay nắm kém, cò súng nặng, không có ray gắn phụ kiện hay ống hãm thanh, dễ hút bụi và bị kẹt đạn...

Súng mới được kỳ vọng thiết kế theo mô đun và như thế có thể dễ dàng thay đổi cỡ nòng, kích cỡ cho phù hợp với từng người lính. Nó cũng được thiết kế để dễ dàng gắn phụ kiện, dễ tháo ra để bảo dưỡng mà không cần đồ nghề và phù hợp với người thuận tay trái cũng như tay phải.

Kế hoạch MHS chính thức được thông báo từ năm 2011. Nhưng sau nhiều trì hoãn, phải tới tháng 1.2015, dự án hoàn thiện mới được thông qua, trong đó Lục quân có kế hoạch đặt mua 280.000 khẩu súng tiêu chuẩn thế hệ mới với tên mã M17 và 7.000 khẩu M18 phiên bản gọn nhẹ. Toàn bộ chương trình mua sắm kèm hợp đồng bảo trì vũ khí kèm theo có giá lên tới 580 triệu USD.

12 khẩu súng, gồm APX của Beretta (Italy); CZ P-07 MHS và P-09 MHS của CH Séc; FN 509 của Bỉ; Glock 17 MHS, 19 MHS, 22 MHS và 23 MHS của Áo; Sphinx SDP của Kriss (Mỹ); P320 của SIG Sauer (Đức); M&P M2.0 của Smith & Wesson (Mỹ); STX của STI và Detonics Defense (Mỹ) đã tham gia cuộc đua, với kết quả là Sig Sauer thắng thầu, bất chấp việc khẩu súng này bộc lộ nhiều nhược điểm hơn so với đối thủ nặng ký nhất là Glock.

Tháng 2.2017, công ty Áo đã gửi đơn phản đối quyết định của Lục quân và đề nghị có một cuộc tranh tài thứ hai với Sig Sauer. Tuy nhiên Cơ quan thẩm định trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) đã bác bỏ lá đơn, nói rằng chẳng có gì để khiến Lục quân phải tổ chức thêm một cuộc thẩm định nữa .

Theo các chuyên gia, mẫu súng Glock 19X mà Glock đưa vào cuộc đua với Sig Sauer thực sự là một ứng viên hết sức ưu việt. Trong đơn kiện, Glock nói rằng Lục quân đã cắt ngắn hoạt động thử nghiệm phát triển, đặc biệt là không làm các bài thử về độ bền. Công ty chỉ ra rằng chính GAO cũng thừa nhận súng của Glock có độ tin cậy tốt hơn rất nhiều mẫu súng của Sig Sauer. Thế nhưng việc họ thua cuộc đã khiến không ít người ngạc nhiên.

Các chi tiết mới từ bản báo cáo của Văn phòng thử nghiệm và đánh giá hoạt động dường như đã củng cố nhận định của Glock rằng, việc tiến hành nhiều thử nghiệm hơn đã có thể mang tới nhiều lợi ích hơn, ít nhất là việc làm lộ ra các vấn đề mà các khẩu súng của Sig Sauer có thể gặp phải khi dùng đạn lõi chì tiêu chuẩn. Việc Lục quân quyết định từ bỏ loại đạn này như giải pháp tạm thời nhằm xử lý vấn đề kém tin cậy khó có thể là một giải pháp lâu dài.

Các phát hiện mới cũng sẽ khiến Lục quân phải đối diện với nhiều đơn kiện pháp lý mới, ngay cả khi Sig Sauer đã đưa ra các giải pháp chữa lỗi. Hoặc chí ít, phát hiện sẽ châm ngòi lại cho các tranh cãi quanh việc Lục quân chọn súng của Sig Sauer.

Điều này có thể sẽ khiến Hải quân và Không quân Mỹ cân nhắc lại kế hoạch theo chân Lục quân và chọn các khẩu súng M17, M18. Cần biết một điều rằng Glock rất được cộng đồng đặc nhiệm Mỹ ưa chuộng, gồm cả đặc nhiệm Green Beret của Lục quân và SEAL của Hải quân. Lính thủy đánh bộ Mỹ thì đang mua hạn chế một số lượng nhỏ súng Glock 19 cho một số quân nhân để thử nghiệm và rất có thể họ sẽ từ bỏ việc mua súng của Sig Sauer để sắm súng của riêng họ.

Về cơ bản tất cả các nhánh trong quân đội Mỹ vẫn đang theo dõi rất chặt diễn biến xung quanh chương trình MHS mới của Lục quân để quyết định xem họ sẽ lựa khẩu súng ngắn tương lai ra sao. Mọi kế hoạch đều sẽ phải lệ thuộc vào khả năng của Lục quân trong việc phối hợp với Sig Sauer để giải quyết hoàn toàn các vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại quanh khẩu súng mới.

hương giang
TIN LIÊN QUAN

Tướng Mỹ: Quân đội Anh quá nhỏ bé để gây chiến với Nga

N.V |

Con đường duy nhất để thắng Nga là phải có lực lượng lục quân hùng mạnh, nhưng lực lượng đó "không thể thành lập được một cách nhanh chóng sau khi cuộc xung đột bắt đầu".

Nga lên lịch sản xuất hàng loạt “siêu tăng” Armata

Nguyễn Đông |

Nga sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động của Armata từ năm 2019 để từ đó sản xuất hàng loạt siêu tăng này- Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết hôm 20.6.

Ấn Độ cùng Israel phát triển hệ thống tên lửa đối không MRSAM có tầm bắn 70km

Nguyễn Đông |

Ấn Độ và Israel đang tăng cường mối quan hệ và hai nước đã đồng ý về một thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD cho việc phát triển hệ thống tên lửa đối không tầm trung (MRSAM) cho Lục quân Ấn Độ.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Tướng Mỹ: Quân đội Anh quá nhỏ bé để gây chiến với Nga

N.V |

Con đường duy nhất để thắng Nga là phải có lực lượng lục quân hùng mạnh, nhưng lực lượng đó "không thể thành lập được một cách nhanh chóng sau khi cuộc xung đột bắt đầu".

Nga lên lịch sản xuất hàng loạt “siêu tăng” Armata

Nguyễn Đông |

Nga sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động của Armata từ năm 2019 để từ đó sản xuất hàng loạt siêu tăng này- Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết hôm 20.6.

Ấn Độ cùng Israel phát triển hệ thống tên lửa đối không MRSAM có tầm bắn 70km

Nguyễn Đông |

Ấn Độ và Israel đang tăng cường mối quan hệ và hai nước đã đồng ý về một thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD cho việc phát triển hệ thống tên lửa đối không tầm trung (MRSAM) cho Lục quân Ấn Độ.