Loay hoay bài toán xoá độc quyền sách giáo khoa

huyên nguyễn - cao nguyên |

Câu chuyện thiếu sách giáo khoa (SGK) cục bộ vào dịp đầu năm học vừa qua một phần nguyên nhân từ việc NXB Giáo dục Việt Nam đang được độc quyền in ấn và phát hành SGK cùng với những tranh luận về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, mỗi địa phương quy định vở bài tập riêng... đang đặt ra những bất cập trong việc xoá độc quyền SGK.

Lo ngại mỗi địa phương một bộ sách giáo khoa

Địa phương nào cục bộ chọn SGK theo địa phương ấy, giáo dục không tổng thể, không toàn diện... là những lo ngại được các ĐBQH trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận, góp ý trong phiên họp bàn về Dự án sửa đổi Luật Giáo dục mới đây.

Theo đó, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trăn trở về quy định một chương trình nhiều SGK, nhất là với tiểu học. Bà Hải cho biết, trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu về một chương trình nhiều SGK. Nội dung này đã được trình bày trong Điều 29 của Dự án sửa đổi Luật Giáo dục nhưng chưa được quy định rõ ràng. Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh cần phải hết sức cân nhắc quy định một chương trình nhiều SGK, nhất là với tiểu học. Bà Hải đề nghị bổ sung quyền của người học và phụ huynh học sinh trong việc được biết về bộ sách nhà trường chọn học và có đồng ý theo học bộ sách được chọn đó không.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ bày tỏ lo ngại nếu để nhà trường chọn SGK có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn: “Giáo viên gợi ý học sinh phải mua, không mua lại gây khó khăn trong chấm điểm. Tôi cho rằng, nhất thiết phải thống nhất một loại SGK cả nước. Không thể để các trường, địa phương nào thích chọn loại SGK nào thì chọn. Cuối cùng giáo dục theo truyền thống Việt Nam thì bị bỏ, chỉ theo các tỉnh thôi, dẫn đến cục bộ. Giáo dục như thế là không toàn diện, không tổng thể”, ông Tỵ nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong sử dụng SGK: “Tỉnh Quảng Nam có sách vở riêng cho Quảng Nam, rồi tỉnh nào có riêng cho tỉnh đó thì nền giáo dục như thế là không được”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu bất cập về việc sử dụng từ ngữ vùng miền khiến học sinh không nắm bắt được... SGK phải thông dụng cho học sinh, giáo viên cả nước cùng hiểu.

Xoá độc quyền vẫn lo độc quyền

Không chỉ lo mỗi địa phương cục bộ chọn SGK mà ngay trong việc xoá độc quyền SGK cũng có nhiều khó khăn. Với những điều mới mẻ chưa bao giờ có trong lịch sử giáo dục Việt Nam về việc nhà trường được chủ động chọn sách trong nhiều bộ sách, cuốn SGK, nhiều người đặt giả thuyết dư luận không quen dẫn tới những phản ứng tiêu cực trước những vấn đề khác biệt, mới mẻ.

Thậm chí mới đây, những phản ứng dữ dội về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục được nhiều người thẳng thắn bày tỏ nghi ngờ việc có “lợi ích nhóm” nhằm “đánh hội đồng” khi tài liệu này có thể sẽ là một SGK khi cơ chế độc quyền SGK bị bãi bỏ.

GS Hồ Ngọc Đại - người chủ trì biên soạn tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục cho biết, trong 40 năm ra đời và tồn tại, chương trình Công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi, nhưng chưa lần nào tranh cãi lại “dữ dội” như vậy. Ông cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau chuyện sách của mình bị “đánh hội đồng” và những manh nha cuộc chiến giành thị phần SGK mới.

“Hiện nay, gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách tôi, thì hẳn sẽ có nhiều nhóm làm SGK khác bị ảnh hưởng về lợi ích. Và tôi cho rằng cơn bão tấn công tôi xuất phát từ đó” - GS Hồ Ngọc Đại nhìn nhận.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - ĐBQH, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội từ năm 2017 cũng cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau vụ tranh luận trên mạng xã hội với những lời lẽ phản cảm chỉ trích tài liệu Công nghệ Giáo dục thời gian qua.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói, ông quyết "lôi ra ánh sáng" lợi ích nhóm muốn xóa sổ Công nghệ Giáo dục và trường Thực nghiệm, cũng như để độc quyền SGK.

Từ đó, nhiều người vẫn bày tỏ lo ngại khi thực hiện một chương trình, nhiều SGK, tính cạnh tranh lành mạnh có thực sự, nhất là khi Bộ GDĐT cũng đang chủ trì xây dựng một bộ SGK lấy từ ngân sách nhà nước. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT nhấn mạnh không để địa phương chọn sách cho “đẹp lòng” Bộ GDĐT.

Ông Thành cho biết, thực hiện Nghị quyết 88, Bộ GDĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc tổ chức biên soạn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT. Trường hợp cần lựa chọn nhà xuất bản chủ trì biên soạn SGK thì việc lựa chọn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục, việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hoạt động dạy học đã không còn quá lệ thuộc vào SGK. Vì vậy, sẽ không xảy ra tình trạng muốn "an toàn" hay làm "đẹp lòng" Bộ mà phải chọn SGK do Bộ chủ trì biên soạn. SGK nào có chất lượng tốt, tạo thuận lợi cho việc dạy và học tích cực để phát triển năng lực sẽ có lợi thế, được đông đảo học sinh, giáo viên lựa chọn.

Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK do Bộ GDĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ GDĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.

Ông Thành thông tin thêm, học sinh, phụ huynh sẽ được quyền chọn lựa SGK, ai vi phạm quyền này sẽ có chế tài xử lý nghiêm: “Bộ GDĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh. Sẽ có quy định cụ thể trách nhiệm của sở GDĐT, phòng GDĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh. Làm tốt được việc này sẽ bảo đảm các SGK có chất lượng tốt sẽ được đông đảo học sinh lựa chọn”, ông Thành nói.

Về vấn đề giao Bộ GDĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, việc này nhằm đảm bảo trong trường hợp xã hội hóa viết SGK chưa thực hiện được tốt, không có nhiều SGK như mong muốn thì vẫn có một bộ SGK đảm bảo chất lượng. “Không có gì đảm bảo là đến “giờ G” khi chúng ta thực hiện đổi mới chương trình, SGK lại có đủ cho người dân lựa chọn. Phải có một bộ SGK đảm bảo chất lượng để đảm bảo việc dạy và học - đó là trách nhiệm của nhà nước, mà đại diện ở đây là Bộ GDĐT. Không thể “thả nổi” hoàn toàn cho xã hội hóa được”.

Bỏ độc quyền sách giáo khoa là xu hướng tất yếu, tuy nhiên vấn đề này cần đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh. Mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Để thực hiện được việc này, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định cụ thể, rõ ràng nhằm hạn chế những lo ngại trên.

Tài liệu học tập cũng đang “độc quyền”?

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nêu vấn đề về việc gần đây, cử tri rất quan tâm tới chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục. Việc khó tìm mua tài liệu này khiến vị ĐBQH này cũng đặt ra về tính độc quyền.

“Tôi băn khoăn khi thực nghiệm trở thành đại trà thì như thế nào? Luật Giáo dục hiện hành vẫn còn nguyên giá trị, trong đó, Điều 100 quy định, Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; hằng năm báo cáo Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục.

Tuy nhiên, ví dụ tỉnh Hà Tĩnh đã dùng 100% Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục như vậy là khi thực nghiệm đã trở thành đại trà. Theo phản ánh, trong tài liệu này có rất nhiều bài văn, bài thơ có quan điểm giáo dục khác lạ. Cũng khó có thể tìm mua được Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục tại các quầy sách ở Hà Nội, như vậy, tôi đặt ra việc cung cấp loại sách này có mang tính độc quyền hay không?”, bà Hải bày tỏ.

Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK quy định:

SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học.

Bộ GDĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

huyên nguyễn - cao nguyên
TIN LIÊN QUAN

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.