Linh thần của Kim Thạch

Bài và ảnh của MINH THI |

Một trong 27 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020 là bộ 4 chiếc nha chương bằng đá ngọc (Nepherit) phát hiện ở các di chỉ của văn hóa Phùng Nguyên tại Phú Thọ. Các nha chương có niên đại cách đây 3.700 - 3.400 năm và có sự giống nhau đến từng chi tiết với các nha chương thuộc nền văn hóa Ân Thương, một nền văn hóa khảo cổ ngày càng được biết là bao phủ khắp miền Nam Trung Hoa và Đông Nam Á.

Nha chương là bằng chứng trực tiếp về mối quan hệ của miền đất các vua Hùng ở Bắc Việt với triều đại lịch sử Ân Thương cùng thời kỳ và sự hiển nhiên có thật của truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân trong huyền sử Việt.

1. Lễ hội làng Phù Đổng, nay đã là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, được tổ chức hàng năm tái hiện lại cuộc chiến thần thánh giữa Phù Đổng Thiên Vương và giặc Ân vào thời điểm hơn 3.000 năm trước. Trong lễ hội, các làng ở Phù Đổng lựa chọn 28 cô gái vị thành niên đóng làm tướng giặc. Các cô gái trẻ trang điểm xinh xắn, ăn mặc lộng lẫy, đầu đội mũ hoa, tay cầm quạt lông hoặc trống ngồi trên kiệu. Mỗi nữ tướng Ân dẫn đầu một đội quân khoảng 15 người phục dịch. 28 đội quân Ân do các các nữ tướng cầm đầu lên tới hơn 400 người.

Cũng ở lễ hội Phù Đổng, phường hát Ải Lao có bài hát mở màn rằng:

Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương

Ân sai hai tám tướng cường nữ nhung

Xâm cương cậy thế khoe hùng

Quân sang đóng chặt một vùng Vũ Ninh.

Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả kể, thời Hùng Vương thứ sáu “vua Ân muốn xâm lăng đất nước. Vào năm Giáp Tí bỗng thấy biên giới phía Bắc có thư gửi cấp báo. Tướng giặc Ân là Thạch Linh thần tướng khởi binh từ phía Bắc tiến sang, giáo giáp kín trời, tinh kỳ rợp đất”. Ở làng Phù Đổng có cậu bé Gióng mới lên ba, theo lời hiệu triệu của vua Hùng đã hóa thành một thiên tướng, dẫn quân chống giặc. “Thần vương cầm roi sắt chỉ huy tiên phong, lệnh khiến các quan hành quân tiếp ứng, chỉ phút chốc đã đến dưới chân núi Vũ Ninh, miền Yên Việt, đại chiến với Thạch Linh thần tướng bên núi. Quân Ân thua to, tan chạy. Thạch Linh thần tướng bị bắt sống rồi chém đầu”.

Chữ trong lòng chiếc di thời Ân Thương: Tôn thủ tác vĩnh bảo Phụ Tư Dậu
Chữ trong lòng chiếc di thời Ân Thương: Tôn thủ tác vĩnh bảo Phụ Tư Dậu
Chữ trên chiếc Dương quang: Mẫu Tư Tân
Chữ trên chiếc Dương quang: Mẫu Tư Tân

Lễ hội ở Sóc Sơn, nơi Phù Đổng Thiên Vương bay về trời sau khi thắng giặc, có tục lệ chọn một cô gái đồng trinh đóng làm tướng giặc Ân. Trong ngày chính hội sau lễ rước, nghi lễ “chém tướng” Ân được tiến hành như một hình thức đánh dấu mốc son chiến thắng cuối cùng của Phù Đổng Thiên Vương trước quân Ân.

2. Bài hát Ải Lao và lễ hội Gióng cho biết rõ ràng rằng cầm đầu quân đội nhà Ân là các nữ tướng. Như vậy, tướng Ân là Thạch Linh thần tướng ở chân núi Vũ Ninh cũng là một nữ tướng. Lịch sử cho biết, thời nhà Ân các nữ tướng cầm đầu quân đội ra trận thường cũng là vợ của vua Ân. Nổi tiếng nhất là bà Phụ Hảo, vợ của vua Ân Vũ Đinh, là nữ tướng đã cầm quân chinh phạt các nước như Khương Phương, Ba Phương, Thổ Phương, Đông Di... Mộ Ân hậu Phụ Hảo được phát hiện ở thôn Tiểu Đồn, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, là một trong những ngôi mộ táng bề thế bậc nhất của thời kỳ Ân Thương. Các hiện vật trong mộ cho biết Phụ Hảo còn có “miếu hiệu” là Mẫu Tân, căn cứ vào dòng chữ khắc trên một chiếc đỉnh vuông và các đồ minh khí bồi táng kèm theo.

Điều kỳ lạ là một số vật bồi táng như thế của nhà Ân lại được thấy ở Việt Nam, như một chiếc quang (dạng cốc đựng rượu có 4 chân) có hình con dê với cặp sừng cong cuộn. Xung quanh chiếc quang được đúc trang trí bằng những hoa văn rồng phượng kỳ lạ, đặc trưng của văn hóa thời Ân Thương. Bên dưới chiếc “dương quang” có đúc chìm 3 ký tự dạng Kim văn, thường được đọc là Tư Mẫu Tân. Cách đọc này tương tự như trên chiếc đỉnh lớn nhất thời Thương là đỉnh có chữ Tư Mẫu Mậu.

Rước kiệu nữ tướng Ân trong hội Phù Đổng.
Rước kiệu nữ tướng Ân trong hội Phù Đổng.

Vào thời Ân Thương cách đây trên 3000 năm, số lượng chữ tượng hình được tạo ra chưa nhiều. Các đồ đồng có minh văn của thời kỳ Ân Thương vốn rất ít chữ. Nhưng những chữ khắc trên đó lại là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu và xác thực cho lịch sử cổ đại.

Ở vùng Vĩnh Phú nước ta cũng từng đã phát hiện được 2 chiếc di đồng vuông, có hình dạng rất giống với những hiện vật trong mộ Phụ Hảo ở An Dương. Trong lòng 2 chiếc di đồng này có khảm 2 dòng gồm 8 chữ, được đọc là: Tôn thủ tác vĩnh bảo Phụ Tư Dậu.

Qua các hiện vật, có thể thấy các vị phi hậu của nhà Ân đều được gọi là Mẫu hay Mụ (Phụ). Như đã biết, các vua Ân thường được gọi là Phụ, như Phụ Ất, Phụ Đinh... Phụ và Mẫu (Mụ) vào thời Ân Thương là những từ dùng để chỉ các thủ lĩnh của quốc gia như vua và phi hậu. Còn tên gọi của vua và phi hậu thì dùng các con số đếm trong thập can để đặt.

Đôn tứ dương (hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt).
Đôn tứ dương (hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt).

3. Nữ tướng Thạch Linh của nhà Ân tử trận dưới chân núi Vũ Ninh là một phi hậu nhà Ân hay Ân Hậu. Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái kể: “Nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới chân núi Trâu (Trâu Sơn). Hùng Vương cầu cứu với Long Quân, Long Quân hóa thành Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc, quân nhà Ân đều thua chạy. Vua nhà Ân chết trận dưới chân núi, biến thành vua ở địa phủ, dân phải lập miếu thờ”. Tới thời nhà Tần, có người con của quan ngự sử tên là Thôi Vĩ đi lạc vào núi Trâu Sơn, gặp được Ân Hậu và một vị thần nữ là Ma Cô Tiên ở Ân Vương thành...

Núi Trâu Sơn hay Châu Sơn là núi Vũ Ninh, ngày nay nằm ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Như trên đã biết, người chết trận dưới chân núi không phải vua Ân mà là Ân Hậu - Thạch Linh thần tướng. Cũng vì thế mà trong Truyện Giếng Việt, Thôi Vĩ chỉ gặp được Ân Hậu, không gặp Ân Vương. Ân Hậu “hiển linh” và được thờ phụng tại vùng núi Châu Sơn dưới tên Ma Cô Tiên, như tại một loạt các di tích còn ở đây. Rõ nhất là tại ngôi chùa mang tên Ma Cô Tiên ở thôn Châu Cầu, xã Châu Phong cùng huyện.

Từ Ma Cô đọc thiết âm là Mô, là cách phát âm khác của từ Mẫu. Chữ Tiên có thể là đọc sai của chữ Tân. Nói cách khác, Ma Cô Tiên có thể được hiểu là Mẫu Tân, vị Ân Hậu mà tên đã được đúc rõ trên đáy chiếc Dương quang, cổ vật thời Ân Thương. Vua Ân cuối cùng là Ân Trụ Vương mang tên Đế Tân. Có thể Mẫu Tân - Ma Cô Tiên chính là vợ của Đế Tân.

Cũng Truyện Giếng Việt kể, Thôi Vĩ sau khi gặp Ân Hậu và Ma Cô Tiên đã được một người là Dương quan dẫn đường trở về. “Dương quan nhân biến thành một con dê đá đứng ở trong núi, nay con dê ấy còn ở sau chùa Việt Vương trên núi Trâu”. Con “dê đá” trong truyện ngày nay vẫn còn, là một bức tượng đá cổ rất lớn, cao bằng người thật, có hình bán thân một con thần thú lạ. Con thần thú này có dáng dấp của con Dê do có cặp sừng cong.

Thật trùng hợp khi chiếc quang hình dê thời Ân Thương được thấy có chữ “Mẫu Tư Tân” lại khớp với tên gọi của “Dương quan” trong Truyện Giếng Việt. Chiếc quang này là bằng chứng hiển hiện cho sự tham gia của Ân Hậu, vợ Đế Tân, trong cuộc chiến với Thánh Gióng ở nước ta. Một số đồ bồi táng thời Ân Thương khác cũng được thấy ở nước ta, ví dụ như chiếc đôn vuông tứ dương với hình đầu dê ở 4 góc. Dạng đôn này cũng được tìm thấy trong mộ Phụ Hảo ở Trung Quốc.

“Dê đá” khổng lồ trên núi Vũ Ninh.
“Dê đá” khổng lồ trên núi Vũ Ninh.

4. Núi Châu Sơn là khu vực khảo cổ rộng, có nhiều các mộ xây lớn ngầm quanh chân núi. Những ngôi mộ đồ sộ như những tòa nhà nằm dưới lòng đất, chắc chắn từng có rất nhiều hiện vật bồi táng kèm theo và thể hiện vị trí quyền lực cao trong xã hội của những người được chôn cất tại đây. “Chủ thần” của tòa thành dưới lòng đất núi Vũ Ninh rõ ràng là Ân Hậu - Ma Cô Tiên. Thôi Vĩ khi rơi xuống giếng Việt hẳn đã lạc vào hệ thống mộ gạch này ở Châu Sơn, tìm được những báu vật thời cổ, rồi nhờ đó trở nên giàu có, hiển đạt.

Ma Cô Tiên không chỉ hiển linh ở vùng núi Châu Sơn. Truyền thuyết Việt còn kể, khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa thì có oan hồn của các vua đời trước nhập vào người con gái chủ quán trọ ở chân núi Ma Lôi, đến đêm hiện hình thành con gà trắng mà phá hoại. Sự tích ở núi Thất Diệu (Yên Phong, Bắc Ninh), nơi có đền Bạch Kê thờ vị Mẫu là dòng dõi vua Hùng, kể Mẫu đã biến thành cô tiên gánh đất giúp An Dương vương xây thành...

Một lần nữa ta lại thấy, nhân vật hiển linh báo oán cho đời trước ở vùng Cổ Loa là nữ. Người con gái ở Ma Lôi và Mẫu Bạch Kê ở núi Thất Diệu cũng là Ma Cô Tiên hay Ân Hậu được nhắc tới tại Vũ Ninh.

Cái tên “Thạch Linh thần tướng” của Ma Cô Tiên còn có một ý nghĩa đặc biệt. Thạch Linh nghĩa là linh khí của đá (ngọc). Ma Cô Tiên trong văn hóa cổ được biết là vị phúc thần mang lại tài phúc cho nhân gian. Ví như Thôi Vĩ đã được Ma Cô Tiên cho viên ngọc Long Tụy của Hoàng Đế mà trở nên giàu có. Còn ở núi Thất Diệu, sau khi An Dương Vương diệt Bạch Kê tinh đã cho đào núi, lấy được nhạc khí và xương cốt cổ. Đây có thể coi là những ghi chép đầu tiên về việc khai quật khảo cổ rất sớm ở nước ta. “Nhạc khí” thời kỳ này là các loại chuông đồng, trống đồng, dùng trong việc tế lễ và chiến trận.

Phát hiện chữ viết sớm trên đồ đồng thời Ân Thương ở Việt Nam là bằng chứng không thể chối cãi cho nền văn hóa lịch sử lâu đời của người Việt. Ân Hậu là chủ thần của môn “kim thạch học”, tức là tên gọi của ngành Khảo cổ học xưa. Chiếc cốc hình dê (dương quang) và con dê đá ở núi Vũ Ninh là “kim” và “thạch”, là con thần thú chở tài vật của Thạch Linh thần tướng Ma Cô Tiên. Những bí ẩn của sử Việt như đang dần được lộ ra qua những hiện vật từ dưới lòng đất, khi tìm hiểu gắn kết với chúng là sự tích, tín ngưỡng, lễ hội của từng nhân thần trong quá khứ người Việt.

Bài và ảnh của MINH THI
TIN LIÊN QUAN

Hội Gióng - hệ biểu tượng cao đẹp của sức mạnh và nhân cách Việt Nam

GS.TS Bùi Quang Thanh |

Phù Đổng Thiên Vương - Đức Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của tâm thức người Việt, biểu tượng cao đẹp cho sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc, là một trong số những nhân vật được phụng thờ ở nhiều làng xã, tập trung tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, Thánh Gióng cũng là nhân vật trung tâm của hàng loạt lễ hội được tổ chức hằng năm tại nhiều làng quê.

Huyền thoại Gióng trong không gian văn hóa Kinh Bắc

GS.TS Bùi Quang Thanh |

Mỹ danh “Kinh Bắc” xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử địa danh hành chính Việt Nam, theo sử chép là từ đời Trần, khi đó, lộ Bắc Giang vốn có từ trước thời Lý (thế kỷ XI) được đổi thành lộ Kinh Bắc. Đến đầu thời Hậu Lê, không gian địa - văn hóa Kinh Bắc lại được “vạch” ra rõ hơn trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, một công trình nghiên cứu về địa lý học lịch sử và không gian văn hóa vào loại cổ nhất mà đời sau còn biết được.

Văn khấn đền Gióng năm 2021 ngắn gọn và chuẩn xác nhất

Tuyết Anh (t/h) |

Theo quan niệm dân gian, Phù Đổng Thiên Vương, phổ biến với tên gọi Thánh Gióng , là một trong bốn vị Tứ bất tử, là 4 vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông được xem là tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hội Gióng - hệ biểu tượng cao đẹp của sức mạnh và nhân cách Việt Nam

GS.TS Bùi Quang Thanh |

Phù Đổng Thiên Vương - Đức Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của tâm thức người Việt, biểu tượng cao đẹp cho sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc, là một trong số những nhân vật được phụng thờ ở nhiều làng xã, tập trung tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, Thánh Gióng cũng là nhân vật trung tâm của hàng loạt lễ hội được tổ chức hằng năm tại nhiều làng quê.

Huyền thoại Gióng trong không gian văn hóa Kinh Bắc

GS.TS Bùi Quang Thanh |

Mỹ danh “Kinh Bắc” xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử địa danh hành chính Việt Nam, theo sử chép là từ đời Trần, khi đó, lộ Bắc Giang vốn có từ trước thời Lý (thế kỷ XI) được đổi thành lộ Kinh Bắc. Đến đầu thời Hậu Lê, không gian địa - văn hóa Kinh Bắc lại được “vạch” ra rõ hơn trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, một công trình nghiên cứu về địa lý học lịch sử và không gian văn hóa vào loại cổ nhất mà đời sau còn biết được.

Văn khấn đền Gióng năm 2021 ngắn gọn và chuẩn xác nhất

Tuyết Anh (t/h) |

Theo quan niệm dân gian, Phù Đổng Thiên Vương, phổ biến với tên gọi Thánh Gióng , là một trong bốn vị Tứ bất tử, là 4 vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông được xem là tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ