Đức Phật đã dạy cho chúng sinh cách thức báo hiếu cha mẹ ở đời này và những đời khác. Tôn giả Mục Kiền Liên, một trong mười đại đệ tử của Đức Phật là người đầu tiên tiếp nhận lời dạy này và đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Từ đó Vu Lan trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ và tôn vinh cha mẹ, tổ tiên, nhắc nhở con người biết trân trọng những gì mình đã có, nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và làm những việc hiếu nghĩa để báo đáp. Ngày nay, lễ Vu Lan đã vượt ra khỏi phạm vi của một ngày lễ tôn giáo, mà còn có thêm những tầng ý nghĩa thiêng liêng khác, hướng con người trở về với cội nguồn dân tộc, làm trọn đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với bốn nguồn ân đức: Tri ân và đền đáp công ơn cha mẹ; Tri ân các thầy cô giáo đã dạy dỗ tri thức cho mình; Tri ân các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã dựng xây và hy sinh cho đất nước; Tri ân đồng bào.
Cũng từ hơn nửa thế kỷ nay, một truyền thống tốt đẹp là “bông hồng cài áo” mà thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng từ một đoản văn cùng tên của chính thiền sư đã được đông đảo Phật tử và đồng bào hưởng ứng rộng rãi. Nghi lễ “Bông hồng cài áo” được ra đời vào năm 1962 tại Sài Gòn và thực hiện lần đầu tiên tại chùa Xá Lợi. Khi đến chùa, những Phật tử sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng. Màu đỏ là tượng trưng cho những ai còn mẹ và màu trắng cho những ai đã mất mẹ.
Trong đoản văn “Bông hồng cài áo”, thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết: “Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi”. Truyền thống của dân tộc Việt Nam coi trọng tình mẹ, đề cao đạo hiếu, tình yêu thương và theo dòng thời gian, truyền thống ấy ngày càng được bồi đắp sâu dày. Cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy Âm lịch, mỗi khi đến chùa, có thể thấy được những bông hồng đỏ, trắng trên ngực áo mỗi người như một lời nhắc nhớ về ơn nghĩa sinh thành, về yêu thương, tưởng niệm.