Làng tôi - làng Khoa Bảng

Ghi chép của NGUYỄN HUY SÚC |

Làng tôi xưa là Hoằng Nghĩa, Bột Hưng nhị xã, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhiều tao nhân mặc khách đứng trên đỉnh Châu Phong, nhìn về khu dân cư làng tôi, thấy giống như một cái nghiên và con đường băng qua cánh đồng lúa chạy thẳng vào làng như một cái bút đang chấm vào nghiên mực, rồi tấm tắc: Đúng là đất học, đất khoa bảng!

1. Tính từ khi làng có vị khai khoa, cụ Nguyễn Nhân Lễ đỗ tiến sĩ, khoa Tân Sửu, năm Hồng Đức thứ 12 (1481), đến khoa thi Nho học cuối cùng của triều Khải Định, năm 1919, Hoằng Nghĩa - Bột Hưng có 12 vị đỗ Đại khoa, có 7 vị được khắc tên trên các bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Gần 200 người đậu cử nhân, hương cống. Hàng trăm người đỗ sinh đồ. Đặc biệt, Bảng nhãn Bùi Khắc Nhất làm Thượng thư tới 6 bộ, kinh qua 3 triều vua Lê, văn võ song toàn, ngoại giao cự phách. Hương cống Nguyễn Quỳnh tài ba, cương trực, thường lấy văn chương trào lộng làm vũ khí chĩa thẳng vào bọn tham quan nhũng nhiễu dân lành. Ông được xã hội đương thời xếp vào hàng Tràng An tứ hổ: Nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn. Ông chỉ đỗ Hương cống mà nhân dân vẫn tôn là Trạng nguyên - Trạng Quỳnh.

Làng có Bảng Môn đình là tiền đường của miếu Đệ Tứ, thờ Thành hoàng Nguyễn Tuyên - người đã có công cùng vua Lý Thái Tông bình Chiêm cứu nước. Là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã, đồng thời cũng là nơi tu dưỡng, bình văn giảng tập của các môn sinh trong Hội Tư văn. Lệ của làng tôi là trọng khoa hơn trọng hoạn. Xưa kia, vào những ngày lễ tết hay việc làng, ở gian chính giữa đình trải chiếu cặp điều giành cho những vị đỗ đại khoa: Bảng Nhãn, Thám hoa, người có học vị cao được xếp ngồi trên người có học vị thấp. Gian bên hữu trải chiếu cạp xanh giành cho các cử nhân, hương cống. Gian bên tả giành cho các sinh đồ và các ông ngũ hương ngồi để ghi chép những việc làng đã thông qua.

Từ Bảng Môn đình, theo con đường thảm nhựa tới trường mầm non, đây là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 60 tháng tuổi, chuẩn bị cho các cháu vào lớp Một. Năm 2012, trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Theo kế hoạch phát triển của xã, năm 2021, trường sẽ được chuyển đến địa điểm mới rộng rãi hơn. Hiện trường có 2 nhóm trẻ, với 40 cháu từ 24-36 tháng tuổi; có 10 lớp với 292 cháu mẫu giáo. Bếp ăn được bố trí một chiều. Bắt đầu từ khâu chế biến thực phẩm đến đun nấu và phân chia thành các suất ăn. Các phòng rộng rãi, sạch sẽ. Tùy từng mùa mà áp dụng thực đơn theo tuần, theo ngày cho các cháu. Các bữa ăn hợp lý, đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng: Chất đạm, chất béo, đường, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ cân đối theo thức ăn được chế biến theo yêu cầu phù hợp với từng độ tuổi, dễ ăn dễ tiêu hóa. Các món ăn trong thực đơn được thay đổi đa dạng. Nguyên liệu thực phẩm và gia vị phù hợp với khẩu vị, kích thích vị giác. Các loại thực phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ từ các nhà cung cấp có uy tín, có giá trị dinh dưỡng cao lại được chế biến các món ăn phù hợp nhằm tiêu hóa và hấp thu tốt nhất, giúp cho trẻ phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ...

Trường Tiểu học Hoằng Lộc được mang tên Lê Mạnh Trinh - người đảng viên đầu tiên của làng. Hiện nay, trường có hai dãy nhà cao tầng, trên khuôn viên 4.000m2, đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Có 17 phòng học và đủ các phòng chức năng phục vụ dạy và học Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Phòng truyền thống. Thư viện của trường đạt tiêu chuẩn quốc gia, với hơn 1.000 đầu sách và một số máy tính nối mạng. Trường đã 3 lần được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động: Năm 1969: Hạng Ba; năm 2006: Hạng Nhì; năm 2011: Hạng Nhất. Nhiều năm liền, tỉ lệ học sinh lên lớp ở các khối đạt 95-98%, tỉ lệ tốt nghiệp tiểu học chuyển lên trung học cơ sở Tố Như đạt từ 98-100%. Những năm gần đây, trường có 363 học sinh đạt giải cấp huyện, 66 em đạt giải cấp tỉnh, 5 em đạt giải quốc gia. Nhà trường có 28 giáo viên, công nhân viên. Có 3 cô giáo được công nhận là Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. 11 cô giáo đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 14 thầy cô giáo đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 2 thầy được tặng Huy hiệu Bác Hồ; 2 thầy được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động; 10 thầy được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 25 lần thầy cô giáo đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh 5 năm liên tục. Một thầy được Nhà nước tôn vinh là Nhà giáo ưu tú.

Từ Trường tiểu học Lê Mạnh Trinh, theo con đường thảm nhựa qua phố cổ, tức là 3 dãy nhà được xây từ những năm 40 của thế kỷ trước bao lấy chợ Quăng cũ, đến với Trường trung học cơ sở Tố Như. Trường được thành lập từ năm 1946, do cụ Lê Huy Cận là một nhân sĩ người làng đề xướng. Cái tên Nghĩa Hưng hàm ý là trường của làng Hoàng Nghĩa và làng Bột Hưng. Hiệu trưởng đầu tiên là Tú tài Nguyễn Danh Biển, người làng. Ngay từ những ngày mới thành lập, hiệu trưởng đã tham mưu cho xã mời được những thầy giáo danh tiếng như cử nhân toán Bạch Văn Ngà, cử nhân văn chương Ngụy Mộng Huyền, Hà Triệu An (Hồ Dzếnh), các tú tài Trần Đình Khải, Ngô Thúc Lân, Thanh Tâm, Phạm Văn Phương, Nguyễn Cứ về giảng dạy. Một năm sau, tháng 11.1947, Nha giáo dục liên khu IV về kiểm tra trường lớp, chất lượng đội ngũ giáo viên mới chính thức phê chuẩn cho thành lập trường với học sinh người Hoằng Bột và 10 xã vùng Đông Nam Hoằng Hóa. Về sau, qua nhiều ý kiến của các giáo viên, các học giả, các quan chức địa phương đề nghị lên, Trường trung học tư thục Nghĩa Hưng được cấp trên cho mang tên chữ của Đại thi hào Nguyễn Du: Trường cấp II Tố Như Hoằng Lộc. Những năm sau đó, trường thường có 9-10 lớp.

Để có trường bề thế và danh tiếng như ngày nay, là nhờ vào những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo Đảng và chính quyền xã, của huyện, qua các thời kỳ, sự cố gắng của các tầng lớp nhân dân và học sinh. Rồi cả hai trường có thêm lớp, nhiều học sinh, buộc phải thêm phòng học. Năm 1960, Trường cấp II Tố Như được chuyển đến địa điểm này, trên diện tích 5.000m2 đựơc xây dựng một khu nhà 2 tầng với 16 phòng hoc, nhà hiệu bộ, khu nhà thí nghiệm vật lý, hóa học, vườn thực vật...

2. Theo ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã: Từ xưa, người Hoằng Lộc đã coi việc học như một nghề, học để biết, để làm việc, để đối xử với mọi người và với chính mình. Nhưng để xây dựng được phong trào xã hội học tập đạt kết quả cao như ngày hôm nay là có sự quan tâm của tỉnh, của huyện; có chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, UBND xã, các chi bộ và các đoàn thể ở các thôn, các Chi hội khuyến học thôn với sự sát sao của Hội Khuyến học xã, của các trường, đặc biệt là mọi tầng lớp nhân dân. Lấy việc xây dựng phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, khu dân cư học tập và đơn vị học tập làm nòng cốt.

Hàng năm, xã có khoảng 55-60 em học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng. 98-99% học sinh Trường tiểu học Lê Mạnh Trinh đã tốt nghiệp và được chuyển lên học ở Trường trung học cơ sở Tố Như. Hàng chục học sinh Tố Như trúng tuyển vào các lớp chuyên Văn, chuyên Toán, chuyên Tin, chuyên Sinh của Trường phổ thông trung học chuyên Lam Sơn. Nhiều học sinh Trường tiểu học Lê Mạnh Trinh và Trường THCS Tố Như đạt các giải huyện, giải tỉnh, giải quốc gia. Có một nữ học sinh đạt giải Nhì cuộc thi Toán quốc tế. Một nam học sinh đạt Huy chương Vàng môn Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương. Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (xóm Hưng Tiến) có tới 4 con và 1 cháu đều là tiến sĩ. Nhiều gia đình có hai, ba con đại học; hai, ba thạc sĩ; hai, ba tiến sĩ.

Từ những tấm gương hiếu học của các vị tiền nhân, đến nay, Hoằng Lộc vẫn là cái nôi nâng bước các thế hệ học sinh và giáo viên vào đời, vào các trường cao hơn, trở thành các trí thức tham gia cách mạng, trở thành những cán bộ cốt cán điển hình. Hoằng Lộc luôn tự hào bởi một xã mà có tới 10 di tích lịch sử văn hóa; có nhà cách mạng tiền bối Lê Mạnh Trinh (Tú Đắc), tháng 4.1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành một trong số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở Thái Lan; có Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân - liệt sĩ Hoằng Văn Kỷ; có 234 người đã nằm xuống ở các chiến trường cho bảo vệ Tổ quốc bình yên; 24 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 GS-TS mang hàm cấp tướng, 27 đại tá; 4 GS-TS, 20 PGS-TS; 37 tiến sĩ; 2 Thầy thuốc Nhân dân, 1 Thầy thuốc Ưu tú, 2 Nhà giáo Nhân dân; 8 Nhà giáo Ưu tú. Hàng nghìn người có trình độ kỹ sư, bác sĩ, công nhân kỹ thuật cao đang sống và làm việc trên mọi miền đất nước và ngoài nước. Hoằng Lộc luôn phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm nay phải đạt hoặc vượt so với năm trước; hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu, xứng danh là quê hương đẹp giàu, đáng sống đi lên từ làng khoa bảng!

Ghi chép của NGUYỄN HUY SÚC
TIN LIÊN QUAN

Truyền thống hiếu học ở Quỳnh Đôi

NGUYỄN KHIÊM - QUANG ĐẠI |

Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) được mệnh danh là “đất học”, “làng Tiến sĩ” tiêu biểu của xứ Nghệ. Từ truyền thống khoa bảng của cha ông hàng trăm năm qua, lớp lớp con cháu làng Quỳnh hôm nay tiếp tục xiển dương đạo học, thành nhân, thành danh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Gặp người kể chuyện làng khoa bảng Quỳnh Đôi

QUỲNH TRANG |

Người xưa có câu: “Bắc Hà Hành Thiện/Hoan Diễn Quỳnh Đôi” (ở miền Bắc có Hành Thiện, vùng Hoan Diễn miền trung có Quỳnh Đôi) để nói đến một trong hai ngôi làng nổi tiếng nhất về sự học hành và đậu đạt. Con em Quỳnh Đôi (Nghệ An) xưa nay không ngừng sự nghiệp đèn sách để lập nên những kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Khai bút đầu xuân - giữ gìn thế nào nét đẹp của người hiếu học?

An Bình |

Khai bút đầu xuân cũng là một cách lưu giữ truyền thống, răn dạy cho con cháu đời sau tiếp tục giữ vững tinh thần hiếu học, cố gắng, không ngừng vươn lên của cha ông ta ngày trước.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

Truyền thống hiếu học ở Quỳnh Đôi

NGUYỄN KHIÊM - QUANG ĐẠI |

Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) được mệnh danh là “đất học”, “làng Tiến sĩ” tiêu biểu của xứ Nghệ. Từ truyền thống khoa bảng của cha ông hàng trăm năm qua, lớp lớp con cháu làng Quỳnh hôm nay tiếp tục xiển dương đạo học, thành nhân, thành danh, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Gặp người kể chuyện làng khoa bảng Quỳnh Đôi

QUỲNH TRANG |

Người xưa có câu: “Bắc Hà Hành Thiện/Hoan Diễn Quỳnh Đôi” (ở miền Bắc có Hành Thiện, vùng Hoan Diễn miền trung có Quỳnh Đôi) để nói đến một trong hai ngôi làng nổi tiếng nhất về sự học hành và đậu đạt. Con em Quỳnh Đôi (Nghệ An) xưa nay không ngừng sự nghiệp đèn sách để lập nên những kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Khai bút đầu xuân - giữ gìn thế nào nét đẹp của người hiếu học?

An Bình |

Khai bút đầu xuân cũng là một cách lưu giữ truyền thống, răn dạy cho con cháu đời sau tiếp tục giữ vững tinh thần hiếu học, cố gắng, không ngừng vươn lên của cha ông ta ngày trước.