Lạng Sơn, “đào” du lịch đang chờ ngày bung nở

Thùy Ân |

Nhấp nhô núi Phặt Chỉ, mờ mịt mây Linh địa cổ, triền cỏ mật vàng hươm dịu thơm kín đáo Công Sơn, miếng da vịt quay tan giòn trong miệng, cả một dãy dài những bích đào bung tung nụ ven đường “xứ Lạng quanh quanh”, bát phở chợ Lộc Bình ngồn ngộn bánh - thịt - hành, con sông và cây cầu Kỳ Cùng lịch sử... Tôi loanh quanh mắc míu đầy yêu thương giữa những xúc cảm đẫm tinh thần, chật vật chất về Lạng Sơn những ngày cuối năm Canh Tý 2020 tự lên chơi.

Và tôi, tự mình, tôi gọi, du lịch Lạng Sơn như hoa đào, thật đẹp, nhưng đào này vẫn chưa tung bung hết nụ, đang chờ “thời” với những bàn tay chăm khéo, tận tâm...

Ngắm mây, hoa, núi, cỏ...

Nhận bản “Sơ bộ tour Mẫu Sơn một người” do Nguyễn Minh Chuyển - Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn, kiêm phụ trách quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn - lên giúp, quả tình tôi choáng, bởi lịch trình 5 ngày 4 đêm đặc dày hoạt động. Mà Lạng Sơn, mặc kệ thông tin ken dày trên mạng, tôi chỉ biết lơ mơ.

Thời may, tư vấn cùng Đinh Văn Hồng - hướng dẫn viên tự do do Chuyển giới thiệu, tôi chỉ chú tâm 3 điểm của Mẫu Sơn: Lên núi Phặt Chỉ, Linh địa cổ, leo núi Cha.

Trong khuôn viên Khu di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh, thành nhà Mạc. Ảnh: Thùy Ân
Trong khuôn viên Khu di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh, thành nhà Mạc. Ảnh: Thùy Ân

Tôi đành vội tra cứu thông tin qua trang web của huyện Lộc Bình: “Vùng núi Mẫu Sơn trải dài từ xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đến xã Công Sơn, Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc. Tất cả nằm trong khu vực biên giới, riêng sườn núi Mẫu Sơn tại xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc có đường vành đai biên giới sát với Trung Quốc, phía dưới là cửa khẩu Chi Ma. Vùng núi Mẫu Sơn tập trung gần 80 đỉnh núi, đồi lớn nhỏ, trong đó đỉnh cao nhất là Phia Po cao 1.541m (hay còn gọi Công Sơn, núi Cha), kế đến là Phia Mè 1.520m (hay Mẫu Sơn, núi Mẹ), Trà Ký - đỉnh trung tâm khu du lịch 1.180m hay Phặt Chỉ 1.100m. Mẫu Sơn cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30km và cách Hà Nội khoảng 180km”.

Đinh Văn Hồng, 32 tuổi, người Tày, ở thôn Bản Lầy, Xuân Lễ, Lộc Bình, đẹp trai, kiệm lời. Mấy năm gần đây, những người yêu thích leo núi, chịu khó leo núi Mẫu Sơn, cả người Việt lẫn nước ngoài đều biết, tìm, nhờ tới kinh nghiệm của Hồng.

Biết thân phận mình là kiểu “bà già độc hành leo núi”, tôi cười, bảo, “cứ thong thả đi. Leo tới đâu hay tới đó nhé. Cô không là người mắc bệnh thành tích...”. Hồng cười, “cô cứ yên tâm”.

Bến đá sông Kỳ Cùng. Ảnh: Thùy Ân
Bến đá sông Kỳ Cùng. Ảnh: Thùy Ân

Phặt Chỉ thì có gì hay? Cuối chiều ngày 3.2, trời lạnh, mù, sau một quãng đường hết nhựa êm là tới đường mòn độc nhất xuyên rừng nguyên sinh, mấp mô thậm chí có những đoạn xoắn ruột gà, rốt cùng tôi cũng leo tới đỉnh Phặt Chỉ với bàn thờ Thượng Đế - nơi đồng bào các dân tộc, đến cầu nguyện để xin mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu... “Với người Dao, núi Phặt Chỉ là vùng đất thiêng liêng. Núi Phặt Chỉ đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh vào năm 2012. Người Dao Mẫu Sơn thường tới miếu Thổ Công cầu khấn thần linh mong được phù hộ mạnh khỏe làm ăn thuận lợi...”, Hồng giới thiệu.

Lên núi, cao nghìn mét hay năm sáu nghìn mét, ngay cả trong những khoảnh khắc mây mù, giá lạnh, trên cao nhìn xuống, bao giờ cũng có được nỗi sung sướng vô biên, khó tả nên lời!

Qua đúng ngày ông Công ông Táo chầu giời, cô cháu tôi đi Linh địa cổ Mẫu Sơn ở độ cao 1.190m, so với mực nước biển, thuộc thôn Lặp Pịa.

Khu du lịch Mẫu Sơn. Ảnh: Thùy Ân
Khu du lịch Mẫu Sơn. Ảnh: Thùy Ân

Theo tư liệu của Bảo tàng Lạng Sơn, Linh địa cổ “là một tổng thể kiến trúc tâm linh, tín ngưỡng gồm một đền thờ đã đổ nát, hai ngôi mộ cổ phía Tây Bắc. Về chủ nhân khu Linh địa, thời kỳ đầu là người Tày cổ, sau này có sự tham gia của người Nùng và người Dao cùng cư trú. Vậy khu Linh địa thờ vị thần nào? Tổng hợp các tài liệu thành văn và điền dã có thể nhận định vị thần được thờ ở khu Linh địa có tên là Lê Hùng Trần (đã có 3 đạo sắc phong), tên chữ của vị thần là: “Đức tôn thần công Tịnh, Quang Mậu Hùng Trấn Đại vương Thượng đẳng phúc Thần”, là thần trấn giữ núi Mẫu Sơn - một vị Thần Núi. Tuy nhiên thời kỳ đầu việc xây dựng và thờ cúng tại khu Linh địa còn sơ khai, cùng với việc thờ tự hành lễ là việc xây dựng chôn cất các thủ lĩnh cao quý của tộc người Tày cổ, nhưng không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hoá của tộc người Tày cổ nơi đây, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, chủ quyền văn hoá và tinh thần đoàn kết, độc lập của tộc người bản địa. Sự ảnh hưởng về văn hoá của khu Linh địa rất rộng, tác động tích cực đến đời sống văn hoá tinh thần và lòng tự hào dân tộc đối với toàn thể cư dân cư trú trên địa bàn”.

Năm 2013, khu Linh địa cổ Mẫu Sơn được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Cứ phải hơn 3 giờ vất vả leo, đúng chất trèo đèo lội suối (may, mùa đông suối khô cạn!) rồi lại leo núi... trong cái lạnh cuối tháng Chạp, khi tới Linh địa, trong mịt mịt mù mù nhìn ngược xuống là sâu hun hút, sẽ bừng niềm vui tự hào về chính mình, được tưởng thưởng, rằng mình đang chìm trong một bầu không khí huyền bí, tôn nghiêm. Không khí trong vắt, thơm mùi cây cỏ.

Đền Kỳ Cùng. Ảnh: Thùy Ân
Đền Kỳ Cùng. Ảnh: Thùy Ân

Hồng tiếc rẻ, “cháu quên mất chuẩn bị cho hai cô cháu mình mỗi người một viên gạch mang lên góp phần dựng lại đền thờ”.

Tôi ngơ ngẩn đếm, nghìn nghìn viên gạch, mỗi viên đều ghi tên người, địa chỉ. Biết bao người, thành kính, chật vật mang một viên gạch leo tới độ cao 1.200m, tâm nguyện chung tay góp phần dựng lại khu Linh địa đã đổ nát. Lâu nữa, bao nỗi vất vả nữa mới có thể phục dựng khu Linh địa như nguyên trạng!

Và tôi nghĩ, giá có nhà nghiên cứu trẻ nào đó, phát tâm, trên nền đổ nát, với những gì còn sót lại, tự nguyện dựng lại cả khu Linh địa bằng mô hình 3D. Ắt hẳn sẽ vô cùng thú vị!

Núi Cha (Công Sơn, Phia Po, Phja Pò, 1.541m, được gọi là “Everest xứ Lạng”, nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt - Trung) - nghe bảo, đặt chân lên tới đỉnh núi sẽ may mắn trong cuộc sống, công việc. Tôi thì mất vài tiếng thong thả, hào hển chống gậy trúc leo được tới sườn cỏ mật Công Sơn, cách đỉnh núi hơn 200m nữa. Hè, hẳn nhiên sườn cỏ mật mướt xanh, thơm phức. Còn ngày đông chí, cả sườn cỏ một màu vàng hươm, dịu thơm kín đáo. Trời ngắt xanh, nắng ong vàng, núi điệp trùng, ngửa cổ ngắm cây cô đơn trên triền cỏ, tựa vào rồi ô a ngắm khối đá y hình con cá sấu, ngắm những phiến đá với những vạt rêu tạo hình kỳ bí, thật đúng là quá nhiều cảm khái, thôi nhé, cần gì phải leo tới tận đỉnh 1.541m để được “công thành danh toại” nào?

Đường xuống núi, cũng chẳng “ngon xơi”, chênh vênh, trơn trượt. Xuyên rừng nguyên sinh, Hồng chỉ cho tôi những vạt đỗ quyên đang đơm nụ, sau Tết bung hoa - sẽ đẹp vô cùng; hoa đào chuông, những bọng ong rừng, rồi lại xuyên rừng thông. Những bài học về cỏ, cây, hoa, đất, đá vùng biên cương Đông Bắc Tổ quốc tôi lần đầu mới được biết - từ lời kể, giới thiệu, giảng giải của chàng trai người Tày Đinh Văn Hồng.

Và nghĩ từ những miếng vịt quay da nâu bóng thơm giòn

Mấy ngày ở Mẫu Sơn, tôi đều tá túc ở nhà Hồng. Bữa cơm chiều đầu tiên, Tuyết - vợ Hồng - người Mường Phú Thọ - mời món vịt quay. Cô ấy cười ngượng nghịu “chưa phải vịt quay ngon nhất xứ Lạng đâu cô”. Chắc Tuyết khiêm tốn, chứ vịt quay chợ làng Lộc Bình Tuyết mua là nướng thủ công, thơm ngon, da giòn rôm rốp, và nước chấm, ồ chưa bao giờ tôi được thả miếng vịt quay vào thứ nước chấm vị thơm lạ tới vậy. Tuyết bảo “cái ngon của vịt quay xứ Lạng là nước chấm. Mỗi nhà hấp dẫn bằng một bí quyết riêng”. Chết nỗi, thế thì với một người thích ăn ngon như tôi, khi rời Lạng Sơn, phải mua/tiêu thụ hết bao nhiêu vịt quay Lạng Sơn mới thưởng thức hết các loại nước chấm vịt của người xứ Lạng hoa đào đây?

Giờ, giữa Sài Gòn đầu xuân Tân Sửu nắng 34 độ, nhớ trưa ngày đầu vừa đặt chân tới thành phố Lạng Sơn, ngày 3.2, cứ bảo nhà xe đưa ngay tới khu Bắc Sơn bán vịt quay, mà tin lời mạng giới thiệu có nhiều tiệm bán ngon nhất. Mắt nhìn và tâm hơi thất vọng. Không nhẽ mình không may, chưa tìm được đúng nơi...?

Sáng cuối cùng, 25 tháng Chạp, lại ở thành phố Lạng Sơn, loăng quăng đường Phai Vệ, thấy có hai tiệm vịt quay, lại cũng hơi thất vọng. Tiệm lớn, vịt quay mòng mòng trong lò công nghiệp sáng choang inox. Không nghe toát ra mùi thơm da thịt vịt chín vừa khéo đi qua lửa than đằm.

Dạo quanh phía ngoài chợ Đông Kinh, thấy nhiều hàng, xe bán đồ ăn xứ Lạng, đóng gói, bỏ túi, hộp nhựa một cách thật thà, bèn ngoặt vào Vincom Plaza Lạng Sơn, khấp khởi ngầm mong siêu thị bán đặc sản xứ Lạng như ngoài chợ Đông Kinh nhưng đóng gói thơm ngon. Hỏi, gian nào có bán đặc sản xứ Lạng, cháu ơi, cô nhân viên tận tình đưa tới chỗ bán nhiều loại hạt, quả,... nhưng toàn hàng ngoại, nhiều hạt khô từ nước bạn nhập về...

Sườn cỏ mật Công Sơn. Ảnh: Thùy Ân
Sườn cỏ mật Công Sơn. Ảnh: Thùy Ân

Bèn ích kỷ “cầm đèn chạy trước ôtô” mà nghĩ rằng, ít ra vì những du khách ưa ăn ngon như... mình, có ai đó không, sao vẫn chưa đầu tư vào nấu, nướng, muối, luộc... các món ngon đặc sản xứ Lạng, giữ chất lượng món tươi thơm ngon, để bao bì đẹp sạch, giới thiệu nguồn gốc rõ ràng, giữ quản quyền thương hiệu... đưa vào siêu thị bán. Cụ thể, chẳng hạn với món vịt quay, mở một quầy nhỏ trong siêu thị, làm videoclip giới thiệu về vịt quay xứ Lạng quay thủ công, giới thiệu nước chấm vịt, bán vịt quay thủ công ngon lành, sạch sẽ, đóng gói đẹp, đóng mác "Đặc sản Lạng Sơn"... Nhẽ nào không có khách mua?

Tết Tân Sửu, do COVID-19, Lạng Sơn hoãn tổ chức Lễ Khai mạc Festival Hoa Đào - Xuân Xứ Lạng 2021. Mấy năm nay, Lạng Sơn tổ chức thường niên Festival như vậy. Vậy, khi bệnh dịch hết rồi, tổ chức những lễ hội, trong đó có ẩm thực, nhẽ nào người Lạng Sơn không cố gắng kỳ công quảng bá món vịt quay trứ danh của mình cho du khách? Phát triển du lịch bắt đầu từ những miếng ăn ngon...

Sau những bữa cơm chiều Tuyết nấu ngon và khéo, mẹ Hồng - chị Lan- trưởng thôn Bản Lầy, kiêm công an viên rủ rỉ kể tôi nghe về vùng đất Mẫu Sơn, về Bản Lầy, về những ngày tháng 2 năm 1979, ở tuổi 16, chị Lan đi TNXP, người yêu - chồng tương lai - bố của hai cậu con trai Hồng, Công của chị thì tham gia dân quân tự vệ, cả hai cầm súng đánh quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Chị Lan cũng kể về những khó khăn, những thay đổi tốt đẹp của Lộc Bình - huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, sau 42 năm ngày bùng nổ chiến tranh biên giới 1979.

Trò chuyện với Hồng, nghe chị Lan kể chuyện, tôi càng hiểu, ở vùng đất nào, thì con người cũng là vốn quý nhất. Đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch tới đâu, cũng không thể bỏ qua yếu tố đầu tư vào con người.

Lạp xưởng tươi - đặc sản Lạng Sơn. Ảnh: Thùy Ân
Lạp xưởng tươi - đặc sản Lạng Sơn. Ảnh: Thùy Ân

Tôi hiểu rằng, Lạng Sơn - một vùng biên ải. Rõ ràng, có rộn ràng kế hoạch đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, tới 2025, rồi thành ngành kinh tế mũi nhọn, tới 2030, tới đâu, thì ở đây, luôn phải tính đến những đặc thù riêng, vừa phải bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế cũng như công cuộc bảo vệ an ninh - quốc phòng.

Du lịch Lạng Sơn, với tôi, như cây đào, giống tốt, thật đẹp, cần và chờ những nhà đầu tư “hiểu chuyện”, có văn hóa cao, biết tôn trọng bảo vệ môi sinh, quan trọng nhất là tôn trọng văn hóa bản địa, đồng bào dân tộc...

Thùy Ân
TIN LIÊN QUAN

Trang nghiêm lễ chào cờ đầu năm của Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn

Mai Hường |

Sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu, các Đồn Biên phòng trong Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ chào cờ chủ quyền.

Lạng Sơn dừng bắn pháo hoa, văn nghệ mừng Tết Nguyên đán

Phùng Minh |

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định dừng bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Lạng Sơn: Nhận 1.000 nhân dân tệ để đưa 5 người xuất cảnh trái phép

Việt Dũng |

Sau khi được Vi Thị Thơm nhờ vả, Nông Văn Thầm đã nhận lời đưa 5 người đàn ông Trung Quốc xuất cảnh trái phép với tiền công 1.000 nhân dân tệ.

Lạng Sơn: Liên tiếp thu dung người nhập cảnh trái phép giáp Tết

Việt Dũng |

Nhiều công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc bị thất nghiệp, nên dịp giáp Tết Nguyên đán đã nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trang nghiêm lễ chào cờ đầu năm của Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn

Mai Hường |

Sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu, các Đồn Biên phòng trong Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ chào cờ chủ quyền.

Lạng Sơn dừng bắn pháo hoa, văn nghệ mừng Tết Nguyên đán

Phùng Minh |

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định dừng bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Lạng Sơn: Nhận 1.000 nhân dân tệ để đưa 5 người xuất cảnh trái phép

Việt Dũng |

Sau khi được Vi Thị Thơm nhờ vả, Nông Văn Thầm đã nhận lời đưa 5 người đàn ông Trung Quốc xuất cảnh trái phép với tiền công 1.000 nhân dân tệ.

Lạng Sơn: Liên tiếp thu dung người nhập cảnh trái phép giáp Tết

Việt Dũng |

Nhiều công dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc bị thất nghiệp, nên dịp giáp Tết Nguyên đán đã nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.