Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) có truyền thống làm lụa tơ tằm cả ngàn năm tuổi, từng là “bảo vật” tiến vua một thời, với quy trình đầy đủ từ ươm tơ kéo sợi đến nhuộm màu, phơi vải... nay chỉ còn lác đác một số nhà có máy dệt để dệt lụa, những công đoạn còn lại đều được tiến hành sản xuất ở các nơi khác. Một phần vì đất chật, người đông, không còn đủ chỗ để trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ...
Trong khi đó, các nhà máy ươm tơ của Bảo Lộc (Lâm Đồng) với máy móc hiện đại, phục vụ cho xuất khẩu nên chất lượng tơ rất đồng đều. Nhập tơ từ Bảo Lộc, một số hộ dân trong làng Vạn Phúc sẽ dệt lụa rồi lại chuyển tiếp sang Hà Nam để nhuộm màu và sấy vải. Thậm chí, nhiều gia đình còn nhập vải đã thành phẩm từ nhiều nguồn, về chỉ việc cắt may để bày bán cho người tiêu dùng. Vì vậy, Vạn Phúc hôm nay giống một khu phố thị, khá sầm uất và phục vụ kinh doanh trực tiếp, các công đoạn sản xuất, máy dệt và xưởng nhuộm còn lại rất hiếm hoi.
Tuy nhiên, ý thức được tầm quan trọng của công tác gìn giữ làng nghề truyền thống. Ngay ở đầu làng, có một khu trưng bày về bảo tồn nghề lụa cho khách tham quan với chiếc máy dệt cổ và mô phỏng quy trình dệt lụa... Điểm thú vị là hầu hết các hộ kinh doanh ở Vạn Phúc từ nghệ nhân đến tiểu thương đều rất nhiệt tình và thân thiện với khách hàng, không cứ phải bán mua sản phẩm, chủ và khách nhiều khi chỉ trò chuyện về nghề lụa, ngắm nghía các sản phẩm phong phú, đa dạng từ lụa Hà Đông là đủ thấy ấm lòng, đủ thấy tin yêu vào một sản phẩm cổ truyền vẫn còn nhiều giá trị trong nhịp sống hiện đại hôm nay.