Làm giàu từ những loài chim "lạ"

NGUYỄN TRI |

Đang có một công việc với thu nhập ổn ở miền Nam, nhưng với mong muốn được ở gần cha mẹ để tiện chăm sóc, chàng thanh niên 30 tuổi Tô Vũ Thành Tín (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đã “làm liều” vay người thân 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi 162 con chim trĩ giống. Sau 7 năm, đàn chim trĩ đã tăng lên hơn 1.000 con, giúp Tín vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Kỹ sư xây dựng làm chăn nuôi

Vào tham quan chuồng trại của Tô Vũ Thành Tín, không ai nghĩ rằng ông chủ trang trại bài bản, chuyên nghiệp này tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng ở Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chứ không hề có chuyên môn chăn nuôi.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp, Tín liền cầm tấm bằng đại học vào “miền đất hứa” TPHCM xin việc với ước mơ đổi đời. Sau 1 năm bươn chải, trong một lần tình cờ, Tín như bị “thôi miên” khi thấy những con chim trĩ đang đi dạo trong vườn. Nhìn thấy giống chim “lạ” và được giới thiệu là tương đối dễ nuôi, Tín tò mò rồi bắt đầu lân la tìm hiểu.

Nhận thấy nhiều người thành công với mô hình nuôi chim trĩ, Tín càng quyết tâm tìm hiểu sâu hơn về loài chim hoang dã này. Đến tháng 8.2014, khi nắm một số “tuyệt chiêu” về kỹ thuật chăm sóc, phòng và trị bệnh cho chim trĩ, Tín về quê bàn với cha mẹ và vay người thân 70 triệu đồng để xây dựng chuồng trại trên diện tích khoảng 500m2. Sau đó, anh “Nam tiến” mua 50 đôi chim trĩ giống và 62 con chim mái trưởng thành về nuôi.

“Vào thời điểm ấy, cha mẹ tôi ở quê cũng đã lớn tuổi, lại hay đau yếu. Vì thế, tôi càng quyết tâm học hỏi kinh nghiệm nuôi chim trĩ để về quê vừa khởi nghiệp, vừa có thời gian chăm sóc cha mẹ” - Tín tâm sự.

Lúc mới bắt đầu nuôi, điều khó nhất là thời tiết lạnh. Tín vẫn nhớ như in vào tháng 11.2014, tưởng chừng anh đã phải bỏ nghề vì đàn chim trĩ đang thay lông gặp thời tiết lạnh, anh chật vật làm đủ cách nhưng vẫn không hiệu quả. Sau đó, anh Tín lên mạng tìm hiểu về cách các loài chim sinh tồn trong mùa lạnh rồi chặt các tàu dừa làm ụ, dùng lá chuối khô lót nền làm ổ giúp đàn trĩ vượt qua đợt lạnh.

Ngoài nuôi chim trĩ bán thịt, Tín còn nuôi chim công, chim trĩ bảy màu, gà vảy cá, gà Brahma, gà Onagadori, gà lôi... Ảnh: N.T
Ngoài nuôi chim trĩ bán thịt, Tín còn nuôi chim công, chim trĩ bảy màu, gà vảy cá, gà Brahma, gà Onagadori, gà lôi... Ảnh: N.T

Sau 7 năm, từ 162 con chim giống, hiện đàn chim trĩ của Tín đã tăng lên hơn 1.000 con, trong đó 500 chim sinh sản, gần 200 chim trống, còn lại là trĩ bán thịt. Chim trĩ khoảng 4 tháng có thể xuất chuồng 1 lứa, con trống nặng khoảng 1,5kg, con mái nặng 1 - 1,3kg, bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh với giá 180.000 đồng/kg. Ngoài ra, Tín còn bán chim trĩ giống và thu được lợi nhuận lớn. Chim trĩ 1 ngày tuổi có giá giá 20.000 - 25.000 đồng/con, 2 tháng tuổi 120.000 đồng/con, chim hậu bị khoảng 4-5 tháng bán 300.000 - 320.000 đồng/con và chim sinh sản 700.000 - 750.000 đồng/cặp.

“Chim trĩ là giống hoang dã nên rất ít dịch bệnh, thức ăn của chim cũng rất đơn giản gồm: Bắp, rau xanh, lúa và cám công nghiệp nên công việc nuôi không quá vất vả” - Tín nói thêm.

“Gầy” những giống chim “lạ”

Theo Tín, nghề nuôi chim trĩ không quá phức tạp, chuồng trại phải thoáng mát, bao bọc kỹ lưới bảo vệ và đảm bảo không gian đủ rộng để chim bay nhảy. Riêng chim non dưới 1 tháng tuổi phải chăm sóc kỹ, còn chim đẻ phải ăn đủ chất, đúng thời gian, tỉ lệ đẻ trứng mới cao. Chăm sóc tốt, chim mẹ có thể đẻ vài chục trứng trong một chu kỳ đẻ trứng khoảng 3-4 tháng.

Qua nhiều năm bám trụ với nghề với nuôi chim trĩ, Tín nhìn nhận cái gì mới bắt đầu đều khó khăn nhưng quan trọng là phải dám nghĩ, dám làm. Không chỉ nuôi chim trĩ bán thịt, Tín còn nhân rộng mô hình với nhiều loại chim, gà cảnh như chim công; chim trĩ bảy màu; gà vảy cá; gà Brahma (xuất xứ châu Âu); gà Onagadori (Nhật Bản); gà lôi... Đây đều là những giống lạ, có giá trị cao nên doanh thu đạt hàng tỉ đồng mỗi năm.

Để tự nhân giống đàn chim, Tín đã mua 2 máy ấp trứng công nghiệp, một máy ấp 500 trứng với giá hơn 6 triệu và một máy ấp 1.000 trứng giá 9 triệu đồng. Thế nhưng, tỉ lệ trứng nở quá thấp, chỉ đạt 50%, thậm chí có đợt trứng ấp hỏng toàn bộ. Theo anh Tín, với máy ấp trứng công nghiệp, khi nhiệt độ xuống dưới 37 độ C sẽ tự động bật, đến gần 38 độ C sẽ tự động tắt, trong khi nhiệt độ để ấp trứng chim trĩ cần giữ ở mức ổn định 37,5 độ C. Sau nhiều tháng trời ròng rã tìm hiểu, Tín tự chế ra chiếc máy ấp trứng khác dựa trên thiết kế của máy ấp trứng công nghiệp, vỏ bằng gỗ và cung cấp nguồn nhiệt ổn định, giúp tỉ lệ trứng ấp nở cao từ 85 - 90%.

“Hiện, đầu ra chim trĩ thịt và chim trĩ giống đều khá ổn định. Trước đây, tôi phải tự đi liên hệ với khách hàng để bán, còn giờ khách hàng đã tìm đến mình để mua, nhiều lúc không có hàng để bán” - Tín cho hay.

Ông Võ Duy Tín - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho biết, mô hình nuôi chim trĩ và các loại chim, gà cảnh của anh Tín cho thu nhập cao hơn nhiều so với các mô hình chăn nuôi khác ở địa phương hiện nay. “Ngoài việc làm giàu cho gia đình, anh Tín còn sẵn sàng giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật, bán con giống với giá rẻ hơn thị trường cho những người có nhu cầu chăn nuôi theo mô hình này để phát triển kinh tế gia đình” - ông Tín nói thêm.

NGUYỄN TRI
TIN LIÊN QUAN

12 trang trại bò sữa 4.0 của Vinamilk dùng năng lượng mặt trời

Thanh Huyền |

Hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt trong khía cạnh năng lượng, Vinamilk đã triển khai kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời tại 12 trang trại bò sữa trên cả nước. Đến đầu năm 2021, đã có 5 trang trại đưa vào sử dụng điện mặt trời và theo lộ trình sẽ tiếp tục triển khai trên toàn bộ hệ thống trong năm nay.

Người dân khốn khổ vì trang trại lợn “bức tử” môi trường

Phạm Đông - Lan Nhi |

Nhiều trang trại lợn trên địa bàn hai xã Thạch Hoà và Yên Bình (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) đang ngày đêm xả thải, “bức tử” môi trường, khiến cuộc sống của các hộ dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khu vườn như trang trại rau củ quả của nhà Lê Phương "Gạo nếp gạo tẻ"

ĐÔNG DU |

Diễn viên Lê Phương và gia đình bố mẹ có một khu vườn rộng ở Trà Vinh với hàng chục loại cây ăn quả, rau củ. Cô thường về quê cùng con trai thu hoạch để biếu hàng xóm và làm nguồn thức ăn cho gia đình.

Khám phá trang trại rộng lớn nhiều rau củ của Lê Phương "Gạo nếp gạo tẻ"

ĐÔNG DU |

Lê Phương "Gạo nếp, gạo tẻ" có một trang trại rộng lớn ở Tây Ninh. Cô thường cùng gia đình lên thăm nom và thu hoạch rau củ, quả.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

12 trang trại bò sữa 4.0 của Vinamilk dùng năng lượng mặt trời

Thanh Huyền |

Hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt trong khía cạnh năng lượng, Vinamilk đã triển khai kế hoạch sử dụng năng lượng mặt trời tại 12 trang trại bò sữa trên cả nước. Đến đầu năm 2021, đã có 5 trang trại đưa vào sử dụng điện mặt trời và theo lộ trình sẽ tiếp tục triển khai trên toàn bộ hệ thống trong năm nay.

Người dân khốn khổ vì trang trại lợn “bức tử” môi trường

Phạm Đông - Lan Nhi |

Nhiều trang trại lợn trên địa bàn hai xã Thạch Hoà và Yên Bình (huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) đang ngày đêm xả thải, “bức tử” môi trường, khiến cuộc sống của các hộ dân xung quanh khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Khu vườn như trang trại rau củ quả của nhà Lê Phương "Gạo nếp gạo tẻ"

ĐÔNG DU |

Diễn viên Lê Phương và gia đình bố mẹ có một khu vườn rộng ở Trà Vinh với hàng chục loại cây ăn quả, rau củ. Cô thường về quê cùng con trai thu hoạch để biếu hàng xóm và làm nguồn thức ăn cho gia đình.

Khám phá trang trại rộng lớn nhiều rau củ của Lê Phương "Gạo nếp gạo tẻ"

ĐÔNG DU |

Lê Phương "Gạo nếp, gạo tẻ" có một trang trại rộng lớn ở Tây Ninh. Cô thường cùng gia đình lên thăm nom và thu hoạch rau củ, quả.