Ký ức đậm sâu về Bác Hồ qua lời kể của người cận vệ già

VƯƠNG TRẦN |

Những câu chuyện về Bác Hồ, dù đã trải qua hàng chục năm, vẫn đọng lại như in trong ký ức người cận vệ già của Bác. Đó là ông Trần Viết Hoàn - nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích Phủ Chủ tịch). Nhiều năm là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ông Trần Viết Hoàn cảm nhận rõ sự giản dị, gần gũi, tình cảm ấm áp của Người. Những ngày tháng 5 đến, ký ức về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại ùa về trong tâm trí của người cận vệ năm xưa.

Kỷ niệm khi được làm việc bên Bác

Gần 80 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, sức khỏe yếu, nhưng khi kể những câu chuyện về Bác Hồ, ông Trần Viết Hoàn (cận vệ bên cạnh Bác Hồ những năm 1966-1969) lại trào dâng cảm xúc. Giọng ông nhiều lúc nghẹn lại vì xúc động. Những kỷ niệm về Bác, dù là nhỏ nhất, chưa khi nào phai mờ trong tâm trí của ông. Những ngày tháng 5 này, ký ức về Người trong ông lại ùa về, nhắc nhớ những điều thiêng liêng mà vô cùng giản dị.

Bằng giọng nói ấm áp, nhỏ nhẹ nhưng xen lẫn sự tự hào, ông Hoàn chia sẻ vinh dự về công việc cận vệ bên Bác Hồ và sau này là trông coi di sản cho Người tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.  Ông kể, năm 1963, khi tròn 20 tuổi, ông đang theo học ở trường ngoại ngữ. Một năm sau, Bộ Công an mở lớp đào tạo đặc biệt để đào tạo cận vệ làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ. Họ sang trường tuyển và ông may mắn trúng tuyển.

Năm 1964, ông trở thành học viên lớp Cảnh vệ C221. Ra trường, ông được phân công về Đội 1 - Cục Cảnh vệ, là đơn vị chuyên bảo vệ nơi ở và nơi làm việc của Bác Hồ. Đầu năm 1964, ông vui mừng khôn xiết khi trở thành học viên lớp đào tạo cận vệ của Trường Công an Nhân dân, Bộ Công an, sau đó về công tác tại Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ). Đó là cơ duyên đưa ông đến với công việc gần vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Ban đầu, ông về đội bảo vệ Bác vòng ngoài khi Bác đến thăm các cơ quan, đơn vị, dự hội nghị, mít tinh... Đến năm 1966, ông chính thức được phân về đội trực tiếp bảo vệ Bác trong khu nhà sàn ở Phủ Chủ tịch. Thời gian này, ông thường xuyên được gặp Bác, nhìn thấy Bác ngồi làm việc, đi bách bộ và kiểm tra, xem xét việc học hành, ăn ở của anh em cận vệ. Ông là một trong những người được bảo vệ Bác ở vòng gần nhất.

Ước mong bấy lâu thành hiện thực. Và khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Bác, ông Hoàn cũng như những người cận vệ khác đã luôn toàn tâm, toàn ý cố gắng làm tròn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Đặc biệt, có một nguyên tắc khi làm nhiệm vụ được ông luôn ghi nhớ đó là phải “tuyệt đối bí mật”, không được để ai biết chuyện mình gần Bác Hồ, kể cả gia đình.

“Tôi còn nhớ, cứ tối thứ bảy, Bác lại cho anh em cận vệ sang nhà khách Phủ Chủ tịch xem phim với Bác. Rồi mỗi khi Bác đi công tác, anh em chúng tôi mong ngóng Bác về như “ngóng mẹ đi chợ”. Lần nào về, Bác cũng có quà chia cho mọi người, khi thì cái kẹo, khi thì quả táo, lúc thì điếu thuốc... Những món quà ấy tuy nhỏ nhưng là tình cảm lớn lao của Bác, chúng tôi cảm động lắm” - ông tâm sự.

Nhìn lên di ảnh Bác Hồ treo trên tường, ông Hoàn bỗng xúc động, giọng nói ông có lúc như nghẹn lại. Rồi ông nói tiếp những kỷ niệm nhớ đời của ông khi làm cận vệ của Bác Hồ. Đặc biệt, ông có 2 kỷ niệm riêng với Bác đều liên quan tới việc gánh nước tưới rau mà sau này ông vẫn nhớ mãi.

“Một lần, tôi đang đi gánh nước tưới rau trên đường thì gặp Bác. Tôi vội vàng né sang một bên để nhường đường cho Bác đi, nhưng Bác bảo: “Việc chú làm thì chú cứ làm, việc Bác đi thì Bác đi, không ảnh hưởng gì”.

"Lần thứ hai, cũng lại đang gánh nước, tôi thấy Bác đi từ nhà sàn ra nên vội vàng đặt gánh nước xuống. Lần này Bác gọi tôi lại và bảo: “Lần trước Bác đã nói với chú rồi, việc chúng ta cứ bình đẳng, vì sao chú phải câu nệ như thế”. Sau đó, Bác còn trực tiếp hỏi han tôi về gia đình, quê quán" - ông Hoàn kể và cảm nhận, Bác là lãnh tụ nhưng sống giản dị, bình đẳng, không phân trên - dưới, cao - thấp. Bác gần gũi, thân tình như người ông, người cha của mình.

Một con người vĩ đại mà giản dị

Những câu chuyện, những kỷ niệm và lời Bác Hồ căn dặn luôn đi theo suốt cuộc đời người cận vệ năm xưa. Ông Trần Viết Hoàn chia sẻ, Bác Hồ kính yêu đã đi xa hơn 50 năm nhưng mỗi dịp tháng 5 về, nhân dân ta và cả thế giới lại đều nhớ tới Bác rất nhiều. Nhớ về Bác lại càng thấy hình bóng của một vị lãnh tụ thật vĩ đại nhưng cũng rất giản dị, thật gần gũi, luôn chân thành, quan tâm tới mọi người xung quanh.

“Bác Hồ sống giản dị lắm” - ông Hoàn nhiều lần nói. Nhà sàn của Bác đơn sơ, chỉ có vài ba phòng, luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Dưới mái nhà này, Bác Hồ nhiều đêm không ngủ, nghĩ về cách mạng miền Nam, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và nghĩ về vấn đề đoàn kết quốc tế. Nơi đây chỉ có ý tưởng trồng cây, trồng người, chỉ có chân lý dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước, tinh thần toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Người cận vệ năm xưa vẫn còn nhớ như in những bữa cơm của Bác. Bữa ăn của Bác không cao lương mỹ vị, chỉ có bát canh, quả cà, lát cá kho hay thịt kho, giống như mọi người. Điều đặc biệt, trong lúc ăn cơm, Bác không bao giờ để rơi một hạt cơm nào. Bởi lẽ, Bác biết một hạt cơm là một giọt mồ hôi của người nông dân. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói một câu rất hay: "Ăn cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén, không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ trọng công sức của người làm ra lúa gạo". Như vậy để thấy chuyện nhỏ - đức lớn hài hòa trong một con người.

Cũng nói về câu chuyện này, theo ông Trần Viết Hoàn, một giáo sư người Nga trong cuộc hội thảo quốc tế ở Hội trường Ba Đình dịp 100 năm ngày sinh Bác đã nhắc đến và rơi nước mắt. Trong lúc đời sống nhân dân còn khó khăn, mỗi tháng được 13kg lương thực nhưng chỉ được 1/3 là gạo, còn lại là ngô, khoai, sắn để ăn độn thêm vào. Khi ấy, Bác Hồ nói với anh em phục vụ: “Cán bộ, nhân dân ăn cơm độn bao nhiêu phần trăm thì cũng độn cho Bác giống như mọi người”. Chiều thứ bảy hằng tuần, Bác còn bảo để cho Bác ăn một bữa cháo, đơn giản chỉ vì nếu ăn cháo thì có thể bớt được một phần gạo, dành phần đó cho người nghèo. Đến các địa phương, Bác thường mang theo cơm nắm, muối vừng chứ không ăn cơm khách, sợ tốn kém.

Cũng theo người cận vệ già, mỗi năm cứ đúng dịp sinh nhật Bác, Người thường cho anh em cận vệ xuống ao cá trước nhà sàn để bắt những con cá thịt lên, biếu các cụ già, cháu nhỏ, biếu các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cho anh em trong cơ quan, những người bảo vệ, phục vụ Bác được cải thiện bữa ăn. Đó là tình cảm của Bác Hồ với những người hằng ngày phục vụ Bác, bảo vệ Bác. “Chuyện về Bác thì nhiều lắm, câu chuyện nào cũng rất cảm động và ý nghĩa” - ông Hoàn chia sẻ.

Sau ngày Bác đi xa mãi mãi, ông Trần Viết Hoàn được tin tưởng giao nhiệm vụ làm Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp tục bảo vệ và trông nom di sản của Người. Đây cũng là những năm tháng ông có nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Song sự chân thành, giản dị của Bác Hồ luôn là điều ông khắc cốt, ghi tâm.

Chính vì thế, từ khi làm việc bên Bác cho tới khi trông nom khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, ông luôn toàn tâm toàn ý để bảo vệ sự an toàn cho Người cũng như trông nom di sản của Người. Với ông, đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng rất đỗi vinh quang.

Từ việc phục vụ cho Bác Hồ, giữ gìn nơi ở và làm việc của Bác, ông Trần Viết Hoàn đã viết cuốn sách “Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi cho muôn đời”. Ngoài ra còn viết cuốn sách chuyên về bảo tàng “Giữ gìn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đó cũng là điều mà ông tâm đắc, thể hiện tấm lòng tôn kính của người lính cận vệ năm xưa vinh dự được bảo vệ Bác Hồ.

VƯƠNG TRẦN
TIN LIÊN QUAN

Người đưa cơm cho Bác Hồ ở Pác Pó qua đời ở tuổi 102

Phong Quang |

Cao Bằng - Cụ Hoàng Thị Khìn (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) - người trực tiếp đưa cơm cho Bác Hồ những ngày Người hoạt động ở Pác Pó - đã qua đời, hưởng thọ 102 tuổi.

Những hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ về thăm Thanh Hóa

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Triển lãm trưng bày trên 50 bức ảnh, tư liệu quý khi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, qua đó, giúp người dân cảm nhận thêm về tấm lòng và mong muốn của Người đối với nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Ngày 19.2, tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20.2.1947 - 20.2.2022).

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

Tài chính thông minh: Tất tần tật về đầu tư vàng để sinh lời tối ưu

Nhóm PV |

Vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến với người dân Việt Nam. Kim loại quý còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ chi tiết trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) hôm nay.

Người đưa cơm cho Bác Hồ ở Pác Pó qua đời ở tuổi 102

Phong Quang |

Cao Bằng - Cụ Hoàng Thị Khìn (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) - người trực tiếp đưa cơm cho Bác Hồ những ngày Người hoạt động ở Pác Pó - đã qua đời, hưởng thọ 102 tuổi.

Những hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ về thăm Thanh Hóa

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Triển lãm trưng bày trên 50 bức ảnh, tư liệu quý khi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, qua đó, giúp người dân cảm nhận thêm về tấm lòng và mong muốn của Người đối với nhân dân tỉnh Thanh Hoá.

Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Ngày 19.2, tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20.2.1947 - 20.2.2022).