Ký & Phóng sự: Đưa nước sạch cứu người làng

PHÓNG SỰ CỦA PHAN THẾ CẢI |

Tôi nhận được cuộc điện thoại của người quen từ huyện Hương Sơn gọi về: “Chú lên đây nhé, ông Sơn (trú tại thôn 10 xã Sơn Hồng) đem cả vốn liếng của mình để xây nhà máy nước lọc cho dân dùng. Từ lâu bà con vẫn phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm, sinh ra lắm bệnh tật quá”. Tôi cất công tìm đến.

Thôn 10 sắp hóa "làng ung thư"

Dù mấy bữa nay cái lưng đang còn bị "giãn dây chằng" đau ê ẩm, nhưng khi nghe "thông tin lạ" lại nể lời tôi rủ rê nên anh Đậu Bình bất chấp, khoác máy ảnh cùng tôi tới thôn 10 xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn.

Thôn 10, xã Sơn Hồng thoạt nhìn đầy quyến rũ, bởi bốn phía rừng xanh hút tầm mắt. Cả thôn hiện có 460 gia đình sinh sống bằng nghề nông. Ngày trước họ quen dựa vào rừng xanh để mưu sinh, nhưng về sau nhờ chủ trương chính sách mới hỗ trợ cho người nghèo, nên người dân không tự tiện chặt phá rừng nữa. Họ chuyển đổi sang nhận khoán đất lâm nghiệp, để trồng rừng và bảo vệ rừng. Nhiều gia đình tích cực mở hướng sản xuất, chăn nuôi trâu bò, lợn gà, hươu, dê, nhờ thế đời sống đang ngày được cải thiện dần. Thôn 10, không còn hộ đói, rải rác trong thôn vẫn còn vài hộ nghèo. Tuy vậy, những người dân ở đây đang phải đối mặt với thảm họa khôn lường về sức khỏe, khi nguồn nước bị ô nhiễm.

 

Khi xe vừa tới ông anh Sơn, chúng tôi gặp ông Lê Quốc Bỉnh, Bí thư Chi bộ thôn đang tới hàn huyên cùng gia chủ. Nghe tin chúng tôi đang muốn tìm hiểu "đại họa" căn bệnh ung thư mà thiên hạ đồn đại, thực hư ra sao, ông Bỉnh đã bộc bạch ngay: “Họ nói đúng rứa thật. Không ít gia đình mắc căn bệnh này, có lẽ do dùng nước sinh hoạt. Bây giờ dân ở thôn 10 múc nước giếng nấu ăn cũng lo, mà dùng nước khe suối cũng sợ, vì chưa có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra và kết luận cả. Chúng tôi thuộc tầng lớp "thấp cổ bé họng" kêu mần răng được chú. May sao có ông Sơn, dám táo bạo xây dựng nhà máy "chưng cất" ra nước lọc để cứu dân. Chuyện ông ấy làm như thế nào, lát nữa các anh tìm hiểu thêm. Còn bây giờ các anh chịu khó đi cùng tôi ra ngoài này tí”. Tôi hỏi ông Bỉnh: “Ra ở đâu bác?”. Ông Bỉnh đáp: “Ra một một con suối gần khu vực Đá Gân ấy, nhiều người hiện nay vẫn đang sử dụng nguồn nước đó. Nhưng nó bẩn hết chỗ nói...”.

Vừa đi ông Bỉnh vừa kể: "Chắc các anh đã từng nghe thuở trước xã Sơn Hồng được mệnh danh đất có "ma" sốt rét đó. Cả thôn 10 ni, khi đội phòng dịch y tế huyện Hương Sơn về khám, lấy máu làm xét nghiệm, phát hiện có tới hơn nửa tổng dân số bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Để triệt tiêu sốt rét, phải dùng bơm phun thuốc diệt muỗi. Nhà nào, nhà nấy còn dùng bột DDT, bột 666 (loại hóa chất cực độc) để rải từ vườn đến ngõ. Lâu rồi, khoảng 25 năm rồi còn gì nữa, nhưng thứ ấy nếu vẫn âm ỷ ngấm vào đất thì gay lắm" - ông Bỉnh băn khoăn.

Chúng tôi rảo bước hơn một cây số, ông Bỉnh giơ tay chỉ về ngọn đồi trước mắt: "Đây là đồi Khe Chòi, vào khoảng năm 1974 trở về trước địa phương có một kho thuốc trừ sâu dự trữ của HTX nông nghiệp. Về sau dỡ bỏ nhưng dấu tích còn lại thì chưa thể khắc phục và tẩy sạch được. Do vậy tôi nghĩ đây là thủ phạm gây ra những cái chết thầm lặng cho bà con xóm 10 đó".

Ông Bỉnh nói không mang tính võ đoán. Với lý do, ông đã từng chứng kiến lúc thời tiết thay đổi, nền đất cũ ấy vẫn bốc lên mùi hôi nồng nặc. Nhiều nhà dân ở gần khu vực đêm không tài nào ngủ được, bởi mùi thuốc sâu nồng nặc theo gió bay vào. Một số người đi trồng ngô, hái củi cạnh đấy cũng phải dùng khăn bịt kín mũi. Họ đã sống chung với "khí uất" lâu rồi, nhưng trình độ dân trí thấp, nên khá xem thường "thủ phạm". Đáng sợ nhất, chất độc của nền đất cũ kho thuốc trừ sâu đó cứ theo nước mưa tích tụ vào con khe, con suối quanh thôn.

Khi đến con suối cận khu vực Đá Gân, mới thấy khủng khiếp: Bên những tảng đá phủ phục xám lạnh, cây hoang cỏ dại mọc vây kín. Một vũng nước sâu lút ngọn sào phủ đầy lá khô, củi mục và rêu. Màu nước đục ngầu đủ các loài muỗi và các thứ côn trùng vây bủa. Thế nhưng nhiều gia đình trong thôn 10, đã bao năm rồi họ vẫn phải thường xuyên gánh nước này nấu ăn. Đi xem một con suối khác, bẩn còn tệ hại hơn. Nhưng người lớn và trẻ em, vẫn hàng ngày ra đó tắm giặt. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi tặc lưỡi ngao ngán: “Dùng nước như thế này không bị bệnh hiểm nghèo và bệnh ngoài da mới lạ”. Ông Bỉnh bảo: “Từ 6 năm trở lại đây, dân thôn 10 (xã Sơn Hồng) này, không ít gia đình đã có người bị mắc bệnh ung thư, hiện đã có 18 người tử vong. Hầu hết đều bị ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư vòm họng... Không ít người chết khi tuổi đời còn đang trẻ. Một cậu thanh niên trẻ xót xa nói: “Bọn cháu cũng không ngờ, những người đó nhìn bề ngoài đang khỏe mạnh, nhưng khi đến bệnh viện khám, phát hiện ra ung thư thì đã quá muộn. Làng nhiều người bị như thế, bữa ni thì dân sợ rồi các chú ạ. Hy vọng từ nay có nước của ông Sơn cho để dùng nấu ăn, chắc làng tránh được họa này”.

Gặp ông chủ xây nhà máy nước

Người đàn ông nhỏ nhắn, đôi mắt bao giờ cũng ánh lên nụ cười đôn hậu, tên là Lê Hồng Sơn (51 tuổi). Ông Sơn hiện nay đang làm giám đốc một doanh nghiệp đá hóa cương tại Bình Dương. Sơn vốn sinh ra ở thôn 10, bố anh - Lê Huệ (gốc quê Quảng Nam) cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, rồi định cư tại đây. Sau khi học xong lớp 7, ở nhà sản xuất nông nghiệp được vài năm, đủ 18 tuổi ông vào bộ đội. Hết nghĩa vụ về quê cưới vợ, sinh con lại gặp gia cảnh khó khăn, nên ông phải tạm biệt vợ con để vào Nam lập nghiệp. Sau hơn chục năm bôn ba, từ một người làm thuê, Lê Hồng Sơn đã trở thành một "ông chủ" doanh nghiệp tư nhân điều khiển 100 công nhân có kỹ thuật lành nghề, cắt đá hoa cương phục vụ xây dựng các công trình trường học, trụ sở cơ quan, nhà ở các gia đình. Bằng tâm, bằng trí, thể hiện qua chất lượng công trình mình làm, mình hợp tác, Lê Hồng Sơn đã đưa công ty của mình ngày một có thương hiệu uy tín với khách hàng.

 

 

Ông Sơn kể: “Vào tháng 8 năm ngoái, tui về thăm quê gặp phải một lúc cả xóm ba người đều tử vong vì căn bệnh ung thư. Đi thắp hương cho người hàng xóm về, tôi thấy xót xa quá. Nghe vợ bàn nên sớm di dời cả nhà vào Nam ở, vì vợ tỏ ra rất lo lắng: "Giếng mình đào sâu và nước trong, nhưng chắc gì đã an toàn". Tôi nghe vợ khuyên, cũng thấy thương vợ, thương con lắm. Nhưng lại nghĩ đến cội nguồn quê hương, tôi làm sao bỏ xứ sở nặng tình, nặng nghĩa này đi được. Đi để an nhàn thân mình thôi, né tránh bà con xóm làng khi chưa trừ được "mối họa" ung thư, thì mình sống cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa.

Tôi đành nhắc lại kỷ niệm xưa cho vợ thấu: "Hồi nhỏ anh sống chung với bố mẹ. Gia đình anh lúc ấy cũng chưa khá giả gì, nhưng tháng ba ngày tám vẫn còn gạo để nấu. Mẹ anh và bố anh, vẫn thường bắt mấy anh em trong nhà ăn cơm "hấp" sắn, để dành ít gạo cho bà con hàng xóm vay. Nhờ vậy họ mới qua được những trận đói. Phúc cha, phúc mẹ để lại cho anh dày lắm. Mình đội ơn cha mẹ, lúc này phải làm một "điều Thiện" gì cho dân chứ?". Vợ tôi hỏi: "Thế anh định làm gì?".

Tôi quả quyết luôn: "Anh định bỏ toàn bộ vốn liếng để xây nhà máy nước lọc vừa phục vụ cho gia đình mình, vừa phục vụ cho bà con cả xóm. Sau khi nhà máy hoàn thành, anh sẽ giao cho thằng út quản lý". Thế là ý tưởng của tôi được bà vợ vui vẻ chấp nhận.

Ông Sơn dẫn chúng tôi tới thăm nhà máy nước lọc. Cách nhà chưa đầy vài chục sải tay, một nhà máy nước "kiểu mini" được dựng trên vườn cũ của ông bà nội để lại, với diện tích hơn 1.000m2. Sau lưng nhà máy là đỉnh núi Hang Rò xanh tươi và thơ mộng. Nhà máy nước cả mái và bốn bức tường đều được phủ kín bằng lớp tôn sơn xanh. Cạnh nhà ông Sơn dựng một ngôi nhà ba gian toàn bằng gỗ. Theo bà Đoàn Thị An, vợ ông Sơn, đây ngôi nhà tiếp khách bà con xa gần ngồi giải trí lúc chờ đợi nước.

Ông Sơn cho chúng tôi biết: "Đầu năm 2014, tôi bắt đầu nhờ các chuyên gia giúp đỡ viết dự án kinh tế - kỹ thuật. Tưởng đơn giản, nhưng hóa ra không đơn giản tý nào, lắm thủ tục quá, nhiều lúc tưởng bỏ cuộc". Giọng ông chùng xuống, mắt đờ ra nghĩ ngợi điều gì đó xa xăm. Một lúc sau ông tiếp lời: "Nhưng rất may, tôi nhờ được anh Nguyễn Hữu Tài một người bạn chí thiết, có năng lực ngoại giao nhiệt tình giúp đỡ. Thế là từng bước đi, đều "thuận chèo, mát mái". Mọi thiết bị công nghệ, máy móc lại nhờ vào ông Nguyễn Văn Cầu (Công ty TNHH và PTCN môi trường Việt Nam) hoạch định và tư vấn cho. Tính ra cả vốn mình và vay mượn thêm bạn bè, đầu tư xây dựng gần 2 tỉ đồng rồi".

Lê Hồng Tuyên (24 tuổi) đã được bố phong chức vụ "giám đốc trẻ" của "Nhà máy nước tinh khiết Trường Sơn", quản lý 5 công nhân trẻ với nhiệm vụ sản xuất nước lọc hàng ngày. Tuyên giới thiệu vài nét cơ bản của nhà máy cho chúng tôi biết: "3 chiếc cột tròn dài này là 3 ống lọc nước hoạt tính. 3 cái tháp xanh kia, chính là 3 bồn chứa nước lọc. Công suất mỗi bồn chứa 5.000 lít/ ngày. Đằng sau nhà xưởng, chiếc bể to hình vuông lớn đó là bể nước thải từ nhà máy. Nhưng để có nguồn nước lọc tinh khiết này, phải dùng mũi khoan sâu gần 40 mét, rồi vận hành nước lên đường ống dẫn vào nhà máy”.

Ông Lê Quốc Bỉnh trưởng thôn như muốn “khái quát tình hình”: “Nhà máy nước anh Sơn chỉ mới hoạt động 8 tháng thôi, nhưng dân tình phấn khởi lắm. Họ lấy nước ở đây về uống, về nấu cơm, nấu nước chè. Ông Sơn dặn, từ nay các bác, các cô nên dùng nước này. Tuyệt đối không dùng nước bẩn ở khe suối để nấu ăn. Nước lọc ở đây không chỉ phục vụ trong thôn, còn phục vụ cho các cán bộ ở UBND xã Sơn Hồng và Bộ đội biên phòng đồn 565 nữa đấy".

Tôi hỏi ông Lê Hồng Sơn: "Nếu làm thế này liệu anh có duy trì được mãi không. Bởi vì vốn đầu tư đã khá lớn, lại còn phải tiền điện cho máy "ngốn" hàng ngày và tiền thuê công nhân nữa".

Ông Sơn bảo: "Về lâu, về dài tôi sẽ dành một phần sản phẩm chào bán cho khách hàng trong tỉnh, trong nước để lấy nguồn lợi này nuôi nhà máy tồn tại và phát triển. Trước mắt thì tôi phải chú tâm làm việc Thiện cứu dân đã". Ông Sơn còn nhắc chuyện "ông Nghị ở Nga Lộc", thuốc bán rẻ như cho, lại không bao giờ lấy tiền công chữa bệnh cho khách. Thế nhưng kinh tế nhà ông Nghị vẫn rất khá giả và chữ Tâm của ông vẫn tỏa sáng. Nước lọc mình chất lượng tốt, giá thành sẽ rẻ và làm những điều nhân nghĩa giúp dân, ắt sẽ có nhiều người ủng hộ".

PHÓNG SỰ CỦA PHAN THẾ CẢI
TIN LIÊN QUAN

Những góc quán ngắm pháo hoa đón giao thừa sang chảnh ở Hà Nội

Quỳnh Nga |

Cùng tìm hiểu những địa điểm xem pháo hoa đẹp ở Hà Nội để lên lịch cùng người thân, bạn bè đến vui chơi, chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đón Tết Qúy Mão ấn tượng.

Muôn kiểu đón Tết của người trẻ

Thu Giang |

Bên cạnh những hoạt động truyền thống, với nhiều người trẻ Tết còn là dịp để nghỉ ngơi, gắn kết tình cảm gia đình, đi du lịch, khám phá những vùng đất mới...

Kỳ lạ ngôi làng cứ đến Tết là người dân đua nhau... ngâm mình dưới ao

Nguyễn Thúy |

Những ngày đầu năm mới, nông dân thôn Đức Long (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) ngâm mình dưới ao để thu hoạch rau cần, cung cấp thực phẩm ngày xuân. Không khí dường như phấn khởi hơn vì rau cần được mùa, được giá.

Cuộc chiến phòng vé dịp Tết: Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng, ai sẽ lên ngôi?

ĐÔNG DU |

Khi tác phẩm "Siêu lừa gặp siêu lầy" đột ngột rút khỏi rạp chiếu, phim Tết Việt chỉ còn 2 tác phẩm đối đầu nhau là "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành và "Chị chị em em 2" của Ngọc Trinh.

Cháy lớn khu ổ chuột cuối cùng ở thủ đô Hàn Quốc

Song Minh |

500 người phải sơ tán khi đám cháy lớn bùng phát tại làng Guryong, một trong những khu ổ chuột cuối cùng của thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 20.1.

Ấm áp những chuyến xe mùa xuân đưa công nhân về quê ăn Tết

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Dù tình hình hoạt động kinh doanh năm 2022 không hiệu quả, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tổ chức những chuyến xe nghĩa tình, đưa người lao động về quê ăn Tết.

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở An Giang đóng cửa vì hết xăng

Thành Nhân |

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở trên địa bàn huyện An Phú (tỉnh An Giang) đóng cửa vì hết xăng khiến người dân xôn xao, phải lấy can nhựa đi mua xăng trong dịp gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Phương Tây mệt mỏi với tình hình Ukraina?

Khánh Minh |

Thủ tướng Ba Lan cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây đừng nên mệt mỏi với tình hình Ukraina.