Kumari - nữ thần bên ô cửa sổ

Ghi chép của Di Li |

Trưa hôm ấy, lúc đang ở Patan, kinh đô cổ của Nepal, chúng tôi đã chạm trán một bất ngờ lớn. Trong lúc lang thang trên con phố bụi mù chạy bên ngoài khu vực phố cổ, tôi tình cờ nhìn thấy tấm biển “Kumari House”. Không thể tin vào tai mình được nữa: Tôi có thể gặp trực tiếp một Kumari?

1. Kumari là nữ thần sống, hiện thân của nữ thần Taleju, một truyền thống văn hóa huyền thoại của người Nepal. Các bé gái bốn tuổi mang họ Shakya được tuyển chọn và bé gái nào có đầy đủ 32 dấu hiệu như: Lông mi của bò cái, bắp đùi của nai tơ, thân hình của cây bồ đề, ức của sư tử, cổ sáng như xà cừ, giọng vang như vịt và không được có sẹo ở bất kỳ đâu trên cơ thể... sẽ trở thành Kumari. Shakya, dòng họ cao quý nhất trong cộng đồng người Newar, từng là một thị tộc Ấn Độ cổ đại (1.000-200 năm TCN). Nhân vật lẫy lừng nhất của Shakya thì hầu không người nào trên thế giới là không biết: Đức Phật Thích Ca (Shakya Muni). Kumari sống biệt lập, quanh năm không được ra ngoài ngoại trừ các ngày lễ, và vì chân của Kumari không được phép chạm đất, nàng luôn phải được những người phụ cận bế và đặt lên kiệu. Quốc vương mỗi lần đến thỉnh Kumari đều được nàng ban cho một tika may mắn lên trán bằng tay trái - được coi như bàn tay tinh khiết (tika là chấm bột đỏ giống như người Ấn).

Tác giả được nữ thần chấm ban phước.
Tác giả được nữ thần chấm ban phước.

Cách đây hai hôm, trong lúc đang lang thang ở quảng trường Durbar Kathmandu, tôi đi lạc vào cung điện của Kumari (Kumari Che). Đó là một công trình cổ ba tầng lợp ngói, sơn trắng với hai bức tượng sư tử đá đứng chầu ở lối vào. Chỉ có người Hindu mới được lên dâng đồ cúng trực tiếp cho Kumari, còn thì khách lạ chỉ được phép đứng dưới sân, mà nếu thấy Kumari một lần trong đời cũng đã là may mắn lắm. Nhưng ô cửa sổ vẫn trống không, bên trong là một khoảng tối bí ẩn chứa đựng những câu chuyện li kỳ, thần thoại đã được truyền tụng hết năm này đến năm khác, qua bao thế kỷ. Kumari không xuất hiện. Chờ lâu quá, tôi mới hiến kế: “Giờ mình sẽ đồng thanh gọi Kumari thử xem sao.” Chúng tôi liền thực hiện ngay tức thì.

- Nào... Một... hai... ba... Namaste Kumariiiiiiii!... Một... hai... ba... Namaste Kumariiiiiiii!

Tất cả tám cái miệng đồng thanh, ngân nga, thánh thót. Chữ Kumari được kéo dài ra như mời mọc, năn nỉ và dụ khị. Tức thì có một người đàn ông ngó đầu ra, rồi hai phút sau, Kumari xuất hiện. Nữ thần sống mặc áo đỏ thêu chỉ vàng, đầu đội mũ lộng lẫy, mắt có viền kẻ đen kéo dài đến tận thái dương, môi tô son đỏ chót, trên trán vẽ con mắt thứ ba của Taleju. Kumari mặt buồn rười rượi đứng trên cửa sổ cung điện, tung đám hoa vàng li ti xuống sân để ban phước. Tôi đứng lặng trên bậc thềm, ngắm nhìn khoảnh khắc có một không hai.

2. Kumari mà tôi nhìn thấy trên ô cửa sổ gỗ đen là Trishna Shakya, mới có năm tuổi. Cô bé đã rời khỏi bố mẹ cùng hai anh sinh đôi để vào sống trong Kumari Che khi mới ba tuổi. Lúc ấy tôi đã nghĩ, một đứa trẻ bị tách khỏi bố mẹ để vào sống trong cung điện âm u với những người nuôi dưỡng xa lạ khi còn chưa nhận thức được điều gì đáng kể, lại chẳng được chạy ra ngoài chơi đùa và đi học như những trẻ em bình thường, thì buồn thế kia là phải. Sau này tôi mới biết các Kumari không được phép cười hay khóc khi xuất hiện trước công chúng, vì như thế sẽ mất đi cả thần thái thiêng liêng. Nên dù có cảm xúc đến mấy Kumari cũng vẫn phải nhịn. Kumari hiếm khi khóc nên chừng nào một Kumari rơi lệ thì tất là triều đình có biến.

Chính vì thế, trong quá trình tuyển chọn các Kumari, trên thực tế người ta ít khi để ý đến 32 dấu hiệu thần thánh mà chủ yếu căn cứ vào các hành vi của đứa trẻ. Một bé gái ưa nhường nhịn, hào phóng, điềm tĩnh, ra dáng người lớn và ít khóc cười lung tung kiểu trẻ con sẽ luôn được ưu tiên lựa chọn. Khi một Kumari chuẩn bị đến tuổi dậy thì và xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên (dấu hiệu cho biết Kumari đã trưởng thành và không còn trong sạch để làm nữ thần nữa), người ta sẽ phải bắt đầu tuyển chọn Kumari mới.

Nhưng đó là ở Kathmandu, còn bây giờ tôi sẽ được ngồi trước mặt một Kumari bằng xương bằng thịt, thay vì chỉ ngước nhìn nữ thần từ trên cao. Kathmandu, Bhaktapur và Patan, mỗi thành phố đều sở hữu một Kumari. Tôi đi qua một hành lang ngắn và rộng có kê chiếc salon cũ, bên trên là những tấm ảnh gia đình được dán chằng chịt để che đi bức tường hồng đang tróc lở. Có thể đây là phòng khách của gia đình. Tôi bỏ dép rồi leo lên chiếc cầu thang xế bên nhà vệ sinh. Ở đầu cầu thang, một phụ nữ thấp bé và béo tròn có khuôn mặt phúc hậu đang bế một đứa trẻ độ hai tuổi. Cô yêu cầu chúng tôi rửa tay trong chiếc chậu nhôm nhỏ xíu theo đúng tục lệ trước khi bước vào phòng Kumari. Mới đầu tôi đinh ninh cô là người phục vụ cho nữ thần, sau mới biết đấy chính là mẹ của Kumari.

Và tôi đã diện kiến với nữ thần sống của Patan, hiện thân của nữ thần Taleju, để rồi chết lặng vì sốc. Nữ thần đây ư, người bảo hộ cho sự thịnh vượng của vương quốc, là vị thần sức khỏe của trẻ em, người được toàn thể thần dân kính trọng, trong đó có cả tổng thống, người mà mỗi lần các bà mẹ Hindu dâng vật phẩm để xin phù trợ cho con cái họ đều phải chạm tay và trán vào chân nữ thần; người mà mỗi lần rửa chân trong lễ Indra Jatra thì nước rửa chân ấy sẽ được rắc lên những người xung quanh lấy may... giờ đang đứng trước mặt tôi, trong một căn phòng tối tăm và tồi tàn như dành cho các nô lệ thời trung cổ. Chúng tôi chết sững và không biết làm gì thêm nữa.

Lối vào nơi ở của nữ thần.
Lối vào nơi ở của nữ thần.

3. Nữ thần Kumari, mà tên thật là Nihira Bajracharya, là một cô bé mới 6 tuổi. “Biệt điện” của Kumari là một căn phòng lát gạch đỏ cũ kỹ bám đầy bụi đất, tường cũng bằng gạch đỏ, ở giữa trải thêm tấm thảm dạ đỏ đã sờn và bẩn. Cuối phòng là một tấm bạt đỏ rách góc, đóng vai trò như một tấm phông, ở đó, Kumari đang ngồi trên chiếc “ngai vàng” rách rưới như một thứ đồ chơi nhặt được rồi chắp vá lại của Cô-dét trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”. “Ngai” làm bằng gỗ mộc, tấm đệm nỉ màu tía có nhẽ không được làm vệ sinh bao giờ. Trên nóc ghế tựa là một hình vương miện bằng thiếc méo mó với chiếc khăn lụa lấm lem bột màu tika thắt vào lưng ghế.

Kumari mặc bộ áo dài màu đỏ lụng thụng có hoa văn ánh vàng, tóc búi sơ sài đằng sau rồi thắt bông hoa lụa đỏ rẻ tiền. Khuôn mặt em không được trang điểm kỹ lưỡng như Kumari Kathmandu, nơi có hẳn một đội chăm sóc, mà để mộc, vết bột màu tika lấm lem đỏ choét trên trán như trẻ con nghịch bẩn. Phía trước ngai là lỉnh kỉnh những khay nhôm cho khách đặt đồ lễ, một bát bột màu nhoe nhoét để Kumari chấm tika cho khách, các giá nến, hương, rồi lụn vụn trăm thứ bà rằn không tên. Chỉ biết rằng để hoàn tất cho bức tranh luộm thuộm của biệt điện thì trong góc phòng xế bên ngai có một chiếc hòm sắt phủ đầy bụi như thể nó đã bị bỏ quên ở đó cả thế kỷ, trên nóc hòm lam nham vài tấm giẻ, cả ô cửa sổ trổ các lỗ gạch vuông li ti cũng có mấy xô bột màu bẩn thỉu (có nhẽ là bột tika), chiếc ấm nhôm, một vỏ hộp bánh cũ và chiếc rổ nhựa.

Theo phong tục thì mọi sở hữu của nữ thần, từ quần áo, khăn đội đầu cho đến đồ đạc đều phải màu đỏ, nhưng ở đây rặt một màu đỏ cũ kỹ, rách rưới, bẩn thỉu, tối tăm và u ám. Kumari của Patan ngồi buồn thảm giữa khung cảnh tranh tối tranh sáng ấy, khuôn mặt khổ sở vì phải tiếp khách.

Chúng tôi không biết làm gì thêm, đành ngồi trên mấy tấm cói cáu bẩn dành làm nệm cho khách. Ai nấy đều rơm rớm nước mắt. Tất cả chúng tôi đều có con gái, và chứng kiến một đứa trẻ sống trong điều kiện tồi tàn này giữa thế kỷ 21, giữa thủ đô, chưa kể đó lại là một nữ thần sống, thì không rơi nước mắt sao được. Tôi ngồi lại gần Kumari để chụp ảnh, nữ thần theo thói quen liền chấm một nhúm bột rồi ấn lên trán tôi. Sau khi rải một lượt tika cho năm khách nước ngoài thì Kumari, hay còn gọi là Nihira liền biến mất sang buồng bên cạnh, để mặc mẹ và em trai đang bò lê dưới nền đất tiếp khách.

4. Mohini Bajracharya, bà mẹ trẻ của Kumari mới 34 tuổi nhưng đã một nách ba con. Cô bé Nitisza, chị gái của Kumari giờ này đang đi học lớp sáu ở trường. Trước đây Mohini là giáo viên mầm non nhưng sau khi con gái được tuyển chọn làm Kumari, cô đã nghỉ hẳn ở nhà để phục vụ con và đón khách khứa đến lễ. Các Kumari đều được chính phủ và hội đồng thành phố trợ cấp một khoản hàng tháng cho đến năm 22 tuổi, dù không còn đóng vai trò nữ thần sống nữa. Tuy nhiên, khoản cố định này cũng tùy vào từng chính quyền sở tại, như Kumari ở Bhaktapur luôn nhận được khoản trợ cấp thấp hơn Kumari ở Patan và Kathmandu, là hai thành phố lớn hơn.

Mohini cho biết con gái cô mỗi tháng nhận được hơn 1 vạn rupi từ chính phủ, tương đương 2 triệu tiền Việt. Nhưng lương tháng mà Mohini kiếm được hồi đi làm thậm chí còn ít hơn thế, chỉ 800 rupi, nên với khoản trợ cấp này, cộng thêm đồ lễ của khách cũng đủ để gia đình cô tùng tiệm sinh hoạt.

Khách đến lễ chủ yếu là dân địa phương, họ thường mang theo những món đồ mà các Kumari ưa thích như chocolate và đồ chơi, ngoài ra họ cũng đặt tiền cúng như cách người Việt lên đền. Tôi cũng để lại 1.000 rupi cho Mohini để góp vào tiền nuôi con, sau khi biết anh chồng Niraj 39 tuổi của cô là thợ mộc, chuyên đi đẽo gọt tượng thuê nhưng công việc mùa vụ thất thường, nếu kiếm tốt cũng chỉ hơn trăm đô la mỗi tháng. Dù không khá giả gì nhưng Mohini là một phụ nữ rất tự trọng. Cô chỉ trả lời các câu hỏi một cách chân thật chứ không bày tỏ sự nghèo khó hay gợi ý cho khách đặt lễ.

Các Kumari đều phải học tại gia. Hàng ngày, thầy giáo sẽ đến dạy học cho Kumari Nihira lúc 14h30 - 15h45, từ chủ nhật đến thứ năm. Đó cũng là khoảng thời gian mà nhà Kumari sẽ đóng cửa không tiếp khách, với biển báo treo sẵn ngoài cửa. Trước đây các Kumari không được học tại nhà, hoặc nếu có thì chỉ làm vài phép tính nhân đơn giản và thuộc bảng chữ cái. Chính vì vậy, sau khi “về hưu”, các cựu Kumari sẽ phải đi học cùng các em lớp 1 dù họ đã 12, 13 tuổi. Điều này cộng với sự khó hòa nhập ở cuộc sống đời thường khiến hầu hết Kumari chán nản mà không đến trường nữa, chịu cảnh thất học suốt đời. Thêm nữa số phụ nữ không biết chữ ở Nepal cũng tương đối nhiều nên Kumari có nghỉ học cũng chả sao. Trong lịch sử Kumari, số người tốt nghiệp trung học đếm trên đầu ngón tay, trong đó chỉ vài người như Rashmila Shakya - Kumari hoàng gia nhiệm kỳ 1984-1991 có bằng cử nhân công nghệ thông tin, Chanira Bajracharya - Kumari Patan nhiệm kỳ 2000-2010 cử nhân quản trị kinh doanh... Còn lại, những Kumari thành đạt nhất cũng chỉ làm đến y tá hoặc mở tiệm thuốc tây.

5. Trong thời gian làm nữ thần, các Kumari không được sống cuộc sống của trẻ em bình thường, không được đến trường, không được ra ngoài chơi, bạn bè đến nhà chỉ là mấy anh chị em trong họ. Kumari Kathmandu còn đối diện với tình trạng khó khăn hơn là sống tách rời cha mẹ từ nhỏ, đến nỗi tất cả các Kumari hoàng gia đều đinh ninh gia đình nuôi dưỡng trong cung điện là cha mẹ của mình. Cha mẹ Kumari được đến thăm con hàng tuần nhưng không được phép gọi con, không được ôm con mà phải xưng cung kính là Dyah Meiju và chỉ được chạm vào chân nữ thần. Nữ thần cũng không được phép gọi họ là cha mẹ, mà nếu lâu không gặp, lâu không được âu yếm, gắn kết thì danh xưng ấy cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Cuộc sống trong cung điện muốn gì được nấy (bởi ai cũng sợ làm phật lòng nữ thần), quanh quẩn với các nghi thức cầu kỳ của những lễ hội có tuổi đời cả ngàn năm, không tiếp xúc với ai ngoài mấy người coi sóc, thảng hoặc có được ra ngoài (vào mùa lễ) thì cũng chỉ ngồi trên kiệu cao mà nhìn xuống chúng sinh, nên Kumari thiếu kiến thức và kỹ năng trầm trọng. Khi trở về với thế giới đời thường, tất cả các Kumari đều trải qua một giai đoạn khủng hoảng với nhận thức rằng: Thế giới con người quá độc ác. Điều gì cũng trở nên đáng ngạc nhiên với Kumari và ngay cả những hoạt động đơn giản nhất như đi và chạy đều gây ra sự khó khăn. Các Kumari không biết chạy, không biết leo cầu thang, không biết đi giày, không biết giao tiếp chào hỏi, không biết mặc quần áo thường ngày, không biết đường và không biết sang đường, đi lại ngoài phố luôn sợ ngã.

Kumari sẽ kinh ngạc khi lần đầu tiên nhìn thấy ô tô chạy trên phố hoặc sẽ say xe chết giấc khi phải đi xe buýt. Kumari cũng hoàn toàn xa lạ với tiền bạc và việc bán mua, không quen với kỷ luật và sự đúng giờ, cuối cùng sẽ sốc nặng khi bị cha mẹ, thầy cô, anh chị hay bạn bè mắng mỏ hoặc chế giễu, điều không ai dám làm thế với một nữ thần khi còn đương nhiệm. Kết quả là các Kumari giống hệt Thần đèn bị nhốt dưới đáy biển mấy ngàn năm giờ được tự do ở thế giới hiện đại trong câu chuyện hài hước “Ông già Khốt-ta-bít” của nhà văn Nga Lazar Lagin.

Thêm vào đó, theo truyền thống của thị tộc Shakya và Bajracharya, các Kumari sau khi trở về với gia đình vẫn phải được mọi người đối xử kính trọng như nữ thần, vẫn được cha mẹ gọi là

Dyah Meiju, vẫn được phục vụ bữa ăn riêng và không phải đụng chân đụng tay làm bất cứ việc gì cả.

Các Kumari hoàng gia còn khó thích nghi hơn nữa vì khi kết thúc nhiệm kỳ, phải sống giữa những người “xa lạ” là cha mẹ và các anh chị em của mình, họ hoàn toàn không biết nên hành xử thế nào. Tất cả các Kumari đều cho biết thời gian đầu họ nhớ cung điện và những người coi sóc đến phát khóc, chỉ mong được quay trở về chốn thanh tịnh ấy, thuở họ còn được làm nữ thần, được ăn mặc trang điểm rực rỡ, được là trung tâm của sự chú ý và kính nể. Có cô gái nhỏ nào lại không thích mặc đẹp và được cả đám đông ngưỡng mộ đâu. Cá biệt có một Kumari vĩnh viễn không bao giờ hòa nhập được với đời thường là Dhana Bajracharya.

Cuộc sống bên trong “cung điện“.
Cuộc sống bên trong “cung điện“.
Cuộc sống bên trong “cung điện“.

6. Thời gian sau này, nhiều nhà hoạt động xã hội đã lên tiếng đòi hủy bỏ phong tục này, vì nó đã cướp đi tuổi thơ của các bé gái. Mặc dù rất nhiều cựu Kumari từng từ chối việc con gái mình được lựa chọn làm nữ thần sống vì thấu hiểu nỗi khó khăn để hòa nhập sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nhưng tất cả đều khẳng định rằng họ đã rất hạnh phúc với quãng thời gian làm nữ thần và đa phần các bậc cha mẹ đều tự hào khi con gái mình được lựa chọn, mà Mohini và Niraj là một ví dụ.

Cô bé Nihira dù gì vẫn chỉ là một đứa trẻ 6 tuổi. Trên vách cửa bằng gỗ dán chi chít những hình vẽ giản đơn của em: Dấu bàn tay, con cá cách điệu, con mắt thứ ba - biểu tượng quyền lực trên trán nữ thần. Sau tấm vách ấy là phòng ngủ của gia đình em, cũng lại là sự choáng sốc thứ hai.

Căn phòng có ô cửa sổ trông ra sân trong để Kumari ngó đầu xuống. Khi ngước lên, chúng tôi những tưởng đằng sau ấy là một biệt điện lộng lẫy, nhưng đó chỉ là không gian chục mét vuông với hai chiếc giường mét tư cho cả gia đình năm người. Bức tường hồng đầy vết ố.

Một tấm dạ xanh lá cây rẻ tiền bẩn thỉu trải giữa phòng cũng không che được nền đất gạch bụi bặm. Trên giường là đống hổ lốn chăn gối và quần áo chưa giặt. Dưới sàn nhà, trên bậu cửa sổ rải rác các vật dụng không tên, túi nilon, giấy lộn, vỏ hộp bánh, chổi quét, chai lọ, sách vở...

Giữa đám lộn xộn ấy, cậu em trai Morgen của Kumari đã ngủ ngon lành trong góc giường, còn cô chị gái thì chạy loăng quăng, không chịu ngồi yên lấy một phút.

Tôi chào bà mẹ trẻ Mohini, vẫy tay chào nữ thần Kumari khi cô bé vẫn còn đu đưa trên cửa sổ và nhìn vào khoảng không bằng ánh mắt bất định. Tôi đi xuống bằng lối cầu thang hẹp, bước qua bộ salon cũ kỹ với những bức ảnh Kumari chụp trong lễ nhậm chức và lúc ngồi dăng hàng cùng năm em bé khác trên mấy chiếc ghế nhựa đỏ chờ người tuyển chọn. Tôi lại đứng giữa khoảnh sân tràn ngập ánh sáng. Kumari vẫn đứng trên cửa sổ nhìn xuống những người khách lạ.

Em chưa cô đơn bằng nàng Kumari tôi đã nhìn thấy ở Kathmandu bởi em vẫn còn được sống cùng cha mẹ. Nhưng tội nghiệp biết bao, không chỉ riêng em mới phải sống trong những căn nhà lụp xụp dường ấy, mà biết bao bé gái, và cả các nữ thần nữa cũng đang lớn lên trong điều kiện tồi tàn ngay giữa trung tâm thành phố lớn.

Tôi thương Nepal, thương cả các nữ thần.

Ghi chép của Di Li
TIN LIÊN QUAN

Giải nghĩa các tinh quỷ trong truyền thuyết Cổ Loa thành

Bài và ảnh Minh Thi |

Người Việt ai cũng biết Truyện Rùa vàng kể việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thành cứ xây xong lại đổ. Vua lập đàn cầu khấn thì được một Lão ông đến chỉ cách đón thần Kim Quy về giúp đỡ, trừ diệt con Gà trắng tu luyện ngàn năm thành tinh, đã tụ tập yêu quỷ trong núi phá thành. Truyện về Tinh gà và Quỷ núi ở Cổ Loa là một trong những câu chuyện thần bí đáng sợ nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt. Nhưng liệu đằng sau truyền thuyết này ẩn chứa sự thực nào trong lịch sử xa xưa của người Việt?

“Tứ Bất Tử” gợi mở một cách làm mới dòng phim truyền thuyết Việt

Đạo diễn Đỗ Khánh Toàn |

Xem bộ phim tài liệu 4 tập “Văn hóa biểu tượng người Việt xưa trong Tứ Bất Tử” về Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Mẫu Liễu Hạnh, Tiên Dung - Chử Đồng Tử của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương vừa ra mắt, thấy thật thú vị và đáng suy ngẫm.

Truyền thuyết Thủ lĩnh đội quân giáp mây La Ha

Ghi chép của Trịnh Thông Thiện |

Tộc người La Ha với danh xưng là một trong 54 dân tộc Việt Nam, nhưng có lịch sự sinh tồn và phát triển bí ẩn bậc nhất Tây Bắc. Từ những thông tin mơ hồ được ghi trong chuyện kể của tộc người Thái, chúng tôi đã có nhiều chuyến hành trình về hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, lần theo dấu vết địa danh của vị thủ lĩnh Ăm Poi chỉ huy đội quân giáp mây người La Ha huyền thoại; gom nhặt những chuyện kể còn tồn tại đến ngày nay và kiến giải một số bí ẩn về tộc người được ghi trong huyền sử là cư dân bản địa đầu tiên của vùng Tây Bắc.

Đưa truyền thuyết vào xây dựng sân chơi văn hoá

Mai Sự - Dương Hương |

Không chỉ đơn thuần là nơi vui chơi cho trẻ em, sân chơi Nỏ thần nằm trong dự án “Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam” do Hội đồng Anh và Liên minh Châu Âu đồng tài trợ, phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện mong muốn mang lại những giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa...

Xứ Nghệ - hiện thực trong truyền thuyết

GIAO HƯỞNG |

Lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã ghi danh các văn thần, võ tướng, anh hùng, nhà văn hóa xứ Nghệ. Mảnh đất miền Trung nắng gió còn lưu giữ dày đặc các di tích, danh thắng gắn với những mốc lịch sử oanh liệt, những con người xứ Nghệ kiệt xuất.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Giải nghĩa các tinh quỷ trong truyền thuyết Cổ Loa thành

Bài và ảnh Minh Thi |

Người Việt ai cũng biết Truyện Rùa vàng kể việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thành cứ xây xong lại đổ. Vua lập đàn cầu khấn thì được một Lão ông đến chỉ cách đón thần Kim Quy về giúp đỡ, trừ diệt con Gà trắng tu luyện ngàn năm thành tinh, đã tụ tập yêu quỷ trong núi phá thành. Truyện về Tinh gà và Quỷ núi ở Cổ Loa là một trong những câu chuyện thần bí đáng sợ nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt. Nhưng liệu đằng sau truyền thuyết này ẩn chứa sự thực nào trong lịch sử xa xưa của người Việt?

“Tứ Bất Tử” gợi mở một cách làm mới dòng phim truyền thuyết Việt

Đạo diễn Đỗ Khánh Toàn |

Xem bộ phim tài liệu 4 tập “Văn hóa biểu tượng người Việt xưa trong Tứ Bất Tử” về Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Mẫu Liễu Hạnh, Tiên Dung - Chử Đồng Tử của Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương vừa ra mắt, thấy thật thú vị và đáng suy ngẫm.

Truyền thuyết Thủ lĩnh đội quân giáp mây La Ha

Ghi chép của Trịnh Thông Thiện |

Tộc người La Ha với danh xưng là một trong 54 dân tộc Việt Nam, nhưng có lịch sự sinh tồn và phát triển bí ẩn bậc nhất Tây Bắc. Từ những thông tin mơ hồ được ghi trong chuyện kể của tộc người Thái, chúng tôi đã có nhiều chuyến hành trình về hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, lần theo dấu vết địa danh của vị thủ lĩnh Ăm Poi chỉ huy đội quân giáp mây người La Ha huyền thoại; gom nhặt những chuyện kể còn tồn tại đến ngày nay và kiến giải một số bí ẩn về tộc người được ghi trong huyền sử là cư dân bản địa đầu tiên của vùng Tây Bắc.

Đưa truyền thuyết vào xây dựng sân chơi văn hoá

Mai Sự - Dương Hương |

Không chỉ đơn thuần là nơi vui chơi cho trẻ em, sân chơi Nỏ thần nằm trong dự án “Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam” do Hội đồng Anh và Liên minh Châu Âu đồng tài trợ, phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện mong muốn mang lại những giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa...

Xứ Nghệ - hiện thực trong truyền thuyết

GIAO HƯỞNG |

Lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã ghi danh các văn thần, võ tướng, anh hùng, nhà văn hóa xứ Nghệ. Mảnh đất miền Trung nắng gió còn lưu giữ dày đặc các di tích, danh thắng gắn với những mốc lịch sử oanh liệt, những con người xứ Nghệ kiệt xuất.