Kim hoàn xứ Huế - hơn 200 năm rực rỡ vàng mười

Bài và ảnh Thái Hoàng |

Sử cũ kể rằng, nghề kim hoàn xứ Huế ra đời vào cuối thế kỷ 18, do các nghệ nhân từ Thanh Hóa di cư vào truyền nghề. Trải qua hơn 200 năm thăng trầm cùng thế sự, nghề kim hoàn đất Cố đô có thời kỳ tưởng như mai một, may nhờ ơn tổ nghiệp và sự chăm chỉ gầy dựng của lớp lớp cháu con, nên nghề xưa không những được bảo tồn mà còn phát triển rộng khắp hơn so với trước.

Chuyện kỳ nhân xứ Thanh khai mở nghề xứ Huế

Cuối thế kỷ 18, các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong trong quá trình khai khẩn mở đất đã nắm giữ được nhiều mỏ vàng, đặc biệt là mỏ vàng Bồng Miêu ở tỉnh Quảng Nam, nhờ đó mà các đồ trang sức, ngự dụng trong phủ chúa đều làm bằng vàng. Ngặt một nỗi, thời ấy nghề kim hoàn ở nước ta còn kém, trong dân gian cũng chưa có thợ lành nghề nên các thứ ấy người phủ chúa đều phải thuê thợ kim hoàn người Trung Hoa chế tác. Họ thường giấu nghề độc quyền này rất kỹ nên người Việt khó bề học hỏi.

Nghệ nhân Nhân dân Duy Mong (phía sau), người giữ lửa nghề kim hoàn truyền thống Huế (ảnh chụp lúc chưa xảy ra dịch COVID-19).
Nghệ nhân Nhân dân Duy Mong (phía sau), người giữ lửa nghề kim hoàn truyền thống Huế (ảnh chụp lúc chưa xảy ra dịch COVID-19).

Thời ấy ở làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa có ông Cao Đình Độ sinh năm Giáp Thìn (1744), vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nhưng ham học và được học hành đến nơi đến chốn, lớn lên ông làm nghề bịt đồng, tức chuyên hàn khay, ấm chén bị vỡ. Với ham muốn học nghề kim hoàn nên ông quyết chí học tiếng Hoa, rồi cải trang thành người Hoa xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Với bản tính thông minh, chịu thương chịu khó và trung thực nên ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của chủ tiệm, từ đó lén học được những ngón nghề của họ. Dần dà ông học thành tài, tay nghề trở nên điêu luyện không thua kém bất cứ ai.

Đồ nghề của thợ kim hoàn xưa trưng bày tại Tịnh Tâm kim cổ.
Đồ nghề của thợ kim hoàn xưa trưng bày tại Tịnh Tâm kim cổ.

Năm Quý Mão (1783), quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân, Cao Đình Độ đưa vợ con men theo đường biển tìm đường vào Nam kiếm nơi lập nghiệp. Trên đường đi, đến địa phận làng Kế Môn nằm bên phá Tam Giang (nay thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) không may gặp nạn và được dân làng cứu giúp. Cảm công đức của dân làng, gia đình ông quyết định dừng chân lập nghiệp ở đây. Tại đây, ông đã truyền nghề cho con trai mình là Cao Đình Hương và một số học trò là người thuộc hai họ Huynh Công và Trần Mạnh ở trong làng. Về sau, hai họ Huynh, Trần tiếp tục truyền nghề lại cho con cháu, từ đó biến làng Kế Môn trở thành làng thợ kim hoàn lớn vào bậc nhất ở xứ Đàng Trong.

Một góc không gian trưng bày của Tịnh Tâm kim cổ Huế.
Một góc không gian trưng bày của Tịnh Tâm kim cổ Huế.

Dưới thời nhà Tây Sơn, vua Quang Trung cũng là người quan tâm đến nền thủ công nghiệp nước nhà. Năm 1790, nghe danh cha con Cao Đình Độ và những người thợ làng Kế Môn, vua cho triệu vào triều rồi giao cho lập đội Cơ vệ Ngân tượng để chuyên lo việc chế tác, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức, ngự dụng cung đình. Trước công đức và những đóng góp lớn lao đó, ông Cao Đình Độ được triều đình phong chức Lãnh binh, còn con ông là Cao Đình Hương giữ chức phó Lãnh binh.

Đến khi Nguyễn Ánh chiếm lại đất Thuận Hóa - Phú Xuân, lập nên vương triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề kim hoàn trong kinh thành. Từ đây, nghề kim hoàn xứ Huế, đặc biệt là kim hoàn cung đình bắt đầu có bước phát triển rực rỡ, nhiều sản phẩm tinh xảo nổi tiếng xuất hiện như: Ấn vàng, kiếm vàng, sách vàng, cành vàng lá ngọc, đồ ngự dụng bằng vàng, bạc...

Vào ngày 27 tháng 2 năm Canh Ngọ (28.2.1810), ông Cao Đình Độ qua đời, hưởng thọ 66 tuổi, được nhà vua và triều đình truy phong tước hiệu: “Đệ nhất tổ sư” và ban đất xây lăng mộ như các quan đại thần tại ấp Trường Cởi (nay là phường Trường An, thành phố Huế).

Lo sợ nghề nghiệp sẽ bị mai một theo thời gian nếu chỉ quẩn quanh trong chốn cung đình nên ông Cao Đình Hương quyết định từ quan về quê để tìm người nối nghiệp. Thấy được cái tài và hoài bão của ông, quan Thượng thư Bộ Lại ở Thuận Hóa lúc bấy giờ là Trần Minh đã mời ông về phủ dạy nghề cho 3 người con là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền và 3 người cháu là Huynh Quang, Huynh Bảo, Huynh Nhật.

Ngày 7 tháng 2 Âm lịch (8.2.1821), ông Cao Đình Hương qua đời, hưởng thọ 48 tuổi, được vua Minh Mạng phong tước hiệu: “Đệ nhị tổ sư”, phần mộ được an táng bên cạnh mộ phần tổ phụ tại ấp Trường Cởi.

Gần 100 năm sau khi hai ngài qua đời, đến triều Khải Định thứ 9 (năm 1924), nhân dịp lễ Tứ tuần Đại khánh tiết, xét hai ngài có nhiều công lao trong việc truyền bá nghề kim hoàn nên vua Khải Định đã ban chiếu sắc phong: “Dực bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần” vào ngày 25.7.1924. Đến đời vua Bảo Đại thứ 13 (năm 1938), hai ông tiếp tục được sắc phong cho người có công khai sáng ngành kim hoàn Việt Nam và khu lăng mộ được kiến tạo, trùng tu đạt giá trị nghệ thuật cao. Hiện nay, tại từ đường họ Kim hoàn tọa lạc số 7 chùa Ông, phường Phú Cát, thành phố Huế còn lưu giữ một số bản sắc phong của các vua triều Nguyễn cho hai vị tổ nghề.

Nghệ nhân Duy Mong - người phát huy nghiệp tổ

Ngày nay, đến thăm lăng nghệ nhân Cao Đình Độ, người ta vẫn còn thấy đôi câu đối bằng chữ Hán tán thán công đức của ông: “Kim hoàn triệu thỉ tam kỳ tổ; Ngọc bảo khai tiên thiên cổ sư” (Tạm dịch: Sáng lập nghề kim hoàn, làm tổ sư ba miền; Ngọc quý mở đầu, ngàn đời làm thầy). Năm 1990, hệ thống khu lăng mộ tổ nghề kim hoàn ở Huế đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Sản phẩm cây vàng lá ngọc của nghệ nhân Duy Mong.
Sản phẩm cây vàng lá ngọc của nghệ nhân Duy Mong.

Riêng làng Kế Môn nay được xem như cái nôi của nghề kim hoàn xứ Huế. Hơn 200 trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi mang theo nghiệp tổ truyền bá khắp nơi trong và ngoài nước. Hiện ở tiểu bang Texas của Mỹ có 40 cơ sở cầm vàng của người Kế Môn.

Ngay tại Huế bây giờ, nghề kim hoàn cũng phát triển rất mạnh. Đặc biệt, Nghệ nhân Nhân dân Trần Duy Mong, ông chủ nổi tiếng của chuỗi hệ thống 6 cơ sở chế tác, kinh doanh vàng bạc, đá quý của doanh nghiệp kim hoàn Thuận Thành - Duy Mong ở Huế được xem là bàn tay vàng, là người giữ lửa cho nghề kim hoàn xứ Huế hiện hay.

Sự tinh xảo của đôi hài nhung thêu chỉ bạc.
Sự tinh xảo của đôi hài nhung thêu chỉ bạc.

Nghệ nhân Trần Duy Mong là hậu duệ của dòng họ Trần Duy làng Kế Môn, theo nghề kim hoàn từ năm lên 15 tuổi, đến nay đã gần 50 năm theo nghiệp tổ. Suốt mấy chục năm theo nghề, tuy đã là tay lão luyện trong nghề nhưng ông vẫn không ngừng học tập, rèn giũa nâng cao tay nghề, nhờ đó mà ông liên tục giành nhiều giải thưởng lớn tại các kì thi uy tín, điển hình như tác phẩm: “Quạt cung đình Huế” (Giải Ba Hội thi sản phẩm lưu niệm và quà tặng năm 2008), “Hài cung đình Huế xưa” (Giải Ba Hội thi sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2009), “Tranh hộp 3D Lầu Ngũ Phụng - Đại Nội Huế” (Giải Nhất cuộc thi sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng Huế 2017), và nhiều giải thưởng tại các kì Festival nghề truyền thống Huế...

Chén ngọc khảm vàng.
Chén ngọc khảm vàng.

Nghệ nhân Trần Duy Mong cho biết, trong bối cảnh ngành công nghệ chế tác trang sức phát triển mạnh như hiện nay, nghề kim hoàn truyền thống phải chịu một sức ép không hề nhỏ, nhưng ông tin rằng với vẻ đẹp và sự độc đáo riêng có, kim hoàn truyền thống vẫn sẽ có chỗ đứng riêng, nếu ta biết phát huy thế mạnh của nó.

Với nỗi lòng đau đáu với nghề, nghệ nhân Trần Duy Mong đã phát triển thành công chuỗi cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý của mình, góp phần tạo cơ hội công ăn việc làm cho người dân, đào tạo nghề cho lớp thợ kế cận. Đặc biệt, ông đã dày công xây dựng cơ sở Tịnh Tâm kim cổ thành điểm đến tham quan, du lịch, mua bán, chế tác kim hoàn lớn và độc đáo nhất ở miền Trung.

Sản phẩm kim hoàn xứ Huế nổi tiếng cả nước nhờ chất lượng đảm bảo, nguyên liệu hoàn hảo, không bị pha tạp; sản phẩm tinh xảo, cầu kì trong từng đường nét thiết kế, đặc biệt là luôn mang dáng dấp sang trọng, quý phái nhờ thừa hưởng phong cách chế tác kim hoàn cung đình Huế.

Đến với Tịnh Tâm kim cổ du khách sẽ được chiêm ngưỡng một kiệt tác không gian nhà vườn truyền thống Huế với những ngôi nhà rường mái ngói cột gỗ cổ kính và những khoảnh vườn mát rượi bóng cây xanh. Trong không gian đậm màu hoài cổ ấy là cả một thế giới đồ kim hoàn lung linh, huyền ảo. Ở đó có hàng nghìn mẫu hàng trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, và nhiều mẫu hàng lưu niệm được chế tác tinh xảo bằng vàng, bạc, đồng...

Kiềng bạc khảm ngọc.
Kiềng bạc khảm ngọc.

Đáng chú ý, ở đây còn có một bảo tàng thu nhỏ về nghề kim hoàn xứ Huế. Ở đó gia chủ bài trí khá nhiều hiện vật quý và có giá trị như các bản sao sắc phong của vua nhà Nguyễn dành cho nghề kim hoàn Huế; các dụng cụ cổ dùng chế tác kim hoàn như búa, kìm, kẹp, dùi, giũa, khuôn, đèn khò, cân tiểu li... Không gian chế tác, nơi làm việc của thợ cũng được sắp đặt, bài trí mang hơi hướng cổ, khiến cho khách tham quan như cảm nhận được môi trường, không khí làm việc của thợ kim hoàn xưa.

Với Tịnh Tâm kim cổ, nghề kim hoàn xứ Huế như được sống lại với thời hoàng kim xưa. Bởi ở đó, đời sống kim hoàn truyền thống Huế được tái tạo, phục dựng và phô diễn một cách công phu, chân thực và sống động, đủ để cho những ai yêu Huế đến rồi sẽ chẳng thể nào quên...

Bài và ảnh Thái Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: “Mỗi tác phẩm sơn mài đều có những câu chuyện riêng…”

THANH HƯƠNG (thực hiện) |

Dành tình yêu sâu đậm với nghệ thuật sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tạo nhiều sản phẩm gắn liền hình tượng con trâu. Đây cũng là cách mà anh muốn giới thiệu và đưa văn hoá dân gian Việt Nam đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế.

Báu vật nhân văn sống, những đôi giầy và nghệ nhân tài hoa Trịnh Ngọc

Việt Văn |

Nghệ nhân đóng giày Trịnh Ngọc năm nay đã 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Nụ cười hiền từ, ánh mắt vẫn sáng và luôn ánh lên niềm vui khi ông kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình.

Gặp nghệ nhân dành 5 năm tái hiện đình làng hơn 300 năm tuổi bằng gỗ gụ

Trần Kiều |

Dốc hết lòng nhiệt huyết và cái tâm của người con "xứ mộc", một người đàn ông gần 70 tuổi đã dành ra 5 năm kỳ công lên ý tưởng rồi cho ra đời mô hình đình làng hơn 300 năm tuổi bằng chất liệu gỗ gụ quý hiếm, chỉ nặng vỏn vẹn 60 kg.

Nghệ nhân làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ

Việt Văn |

Có lẽ không ở đâu (kể cả ở nước ngoài) có một làng nghề độc đáo như làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), với bề dày truyền thống trên dưới 400 năm tuổi. Theo dân làng và sổ sách ghi thì tổ nghề là cụ Nguyễn Quý Trị từ đầu thế kỷ 17 đã làm nghề này và truyền lại. Đến nay có khoảng trên 50 hộ gia đình theo nghề này lâu đời và nhiều người được phong nghệ nhân.

Nghệ nhân Ánh Tuyết gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng chuẩn phong tục

Linh Chi |

Ngày Rằm tháng Giêng, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ để thắp hương tổ tiên và đây là tục lệ truyền thống từ xưa để lại.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: “Mỗi tác phẩm sơn mài đều có những câu chuyện riêng…”

THANH HƯƠNG (thực hiện) |

Dành tình yêu sâu đậm với nghệ thuật sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tạo nhiều sản phẩm gắn liền hình tượng con trâu. Đây cũng là cách mà anh muốn giới thiệu và đưa văn hoá dân gian Việt Nam đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế.

Báu vật nhân văn sống, những đôi giầy và nghệ nhân tài hoa Trịnh Ngọc

Việt Văn |

Nghệ nhân đóng giày Trịnh Ngọc năm nay đã 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Nụ cười hiền từ, ánh mắt vẫn sáng và luôn ánh lên niềm vui khi ông kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình.

Gặp nghệ nhân dành 5 năm tái hiện đình làng hơn 300 năm tuổi bằng gỗ gụ

Trần Kiều |

Dốc hết lòng nhiệt huyết và cái tâm của người con "xứ mộc", một người đàn ông gần 70 tuổi đã dành ra 5 năm kỳ công lên ý tưởng rồi cho ra đời mô hình đình làng hơn 300 năm tuổi bằng chất liệu gỗ gụ quý hiếm, chỉ nặng vỏn vẹn 60 kg.

Nghệ nhân làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ

Việt Văn |

Có lẽ không ở đâu (kể cả ở nước ngoài) có một làng nghề độc đáo như làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội), với bề dày truyền thống trên dưới 400 năm tuổi. Theo dân làng và sổ sách ghi thì tổ nghề là cụ Nguyễn Quý Trị từ đầu thế kỷ 17 đã làm nghề này và truyền lại. Đến nay có khoảng trên 50 hộ gia đình theo nghề này lâu đời và nhiều người được phong nghệ nhân.

Nghệ nhân Ánh Tuyết gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng chuẩn phong tục

Linh Chi |

Ngày Rằm tháng Giêng, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cỗ để thắp hương tổ tiên và đây là tục lệ truyền thống từ xưa để lại.